| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn châu Phi tái phát tại Hải Phòng

Thứ Ba 29/06/2021 , 11:28 (GMT+7)

Sau 17 tháng công bố hết dịch tả lợn Châu Phi, Hải Phòng vừa xuất hiện 2 ổ dịch tại xã Phù Long và xã Trân Châu, huyện Cát Hải.

Tổng đàn lợn tại Hải Phòng hiện tại có khoảng 123 nghìn con, số lượng này có tăng qua hàng năm nhưng chưa bằng 50% đàn lợn trước khi xảy ra đại dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Đinh Mười.

Tổng đàn lợn tại Hải Phòng hiện tại có khoảng 123 nghìn con, số lượng này có tăng qua hàng năm nhưng chưa bằng 50% đàn lợn trước khi xảy ra đại dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Đinh Mười.

Ngày 29/6, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho biết, trên địa bàn xã Phù Long và xã Trân Châu, thuộc huyện Cát Hải vừa xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi, lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy 24 con lợn, tổng trọng lượng là 1.461kg.

Cụ thể, ngày 24/6, trên địa bàn huyện Cát Hải xuất hiện 1 ổ dịch tả lợn châu Phi gồm 17 con lợn thương phẩm tại gia đình ông Nguyễn Đình Sản, thôn Ao Cối, xã Phù Long. Tiếp đó, ngày 28/6, dịch tiếp tục xuất hiện tại đàn lợn gồm 7 con của gia đình ông Nguyễn Mạnh Tầm, thôn Hải Sơn, xã Trân Châu.

Sau khi nắm thông tin, chính quyền địa phương sở tại đã phối hợp với Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm và tiêu hủy đối với các cá thể lợn chết mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại các hộ gia đình này, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, tại huyện Cát Hải hiện có 127 hộ nuôi với 1.838 con lợn, huyện này có cơ sở giết mổ tập trung Phú Cường, công suất thiết kế 70 con lợn/ngày để cung cấp thịt cho các chợ của các xã, thị trấn trên địa bàn.

Nguồn lợn nhập về lò mổ ở Cát Hải chủ yếu từ các trang trại chăn nuôi của Công ty Cổ phần CP Việt Nam, DABACO và có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

Với gia đình ông Nguyễn Đình Sản, hộ chăn nuôi này có trại nuôi lợn nái sinh sản, không nhập lợn con giống từ nơi khác về, nguồn thức ăn sử dụng là cám công nghiệp, không sử dụng thức ăn thừa cho lợn và chưa từng bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên trên địa bàn có hộ bà Phạm Thị Minh và Vũ Thị Lan thôn Ao Cối, xã Phù Long (gần hộ ông Sản), ngày 27/5/2021 mua về nuôi 13 con lợn 18 - 20kg/con của thương lái từ tỉnh Thái Bình, là địa phương đang có dịch tả lợn châu Phi.

Đàn lợn của hộ gia đình bà Minh và bà Lan sau đó phát bệnh và chết dần nhưng không báo cáo cán bộ thú y và chính quyền địa phương. Do đó, bước đầu, lực lượng chức năng xác định, số lợn bị dịch tả lợn châu Phi lần này do thương lái thu gom, vận chuyển từ tỉnh ngoài về Hải Phòng tiêu thụ không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), hiện nay trên cả nước có 412 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 113 huyện của 30 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Tổng số lợn tiêu hủy là 30.438 con, trong đó có các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh giáp với Hải Phòng.

Tại Hải Phòng, địa phương này đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi ngày 7/2/2020. Sau đó, từ ngày 29 đến 30/10/2020, tại 2 điểm trên địa bàn xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, cơ quan chức năng phát hiện, tổ chức tiêu hủy 12 con lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Nhưng số lợn nhiễm bệnh này do thương lái thu gom, vận chuyển từ tỉnh ngoài về địa bàn Hải Phòng tiêu thụ không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.