| Hotline: 0983.970.780

Việc quản lý, đăng ký thuốc BVTV sinh học đang được ưu tiên hơn thuốc hóa học

Thứ Năm 28/12/2023 , 07:50 (GMT+7)

Theo Cục trưởng Cục BVTV, 'thời gian đăng ký, thời gian khảo nghiệm thuốc BVTV sinh học chỉ bằng 1/2 so với thuốc BVTV hóa học, chi phí đăng ký cũng giảm một nửa so với BVTV hóa học'.

Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức Diễn đàn 'Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững'.

Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững”.

Ngày 28/12, tại TP Cần Thơ, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững”.

Thuốc bảo vệ thực vật là một loại vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp đảm bảo việc kiểm soát sâu bệnh, tránh ảnh hưởng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, việc sử dụng, lạm dụng thuốc có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trồng trọt là hỗ trợ các chủ trương của ngành bảo vệ thực vật phát triển theo hướng bền vững, xanh và chất lượng cao.

Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã ưu tiên thực hiện đăng ký các loại thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, ít độc, có hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến con người, vật nuôi và môi trường; đồng thời rà soát, loại bỏ các thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

Việc đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững; nâng cao tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ hiện đại trong sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Diễn đàn sẽ tạo ra không gian để cơ quan quản lý phổ biến, khuyến cáo rộng rãi các quy định pháp luật hiện hành về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, là cơ hội để các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, hội nông dân chia sẻ khó khăn, vướng mắc, cùng bàn giải pháp chung tay thúc đẩy phát triển bền vững ngành thuốc bảo vệ thực vật.

 
Hình ảnh đông đảo các đại biểu tham dự tại đầu cầu trực tiếp TP Cần Thơ.

Hình ảnh đông đảo các đại biểu tham dự tại đầu cầu trực tiếp TP Cần Thơ.

Thông tin cụ thể về Diễn đàn:

Thời gian: Từ 8h00 - 11h30, thứ Năm ngày 28/12/2023.

Địa điểm: Khách sạn Vạn Phát, số 2 đường Nguyễn Văn Cừ (Cồn Khương), phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Hình thức tổ chức: Trực tiếp và trực tuyến: Các điểm cầu tại Hà Nội, TP. HCM, TP. Cần Thơ và các tỉnh.

Quy mô: 150 - 180 đại biểu dự trực tiếp và 200 - 300 điểm cầu trực tuyến.

Chủ trì: Lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Bảo vệ Thực vật, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Tất cảTổng thuật

11 giờ 00 phút

Việc quản lý, đăng ký thuốc BVTV sinh học đang được ưu tiên hơn thuốc hóa học

ong huynh tan dat 1

Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt phát biểu kết thúc Diễn đàn.

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, hiện trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam có rất nhiều thuốc BVTV được đăng ký phòng trừ sinh vật gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau, chủ yếu là các cây trồng chính như lúa, cà phê, rau, cây ăn quả…, tuy nhiên đối với một số cây trồng như chanh leo, dâu tây… thì số lượng thuốc BVTV đăng ký rất ít khoảng 9-10 thuốc.

Bên cạnh đó một số sinh vật gây hại trên một số cây trồng đặc thù lại không có thuốc BVTV được đăng ký. Cục BVTV đã có văn bản để hướng dẫn, ưu tiên các tổ chức, cá nhân đăng ký các sinh vật gây hại trên các cây trồng này.

Việc thu gom vỏ bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng đã được quy định trong Thông tư liên tịch số 05/2016/TT-BNNPTNT-BTNMT. Trước hết, việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thuộc trách nhiệm người sử dụng thuốc, của tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Hướng dẫn thu gom bao gói đúng chỗ, địa điểm đặt bể chứa thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã. Việc xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được quy định tại Luật Môi trường.

