Giao thông là nguồn phát thải lớn nhất
Ô nhiễm không khí bắt nguồn từ rất nhiều các nguồn khác nhau, ngoài yếu tố điều kiện địa hình và khí hậu, thời tiết bất lợi, giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, khí thải xăng và dầu diesel từ giao thông đóng góp 46% lượng bụi siêu mịn và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi từ xe máy chiếm hơn 90% vào tổng mức phát thải từ giao thông. Các thống kê cho thấy, xe máy chiếm phần lớn số lượng phương tiện giao thông tại Hà Nội, mặc dù tiêu thụ ít nhiên liệu hơn ô tô, chúng lại thải ra lượng lớn các chất ô nhiễm. Theo nghiên cứu, xe máy là nguồn phát thải lớn nhất, tiếp theo là xe tải hạng nặng, xe buýt và xe tải hạng nhẹ.
Theo số liệu năm 2019 của Hà Nội, hơn 50% tổng phát thải bụi PM 2.5 tới từ nguồn thải tại chỗ, trong số này, hoạt động giao thông, bụi đường chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 56%.
Vào thời điểm kể trên, toàn thành phố có 1,1 triệu xe ô tô, hơn 6,9 triệu xe máy. Đáng chú ý, 70% trong số này đã sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải lớn. Đến đầu năm 2024, số lượng ô tô và xe máy trên toàn thành phố đã tăng lên tới hơn 8 triệu chiếc. Với số lượng các phương tiện giao thông ngày càng tăng cao, đi cùng với đó là mật độ di chuyển dày đặc vào các khung giờ cao điểm khiến ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường xuất hiện và trở nên trầm trọng hơn.

Ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông cá nhân. Ảnh: Ngọc Thắng.
Đứng thứ hai là từ hoạt động sản xuất công nghiệp mà trọng tâm là 4 nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng; nhà máy nhiệt điện; sản xuất sắt thép. Hà Nội có 10 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề. Đó là chưa kể đến hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp ở các tỉnh thành lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nam…
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2023, nhìn chung chất lượng môi trường không khí ở vùng nông thôn thường xuyên duy trì ở mức tốt, tuy nhiên, ô nhiễm môi trường không khí cục bộ đã được ghi nhận tại một số làng nghề, khu vực có cụm điểm công nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư, xung quanh điểm khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng hay tại một số khu vực đang diễn ra hoạt động xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn.
Các nhà máy và các khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều là một trong những lý do khiến cho khói, bụi và khí thải độc hại như CO, CO2, SO2... từ quá trình sản xuất gây nên tình trạng ô nhiễm không khí trên diện rộng.
Thứ ba là từ hoạt động xây dựng. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại các khu đô thị hiện nay kéo theo nhiều công trình được xây dựng, cải tạo. Các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình lớn tạo ra lượng lớn bụi mịn từ việc đào đất, vận chuyển vật liệu xây dựng, và các hoạt động thi công khác. Bên cạnh đó, còn tình trạng công trình không được che chắn, không có biện pháp ngăn bụi phát tán.
Các hoạt động đốt hở; đốt rác; phụ phẩm nông nghiệp; hoạt động dân sinh diễn ra phổ biến tại các điểm tập kết rác; đốt rơm rạ ngoài cánh đồng sau thu hoạch; đốt sinh khối để sưởi ấm; nướng thực phẩm khu vực ẩm thực; đốt vàng mã.. cũng là nguyên nhân góp phần vào tình trạng suy giảm chất lượng không khí tại Thủ đô.
Các giải pháp cấp bách nhằm giảm ô nhiễm không khí
Tại Hội nghị giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo một số giải pháp quyết liệt, toàn diện.
Về giao thông, cần quản lý chặt chẽ, quy hoạch tuyến đường cho xe tải, kiểm soát xe cũ, tăng cường giao thông công cộng. Tăng cường vệ sinh đô thị như rửa đường, quét bụi, lắp đặt hệ thống giàn phun nước tại các tuyến giao thông chính.
Để xanh hóa ngành giao thông, Bộ Xây dựng cần triển khai chương trình phát triển phương tiện giao thông xanh bao gồm xe điện, xe sử dụng nhiên liệu tái tạo và thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải quốc gia đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ…
Bên cạnh đó, cần kiểm soát đốt rác, phụ phẩm nông nghiệp, siết chặt quản lý đốt rác, đốt rơm rạ sau thu hoạch, khuyến khích tái chế rơm rạ; quản lý chặt đốt sinh khối để sưởi ấm, nướng thực phẩm ngoài trời, đốt vàng mã; phân công và giám sát thực thi trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp huyện, xã. Cùng với kiểm soát nguồn khí thải công nghiệp, giám sát tự động khí thải từ các nhà máy, xử lý nghiêm vi phạm và nâng cao ý thức cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, cần sự phối hợp của các bộ, ngành. Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố cần tổ chức quy hoạch và thực hiện “vùng phát thải thấp” như kinh nghiệm của nhiều nước đã thành công và hiện Hà Nội đang triển khai thực hiện. Tăng cường quan trắc và công bố chất lượng không khí, đưa ra cảnh báo sớm cho người dân, đặc biệt trong các khung giờ ô nhiễm cao (5h-7h sáng và 14h-19h tối).
Bộ Công an xử lý nghiêm các phương tiện giao thông không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải (khi được ban hành và thực hiện) và tăng cường kiểm tra và xử phạt hành vi đốt rác trái phép…
Bộ Công Thương cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải công nghiệp, đặc biệt là từ các nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng, thép...