Một buổi chiều cuối tuần trời mưa rả rích, chúng tôi được lãnh đạo phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND thành phố Hà Tĩnh dẫn đến “mục sở thị” mô hình nuôi tập trung giống bò chất lượng cao (bò 3B) của HTX chăn nuôi bò Đồng Môn.
HTX này được thành lập với 13 thành viên, tham gia nuôi nhốt gần 100 con bò, tập trung tại 3 thôn: Trung Tiến, Quyết Tiến, Tiền Tiến. Quy mô đầu tư trên 1 tỷ đồng.
Theo anh Đặng Đình Lương, Giám đốc HTX, trên diện tích đất tích tụ gần 1 ha, gia đình anh đầu tư cơ sở vật chất, chuồng trại chăn nuôi hơn 30 con bò 3B. Đây là giống bò thịt có nguồn gốc từ Bỉ, lai tạo với nhiều giống bò địa phương. Chúng có đặc điểm cơ bắp phát triển siêu trội, chuyên nuôi để lấy thịt cao sản.
Sau thời gian chăm sóc gần 1 năm anh Lương nhận thấy bò 3B có nhiều ưu điểm vượt trội như: thích ứng tốt với môi trường, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, tăng trọng nhanh. Nguồn thức ăn cho bò chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp đơn giản, dễ tìm như rơm rạ, cỏ, cám gạo; không tốn công chăn thả.
Khi xuất bán, mỗi con đạt trọng lượng từ 500 - 600 kg, nặng gấp 2 lần so với giống bò thông thường. Giá bán tùy thuộc vào trọng lượng, thể trạng của từng con bò nhưng không dưới 50 triệu đồng/con, đem lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng cho người chăn nuôi.
Trong tương lai, TP Hà Tĩnh khuyến khích người dân ven đô tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi bò 3B để phát triển kinh tế hộ gia đình. Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tại thôn Trung Tiến, anh Trần Cát Lượng - thành viên HTX chăn nuôi bò Đồng Môn cũng tận dụng hiệu quả quỹ đất vườn, đầu tư hơn 100 triệu đồng nâng cấp chuồng trại và mua 10 con bò 3B với tổng trị giá 250 triệu đồng về nuôi nhốt.
Theo anh, để nuôi bò thịt tăng trọng nhanh trước tiên phải chọn mua giống tốt. Bò giống phải có trọng lượng từ 250 kg trở lên, không mang mầm bệnh, thân cao, mình dài, vóc dáng khỏe, cơ bắp phát triển đều.
“Trung bình thời gian nuôi kéo dài từ 8 - 10 tháng. Trước khi xuất bán khoảng 3 tháng là giai đoạn bắt đầu vỗ béo cho bò. Ở giai đoạn này, tôi bổ sung thêm thức ăn tinh để thịt bò chắc hơn.
Dự kiến cuối năm nay gia đình tôi sẽ xuất chuồng được 4 – 5 con; sau khi trừ chi phí thức ăn, công chăm sóc, gia đình còn lãi khoảng 12 - 15 triệu đồng/con”, anh Lượng nhẩm tính.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi bò 3B, một hộ dân ở thôn Tiền Tiến cho hay, hệ thống chuồng trại phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
Các ngăn nuôi nhốt, nơi để thức ăn, nước uống cần bố trí khoa học, đảm bảo vệ sinh cho vật nuôi cũng như tiết kiệm thời gian và giảm sức lao động cho công nhân.
Đặc biệt, quá trình nuôi phải tuân thủ việc tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi theo định kỳ và khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Ngoài ra, để giảm stress cho đàn bò, bà con còn cho chúng nghe nhạc, giúp cho quá trình sinh trưởng của bò tốt hơn.
Đối với dinh dưỡng, do quá trình sinh trưởng nhanh nên giống bò 3B cần tối thiểu lượng thức ăn một ngày phải đạt 2,5% so với trọng lượng cơ thể.
Để đảm bảo nguồn thức ăn an toàn, đủ dinh dưỡng, HTX chăn nuôi bò Đồng Môn đã tận dụng gần 1 ha đất trống từ diện tích đất tích tụ của xã để trồng cỏ voi.
Ngoài ra, các xã viên liên kết với một số hộ trên địa bàn trồng và thu mua cỏ voi, phụ phẩm nông nghiệp để chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.
Đây cũng là cơ sở đặt nền móng để HTX xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Song song với phát triển chăn nuôi, công tác bảo vệ môi trường cũng được HTX đặc biệt quan tâm. Toàn bộ chất thải chăn nuôi được HTX ủ thành phân vi sinh để bón cho các loại cây trồng.
Đồng thời, kết nối với một số HTX sản xuất rau, củ, quả trên địa bàn cung cấp nguồn phân hữu cơ còn dư thừa, hạn chế mùi hôi thối phát tán ra môi trường.
Đánh giá về mô hình chăn nuôi bò chất lượng cao của HTX Đồng Môn, ông Trần Quang Hưng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND TP Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Mô hình chăn nuôi 3B là một trong 11 dự án, mô hình nông nghiệp gắn với tích tụ, tập trung ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2019 - 2022 của TP Hà Tĩnh.
Nhờ việc tuân thủ quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, vượt trội so với nuôi bò truyền thống; khai thác được lợi thế của địa phương và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của người dân”.