| Hotline: 0983.970.780

Tăng trưởng xanh - Nền tảng của phát triển bền vững

Điểm sáng Vân Nam ở Trung Quốc

Thứ Năm 21/10/2021 , 09:02 (GMT+7)

Nhờ hướng tới phát triển du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, tỉnh Vân Nam vừa nâng cấp được cơ sở hạ tầng, vừa giúp người dân có thêm công ăn việc làm.

Người dân huyện Mang, thuộc châu tự trị Đức Hoành, tỉnh Vân Nam. Ảnh: ADB.

Người dân huyện Mang, thuộc châu tự trị Đức Hoành, tỉnh Vân Nam. Ảnh: ADB.

Vân Nam là tỉnh đầu tiên của Trung Quốc đưa ra mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng xanh, đồng thời đi đầu Trung Quốc về xây dựng văn minh sinh thái. Bên cạnh những chủ trương, đường lối được Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo, tỉnh biên giới phía Tây Nam này vẫn chủ động thực hiện những quyết sách riêng, đầy táo bạo.

Vào năm 2009, chính quyền Vân Nam ra Quyết định về việc tăng cường xây dựng văn minh sinh thái, trong đó chỉ đạo đẩy nhanh phát triển kinh tế cacbon thấp. Một năm sau, tỉnh nằm trong danh sách 5 tỉnh thí điểm phát triển xanh của Trung Quốc, đồng thời được chọn là mô hình điểm của đất nước tỷ dân.

Sau những thành công bước đầu, Vân Nam xây dựng “Cương yếu quy hoạch phát triển kinh tế cacbon thấp" giai đoạn 2011-2020. Đây là cơ sở để lãnh đạo tỉnh chỉ đạo công tác phát triển xanh, và đặt ra một loạt các mục tiêu về giảm khí thải nhà kính, tăng sử dụng nhiên liệu phi hóa thạch, tăng độ che phủ rừng.

Ba lĩnh vực phát triển chính trong kế hoạch tăng trưởng xanh của Vân Nam, gồm: năng lượng xanh, sản phẩm xanh, và chăm sóc sức khoẻ, du lịch. Riêng trong lĩnh vực du lịch, sau khi quyết định trở thành tỉnh tiên phong trong xây dựng văn minh sinh thái cả nước năm 2013, Vân Nam đã ban hành thông tư triển khai 18 dự án cacbon thấp, với 2 dự án xây dựng khu du lịch.

Sản phẩm du lịch xanh đặc sắc của Vân Nam du lịch di sản cộng đồng dân tộc thiểu số, và du lịch trải nghiệm văn hóa trà. Chất lượng dịch vụ du lịch tại Vân Nam được nâng cao nhờ chuyển đổi số và các dự án phát triển xanh của chính phủ. Đến năm 2018, tỉnh ra mắt ứng dụng “Vân Nam – Tất cả trong một”, là một cổng thông tin thời gian thực giúp khách du lịch tiếp cận với các dịch vụ lưu trú, ăn uống, đi lại, giải trí và mua sắm, thu hút hơn 20 triệu người sử dụng.

Sự thay da đổi thịt của Vân Nam hằn rõ tình trạng giao thông tại đây. Shan Zengquan, một tài xế chuyên vận chuyển hoa quả ở những con đường núi hiểm trở, cho biết xe của anh phải mất 5 giờ di chuyển khó khăn và nguy hiểm từ huyện Long Lăng (Bảo Sơn) đến trung tâm phân phối của anh ấy ở thành phố Thụy Lệ (châu Đức Hoành) - một điểm giao nhau gần sát biên giới Myanmar. Giờ đây, với một tuyến đường cao tốc mới được xây dựng, anh chỉ mất chưa đầy một giờ đồng hồ.

Huang Ruqiang, một thương gia buôn ngọc 54 tuổi đến từ thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang từng mất 22 tiếng di chuyển đến Thụy Lệ. Nhưng nay, con số ấy chỉ còn khoảng 9 giờ, giảm hơn một nửa.

Dự án Phát triển mạng lưới đường bộ trị giá 250 triệu USD, giúp hoàn thành hệ thống đường cao tốc quốc gia trong tỉnh và xây dựng đường cao tốc từ Côn Minh - thủ phủ của tỉnh - đến biên giới Myanmar.

