Nhận diện được khó khăn mới hành động được đúng
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, khoản 2 Điều 83 Luật Chăn nuôi quy định cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước ngày luật có hiệu lực thi hành thuộc khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường trong thời hạn 5 năm kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp.
Quy định này của pháp luật hoàn toàn đúng đắn vì song song với quá trình đô thị hóa chúng ta đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa, nếp sống văn minh… Tuy nhiên, việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi ngay từ ban đầu đã được xác định là một việc khó khăn, phức tạp đối với các địa phương, cho nên luật đã để độ trễ tới 5 năm.
Đây có thể đánh giá là một cuộc đại di dời trong chăn nuôi, có tầm quan trọng và tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của ngành chăn nuôi. Riêng tỉnh Đồng Nai đã có hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi phải di dời, nếu tính trên 63 tỉnh thành thì số lượng sẽ rất lớn. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương phải nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này thì mới có thể thực thi được.
Hiện tại, nhiều địa phương đang triển khai tốt, ban hành những chính sách rất cụ thể, nhưng cũng không ít địa phương vẫn loay hoay, kêu khó. Nếu nhìn nhận một cách thấu đáo sẽ thấy, sở dĩ các địa phương kêu khó vì ngay từ ban đầu đã nhận thức chưa đầy đủ về tính quan trọng của việc thực thi pháp luật nên sự vào cuộc chưa quyết liệt từ cả phía cơ quan quản lý và người dân.
Về mặt khách quan, luật được triển khai trong thời kỳ hoạt động chăn nuôi vô cùng khó khăn. Sự hoành hành của dịch tả lợn Châu Phi, tiếp sau đó là đại dịch Covid-19 đã gây ra cơn “bão” kép, bóp nghẹt nhiều cơ sở chăn nuôi. Bên cạnh đó, trước đây không có quy định về đất cho chăn nuôi (trong Luật Đất đai sửa đổi mới ban hành đã có quy định trong nhóm đất nông nghiệp có đất chăn nuôi tập trung).
Tuy nhiên, quy định đất cho chăn nuôi tập trung phải có điều kiện cụ thể, nếu chỉ nói chung chung thì các địa phương khó có thể tìm ra quỹ đất phù hợp. Cũng chính vì chưa tìm ra quỹ đất phù hợp nên một số địa phương không còn mặn mà với chăn nuôi.
Giữa một bên không thu được thuế từ chăn nuôi, khi có dịch bênh xảy ra phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tiêu tốn ngân sách hỗ trợ và một bên là các định hướng phát triển khác như công nghiệp, dịch vụ… vừa tạo nhiều công ăn việc làm vừa tăng nguồn thu ngân sách thì chắc chắn địa phương họ sẽ chọn hướng đi có lợi hơn. Vô hình chung những điều này lại có tác động không nhỏ tới ngành chăn nuôi.
Trong trường hợp có đất cũng không dễ dàng để các cơ sở chăn nuôi tập trung đi vào hoạt động. Luật Chăn nuôi, thú y đã quy định rất cụ thể điều kiện chăn nuôi như cơ sở có 300 đơn vị vật nuôi trở lên phải cách khu dân cư, trường học, bệnh viện 400-500m, nếu tính cả hai bên thì phải cần quỹ đất khoảng 1km lưu không.
Như vậy, chỉ khi địa phương nhận thức được các khó khăn đang phải đối diện thì mới có thể hành động hiệu quả. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc quy định của luật như thế, người chăn nuôi phải thực thi, trong khi hàng loạt các điều kiện không đáp ứng không thể tháo gỡ được.
Nghiêm trọng hơn, nếu không sớm tìm được tiếng nói chung từ cả 2 phía cơ quan quản lý nhà nước và người dân thì từ sau 1/1/2025, khi thực thi xử lý vi phạm hành chính thì chắc chắn sẽ xảy ra những xung đột.
Cần hiểu đúng và đầy đủ
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, những khó khăn đã được nhận diện. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tháo gỡ? Trước hết, phải thực thi thật nghiêm túc quy định của pháp luật. Các địa phương giai đoạn trước đã tuyên truyền người dân thực thi, bây giờ cần đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về ngày hết hạn, đưa ra những cảnh báo để mọi người nhận thấy đã tới lúc phải vào cuộc quyết liệt, cùng nhau hiến kế, tháo gỡ; tránh trường hợp không làm gì, đợi đến hạn lại xin hoãn.