Theo quy định của Luật Môi trường và các văn bản hướng dẫn, các doanh nghiệp thuốc phải đóng góp, sử dụng, đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Trong thời gian vừa qua Cục đã phối hợp với Croplife, Hiệp hội VIPA và các doanh nghiệp khác có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, Cục BVTV sẽ phối hợp với hiệp hội VIPA, Croplife và Bộ Tài nguyên Môi trường, hướng dẫn các quy định trong công tác thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV, đặc biệt là việc lập đề cương để đề xuất kinh phí cho việc xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Nội dung quản lý nhãn mác, bao bì bị làm giả, làm nhái, toàn bộ các quy định này đã được quy định cụ thể tại Nghị định 31/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính. Để quản lý tốt hơn, được phân cấp, phân quyền cho các cơ quan tại địa phương, gồm Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; bên cạnh đó Cục BVTV cũng đã ký hợp tác với lực lượng quản lý thị trường để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Hiện nay, việc quản lý, đăng ký thuốc BVTV sinh học đang được ưu tiên hơn thuốc hóa học. Thời gian đăng ký, phí đăng ký, khảo nghiệm, thời gian khảo nghiệm thuốc BVTV sinh học đã được cắt giảm rất nhiều so với thuốc BVTV hóa học.

Việc sử dụng thuốc BVTV sinh học còn nhiều hạn chế nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của người dân và các bên liên quan chưa đúng về hiệu lực, kỹ thuật sử dụng, hiệu quả kinh tế của thuốc BVTV sinh học. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật hơn thuốc BVTV hóa học và giá thành của thuốc BVTV sinh học cao hơn cũng là rào cản cho việc sử dụng rộng rãi.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, việc kiểm soát tồn dư trong nông sản là nhiệm vụ hàng đầu, việc tuân thủ đầy đủ theo khuyến cáo sản xuất, sử dụng đúng theo nguyên tắc 4 đúng bao gồm đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly là điều kiện quan trọng để kiểm soát tồn dư thuốc BVTV trong nông sản. Bên cạnh đó tăng cường kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở các khu vực sản xuất, đặc biệt ở các khu vực chuyên sản xuất rau, chè, cây ăn quả; phát hiện và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Kết thúc Diễn đàn, Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt nói lời cảm ơn sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các Hội, Hiệp hội trong lĩnh vực thuốc BVTV đã cùng đồng hành, chung tay cùng triển khai Đề án thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050 xứng đáng với tầm vóc, hài hòa sử dụng thuốc BVTV sinh học và thuốc BVTV hóa học, hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững theo đúng chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

10 giờ 45 phút

Tân Thành dành 20 tỷ đồng thu gom 450 tấn vỏ chai, gói thuốc BVTV

dai dien tan thanh

Đại diện Công ty TNHH Thương mại Tân Thành nêu ý kiến tại Diễn đàn.

Chia sẻ tại Diễn đàn, đại diện Công ty TNHH Thương mại Tân Thành cho biết, sản phẩm BVTV sinh học được công ty ưu tiên phát triển, nhằm mục tiêu đáp ứng cho nền nông nghiệp đạt tiêu chuẩn toàn cầu, an toàn cho sức khỏe và môi trường.

Đặc biệt, Tân Thành đã xây dựng Quy trình “Sức mạnh sinh học trên cây lúa” với hơn 40% thuốc BVTV  có nguồn gốc sinh học. Trong nhiều năm qua, công ty đã có nhiều khuyến cáo bà con nông dân về việc áp dụng quy trình sức mạnh sinh học trong canh tác.

Cụ thể, công ty tập huấn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, với tổng kinh phí 1,25 tỷ đồng; tập huấn cho đại lý, cơ sở buôn bán về hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả; triển khai các mô hình canh tác sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả, thuốc BVTV sinh học trên các cây trồng chủ lực.

