| Hotline: 0983.970.780

Điểm số có tội tình gì?

Chủ Nhật 03/06/2018 , 07:50 (GMT+7)

Lên cấp 2,3 sự phân hóa rõ hơn, để đạt học sinh giỏi cũng trầy vi tróc vẩy lắm, không chớp mắt một cái mà được, cho nên các bậc phụ huynh cũng không nên “quay lưng” lại với điểm giỏi của con và đừng quá khắt khe với nhau khi thấy các bố mẹ khác đua nhau trưng bảng điểm của con trên mạng.

Mùa khoe bảng điểm

Năm học 2017-2018 vừa kết thúc cũng là lúc nhà nhà, người người “khoe” bảng điểm của con trên facebook. Trong đám đông khoe thành tích của con ấy cũng có không ít các bậc phụ huynh tỏ ra “bất mãn” với việc người quen của mình khoe con. Họ cho rằng, điểm số chỉ là hình thức, bởi lẽ đa phần 48/50 học sinh trong một lớp điểm đều 9 và 10. Thành tích ấy có gì đáng tự hào để mà khoe?.

17-10-45_bng_diem
Ảnh minh họa

Trao đổi về điều này, nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) Lê Thị Loan cho rằng, quyền được giữ bí mật về thông tin cá nhân thể hiện sự tôn trọng nhân cách trẻ em. Ở các nước phát triển nhà trường không được công khai kết quả học tập của các em nếu các em không đồng ý. Ngược lại, kết quả học tập của con được giữ kín như những thông tin cá nhân để đảm bảo các em không bị cảm thấy kém cỏi nếu kết quả học tập thấp hơn các bạn khác.

“Ở nước ta, các bậc cha mẹ bấy lâu nay vẫn cư xử với con cái mình như một vật sở hữu và thoải mái chia sẻ, khoe khoang con như những thành tích của mình mà không cần biết trẻ có bằng lòng hay không. Hiện tượng nhiều cha mẹ đã đưa bảng thành tích học tập và rèn luyện của con mình lên mạng xã hội để khoe, nếu không được sự đồng ý của các con, ngoài việc vi phạm quyền trẻ em họ còn vô tình gây áp lực cho con em mình: Những em không có thành tích gì đáng kể sẽ cảm thấy tủi thân, yếm thế vì thua bạn kém bè. Những em có nhiều thành tích rất dễ nảy sinh tâm lý tự mãn, kiêu kỳ, rất bất lợi trong việc hình thành nhân cách các cháu”, bà Loan nói.
 

Đừng tự tước đi những cảm xúc tích cực

Không đồng tình với quan điểm này, bà Phan Hồ Điệp, giảng viên trường ĐHSP Hà Nội (mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam) cho biết: Ở cấp 1, cấp học với mục tiêu dạy cho các em những điều sơ giản về kiến thức và đời sống, xếp loại học lực cũng chỉ dựa trên một bài kiểm tra chứ không phải quá trình. Trong tình hình đó, điểm giỏi cũng “bình thường”. Có đến mức khiến chúng ta hoang mang rằng sao giỏi đâu mà lắm thế, nhiều giỏi như thế thì loạn, con cháu chúng ta sắp thành thiên tài hết rồi hay sao.

Vị chuyên gia cho rằng, trong một xã hội ngập tràn những thông tin đáng sợ thì một bảng điểm tốt, một lời động viên của cô giáo với bé nào đó, chẳng phải là một làn gió nhẹ nhàng sao? Vì bạn cũng đâu biết, có khi với con người khác điểm giỏi ấy là bình thường nhưng với bạn đó, để đạt được điểm ấy là biết bao nhiêu sự cố gắng nỗ lực vì bạn ấy hay lơ đễnh, bạn kém tập trung, bạn hay viết ẩu, bạn hay tính nhầm.

Đặc biệt, lên cấp 2,3 sự phân hóa rõ hơn, để đạt học sinh giỏi cũng “trầy vi tróc vẩy” lắm, không chớp mắt một cái mà được, cho nên các bậc phụ huynh cũng không nên “quay lưng” lại với điểm giỏi của con và đừng quá khắt khe với nhau khi thấy các bố mẹ khác đua nhau trưng bảng điểm của con trên mạng.

Mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam cũng nhấn mạnh, điểm số đâu có tội tình gì. Bạn chỉ lo điểm giỏi nếu bạn: Bằng mọi giá, bằng mọi áp lực để con đạt điểm như “con nhà người ta”. Bạn đi vòng cửa sau, bạn gây căng thẳng với cô để bắt cô cho thêm điểm. Bạn chẳng cần biết con học cái gì ở lớp, cái bạn cần chỉ là: Con được mấy điểm. Bạn đánh con, mắng con nếu thấy con không đạt điểm giỏi. Bạn coi điểm giỏi là “thuốc an thần”, bạn đắm chìm trong đó và nó khiến bạn hoàn toàn tin rằng con mình không có khiếm khuyết gì cả.

fcebook173953978
Ảnh minh họa

Còn nếu như bạn biết chắc rằng, kèm theo với điểm giỏi hoặc kể cả điểm chưa giỏi đó: Con đã biết nói lời cảm ơn, xin lỗi. Con đã biết bày tỏ ý kiến cá nhân. Con thích đọc sách. Con biết tự phục vụ. Con vui vẻ mỗi khi đến trường. Con tuân thủ các nội quy chung. Con biết về những vất vả của bố mẹ. Con biết yêu thiên nhiên, yêu thương mọi người. Con hồn nhiên vui chơi, hồn nhiên nói cười, con không tự giam mình trong cái rọ của kiến thức. Con biết mình còn những hạn chế. Và hiểu rằng điểm không phải là tất cả.

“Thì khi đó, nếu cả nhà cùng thoải mái, bạn cứ đăng lên facebook với niềm vui bé mọn của người làm cha mẹ. Đừng tự tước đi những cảm xúc tích cực cần cho cuộc sống”, chuyên gia Phan Hồ Điệp nhấn mạnh.

(Kiến thức gia đình số 22)

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.