Bên cạnh đó, giúp những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiểu thấu đáo vấn đề và đánh giá được bức tranh tổng thể hoạt động của mình (chăn nuôi nhỏ lẻ thì nguy cơ dịch bệnh, tìm kiếm thị trường, xử lý môi trường thế nào…) để quyết định xem có nên tiếp tục chăn nuôi hay nhân cơ hội này chuyển đổi ngành nghề khác sẽ có lợi hơn.
Đồng thời, các địa phương phải có thống kê cụ thể tình trạng các cơ sở chăn nuôi. Chỉ rõ cơ sở nào phải chuyển đi, cơ sở nào chưa thể chuyển đi, nguyên nhân là gì.
Sở dĩ phải làm chi tiết vì những cơ sở không đảm bảo các điều kiện chắc chắn phải chuyển đi, nhưng có những cơ sở thuộc diện phải chuyển đi nhưng đầu tư rất bài bản, hoạt động chăn nuôi chưa ảnh hưởng tới môi trường xung quanh thì có nên xem xét cho họ thêm thời gian nhất định để không gây thiệt hại về mặt kinh tế. Tuy nhiên, việc thống kê này phải làm làm thật nhanh, không để dây dưa ảnh hưởng tới những định hướng phát triển của tỉnh, huyện.
Phải làm thế nào để người dân hiểu, chia sẻ với cơ quan quản lý. Ngược lại, cơ quan quản lý phải quan tâm đúng mức để giúp các hộ tiếp tục chăn nuôi hoặc chuyển đổi ngành nghề thì mới có thể thực thi được pháp luật.
Đặc biệt, cả cơ quan quản lý và người dân phải hiểu đúng về khái niệm chăn nuôi tập trung. Tránh tình trạng hiểu chăn nuôi tập trung là hình thành một khu như khu công nghiệp, rồi đưa tất cả các hộ chăn nuôi vào, làm tăng khả năng tích tụ, lây lan dịch bệnh. Phải hiểu chăn nuôi tập trung là nâng quy mô chăn nuôi của một cơ sở từ nhỏ lẻ lên quy mô, chuyên nghiệp.
Thay vì cố gắng tìm diện tích đất phù hợp để làm khu chăn nuôi rồi cho thuê, thì có thể nghĩ đến phương án, hộ nào có quỹ đất nông nghiệp đảm bảo các yêu cầu thì tạo điều kiện cho họ chuyển đổi chăn nuôi. Những trang trại lớn không phải là nông dân có thể cho họ thuê đất ở những vùng cao hơn, xa hơn. Chúng ta tiến tới hình thành vùng phát triển chăn nuôi tập trung chứ không phải hình thành các khu chăn nuôi tập trung.
Về mặt hỗ trợ, chi phí đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, xử lý môi trường rất lớn, các địa phương nên bố trí ngân sách để hỗ trợ các hộ thuộc diện di dời. Đây không chỉ là vấn đề khuyến khích người dân thực thi đúng quy định pháp luật mà còn là vấn đề an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc hỗ trợ nên đi vào từng hạng mục cụ thể như hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng công trình xử lý môi trường… không nên hỗ trợ chung chung sẽ không hiệu quả.
Về hỗ trợ chuyển hướng nghề nghiệp, khó khăn lớn nhất là hầu hết các hộ đang chăn nuôi đã ở độ tuổi ngoài lao động, kinh nghiệm bản thân chỉ duy nhất là chăn nuôi. Thay vì chuyển đổi ngành nghề hoàn toàn mới cho họ thì có thể nghiên cứu phương án chuyển đổi nghề ngay trong khu vực chăn nuôi. Các hộ không trực tiếp chăn nuôi chuyển sang phát triển dịch vụ phục vụ chăn nuôi như tổ chức trồng cỏ, ngô sinh khối… cung cấp nguyên liệu làm thức ăn cho các trại quy mô, doanh nghiệp.