Công ty cũng hỗ trợ bà con thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, gồm: xây dựng bể chứa, xây dựng mô hình thu gom thuốc BVTV đã qua sử dụng để đổi quà tết cho bà con nông dân vào mỗi dịp cuối năm.

Sau hơn 13 năm thực hiện, mô hình đã thu gom khoảng 450 tấn vỏ chai, gói sau 13 lần thu đổi, với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Các loại bao bì, vỏ chai sẽ được công ty tiêu hủy ở Long An.

Tại Diễn đàn, đại diện Công ty TNHH Thương mại Tân Thành đề xuất Cục Bảo vệ thực vật đơn giản quy trình đăng ký và rút ngắn thời gian khảo nghiệm các loại thuốc bảo vệ sinh học. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng kiến nghị Cục tham mưu Bộ NN-PTNT xây dựng các chuỗi giá trị nông sản cho các vùng sản xuất có sử dụng thuốc bảo vệ sinh học, để khích lệ bà con nông dân thay đổi hành vi trong sản xuất.

10 giờ 35 phút

Thuốc BVTV sinh học góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững

ong nguyen viet nghia

Ông Nguyễn Viết Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp Việt Nông.

Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp Việt Nông (Công ty Việt Nông) chia sẻ, hiện tại công ty đang phát triển nhiều sản phẩm phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc BVTV sinh học, sinh học công nghệ cao. Thực tế khi sử dụng trên đồng ruộng cho thấy, có những thuốc BVTV sinh học hiệu lực, hiệu quả cao hơn cả thuốc BVTV hóa học.

Hiện nay, Việt Nam được biết đến là một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp. Do đó, để phát huy được thế mạnh này thì việc quan tâm tới sức khỏe đất, môi trường, hệ sinh thái là cần thiết. Việc sử dụng thuốc BVTV phải thực sự hiệu quả về mặt kỹ thuật, kinh tế, gia tăng chất lượng, đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu…

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của thuốc BVTV hóa học, tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mới thì việc tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học sẽ đóng vai trò quyết định đến phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Công ty Việt Nông với vai trò là thành viên của Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA), trong giai đoạn tới sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển nhiều dòng thuốc BVTV sinh học hiệu lực cao, giúp nông dân có nhiều sự lựa chọn cho từng giai đoạn phát triển của cây trồng.

10 giờ 25 phút

Phải chọn đúng đối tượng thì thuốc bảo vệ sinh học mới hiệu quả

ong bui van kip

Ông Bùi Văn Kịp - đại diện Công ty Bayer Việt Nam.

Ông Bùi Văn Kịp, đại diện Công ty Bayer Việt Nam chia sẻ, nếu chọn đúng đối tượng thì hiệu quả của thuốc BVTV sinh học ngang bằng với thuốc BVTV hóa học, chứ không phải đối tượng nào cũng hiệu quả.

Ông Kịp cho biết, với bệnh đạo ôn, hiện nay Bayer có sản phẩm thuốc BVTV sinh học hiệu quả bằng với thuốc hóa học. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng cần phải kết hợp với các biện pháp khác thì mới phát huy hiệu quả được.

Ví dụ như chúng ta đưa vào trong đất con vi khuẩn phát triển bảo vệ hệ thống rễ kết hợp với thuốc sinh học thì đây là giải pháp giúp quản lý các bệnh nan giải cho nông dân, chẳng hạn như như bệnh thối rễ, teo tóp cành trên thanh long, giải pháp phục hồi vườn sầu riêng sau thu hoạch…

“Chủ trương phát triển thuốc sinh học là đúng xu thế, nói như vậy không phải là xem nhẹ các biện pháp khác, trong đó có thuốc hóa học. Theo số liệu thống kê, diện tích đất đai ngày càng hẹp lại vì nhiều lý do, đặc biệt là do biến đổi khí hậu. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để sản xuất lương thực, thực phẩm chất lượng phục vụ cho nhu cầu của con người trước bối cảnh như vậy. Chúng ta cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp từ con giống… trong đó có vai trò quan trọng của thuốc BVTV sinh học”, đại diện Bayer nhấn mạnh.

