| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở Lạng Sơn

Chủ Nhật 23/07/2023 , 14:08 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi ở Lạng Sơn có chiều hướng bùng phát trở lại tại một số địa phương, khiến gần 1.600 con lợn phải tiêu hủy.

 

Gần 1.600 con lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Gần 1.600 con lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Dịch bệnh phát sinh 7/11 huyện

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, trong quý I, bệnh dịch tả lợn Châu Phi chỉ xảy ra tại xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn.

Tuy nhiên, đến trung tuần tháng 5 và tháng 6/2023, dịch bệnh đã bùng phát mạnh và có chiều hướng lan rộng. Đến hết ngày 20/7, bệnh dịch đã phát sinh tại 7/11 huyện, thành phố với tổng số gần 1.600 con lợn phải tiêu hủy, trọng lượng hơn 81 tấn.

Huyện Tràng Định là địa phương có số lượng lợn ốm chết và buộc phải tiêu hủy nhiều nhất trong tỉnh Lạng Sơn. Từ một ổ dịch đầu tiên tại xã Đại Đồng, đến nay bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 40 thôn trên 10 xã, thị trấn của huyện Tràng Định, với tổng số 890 con bị bệnh phải tiêu hủy.

Theo bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tràng Định, “hiện, trên địa bàn huyện Tràng Định, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục xảy ra ở một số xã có ổ dịch cũ mà đã phát sinh. Chúng tôi đã và đang tiếp tục phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền đến bà con về các biện pháp phòng chống dịch. Để khắc phục phần nào những thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng, chúng tôi đã đề xuất cấp trên xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ mà có lợn bị tiêu hủy, giúp người dân phần nào ổn định đời sống”.

Gia đình chị Lục Thị Biển là hộ đầu tiên trên địa bàn huyện Tràng Định xảy ra dịch bệnh tả lợn Châu Phi vào đầu tháng 5 năm nay. Sau khi đàn lợn phát bệnh, gia đình chị đã phải tiêu hủy 20 con lợn thịt và lợn nái. Hiện nay, toàn bộ 9 chuồng nuôi của nhà chị chỉ còn lại 4 con.

Trước đó, năm 2019, chị Biển cũng đã phải tiêu hủy đàn lợn nhà mình, với trọng lượng hơn 1 tấn cũng do dịch tả lợn Châu Phi.

“Mặc dù gia đình đã rắc vôi bột, phun thuốc tiêu độc khử trùng tại chuồng nuôi theo đúng quy trình, nhưng chị vẫn  không khỏi lo lắng với tình hình dịch bệnh diễn biễn phức tạp như hiện nay thì không biết bao giờ gia đình mới có thể tái đàn trở lại”, chị Biển chia sẻ.

Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Lạng Sơn còn 24 ổ dịch ở 77 thôn của 6 huyện Bình Gia, Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng, Văn Quan có dịch chưa qua 21 ngày với tổng số lợn mắc bệnh ốm chết, buộc phải tiêu hủy hơn 1.110 con. Trong đó có huyện Tràng Định, huyện Lộc Bình phải tiêu hủy nhiều nhất, chiếm 80% toàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, nguyên nhân dân đến tình trạng bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại là do các ổ dịch cũ mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường, khi gặp điều kiện thời tiết thay đổi, sức đề kháng của vật nuôi giảm làm phát sinh dịch bệnh. Chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, tái đàn bằng những con giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, một số xã không có nhân viên thú y nên gặp khó khăn trong công tác giám sát phát hiện bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch. Khi lợn bị mắc bệnh, một số hộ chăn nuôi đã giấu dịch, tự tiêu hủy, bán chạy hoặc giết mổ lợn để tiêu thụ, xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh làm lây lan dịch bệnh...

Khoanh vùng, khống chế dịch

Trước tình hình trên, thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn đã triển khai các biện pháp để khoanh vùng, khống chế dịch.

Đối với các địa phương đang có dịch, chỉ đạo các trung tâm dịch vụ nông nghiệp tăng cường công tác giám sát dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, tổ chức khoanh vùng dịch, xác định vùng dịch, vùng đệm, vùng bị uy hiếp, thống kê và giám sát chặt chẽ tổng đàn lợn trên địa bàn, để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và có hiệu quả.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm tra lợn giống bán tại các chợ trên địa bàn. Tăng hiệu quả công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh.

Nhiều chuồng nuôi của gia đình chị Lục Thị Biển hiện bỏ trống vì dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Viết Cường.

Nhiều chuồng nuôi của gia đình chị Lục Thị Biển hiện bỏ trống vì dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Viết Cường.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng huy động lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiêu hủy lợn bệnh, tổ chức các đội phun thuốc sát trùng, rắc vôi xung quanh chuồng nuôi, lối ra vào khu vực chăn nuôi.

Đốt rác thải và ủ phân có trộn vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã cấp gần 3.700 lít thuốc sát trùng, 4 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng chuồng trại phòng chống dịch bệnh.  

Đối với các địa phương chưa có dịch, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với phương châm “phòng bệnh là chính”, áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng, phòng bệnh…

Ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Khi đi trên địa bàn xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, chúng tôi đã chỉ đạo các UBND các xã thị trấn, các thú y viên thực hiện việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn và kịp thời xử lý các ổ dịch phát sinh, chỉ đạo công tác phun tiêu độc khử trùng đợt 1 trên địa bàn.

Kết quả có trên 6.400 hộ trên 146 thôn bản đã phun được trên 1,1 triệu m2 theo kế hoạch, đạt chỉ tiêu theo quy định. Chúng tôi sát sao trong công tác giám sát, khoanh vùng dịch, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để sớm ổn định tình hình chăn nuôi trên địa bàn.”

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cao Lộc Nguyễn Văn Hanh cho hay: "Cao Lộc cũng thực hiện khuyến cáo cho người chăn nuôi chủ động chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, thời điểm đang có dịch cũng dừng việc tái đàn để tránh rủi ro trong chăn nuôi”.

Sau một thời gian tạm lắng bệnh dịch tả Châu Phi, người dân tại một số địa phương đã mạnh dạn tái đàn chăn nuôi trở lại. Đến thời điểm này, toàn tỉnh Lạng Sơn phát triển được gần 170.000 con lợn, trong đó nhiều hộ đã chăn nuôi với quy mô lớn.

Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết như hiện nay, cùng với sự chủ quan lơ là của một bộ phận người chăn nuôi, nguy cơ bùng phát bệnh sẽ rất cao. Trong khi đó, bệnh vẫn chưa có vacxin phòng chống hiệu quả. Khi bệnh bùng phát trở lại sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi của tỉnh, đặc biệt là người dân. Kéo theo đó là sự khan hiếm nguồn cung và giá cả tăng cao về lợn thịt và lợn giống.

Do vậy, biện pháp tốt nhất hiện nay là người dân phải chủ động tự bảo vệ đàn lợn của gia đình, thực hiện đúng theo khuyến cáo của cơ quan thú y, sử dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Tăng cường nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi, đặc biệt khi phát hiện có lợn ốm, chết bất thường người chăn nuôi cần báo ngay cho cơ quan thú y, phối hợp áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan.

Sau hai tháng bùng phát mạnh và lan rộng, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tập trung nhiều biện pháp để khống chế, khoanh vùng dịch, đến nay bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cơ bản được khống chế. Trong tháng 5, bệnh dịch làm chết và tiêu hủy 966 con lợn, tháng 6 bệnh dịch làm chết và tiêu hủy trên 600 con; từ đầu tháng 7 đến nay bệnh dịch làm chết và tiêu hủy gần 50 con lợn.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.