Những yếu tố cần thiết để chuyển đổi xanh
Những năm gần đây, chuyển đổi xanh không chỉ là xu thế mà còn là một điều kiện bắt buộc để hàng hóa xuất khẩu. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên, sự thay đổi này diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn “mơ hồ” về chuyển đổi xanh.
Chia sẻ tại sự kiện, “Chuyển đổi xanh – Chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững” sáng 28/3, TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, có ba điểm chính mà doanh nghiệp cần lưu ý.
Thứ nhất, doanh nghiệp cần nhận thức rõ yêu cầu bắt buộc từ thị trường. Đơn cử trong lĩnh vực nông nghiệp, các tiêu chí về môi trường và xã hội ngày càng khắt khe hơn. Doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn, trong đó, truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc. Đối với ngành thủy sản hay trái cây, các hàng rào kỹ thuật ngày càng gia tăng, đòi hỏi sản phẩm phải có mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi rõ ràng. Khi xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, đối tác sẽ kiểm tra, đánh giá rất nghiêm ngặt. Đây chính là áp lực cạnh tranh trực tiếp.

TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chia sẻ về các điểm chính doanh nghiệp cần lưu ý trong chuyển đổi xanh. Ảnh: Trung Nguyên.
Thứ hai, doanh nghiệp phải chủ động và có tầm nhìn xa trong việc đổi mới công nghệ. Chính sách thị trường có thể thay đổi bất cứ lúc nào, và nếu không có sự chuẩn bị trước, doanh nghiệp sẽ rơi vào thế bị động. Việc đầu tư công nghệ đòi hỏi chi phí lớn, nhưng nếu không chuyển đổi sớm, doanh nghiệp có thể mất đi cơ hội cạnh tranh.
Thứ ba, doanh nghiệp cần ưu tiên hàng đầu cho việc thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Các giải pháp sản xuất thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên - như Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao gắn với phát thải thấp - là những hướng đi thiết thực cần được nhân rộng. Bên cạnh đó, yếu tố con người cũng vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng mới, đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế xanh.
“Chuyển từ một nền kinh tế nâu sang kinh tế xanh đòi hỏi thay đổi cả trong tư duy và cách làm, nhằm khai thác tài nguyên hiệu quả hơn và để lại giá trị bền vững cho thế hệ sau”, ông Thắng nhấn mạnh.

Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao gắn với phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long đang cho thấy hướng đi đúng trong chuyển đổi xanh ngành nông nghiệp. Ảnh: Trung Nguyên.
Dù vậy, thách thức đặt ra cũng không nhỏ, trước tiên là bài toán hiệu quả kinh tế. Đối với nông dân, lợi nhuận vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Họ sẽ đặt câu hỏi liệu sản phẩm xanh có bán được giá cao hơn không? Đây là lý do cần có các cơ chế hỗ trợ để đảm bảo đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư vào công nghệ, máy móc và quy trình sản xuất mới. Nếu không có sự hỗ trợ từ chính sách hoặc các nguồn tài chính ưu đãi, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó có khả năng thực hiện.
Một trở ngại không nhỏ khác là vấn đề thay đổi tư duy trong mỗi doanh nghiệp, đến từng người lao động. Đây là một quá trình cần sự đồng hành từ các cấp chính quyền, các tổ chức hỗ trợ và chính bản thân doanh nghiệp. Khi có những chính sách hỗ trợ phù hợp, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để mạnh dạn chuyển đổi và phát triển bền vững.
Đòn bẩy chính sách và tài chính xanh
Một trong những ngành hàng xuất khẩu chịu tác động rõ nhất từ các rào cản thương mại là ngành gỗ. Nhiều thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á và châu Úc đang áp dụng các tiêu chuẩn xanh xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm – từ nguyên liệu đầu vào đến phương thức sản xuất và sản phẩm hoàn thiện.
Theo ông Trịnh Đức Kiên – Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, khách hàng quốc tế yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững như FSC hoặc PEFC, đồng thời phải chứng minh rằng quá trình khai thác không gây phá rừng, mất rừng – phù hợp quy định về gỗ hiện tại của EU và quy định về chống phá rừng EUDR sắp được áp dụng trong thời gian tới.
Trong quá trình sản xuất, các tiêu chuẩn còn chặt chẽ hơn với yêu cầu áp dụng công nghệ bảo vệ môi trường, không phát thải độc hại. EU cũng đang triển khai Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM), buộc doanh nghiệp khai báo lượng phát thải khí nhà kính trên mỗi đơn vị sản phẩm. Về lao động, doanh nghiệp phải đảm bảo các chế độ phúc lợi, điều kiện làm việc theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các thông lệ quốc tế về ứng xử trách nhiệm xã hội (bộ quy tắc ứng xử trách nhiệm xã hội BSCI hoặc SEDEX SMETA).