10 giờ 15 phút

Sử dụng hữu cơ sinh học cho năng suất cao hơn 20%, tăng lợi nhuận 15%

Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn (SPC) cho biết, đơn vị chủ trương đa dạng hóa thuốc BVTV theo hướng an toàn, phù hợp với chiến lược nông nghiệp xanh. SPC lập hội đồng nhập khẩu để tìm kiếm nhập khẩu các sản phẩm mới có độ độc thấp và đặc biệt là thuốc có nguồn gốc vi sinh vật, thảo mộc và các dạng bào chế công nghệ cao như nano/micro.

Công ty phát triển ngành hàng chăm sóc, quản lý dịch hại cho cây kiểng, tiểu cảnh sân vườn, sân thượng, ban công… vì thế chỉ áp dụng các sản phẩm nguồn gốc sinh học, xây dựng và phát triển hệ thống nhà nông SPC (năm 2021) với 92 nông dân trực tiếp trồng trọt được tham gia tập huấn thường xuyên về chăm sóc cây trồng đặc biệt là về BVTV.

drone1

Ứng dụng drone phun thuốc bảo vệ thực vật.

Năm 2022, đội ngũ tự nguyện này là 194 người, năm 2023 tăng lên 320 người. Nếu như những năm trước trước hầu hết người tham gia ở các tỉnh phía Nam và 90% là người trồng lúa thì đến nay, người tham gia đã trải khắp cả nước, đại diện cho 20 cây trồng chính ở các vùng miền.

SPC cũng tham gia Chương trình 1 triệu ha lúa sản xuất theo quy trình hữu cơ sinh học ở ĐBSCL; đang triển khai 5 mô hình (mỗi mô hình 5ha). Các mô hình này chỉ được sử dụng thuốc hóa học giai đoạn đầu, sau đó sử dụng phân bón và thuốc nhóm hữu cơ sinh học. Các mô hình này cũng được áp dụng công nghệ drone rất kinh tế hiện nay ở ĐBSCL.

SPC đã ký cam kết với cục BVTV và đang triển khai nhiều mô hình trên các cây trồng trọng điểm ở các địa phương. Tại ĐBSCL, SPC phối hợp với các Chi cục trồng trọt và BVTV Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, An Giang thực hiện các mô hình trên lúa, nhãn, xoài và thanh long. Các mô hình này dược Cục BVTV kiểm tra và đánh giá theo định kỳ (6 tháng và 1 năm).

Từ kết quả mô hình lúa ở Việt Nam, SPC triển khai mô hình sản xuất lúa nếp tại Lào áp dụng quy trình quản lý dịch hại theo hướng hữu cơ sinh học, cho năng suất cao hơn 20% và tăng lợi nhuận 15% so với tập quán của nông dân đang áp dụng. Mô hình kết thúc tháng 11/2023, được Bộ Nông nghiệp Lào, các Viện, trường và lãnh đạo các địa phương trọng điểm lúa ở Lào đánh giá rất cao.

10 giờ 00 phút

Kiến nghị tạo thông thoáng trong đăng ký lưu hành sản phẩm BVTV sinh học mới

ong vo quang huy

Ông Võ Quan Huy, đại diện Công ty TNHH Huy Long An, nêu ý kiến tại Diễn đàn.

Ông Võ Quan Huy, Công ty TNHH Huy Long An bày tỏ phấn khởi khi Bộ NN-PTNT ban hành các đề án mới về sức khỏe cây trồng.

Theo ông Huy, Việt Nam có đa dạng sinh học thảo dược và xác sinh vật có thể trở thành phân bón hữu ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Tuy nhiên, về phát triển sinh sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ông Huy cho rằng, công tác quản lý đang tiến hành rất chặt. Doanh nghiệp muốn đưa một chủng loại mới đi đăng ký đều gặp khó khăn trong khâu khảo nghiệm, chi phí cao nên việc phát triển sản phẩm có nhiều trở ngại, đưa tới hiện trạng “bình cũ rượu mới” để tránh đăng ký.

