Nhằm kiểm soát bệnh dại trên từng địa bàn và thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Tây Ninh về phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030, TP Tây Ninh và các huyện sẽ lựa chọn 1 xã để thực hiện thí điểm mô hình quản lý chó, mèo và bắt chó thả rông.
Tại huyện Châu Thành, UBND thị trấn Châu Thành được chọn là nơi thực hiện thí điểm việc quản lý chó, mèo và bắt chó thả rông, sau đó nhân rộng ra các địa bàn khác. Dự kiến, sẽ có ít nhất 10 chuyến bắt chó thả rông được UBND thị trấn Châu Thành thực hiện.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành được giao nhiệm vụ phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để thực hiện, giám sát về chuyên môn. Kế hoạch đặt ra, đến năm 2025 phấn đấu có 70% xã, thị trấn tại Châu Thành quản lý được số hộ nuôi chó, mèo và bắt chó chạy rông, đến năm 2030 đạt từ 90% trở lên.
“Chúng tôi đang phối hợp tới từng cấp xã tuyên truyền với chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo. Đồng thời, các hộ nuôi chó mèo cũng phải cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình và phải rọ mõm, có người dắt đề phòng cắn người.
Nếu để chó, mèo thả rông cắn người, phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định. Chúng tôi sẽ từng bước áp dụng việc đánh dấu để nhận diện (đeo vòng cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vacxin dại”, ông Nguyễn Văn Chủng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh, trước đây việc kiểm soát chó mèo và tình trạng chó thả rông do đơn vị phụ trách. Tuy nhiên, theo kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 - 2030, UBND tỉnh sẽ đưa chỉ tiêu quản lý chó mèo và bắt chó thả rông, kiểm soát bệnh dại vào tiêu chí đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của UBND cấp xã.
Theo quy định mới, công tác quản lý này sẽ do Phòng NN-PTNT từng huyện đảm nhiệm. Tùy từng địa phương sẽ có những kế hoạch cụ thể nhằm phù hợp với tình hình vật nuôi trên địa bàn.
“Việc kiểm soát vật nuôi chó, mèo tại các gia đình và tình trạng chó thả rông được đưa về các UBND huyện, xã sẽ giúp công tác kiểm soát dịch bệnh được sát sao hơn. Về mặt chuyên môn, chúng tôi sẽ hỗ trợ các biện pháp nghiệp vụ và tư vấn dụng vụ, kĩ năng bắt chó thả rông. Còn về tiêm phòng dại cho vật nuôi, chúng tôi sẽ phân công cho các Trạm Chăn nuôi và Thú y tại mỗi huyện theo kế hoạch tổ chức”, bà Nguyễn Thị Hồng Loan chia sẻ.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh Tây Ninh có 2 ca tử vong do nhiễm bệnh dại sau khi bị chó cắn. Trong khi hiện nay có vacxin tiêm ngừa dại cho động vật lẫn con người.
Gần đây, nhờ tăng cường tuyên truyền, tình trạng chó, mèo thả rông tại địa bàn TP Tây Ninh giảm đáng kể. Cụ thể, không còn cảnh chó chạy rông, vật nuôi được dắt theo chủ nơi công cộng cũng được rọ mõm… Nhờ đó, thời gian qua, tình trạng chó, mèo cắn trên địa bàn thành phố cũng giảm đáng kể. Tại các vùng nông thôn, tình trạng này cũng giảm nhưng chưa đáng kể.
Trong năm nay, Tây Ninh sẽ triển khai thực hiện bắt chó thả rông với 90 chuyến trên các địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Mô hình bắt chó thả rông được Tây Ninh áp dụng dựa trên các mô hình của TP Hà Nội và TP.HCM đạt hiệu quả trong thời gian qua.