| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai trước cuộc đại di dời cơ sở chăn nuôi: [Bài 3] Hoàn thiện những mảnh ghép

Thứ Tư 07/08/2024 , 08:40 (GMT+7)

Đồng Nai sẽ không đặt nặng vào tổng đàn mà tập trung vào giải pháp nâng giá trị sản phẩm chăn nuôi, như công nghệ, giống, chế biến sâu và xuất khẩu.

Giết mổ tập trung công suất lớn và chế biến sâu là hướng đi ngành chăn nuôi Đồng Nai đẩy mạnh trong giai đoạn mới. Ảnh: Lê Bình.

Giết mổ tập trung công suất lớn và chế biến sâu là hướng đi ngành chăn nuôi Đồng Nai đẩy mạnh trong giai đoạn mới. Ảnh: Lê Bình.

Tập trung về giống và giết mổ hiện đại

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai chia sẻ: Quan điểm phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh đang có sự chuyển dịch rõ rệt, không còn chú trọng vào tổng đàn mà đi sâu vào công tác hậu cần, chế biến nhằm gia tăng giá trị.

Đây là những mảnh ghép còn thiếu và yếu của Đồng Nai trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi gánh nặng mật độ chăn nuôi không còn cao như trước đây đến lúc Đồng Nai phải nhìn nhận lại, đẩy mạnh xây dựng.

Hiện, không nhiều đơn vị chuyên về giống vật nuôi đang hoạt động tại Đồng Nai. Đây là nghịch lý với tiềm năng chăn nuôi bấy lâu nay của tỉnh. Do đó, theo ông Trần Lâm Sinh, Đồng Nai sẽ thu hút các đơn vị có nhiều kinh nghiệm về Đồng Nai đầu tư sản xuất giống cung cấp cho các trang trại trong và ngoài tỉnh.

Tuy Đồng Nai có mật độ chăn nuôi lớn nhất cả nước và là nơi cung cấp số lượng lợn, gà cho thị trường TP HCM nhưng hầu hết vật nuôi được cung cấp dưới dạng sống. Có nghĩa, Đồng Nai đang bỏ qua tiềm năng về giết mổ và chế biến sâu.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chỉ tính vật nuôi là lợn, mỗi ngày tỉnh cung cấp cho thị trường TP HCM khoảng 4.000 - 5.500 con. Hầu hết, số lợn này được vận chuyển sống về TP HCM hoặc Long An để giết mổ và tiêu thụ tại các chợ đầu mối.

“Việc chỉ bán sản phẩm sống khiến cho người chăn nuôi của Đồng Nai không được hưởng lợi. Bởi việc giết mổ phụ thuộc vào địa phương khác khiến chi phí khâu trung gian bị đẩy lên, người tiêu dùng phải sử dụng giá cao, người chăn nuôi bán giá thấp”, ông Công cho biết.

Đồng Nai cũng đang quyết liệt trong việc giải quyết vấn đề lò giết mổ lậu vốn còn nhiều nhức nhối. Vì lợi nhuận cao nên nhiều người sẵn sàng giết mổ lợn, gà không rõ nguồn gốc, heo bệnh, chết.

Sở NN-PTNT Đồng Nai cũng đang kêu gọi doanh nghiệp xây dựng khu giết mổ tập trung quy mô lớn với các chính sách thu hút đầu tư hiệu quả và có những hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Theo mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 58 cơ sở giết mổ. Hầu hết các cơ sở giết mổ này phục vụ cho tiêu thụ nội tỉnh và sẽ có một số cơ sở công suất lớn sẽ nhắm đến thị trường lớn như TP HCM, xuất khẩu.

Đồng Nai sẽ tập trung thu hút đầu tư về mảng giống vật nuôi chất lượng để phục vụ trang trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Lê Bình.

Đồng Nai sẽ tập trung thu hút đầu tư về mảng giống vật nuôi chất lượng để phục vụ trang trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Lê Bình.

Ở TP HCM có các chợ đầu mối như Chợ Bình Điền, Hóc Môn chuyên tập kết, cung ứng các sản phẩm chăn nuôi với số lượng lớn. Còn tại Đồng Nai, tỉnh chỉ có một số chợ đầu mối chuyên về nông sản, rau củ chứ chưa có nơi phân phối thịt lợn, bò và gà.  

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang hoàn thiện hồ sơ, kiến nghị UBND tỉnh và các Sở ngành được đưa các sản phẩm chăn nuôi sau giết mổ về chợ Tân Biên (TP Biên Hòa). Đề xuất này kỳ vọng tạo được hệ thống phân phối, kiểm soát thực phẩm là sản phẩm chăn nuôi một cách chặt chẽ hơn.