Do đó, ông Võ Quan Huy kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật cần tạo thông thoáng “dễ dãi” hơn trong khâu đăng ký lưu hành cho doanh nghiệp, chuyển sang hậu kiểm khi đăng ký sản phẩm mới, chỉ kiểm soát chất cấm trong sản phẩm.

Bên cạnh đó, ông Huy cũng kiến nghị thúc đẩy khoa học kỹ thuật trong nghiên cứu sản xuất các sản phẩm sinh học, đưa các công nghệ sản xuất mới trên thế giới về Việt Nam nhanh hơn, cập nhật sớm hơn.

“Để thay đổi hành vi sử dụng thuốc bảo vệ sinh học sinh học, chúng tôi muốn có cách tiếp cận dễ dàng, giá thành hợp lý, có sự truyền thông chính thống từ cơ quan quản lý Nhà nước”, đại diện Công ty TNHH Huy Long An nêu ý kiến.

9 giờ 50 phút

Sử dụng biện pháp sinh học và thuốc BVTV sinh học là xu thế tất yếu

Tại Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ, sử dụng thuốc hóa học gây ra những hậu quả xấu về an toàn thực phẩm, môi trường, đa dạng sinh học, hiện tượng kháng thuốc và bùng phát dịch hại… Giải pháp sử dụng các biện pháp sinh học và thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học là xu thế tất yếu, phù hợp với chiến lược IPM, tăng trưởng xanh và đạt được sự đồng thuận cao của các quốc gia trên thế giới.

phong tru sau benh

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, giải pháp sử dụng các biện pháp sinh học và thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học là xu thế tất yếu (Ảnh minh họa).

Thống kê cho thấy, tổng giá trị thị trường thuốc BVTV sinh học năm 2023 được dự báo là 6,7 tỉ USD. Năm 2028 tăng lên 13,9 tỉ USD. Tăng trưởng bình quân về giá trị 15,9%/năm. Dự báo, năm 2040-2050, giá trị thị trường thuốc BVTV sinh học sẽ bằng và vượt giá trị thị trường thuốc hóa học.

Tuy nhiên, việc phát triển thuốc BVTV sinh học vẫn gặp một số rào cản như: Hiệu lực chậm, thấp hơn và không ổn định; chuyên tính hẹp, không phong phú về chủng loại; thời gian bảo quản ngắn, dễ bị ảnh hưởng của môi trường, dễ bị lẫn tạp; sử dụng khó; chi phí sử dụng thuốc cao; thói quen sử dụng thuốc BVTV hóa học của người dân; quy định về đăng ký tại nhiều nước còn bất cập…

Trên cơ sở đó, ông Hồng cho rằng, quản lý thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam cần theo 3 hướng chính: Sản xuất trong nước; nhập khẩu từ nước ngoài; sản xuất quy mô nông hộ, trang trại, HTX để sử dụng.

Các chính sách lớn cần tập trung thực hiện gồm: Truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết về sử dụng có trách nhiệm thuốc BVTV. Tiếp thu, chọn lọc kinh nghiệm của thế giới để bổ sung, hoàn thiện và thực thi hiệu quả các quy định về quản lý thuốc BVTV; Đào tạo nguồn nhân lực (cán bộ quản lý, nghiên cứu, khuyến nông về thuốc BVTV sinh học); Xây dựng mạng lưới các trung tâm, viện, trường, phòng thí nghiệm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ sản xuất và sử dụng thuốc sinh học; Có chính sách tài chính cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, sản xuất, cung ứng thuốc BVTV sinh học;

