| Hotline: 0983.970.780

Dịch chuyển chăn nuôi để đảm bảo an toàn dịch bệnh: [Bài 2] Cần cơ chế đặc thù

Thứ Tư 28/08/2024 , 06:30 (GMT+7)

Hòa Bình Các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu dân cư được đầu tư bài bản, chưa tác động xấu tới môi trường thuộc diện phải di dời đang mong có cơ chế đặc thù.

Xem xét gia hạn thời gian cho những trang trại đã đầu tư bài bản

Nhiều năm qua, gia đình ông Đỗ Văn Mạnh, khu dân cư Chéo Vòng, thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) luôn sống trong lo lắng vì được địa phương thông báo hai khu chuồng chăn nuôi lợn với diện tích hơn 1.000m2 của gia đình nằm trong diện phải di chuyển ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi.

Theo ông Đỗ Văn Mạnh, các cấp quản lý nên xem xét có cơ chế đặc thù cho các trại chăn nuôi chuyên nghiệp thuộc diện di dời khi chưa có tác động tới môi trường. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Đỗ Văn Mạnh, các cấp quản lý nên xem xét có cơ chế đặc thù cho các trại chăn nuôi chuyên nghiệp thuộc diện di dời khi chưa có tác động tới môi trường. Ảnh: Trung Quân.

Ông Mạnh chia sẻ, mặc dù chăn nuôi giữa khu vực dân cư sinh sống nhưng trang trại của ông đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để trang bị hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, thiết kế kiểu chuồng kín, lắp đặt dàn mát, toàn bộ phân, nước thải được đưa xuống bể biogas xử lý. Bên cạnh đó, sử dụng men tỏi ngâm ủ trộn với thức ăn vừa giúp lợn khỏe mạnh vừa hạn chế tới 70-80% mùi hôi thối của phân thải ra.

Gia đình đã được chính quyền địa phương thông báo từ rất sớm nội dung Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép, nhưng đến hiện tại vẫn rối như tơ vò.

Bởi lẽ, bao nhiêu vốn liếng đầu tư hết vào hai khu nuôi lợn, nhưng hai năm qua, lợi nhuận thu được không đáng kể, thậm chí có thời điểm còn âm vì bệnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, tới lúc có thể tái đàn lại đến hẹn phải di chuyển.

Trong khi đó, gia đình đã đăng ký và được UBND huyện chấp thuận về kế hoạch bảo vệ môi trường của trại chăn nuôi lợn giống, trong đó cam kết hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường và thực hiện quan trắc chất thải định kỳ với tần suất 6 tháng/lần. Đến hiện tại, nhiều đoàn kiểm tra từ tỉnh tới huyện, xã đã về lấy mẫu không ít lần nhưng cơ sở của ông vẫn đáp ứng được yêu cầu.

Theo ông Mạnh, việc chấp hành thực thi những quy định của Luật Chăn nuôi gia đình vẫn thực hiện, nhưng nếu có một cơ chế đặc thù gia hạn, kéo dài thêm thời gian, tạo điều kiện cho các hộ nuôi đã đầu tư cơ sở vật chất bài bản và chưa có tác động tới môi trường như gia đình ông sẽ tốt hơn việc chấm dứt hoàn toàn hoạt động chăn nuôi.

Nhiều hộ muốn tiếp tục chăn nuôi nhưng không có vị trí mới, thiếu vốn... Ảnh: Trung Quân.

Nhiều hộ muốn tiếp tục chăn nuôi nhưng không có vị trí mới, thiếu vốn... Ảnh: Trung Quân.

“Đã là luật phải chấp hành, nhưng nếu các cấp quản lý chia sẻ được với những hộ sống chết với chăn nuôi và luôn có ý thức bảo vệ môi trường như chúng tôi thì tốt biết bao. Doanh nghiệp nhiều nguồn lực thì không nói nhưng những hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bây giờ muốn tiếp tục nuôi phải di chuyển tới vị trí mới, trong khi địa phương chưa thể quy hoạch được khu vực nào có thể xây dựng trang trại chăn nuôi. Nếu tự mình tìm kiếm, làm lại từ đầu thì tốn kém rất nhiều chi phí (mua hoặc thuê đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, mua giống...) quả thực là một bài toán rất khó”, ông Mạnh than thở.

Bà Nguyễn Thu Bình, Trưởng khu Dân cư Chéo Vòng cho biết: Toàn khu hiện có hơn 10 hộ chăn nuôi với quy mô vừa và lớn thuộc điện phải di dời theo quy định. Địa phương đã thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến từng hộ qua nhiều hình thức nên hiện tại các hộ đã chủ động giảm đàn để nghe ngóng tính hình. Tuy nhiên, khi được hỏi đã có dự định gì cho cuộc sống, công việc sau khi hết hạn di dời thì tất cả đều mơ hồ, vô định.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng đó là việc trong khi khu vực chăn nuôi tập trung mới chưa có, nếu muốn tiếp tục chăn nuôi thì các hộ phải tự đi tìm địa điểm mới, nhưng để tìm được ví trí mà đảm bảo đủ khoảng cách với khu dân cư, trường học, bệnh viện khoảng 500 m thì không khác gì mò kim đáy bể, thậm chí không cẩn thận thuê phải khu vực đầu nguồn nước hoặc nằm trong quy hoạch còn khóc dở, mếu dở hơn. Bên cạnh đó, thiếu hụt nguồn lực đầu tư mới cũng khiến các hộ phân vân. Phần kinh phí được hỗ trợ theo Nghị quyết 70/2021 của HĐND tỉnh lại chẳng đáng là bao.   

