| Hotline: 0983.970.780

'Điểm mặt' 19 địa phương lơ là chống khai thác IUU

Thứ Ba 29/06/2021 , 17:50 (GMT+7)

Đánh giá của phía EC gần đây cho rằng, vẫn còn những vấn đề nghiêm trọng trong việc thực hiện khung pháp lý của các cơ quan chức năng trong chống khai thác IUU.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc thực thi pháp luật về chống khai thác IUU của tàu cá Bình Định.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc thực thi pháp luật về chống khai thác IUU của tàu cá Bình Định.

Vẫn còn rất đáng quan ngại

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với các sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU) với lý do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU).

Qua gần 4 năm chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng”, phía EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam và đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới gồm: khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật.

Đánh giá của phía EC gần đây đối với báo cáo cập nhật của Việt Nam rất đáng quan ngại. Cơ quan này cho rằng vẫn còn những vấn đề nghiêm trọng trong việc thực hiện khung pháp lý mới và việc tuân thủ, đặc biệt là công tác kiểm soát tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, thực thi quy định xử phạt hành chính đối với công tác kiểm soát tàu cá và kiểm soát thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam nhằm đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm.

Từ tháng 6/2019 đến nay, Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU đã tổ chức 4 cuộc họp để đánh giá tình hình, kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện nhằm sớm gỡ “thẻ vàng”.

Tuy nhiên, quá trình gỡ thẻ vàng vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Công tác phối hợp thực hiện chế độ thông tin báo cáo của các địa phương, bộ, ban, ngành đối với cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo còn chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ, thông tin báo cáo có khi chưa đáp ứng được yêu cầu.

Lực lượng bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động chủ tàu khai thác cá tuân thủ pháp luật về chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Lực lượng bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động chủ tàu khai thác cá tuân thủ pháp luật về chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình không hoàn thành tiến độ

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có tiến bộ, nhưng tại một số tỉnh vẫn còn thấp. Tính đến nay, số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị VMS có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 26.915 trong tổng số 30.778 tàu cá (đạt 87,45%), song vẫn không hoàn thành theo tiến độ quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ (hoàn thành 100% trước ngày 1/4/2020).

Những tỉnh lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tỷ lệ chưa cao là Thanh Hóa (đạt 46,90%), Quảng Trị (đạt 60,55%), Trà Vinh (đạt 65,53%), Quảng Ninh (đạt 65,50%), Hà Tĩnh (65,69%)…

Việc cấp giấy phép khai thác cho tàu cá còn thấp, đến nay số lượng tàu cá đã cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định là 51.613 trong tổng số 94.572 tàu, đạt 54,55%.

Tình trạng tàu cá thường xuyên mất kết nối thiết bị VMS với trạm bờ vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là tàu cá mất kết nối từ 31/12/2020 trở về trước với số lượng là 2.411 tàu cá..., tuy nhiên kết quả xử lý tại các địa phương còn rất hạn chế.

Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác tại nhiều địa phương cũng bộc lộ hạn chế, chưa đảm bảo được độ tin cậy trong công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, như: Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nam Định, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh…

Trách nhiệm của tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do lãnh đạo các địa phương chưa thật sự quan tâm đầy đủ trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực con người, đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cảng cá để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng chức năng, nhất là Ban Quản lý cảng cá, thanh tra chuyên ngành.

Chưa thực thi nghiêm quy định về chống khai thác IUU

Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp, các tỉnh như Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến, tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Việc điều tra, xử lý các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài còn hạn chế, vẫn chưa đưa ra xử lý được trường hợp nào để răn đe, giáo dục.

Nhiều tỉnh lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tỷ lệ chưa cao như Thanh Hóa, Quảng Trị, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh.

Nhiều tỉnh lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tỷ lệ chưa cao như Thanh Hóa, Quảng Trị, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh.

Công tác quản lý hoạt động tàu thuyền trên biển, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm còn hạn chế. Các giải pháp ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở ngoài vùng biển Việt Nam chưa quyết liệt, đồng bộ.

Việc xử phạt các hành vi khai thác IUU đã có kết quả bước đầu, cụ thể: Năm 2020, các địa phương đã xử phạt hơn 3.200 vụ với tổng số tiền xử phạt hơn 70 tỷ đồng.

Một số tỉnh bước đầu đã xử phạt các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính đối với các vi phạm về khai thác IUU chưa thật sự nghiêm minh, đặc biệt là xử phạt đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài với tỉ lệ các vụ việc được xử lý còn rất thấp so với thực tế.

Trách nhiệm của tồn tại, hạn chế trên chủ yếu là các cơ quan quản lý tàu cá của địa phương chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc tăng cường nắm bắt tình hình, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, có trách nhiệm của cơ quan quản lý nghề cá Trung ương về quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác hải sản trên biển.

Xem thêm
Nôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Bám biển xuyên Tết khai thác vụ cá Bắc

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương ven biển tuyên truyền, động viên kịp thời các ngư dân bám biển khai thác hải sản vụ cá Bắc dịp Tết Nguyên đán đạt hiệu quả.