| Hotline: 0983.970.780

Những bệnh ký sinh trùng truyền lây phổ biến từ thú cưng sang người

Thứ Năm 07/12/2023 , 12:54 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Bên cạnh bệnh dại, chó, mèo không được chăm sóc thú y tốt sẽ trở thành nguồn lây của nhiều loại ký sinh trùng nguy hiểm như sốt ve, bạch cầu hạt...

Người dân đưa thú cưng tới Ngày hội Thú cưng để kiểm tra. Ảnh: Quang Linh.

Người dân đưa thú cưng tới Ngày hội Thú cưng để kiểm tra. Ảnh: Quang Linh.

Nguy cơ tiềm ẩn từ thú cưng trong nhà

Trong Ngày hội Thú cưng vừa được Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tổ chức, Khoa Chăn nuôi Thú y đã thực hiện xét nghiệm máu miễn phí cho các chủ vật nuôi chó, mèo. Kết quả, nhiều chủ nuôi đã nhiễm ký sinh trùng từ chó, mèo. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh về tầm quan trong của thú y với thú cưng.

Bà Phạm Thị Trang, Giảng viên Khoa Chăn nuôi Thú y (Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) cảnh báo, nhiều người hiện nay nuôi thú cưng và có thói quen chơi cùng, ngủ cùng chó, mèo và coi vật nuôi trong nhà là những người bạn thân thiết. Đây là nguy cơ tiềm ẩn nhiễm giun đũa chó, mèo tương đối cao.

Theo đó, giun đũa chó, mèo chỉ là vật ký sinh ở chó, mèo. Khi vào cơ thể người, sẽ không có chu kỳ sinh sản. Vì vậy, không thể tìm thấy trứng hay ấu trùng của giun đũa chó mèo trong phân người mà chỉ có thể tìm thấy kháng thể của giun đũa chó mèo trong máu bệnh nhân kèm theo một số chỉ số bạch cầu tăng cộng với triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh.

Để không bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó mèo, chuyên gia khuyến cáo người dân không nên ăn ngủ chung chó mèo. Nên vệ sinh sạch sẽ cho chó mèo, bát đựng thức ăn. Chất thải của chó, mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ.

Người dân nên tẩy giun định kỳ cho thú cưng để giảm nguy cơ truyền bệnh ấu trùng giun đũa từ vật nuôi sang người, vì chúng có nguy cơ nhiễm các bệnh ký sinh trùng rất cao.

Ấu trùng giun móc chó, mèo tạo đường hầm và gây tổn thương trên da người. Ảnh: Quang Linh.

Ấu trùng giun móc chó, mèo tạo đường hầm và gây tổn thương trên da người. Ảnh: Quang Linh.

Nhiều loại bệnh ký sinh trùng truyền lây phổ biến từ thú cưng sang người

Các loại bệnh ký sinh trùng truyền lây phổ biến từ thú cưng sang người do ông Dương Đức Hiếu, Giảng viên Bộ môn Ký sinh trùng, Khoa Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tổng hợp. Đây đều là những mầm bệnh nguy hiểm nhưng ít được người nuôi biết và chú ý tới.

Bệnh mèo cào: gây ra bởi vi khuẩn Bartonella ký sinh trong máu của các bạn mèo. Vi khuẩn này lây qua người do mèo mang mầm bệnh thông qua bọ chét trong quá trình chơi đùa tiếp xúc với người nuôi. Một điều đáng chú ý là có đến 40% mèo nuôi mang mầm bệnh này và không có biểu hiện triệu chứng.

Trong khi đó, các biến chứng nghiêm trọng từ căn bệnh này lại gây nguy hiểm đến trẻ con, người già và người có khả năng miễn dịch yếu do bệnh mèo cào tác động đến não, mắt, có thể gây nhiễm trùng van tim dẫn đến trụy tim và các cơ quan khác.

Bệnh sốt ve: hay còn gọi là sốt màng não với tỷ lệ tử vọng ở người lên đến 20-30% nếu không được điều trị kịp thời. Đây là một căn bệnh nguy hiểm do vi khuẩn Rickettsia, ký sinh trong máu chó, mèo.

Người nhiễm bệnh thường có biểu hiện như nhức đầu, sốt cao, nôn mửa, đau bụng, phát ban nổi đốm đỏ, lú lẫn, tiêu chảy. Nếu người bị nhiễm bệnh không được điều trị kịp thời, có thể gây mất thính giác, tê liệt, phải cắt tứ chi và trong trường hợp nghiêm trọng, sẽ gây chết người.

Bệnh do nhiễm Toxoplasma: bệnh chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ trên mèo như tiêu chảy nhưng lại vô cùng nguy hiểm đối với phụ nữ mang bầu, trẻ nhỏ, người già và người có hệ miễn dịch yếu.

Căn bệnh này gây sảy thai hoặc gây ra hiện tượng thai lưu ở các mẹ bầu, hơn thế nữa, trẻ sơ sinh bị nhiễm Toxoplasma trong giai đoạn sớm của thai kỳ có thể gây ra hiện tượng não úng thủy hoặc đầu nhỏ, vôi hóa não hoặc chậm phát triển tâm thần trong khi đó biểu hiện ở người suy giảm miễn dịch là viêm não hoặc tai biến mạch não, mù loà…

Bệnh bạch cầu hạt: vi khuẩn Anaplasma/Ehrlichia ký sinh trong tế bào bạch cầu của chó và mèo và có thể truyền sang cho người khi bị ve cắn.

Đây là căn bệnh có thể gây nên tình trạng đông máu nội mạch rải rác, suy đa tạng, co giật và hôn mê ở người. Một số trường hợp nhiễm không có biểu hiện triệu chứng, hầu hết bắt đầu với một số hiểu hiện giống như cúm: sốt, ớn lạnh, đau cơ, yếu, buồn nôn, ho, nhức đầu và khó chịu.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.