Chăn nuôi vừa có tín hiệu hồi phục tích cực sau thời gian dài điều đứng, thì sắp đến hẹn phải di dời hoặc dừng chăn nuôi khiến nhiều hộ đứng ngồi không yên. Ảnh: Trung Quân.

Chăn nuôi vừa có tín hiệu hồi phục tích cực sau thời gian dài điều đứng, thì sắp đến hẹn phải di dời hoặc dừng chăn nuôi khiến nhiều hộ đứng ngồi không yên. Ảnh: Trung Quân.

Theo Nghị quyết, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác nằm trong danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, có chuồng nuôi đã được xây dựng và hoạt động trước ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành, đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi, thực hiện tháo dỡ, di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi trước ngày 1/1/2025 sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí.

Cụ thể, hỗ trợ các cơ sở tháo dỡ và di dời đối với chuồng kiên cố là 79.900 đồng/m2, nhưng không quá 79,9 triệu đồng cho một cơ sở chăn nuôi. Hỗ trợ các cơ sở tháo dỡ và di dời đối với chuồng tạm 34.500 đồng/m2, nhưng không quá 34,5 triệu đồng cho một cơ sở chăn nuôi.

“Đa phần những người còn chăn nuôi là người có tuổi đời không nhỏ, họ tận dụng quỹ đất của gia đình để tạo công ăn việc làm tại chỗ. Bây giờ muốn tiếp tục hoạt động không có chỗ mới, chuyển đổi nghề khác thì thiếu thốn vốn, kiến thức, kinh nghiệm; ngồi chơi, xơi nước, nhặt nhạnh từng đồng sống qua ngày thì không đành. Nếu việc này không được sắp xếp ổn thỏa, nhiều hộ vừa thoát nghèo nhờ chăn nuôi rất có nguy cơ tái nghèo trở lại”, bà Bình đánh giá.

Nhiều lớp đào tạo nghề đã được mở, nhưng tỷ lệ người chăn nuôi chuyển đổi vẫn còn chậm. Ảnh: Trung Quân.

Nhiều lớp đào tạo nghề đã được mở, nhưng tỷ lệ người chăn nuôi chuyển đổi vẫn còn chậm. Ảnh: Trung Quân.

Nhiều lớp đào tạo nghề nhưng số lượng chuyển đổi chậm

Ông Hoàng Đình Chính, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Theo số liệu thống kê, trên địa bàn toàn huyện, tổng số hộ chăn nuôi với diện tích hơn 50 m2 là 72 hộ. Tổng diện tích chuồng nuôi 15.600 m2 (diện tích chuồng xây kiên cố gần 12.000 m2, diện tích chuồng tạm hơn 3.600 m2).

Theo ông Chính, bên cạnh việc thông tin, tuyên truyền để người dân nắm được các chủ trương về di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép thì huyện đã mở nhiều lớp đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện, bước đà tốt nhất khi có ý định chuyển đổi nghề nghiệp.

Năm 2023, Lạc Thủy mở 70 lớp đào tạo nghề may mặc, hàn xì, trồng nấm… Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ chuyển đổi từ chăn nuôi sang các loại hình này vẫn chậm.

Ông Chính thông tin thêm: Đến hiện tại, huyện Lạc Thủy đã tổ chức cho các cơ sở đang hoạt động chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định viết cam kết thực hiện di dời hoặc tháo dỡ, dừng hoạt động chăn nuôi (chuyển đổi nghề nghiệp) đúng thời gian quy định.

Bên cạnh đó, lập danh sách chi tiết các cơ sở chăn nuôi thuộc diện không được phép chăn nuôi trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện, không để xảy ra trường hợp phát sinh xây mới hoặc tăng quy mô nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi.

Đặc biệt, không cấp phép cho các tổ chức, cá nhân xây dựng mới cơ sở chăn nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi; kịp thời tư vấn, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi chọn địa điểm chăn nuôi phù hợp theo quy định.

Theo bà Nguyễn Thu Bình, Trưởng khu Dân cư Chéo Vòng, hoạt động chăn nuôi của người dân bấy lâu nay có lúc lãi, lúc lỗ nhưng là công việc và nguồn thu nhập chính của nhiều hộ. Họ đã quen với nghề này, nếu bắt buộc phải chuyển đổi nghề khác ở độ tuổi “bên kia sườn dốc” thì quả là một thách thức.

Xem thêm
Người chăn nuôi trắng tay, cạn kiệt vốn liếng sau bão

HẢI PHÒNG Không chỉ thiệt hại nặng nề, sau bão, nhiều trang trại chăn nuôi đang cạn kiệt vốn liếng, đối mặt nguy cơ dịch bệnh, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.

Đê vỡ, đập tràn, vựa dâu tằm tan hoang

YÊN BÁI Trận đại hồng thủy hung tàn đã biến vựa dâu tằm ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thành những cánh đồng chết, cây cối tan hoang, chưa biết khắc phục bắt đầu từ đâu.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.