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang đối mặt với nhiều tiêu chuẩn khắt khe về bảo vệ môi trường trong toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm – từ nguyên liệu đầu vào đến phương thức sản xuất và sản phẩm hoàn thiện. Ảnh minh họa. Trung Nguyên.
Ở khâu sản phẩm, xu hướng “xanh hóa” vật liệu cũng ngày càng rõ rệt. “Nhiều nhóm sản phẩm buộc phải thay thế chất liệu bằng những vật liệu thân thiện với môi trường, ví dụ như bộ dụng cụ ăn uống dùng một lần bằng tre, giấy thay cho nhựa,” ông Kiên dẫn chứng.
Đồng tình với những thách thức do TS. Trần Công Thắng đưa ra, ông Kiên cho rằng, Chính phủ sớm ban hành lộ trình và thời hạn cụ thể đối với việc cấm hoặc hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện với môi trường, thay vì chỉ dừng lại ở các chiến dịch kêu gọi tự nguyện. “Chuyển đổi xanh là điều tất yếu, nhưng muốn doanh nghiệp thực hiện hiệu quả và bền vững, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ và những cơ chế hỗ trợ thực chất”, ông Trịnh Đức Kiên nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường Đại học Kinh tế cho rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế tài chính của Chính phủ, đặc biệt là các chính sách về bảo lãnh tín dụng và huy động vốn, là yếu tố then chốt để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Để chính sách thực sự hiệu quả, cần bắt đầu từ việc phân loại đặc điểm và mô hình của các dự án, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Đối với các dự án quy mô lớn, hiện Chính phủ đã có những cơ chế pháp lý quan trọng như Luật Đầu tư và hình thức hợp tác công – tư (PPP), cho phép khu vực tư nhân tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng và lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
Tuy nhiên, ở cấp độ vi mô, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ và hộ nông dân vẫn đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận tín dụng. Các khoản vay nhỏ lẻ, thiếu bảo đảm, trong khi nhu cầu vốn lại lớn và ngày càng tăng.
Trước thực trạng đó, ông Việt cho rằng việc phát triển các mô hình hợp tác xã hoặc liên kết sản xuất là giải pháp khả thi, giúp tập trung nhu cầu vốn và nâng cao khả năng vay mượn thông qua cơ chế bảo lãnh tín chấp. Đơn cử trong lĩnh vực nông nghiệp, thay vì từng hộ kinh doanh tự đứng ra vay vốn, các hợp tác xã có thể đại diện cho nhiều hộ, từ đó tăng tính tín nhiệm và khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.
Doanh nghiệp quy mô lớn, đặc biệt trong các khu công nghiệp có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn quốc tế như tín dụng xanh hay phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, rủi ro tỷ giá là một trong những trở ngại đáng kể. Khi đồng nội tệ biến động mạnh, chi phí trả nợ gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tài chính của dự án. Do đó, việc xây dựng cơ chế bảo lãnh rủi ro tỷ giá hoặc hỗ trợ tài chính từ Nhà nước là cần thiết để giúp doanh nghiệp yên tâm mở rộng đầu tư.
“Bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động triển khai các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, chẳng hạn sử dụng công cụ phái sinh hoặc bảo hiểm tỷ giá”, ông Việt lưu ý.
Để các chính sách phát huy hiệu quả thực chất, TS. Việt nhấn mạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc đồng bộ hóa từ trung ương tới địa phương sẽ tạo nên hành lang thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các dự án xanh.