“Nếu được chấp nhận chủ trương, các sản phẩm chăn nuôi về chợ Tân Biên buộc phải đảm bảo các điều kiện về giết mổ, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm chăn nuôi cũng được nâng cao giá trị kinh tế, giúp tỉnh tạo thêm được nhiều nguồn thu mới”, ông Công cho hay.

Đồng Nai có khoảng 40 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt tổng công suất thiết kế trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này như: Tập đoàn C.P (Thái Lan), Cargill (Mỹ), CJ Agri (Hàn Quốc), De Heus (Hà Lan), Haid (Singapore), Emivest (Malaysia)…

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Đồng Nai với nhiều lợi thế của mình đã trở thành cứ điểm để các doanh nghiệp địa phương và có vốn FDI chuyển hướng sang xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Các đơn hàng này đã đều đặn xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nhật, Úc, Trung Quốc…

Chế biến thịt gà tại công ty TNHH Koyu & Unitek để xuất khẩu sang Nhật Bản và thị trường Halal. Ảnh: Lê Bình.

Chế biến thịt gà tại công ty TNHH Koyu & Unitek để xuất khẩu sang Nhật Bản và thị trường Halal. Ảnh: Lê Bình.

Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP Biên Hòa) là doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu được sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản từ giữa năm 2017. Mỗi tháng, doanh nghiệp này đang xuất khẩu sang Nhật Bản khoảng 100 tấn sản phẩm thịt gà chế biến.

Ông Trần Khánh Huy, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty Koyu & Unitek cho biết, doanh nghiệp cũng đã bắt đầu xuất khẩu các mặt hàng về gà sang thị trường Halal với các tiêu chí ngặt nghèo nhất.

“Koyu & Unitek có nhà máy đạt tiêu chuẩn HACCP, BRC, ISO:9001, ISO:22000. Hiện, chúng tôi đang giết mổ theo tiêu chuẩn Halal và xuất khẩu sang thị trường này khoảng 780.000 - 910.000 con/tháng. Sắp tới, chúng tôi sẽ xuất khẩu mặt hàng gà tươi nguyên con sang thị trường này”, ông Huy cho biết.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát là đơn vị chăn nuôi gà lông trắng theo chuẩn xuất khẩu cho Koyu & Unitek. Mỗi năm, hợp tác xã này cung cấp cho thị trường khoảng 5-7 triệu con gà cho Koyu & Unitek, 30% số đó được chế biến phục vụ xuất khẩu. Việc chăn nuôi, tiêu thụ theo hình thức khép kín phục vụ xuất khẩu như của HTX Long Thành Phát và Koyu & Unitek cũng là mô hình mà ngành chăn nuôi Đồng Nai đang hướng tới, nhân rộng.

Hai ông lớn ngành chăn nuôi là Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam và De Heus Việt Nam cũng đang xây dựng và mở rộng chuỗi sản xuất theo quy trình khép kín để đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Mục tiêu và tầm nhìn mà hai doanh nghiệp này muốn hướng đến là biến vùng Đông Nam bộ, trong đó có Đồng Nai là “nhà bếp của thế giới” trong những năm tới.

Trứng cút chế biến sẵn của Công ty TNHH Vương Gia Hưng Thịnh (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) cũng là một trong những sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai. Nhờ xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên con chim cút ngay từ sớm, kết hợp với việc đầu tư công nghệ hiện đại, tìm kiếm thị trường tiềm năng nên trứng cút của công ty đã sớm xuất khẩu được sang Mỹ, Nhật, Úc…

Chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi sẽ tạo hiệu quả lớn cho ngành chăn nuôi Đồng Nai, đóng góp giá trị kinh tế không nhỏ cho tỉnh. Ảnh: LB.

Chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi sẽ tạo hiệu quả lớn cho ngành chăn nuôi Đồng Nai, đóng góp giá trị kinh tế không nhỏ cho tỉnh. Ảnh: LB.

Theo anh Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Vương Gia Hưng Thịnh, trong năm 2024, số lượng chim cút của công ty sẽ đạt hơn 1 triệu con và lượng trứng cút ăn liền cũng đạt khoảng hơn 3 triệu quả/tháng. Dự kiến, trong những năm tiếp theo, tổng đàn chim cút và số lượng trứng chế biến sẵn sẽ được xuất khẩu nhiều hơn nữa.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp phép môi trường cho Công ty Liên doanh nuôi và Phát triển khỉ Việt Nam (TP Biên Hòa) thực hiện dự án "Trại nuôi khỉ xuất khẩu, quy mô 12.000 con/năm, phục vụ nghiên cứu y sinh học".

Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, đến hết tháng 6/2024, tổng đàn của doanh nghiệp này là 31.990 cá thể. Trong đó, có 2.381 cá thể đực, 10.393 cá thể cái, 15.297 cá thể sinh trưởng, 3.919 cá thể hậu bị (khỉ để lên làm khỉ giống).

Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của ngành chăn nuôi khỉ xuất khẩu tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi, đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.