| Hotline: 0983.970.780

Ký ức Gạc Ma luôn ám ảnh người lính sống sót trở về sau trận chiến bảo vệ đảo đá

Thứ Ba 14/03/2017 , 14:30 (GMT+7)

May mắn sống sót và trở về an toàn trong trận chiến bảo vệ đảo đá Gạc Ma năm 1988, anh Nguyễn Duy Dương (SN 1964, phường Hạ Long, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) vẫn còn nhớ như in trận đánh ngày 14/3 năm đó. Trong trận chiến hôm đó, 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông. 

Chứng kiến sự tàn ác của giặc

Khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 29 năm trận chiến Gạc Ma (14/3/1988 - 14/3/2017), chúng tôi đã tìm đến gia đình anh Nguyễn Duy Dương - người cựu binh trở về từ trận quyết tử năm xưa để được nghe anh kể lại trận chiến nhiều đau thương này.

16-57-43_nh-1
Anh Dương may mắn thoát chết trở về quê hương
 

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Nam Giang (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), sau khi vừa tốt nghiệp trường THPT Nam Giang, anh Dương đã tự nguyện đến nhà Chủ tịch UBND xã để xin đi bộ đội.

“Lúc đó tôi chưa tròn 18 tuổi, sợ không được đi bộ đội luôn, nên đã tự nguyện đến nhà chú họ, lúc đó làm Chủ tịch UBND xã để xin chú đi bộ đội với mong muốn được ra biển để bảo vệ Tổ quốc”, anh Dương nói.

Đến tháng 2/1982, anh Dương lên đường nhập ngũ tại Trường Kỹ thuật Hải Quân, sau đó chuyển về Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Đầu năm 1987, anh Dương nhận lệnh lên tàu HQ 505 vào đoàn quân tăng cường cho Trường Sa với nhiệm vụ cắm cột mốc trên đảo đảo Đá Lớn để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ và xây dựng đảo chìm ở Trường Sa theo chiến dịch CQ-88. Đảo chìm Gạc Ma lúc đó chỉ là những bãi san hô nổi lên giữa biển, có tên trong Bản đồ Việt Nam.

Theo lời anh Dương, trước đó, vì một số tàu của Trung Quốc đang cố tình chiếm đảo, theo lệnh của Trung úy Trần Văn Phương, tàu HQ 701 đã lao lên đảo Đá Lớn và tự chìm để đánh dấu cột mốc chủ quyền. Các chiến sĩ của tàu HQ 701 chuyển sang tàu HQ 605 tiếp tục sinh hoạt.

“Tình cờ gặp người bạn trên tàu HQ 604, nên tôi đã sang tàu đó với mục đích cùng người bạn đi ngắm cảnh trước khi trở về trở đảo Đá Lớn. Đến 6h sáng ngày 14/3 thì trận chiến xảy ra”, anh Phương cho hay.

Đã 29 năm trôi qua, đến tận bây giờ anh Dương vẫn còn nhớ như in những ngày tháng tuổi trẻ của mình trên những hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc và đặc biệt trận đánh ngày 14/3/1988.

Anh Dương kể: “Khoảng hơn 6h sáng ngày 14/3, trong lúc anh em chúng tôi đang vệ sinh cá nhân thì 3 tàu của Trung Quốc tiến sát theo đội hình áp đảo, gọi mật danh các tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 là K1, K2, K3; yêu cầu 3 tàu của chúng ta rời đảo và tuyên bố đây là đảo của chúng”.

Trước tình hình trên, Trung tá Lữ đoàn phó, Trưởng lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân Trần Đức Thông yêu cầu các chiến sĩ của Lữ đoàn 131 Hải quân tiếp tục đổ bộ xuống đảo Gạc Ma để cắm mốc chủ quyền thì bắt đầu có xô xát với phía Trung Quốc.

Sau một hồi giằng cờ và uy hiếp tinh thần, tên sĩ quan chỉ huy lính Trung Quốc bắn súng chỉ thiên phát lệnh rồi chĩa thẳng súng vào bụng thiếu úy Trần Văn Phương. Anh Phương ngã xuống, tay vẫn cầm lá cờ Tổ quốc.

Thấy vậy, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh đã chạy đến đỡ thiếu úy Phương và ôm chặt lá cờ thì bị một tên lính gần đó cầm lưỡi lê đâm, anh Lanh gục xuống nhưng tay vẫn ghì chặt lá cờ Tổ quốc. Liền sau đó, tiếng đạn nổ chát chúa, lính Trung Quốc dùng AK bắn xối xả vào các chiến sĩ của ta ở trên đảo.

Sau khi xảy ra xô xát trên đảo, tàu của Trung Quốc lùi cách các tàu của chúng ta gần 1 hải lý, sau đó dùng pháo 105 ly bắn vào tàu HQ 604, HQ 605 và 2 tàu bị chìm luôn.

Thuyền trưởng tàu HQ 604 Vũ Phi Trừ chỉ huy chiến sĩ xuống các xuồng dùng súng chiến đấu tự vệ, băng bó cho đồng đội bị thương. Sau đó, thuyền trưởng Trừ đứng ở mũi tàu dùng AK và B40 đánh trả kẻ địch.

