Tại Lễ phát động Ngày chuyển đổi xanh năm 2025 do Báo Lao động tổ chức sáng 28/3, ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội chia sẻ: Thành phố Hà Nội, với vị thế là Thủ đô của cả nước, đang thể hiện vai trò "đầu tàu" chuyển đổi xanh với nhiều hành động thiết thực nhằm đạt mục tiêu Net Zero, bảo đảm an ninh năng lượng, cải thiện sức khoẻ cộng đồng, và thúc đẩy phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội chia sẻ về các trọng tâm chuyển đổi xanh của Thủ đô. Ảnh: Trung Nguyên.
Theo ông Hoa, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu bắt buộc. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chúng ta cần thay đổi tư duy từ "khai thác" sang "bảo vệ". Điều này có nghĩa là chúng ta phải bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các hoạt động trồng cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường, và phân loại, tái chế rác thải là những hành động cụ thể mà mỗi người trong chúng ta có thể thực hiện.
Riêng tại Hà Nội, thành phố xác định rõ các lĩnh vực trọng tâm.
Về thúc đẩy giao thông xanh, thành phố đang triển khai hệ thống giao thông công cộng hiện đại như xe buýt điện, các tuyến đường sắt đô thị, làn đi xe đạp và các khu vực đi bộ. Những biện pháp này không chỉ góp phần giảm thiểu khí thải, khí nhà kính, giảm ô nhiễm không khí và cải thiện sức khoẻ cộng đồng. Điều này cũng giúp chuyển đổi và sắp xếp lại hệ thống giao thông thành phố theo hướng thông minh, thuận tiện hơn.
Về xây dựng vùng phát thải thấp, đây là khu vực hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí. Trước mắt, thành phố sẽ thí điểm thực hiện vùng phát thải thấp tại Quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, và sau này sẽ mở rộng đến các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố.
Về chuyển đổi sang mô hình công nghiệp xanh và tiêu dùng bền vững, Hà Nội chú trọng các giải pháp tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản. Đồng thời, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, khắc phục và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Quy hoạch khu, cụm công nghiệp phải theo hướng tăng diện tích cây xanh.
Về tăng cường hợp tác quốc tế, thành phố đang tích cực hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế để đổi mới sáng tạo trong phát triển bền vững. Trong đó, áp dụng các mô hình "thành phố xanh" – hướng tới kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông Hoa kêu gọi mỗi cá nhân, tổ chức bằng những hành động thiết thực sẽ góp phần xây dựng Hà Nội xanh, vì Việt Nam xanh và phát triển bền vững.