Trước khi dự án bắt đầu, các con đường hiện có ở tỉnh Vân Nam đã ở trong tình trạng hư hỏng khác nhau. Địa hình hiểm trở, cùng với sự xuống cấp theo thời gian, có nghĩa là các phương tiện không thể di chuyển nhanh hơn 40 km/h. Nhưng đến hiện tại, vận tốc ấy tăng ít nhất gấp đôi, với khoảng hơn 600km đường được tu bổ, xây mới.

Hiệu quả của con đường mới và nhiều con đường khác trong khu vực ảnh hưởng sâu rộng. Khi được hỏi nguyên nhân đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng, Mei Xueneng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải của châu Đức Hoành, tỉnh Vân Nam nói: “Tốc độ vận tải quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế". Kinh tế ở đây, là phát triển du lịch - một trong những ba nhiệm vụ trọng tâm của tăng trưởng xanh mà Vân Nam theo đuổi.

Nhờ những con đường xây mới, khách du lịch tới Vân Nam đã giảm thời gian đi lại trung bình ít nhất 40%. Thời gian di chuyển bằng đường bộ giữa các thành phố chính chỉ còn khoảng 2 tiếng. Ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, chiến lược tăng trưởng xanh còn mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người dân.

Trung Quốc không chỉ có một điểm sáng Vân Nam. Kể từ khi đẩy mạnh tăng trưởng xanh trong kế hoạch lần thứ 12 (2011-2015), nước này luôn dành phần lớn các mục tiêu cho các vấn đề tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phát triển bền vững, đồng thời đưa ra các hành động bao gồm đầu tư vào quản lý tài nguyên thiên nhiên, với mục tiêu tạo ra một triệu việc làm mới trong lâm nghiệp và giảm nghèo ở nông thôn.

Những đặc khu lớn tại Trung Quốc cũng ra đời từ ấy. Chẳng hạn, đặc khu Quế Lâm tập trung vào các sáng kiến, đổi mới để giải quyết vấn đề sa mạc hoá, tạo ra các giải pháp có thể nhân rộng ở các khu vực đang đối mặt với sự xâm lấn của sa mạc. Đặc khu Thái Nguyên tập trung vào các giải pháp xử lý ô nhiễm nước và không khí. Đặc khu này sẽ cho ra đời các sáng kiến, giải pháp có thể ứng dụng được nhiều vùng khác nhau, dựa vào khai thác tài nguyên để giảm thiểu ô nhiễm. Đặc khu Thâm Quyến là trung tâm của công nghệ, đổi mới, tích hợp các công nghệ xử lý nước thải, sử dụng chất thải, phục hồi sinh thái và trí tuệ nhân tạo để giải quyết các vấn đề về quản lý tài nguyên và ô nhiễm.

Tăng trưởng xanh ngày càng được Trung Quốc chú trọng, thể hiện qua các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và qua các kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc thiết lập mục tiêu tăng trưởng xanh được điều chỉnh qua từng kế hoạch 5 năm. Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) đưa ra quan điểm phát triển “đổi mới, phối hợp, xanh, cởi mở và chia sẻ” để đảm bảo thịnh vượng trong mọi mặt của xã hội.

Trong tháng 7/2020, Trung Quốc đã thành lập Quỹ Phát triển Xanh Quốc gia, một bước hoàn thiện hệ thống chính sách kinh tế về bảo vệ sinh thái và môi trường. Đây là Quỹ đầu tư cấp quốc gia của Chính phủ, thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính và Bộ Sinh thái và Môi trường. Có thể nói, tuy mới được đẩy mạnh những năm gần đây, Trung Quốc đã nhận thức được đầy đủ vị trí và tầm quan trọng của kinh tế xanh trong phát triển quốc gia và có các cơ chế phối hợp hiệu quả để đưa ra các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) là lần đầu tiên nội dung “tăng cường xây dựng văn minh sinh thái” được đưa vào kế hoạch 5 năm, nhấn mạnh tầm quan trọng của khái niệm tăng trưởng xanh và vai trò trong công cuộc phát triển bền vững

  • Tags:
Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.