Đổi mới công tác đăng ký, quản lý thuốc BVTV sinh học nhằm tạo động lực và quản lý hiệu quả hơn, hài hòa với quy định của các nước tiên tiến. Cập nhật, cụ thể hóa khái niệm thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam; bổ sung quy định đối với một số sản phẩm sinh học mới. Ban hành danh mục các thuốc BVTV sinh học có độ rủi ro thấp (thuốc vi sinh, pheromones…) được ưu tiên và đơn giản hóa thủ tục đăng ký;

Loại bỏ một số yêu cầu về số liệu thử nghiệm đối với các thuốc sinh học rủi ro thấp; quy định về các trường hợp thuốc BVTV được ưu tiên đăng ký đặc cách; Tăng thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV sinh học lên 10-15 năm, thay cho 5 năm hiện nay; Bổ sung quy định chỉ cho phép thuốc BVTV sinh học được bán hàng online; Đổi mới quy định ghi nhãn thuốc BVTV sinh học…

9 giờ 35 phút

Muốn giảm thuốc trừ cỏ phải có thêm các nghiên cứu thật kỹ

ong nguyen van tuat

GS.TS. Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội KHKT BVTV Việt Nam.

Mở đầu bài trình bày, GS.TS. Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội KHKT BVTV Việt Nam mượn lời Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan rằng: “Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển chuỗi liên kết giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị”; phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng miền”. Do đó, BVTV cũng cần đi theo xu hướng nông nghiệp tuần hoàn.

GS.TS. Nguyễn Văn Tuất cho biết, hiện nay nước ta có 10 loại cây trồng chính có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD như lúa, ngô, sắn… Việc mở rộng diện tích cây trồng, đầu tư thâm canh, sinh vật gây hại xuất hiện không theo quy luật đã làm gia tăng nhanh chóng số lượng hóa chất dùng trong nông nghiệp.

Trong lĩnh vực phòng trừ dịch hại, do sâu bệnh kháng thuốc nhanh nên nông dân thường tăng nồng độ sử dụng, dẫn đến dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm nông nghiệp tăng cao. Theo đó, việc áp dụng IPHM là rất cần thiết.

Trong 5 năm vừa qua có các sinh vật gây hại cây trồng mới phát sinh, mới nổi và bùng phát thành dịch cũng là một trong những thách thức đối với ngành thuốc BVTV. Tuy nhiên với sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà quản lý, cơ quan nghiên cứu, viện, trường, doanh nghiệp… cũng đã đề xuất được các quy trình kỹ thuật và hướng dẫn cho việc áp dụng. Riêng về cỏ, hiện chúng ta rất ít nghiên cứu. Trong thời gian tới nếu muốn giảm thuốc trừ cỏ, phải có thêm các nghiên cứu thật kỹ về nhóm này.

Định hướng phát triển trong thời gian tới cần phải nghiên cứu những sâu bệnh chính và nâng cao tính dự đoán, dự báo. Phải dự báo được những loại bệnh mới sẽ nảy sinh trong thời gian tới theo quy luật nào, cần cập nhật thì mới có hướng dẫn kịp thời và hiệu quả. Bên cạnh đó, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học bảo vệ thực vật; chẩn đoán giám định nhanh sâu bệnh cỏ dại và các vi sinh vật hại khác phục vụ kiểm dịch thực vật về xuất nhập khẩu nông sản hàng hóa…

9 giờ 25 phút

Truyền thông giúp hiểu đúng về vai trò và đóng góp của thuốc BVTV

ba dao thu vinh

Bà Đào Thu Vinh - Điều phối viên CropLife Việt Nam.

Bà Đào Thu Vinh, Điều phối viên CropLife Việt Nam cho biết, hoạt động ưu tiên và là trọng tâm nhằm hướng đến tầm nhìn phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Croplife những năm qua đã triển khai các chương trình hướng dẫn, tập huấn nông dân sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm đối với môi trường, sức khỏe con người, trong đó trọng tâm là các sản phẩm BVTV và giống cây trồng công nghệ sinh học.

