| Hotline: 0983.970.780

Dịch vụ thú cưng giúp ngành thú y chia bớt gánh nặng

Thứ Năm 14/12/2023 , 11:30 (GMT+7)

Việc phát triển hệ thống thú y tại TP.HCM không chỉ giúp cho thú cưng được chăm sóc tốt mà còn giúp việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi được hiệu quả hơn.

Các loại thú cưng như chó cảnh, mèo cảnh ngày càng được ưa chuộng và nuôi nhiều tại TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.

Các loại thú cưng như chó cảnh, mèo cảnh ngày càng được ưa chuộng và nuôi nhiều tại TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.

Hiện nay, thống kê tại TP.HCM có khoảng trên 600 cơ sở cung cấp các dịch vụ thú cưng trên địa bàn. Các cơ sở bao gồm: bệnh viện thú y, shop pet’s, spa cho thú cưng… Tất cả các cơ sở này đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y thẩm định và được cấp phép.

Theo quy định, hằng tháng phòng khám thú y tư nhân phải báo cáo số liệu tiêm phòng bệnh dại về Trạm Chăn nuôi và Thú y. Qua đó, các phòng khám thú y này đã góp phần hỗ trợ trong công tác phòng, chống bệnh dại như thống kê tổng đàn chó mèo, công tác tiêm phòng bệnh dại, lấy mẫu giám sát hiệu giá kháng thể…

Hiện việc nuôi thú cưng ngày càng nở rộ, người nuôi coi chúng như thành viên trong gia đình, được đặt tên và sinh hoạt chung với gia chủ. Do đó, nhu cầu chăm sóc, làm đẹp và điều trị bệnh cũng rất lớn.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho thú cưng và trang thiết bị phục vụ ngày càng tiệm cận với con người. Ảnh: Lê Bình.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho thú cưng và trang thiết bị phục vụ ngày càng tiệm cận với con người. Ảnh: Lê Bình.

PGS.TS Lê Quang Thông, Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nhận định, các dịch vụ thú y cho thú cưng tại TP.HCM vẫn đang nở rộ và được đầu tư chuyên sâu, gần tiệm cận với việc chăm sóc sức khỏe của con người.

“Qua đó, thú cưng không chỉ được tiêm ngừa và tắm gội, massage mà nhiều bệnh viện thú y còn cung cấp cả dịch vụ xe cấp cứu, máy xét nghiệm, bình oxy, băng ca, thuốc, đến tận nhà khám bệnh cho vật nuôi”, PGS.TS Lê Quang Thông cho hay.

Dọc các tuyến đường lớn như Hai Bà Trưng, Ba Tháng Hai, Cách Mạng Tháng Tám, Quang Trung… không khó bắt gặp những phòng khám, bệnh viện thú y. Thậm chí, chỉ đoạn đường khoảng hơn 2km đã có tới 12 phòng khám thú y hoạt động. Ấy thế, các phòng khám này vẫn rất đông khách hàng đưa thú cưng đến chăm sóc, làm đẹp.

Còn việc cấp cứu và chăm sóc cho thú cưng theo hình thức lưu động vốn là mô hình khá phổ biến ở nhiều nước. Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn còn rất mới mẻ và xuất hiện ở Việt Nam với số lượng còn khiêm tốn.

Mô hình xe cấp cứu và phòng khám di động cho thú cưng tại TP.HCM. Ảnh: LB.

Mô hình xe cấp cứu và phòng khám di động cho thú cưng tại TP.HCM. Ảnh: LB.

Bác sĩ thú y Thái Thị Mỹ Hạnh, chủ nhân mô hình bệnh viện thú y di động tại Quận Tân Phú cho biết, xe cấp cứu lưu động cho thú cưng ra đời là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Điều này phù hợp với những trường hợp nuôi thú cưng tại nơi xa, chủ vật nuôi lớn tuổi hoặc khi chúng bị tai nạn, nhiễm bệnh cần cấp cứu lập tức.

Với thời gian hoạt động 24/24, xe lưu động này di chuyển khắp các quận huyện TP.HCM. Ngoài dịch vụ cấp cứu và khám định kỳ, khách hàng cũng có thể gọi xe tới nhà để đưa chó mèo đi spa, tỉa lông, làm đẹp.

“Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận hơn chục ca điều trị, cao gấp đôi so với thời gian đầu hoạt động. Sắp tới bệnh viện sẽ tăng thêm số xe và mở rộng dịch vụ sang các tỉnh lân cận", bác sĩ Hạnh cho biết.

Theo số liệu thống kê, TP.HCM có hơn 184.000 con chó, mèo được nuôi tại gần 106.000 hộ. Trong đó,  chó lai, chó ngoại và mèo để nuôi làm cảnh, thú cưng chiếm khoảng 43% tổng đàn. Số thú cưng này chủ yếu được nuôi tại các quận khu vực trung tâm Thành phố.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, người dân có nhu cầu nuôi chó cảnh để làm bạn, nên ở khu vực đô thị thì tổng đàn chó mèo nuôi làm cảnh có xu hướng ngày càng tăng. Do đó, ngành Thú y cũng phải làm nhiều hơn để quản lý được tổng đàn, tiêm phòng chó mèo,… phục vụ công tác phòng, chống bệnh dại.

Các phòng khám, bệnh viện thú y đang góp phần không nhỏ vào công tác an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: Lê Bình.

Các phòng khám, bệnh viện thú y đang góp phần không nhỏ vào công tác an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: Lê Bình.

Theo quy định thì người nuôi chó, mèo phải đăng ký với chính quyền địa phương, kê khai hoạt động chăn nuôi định kỳ hằng quý, phải thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo, nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình, khi ra ngoài phải có rọ mõm hoặc xích giữ chó và có người dắt,…

“Vì vậy, ngành Thú y cần phải tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, xử lý các vi phạm nêu trên. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng cần được tăng cường để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống bệnh dại, góp phần duy trì vùng an toàn bệnh dại đã được Cục Thú y công nhận”, ông Thiết chia sẻ.

Việc tiêm phòng bệnh dại đối với các huyện ngoại thành được ngân sách TP.HCM hỗ trợ. Các quận còn lại thì người nuôi chó mèo phải tự chi trả chi phí tiêm phòng vacxin bệnh dại. Do đó, theo ông Thiết, chỉ tính riêng về nhu cầu tiêm ngừa bệnh dại cho thú cưng để đáp ứng tiêu chuẩn quản lý đã là rất lớn.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 2] Hỗ trợ tái đàn lợn sau dịch

Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ người dân nhanh chóng tái đàn, sớm vực dậy ngành chăn nuôi vốn khánh kiệt khi dịch bệnh càn quét nhiều tháng qua.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.