Xã Tú Lý có tổng đàn lợn khoảng 3.000 con, chủ yếu được nuôi ở quy mô nông hộ vừa và nhỏ. Vừa qua, hơn 30 con lợn trong trại của ông Hà Văn Tiên đã bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy. Nhiều gia đình khác cùng xã cũng phải để trống chuồng sau khi đã tiêu hủy hết lợn như nhà bà Đinh Thị Nở với tổng số 19 con lợn bị mắc bệnh.
Trước Tú Lý, xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc) hồi tháng 4 cũng xảy ra dịch tả lợn châu Phi với 143 con phải tiêu hủy. Cán bộ nông nghiệp cùng chính quyền địa phương đang tuyên truyền người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thường xuyên khử trùng tiêu độc chuồng trại và không bán chạy lợn ốm, lợn nghi ốm, đồng thời đào hố chôn lấp lợn bệnh theo đúng kỹ thuật.
Thời tiết chuyển sang nắng nóng, ruồi muỗi, chuột bọ phát sinh nhiều là một trong những nguyên nhân truyền nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Công tác phòng chống dịch càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết do hệ thống thú y bị đứt gãy.
Tại Hòa Bình nói riêng cũng như nhiều địa phương, sau khi sáp nhập các trạm thú y huyện vào trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, mảng kiểm dịch, kiểm soát giết mổ đã không thể thực hiện được do thiếu con dấu, sắc phục cùng với trách nhiệm của cán bộ thú y không được quy định rõ ràng.
Ở cấp xã, nhiều nhân viên thú y cơ sở bỏ việc do chế độ đãi ngộ kém khiến không phòng chống được dịch bệnh từ gốc, không nắm được tình hình khi dịch bệnh xảy ra để có biện pháp ứng phó kịp thời, không ngăn chặn được người dân bán tháo gia súc, gia cầm mắc bệnh...