Trước sự hành vi gây hấn của Trung Quốc, thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ lệnh cho tàu HQ 505 lao vào đảo Cô Lin để giữ chủ quyền. Thấy hành động của tàu HQ 505, Trung Quốc chĩa pháo vào tàu HQ 505, bắn xuyên qua tàu và tàu bị chìm.

Đến chiều ngày hôm đó, lính Trung Quốc rút khỏi Gạc Ma. Trung sĩ Thảo bơi ngược lại đảo tìm xác đồng đội và cấp cứu chiến sĩ bị thương. “Trong trận chiến hôm đó, tôi may mắn chỉ bị thương vào đầu, lưng và tôi đã cố gắng bơi vào đảo, sau đó được các chiến sĩ kéo lên xuồng nhôm rồi tôi bất tỉnh”, anh Dương nhớ lại.

Trong trận chiến hôm đó, 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông. Phục vụ công tác trên đảo một thời gian, đến tháng 5/1989, anh Dương trở về đất liền.
 

Ngày bố thoát chết, ngày con ra đời

“Đến tận bây giờ, tôi vẫn không bao giờ quên được những tháng ngày trên biển cùng anh em, đồng đội của mình. Nhiều đêm, trong giấc ngủ, tôi cứ mơ về biển, về những đồng đội đã hi sinh trong trân chiến Gạc Ma năm đó”, anh Dương kể lại. 

May mắn thoát chết ở trận chiến Gạc Ma năm đó, đến ngày 16/7/1989, anh Dương xuất ngũ. Trở về quê hương, anh làm đủ thứ nghề như hàng xay, làm kẹo lạc, phụ hồ... để mưu sinh cuộc sống, phụ giúp gia đình.

Tích lũy được một số tiền ít ỏi, anh Dương mua sách vở về ôn thi và trúng tuyển khoa Ngữ Văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Trong quá trình học đại học, anh luôn là sinh viên xuất sắc và được lãnh đạo trường bổ nhiệm làm Chủ nhiệm CLB thơ của trường.

Đến năm 1990, ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, anh trở về trường THPT Nam Giang (huyện Nam Trực) công tác. Đến năm 2005, anh chuyển lên trường THPT Ngô Quyền (thành phố Nam Định) giảng dạy môn Ngữ Văn lớp 11 cho đến nay. Trong thời gian công tác tại đây, anh luôn thầy giáo gương mẫu, là một trong những giáo viên giỏi của trường.

Anh Dương cho hay: “Trong quá trình giảng dạy trên lớp, tôi vẫn lồng ghép vấn đề chủ quyền biển đảo vào môn dạy của mình, không chỉ là một lớp mà những lớp nào tôi dạy đều thế. Tôi muốn các em hiểu được ý thức công dân bảo vệ Tổ quốc, nhất là vai trò của biển đảo trong an ninh quốc gia trong thời điểm như hiện nay.

Năm nào cũng thế, cứ đến ngày 14/3, toàn trường chúng tôi dành 1 phút để tưởng niệm đối với chiến sĩ đã hi sinh trong trận chiến đảo Gạc Ma năm đó”, anh Dương bộc bạch.

Từ khi học đại học cho đến thời điểm này, anh Dương đã sáng tác rất nhiều bài thơ, tác phẩm dự thi về biển đảo và chiến sĩ Hải quân. Trong đó, có tác phẩm: “Nhớ lắm Trường Sa ơi” đoạt giải Ba cuộc thi “Biển đảo quê hương và người chiến sĩ Hải quân” do Bộ Tư lệnh Hải Quân tổ chức vào năm 2008.

16-57-43_nh-2
Tác phẩm “Nhớ lắm Trường Sa ơi” do anh Dương viết đã đoạt giải Ba cuộc thi "Biển đảo quê hương và người chiến sỹ Hải quân" vào năm 2008
 

Sau 20 năm anh trở lại Cam Ranh, lấy cảm hứng từ chính cảm xúc thật của mình, anh Dương viết về những người đồng đội cũ đã hi sinh:

“Có một ngày ta trở lại Cam Ranh

Chân trần buông nghe nắng chiều bỏng rát

Ta giẫm lên những lâu đài trên cát

Thấy dã tràng hừng hực với đam mê…

Ta gọi thầm tên cảng 413

Nơi ấy bao người ra đi mà không trở lại

Con tàu buông neo xa ngái.

Ta thẫn thờ nghe vi vút thông reo…

Có một ngày

Bao năm tháng đã qua

Ta dâng trọn tim mình ở đó

Trường Sa ơi trái tim ta cháy đỏ

Nỗi niềm riêng xin dành tặng cho Người”.

Đối với anh, niềm vui lớn nhất bây giờ là gia đình nhỏ. Đặc biệt, cậu con trai lớn sinh đúng ngày 14/3/1998.

“Giờ đây tôi rất hạnh phúc bên gia đình nhỏ, cậu con trai sinh đúng ngày 14/3, tròn 10 năm tôi thoát chết. Tôi sẽ không bao giờ quên được ngày này, vì đó chính là ngày tưởng nhớ 64 chiến sĩ đã hi sinh và cũng là ngày sinh nhật của cậu con trai mình”, anh Dương vui mừng.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.