Đại diện Croplife Việt Nam nhận định, các hoạt động truyền thông và stewardship có vai trò quan trọng, giúp nông dân và cộng đồng hiểu đúng về vai trò và đóng góp của thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp và cách thức quản lý, sử dụng công cụ này một cách hiệu quả, bền vững. Đối với người tiêu dùng, giúp họ hiểu thêm về sản xuất nông nghiệp và vai trò của thuốc BVTV từ có có những nhận định đúng trong việc lựa chọn và tiêu dùng sản phẩm. Đối với cơ quan Nhà nước, đây là kênh cung cấp thông tin góp ý và phản biện xã hội để điều chỉnh chính sách quản lý…

Hoạt động “stewardship” là cách tiếp cận quản lý sản phẩm theo vòng đời, tức là đảm bảo quy trình quản lý và sử dụng một cách hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm ở tất cả các bước, từ nghiên cứu, phát triển và sản xuất cho tới thương mại, phân phối ra thị trường cũng như tiêu hủy, thu gom bao bì sau sử dụng.

Đây là cách thức quản lý có trách nhiệm từ khi tiến hành nghiên cứu, phát triển cho tới sử dụng và tiêu hủy cuối cùng đối với bất kỳ sản phẩm thuốc BVTV nào. Mục đích là nhằm tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu mọi rủi ro có thể khi sử dụng thuốc BVTV.

Croplife cam kết ủng hộ quyết định của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các hệ thống sản xuất lương thực bền vững, định hướng ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững; Khuyến nghị nông dân Việt Nam cần phải được trang bị kịp thời, đầy đủ tất cả các công nghệ canh tác sẵn có, biết vận hành và sử dụng các công nghệ đó một cách có trách nhiệm để không chỉ phát huy lợi ích tối đa của công nghệ, nâng cao chất lượng, năng suất nông nghiệp mà còn sử dụng những công nghệ đó đúng cách, hiệu quả, an toàn cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Từ cuối năm 2022, Croplife đã phối hợp cùng Cục Bảo vệ Thực vật, Viện IPSARD công bố hai nghiên cứu về thuốc BVTV tiến hành trong giai đoạn 2019 - 2022, là “Đóng góp kinh tế - xã hội của các sản phẩm hóa chất nông nghiệp tại Việt Nam” và “Nghiên cứu hành vi của nông dân Việt Nam trong sử dụng hóa chất nông nghiệp”.

Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, một số nguyên nhân và rào cản khiến nông dân sử dụng thuốc BVTV chưa đúng cách hiện nay. Đây sẽ là thông tin tham vấn đầu vào trong việc thiết kế các mô hình nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết của người nông dân về quản lý dư lượng cũng như tập huấn những phương thức sử dụng thuốc BVTV một cách phù hợp, bền vững trong thời gian tới.

Croplife đã thực hiện Chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm tại Sơn La (giai đoạn 2017 – 2020); tại Đồng Tháp (giai đoạn 2021 – 2026) hỗ trợ người dân tiếp cận và được tập huấn về các nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm đồng thời xây dựng được mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn để cấp mã số vùng trồng cho một số cây trồng chủ lực.

Thời gian tới, Croplife sẽ số hóa tài liệu tập huấn; thiết lập nền tảng đào tạo trực tuyến bổ sung cho các lớp học trực tiếp mà người nông dân đang tham gia cùng Hiệp hội; hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV và tăng cường các dự án hợp tác, liên kết với các hiệp hội trong nước và các đối tác trong chuỗi giá trị.

9 giờ 15 phút

Chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm

ong nguyen van son

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA).

Chia sẻ về Chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm của Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA), ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch VIPA, khẳng định: Chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm ra đời là giải pháp quan trọng để khắc phục những tiêu cực từ việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trước đây.

Mục tiêu của Chương trình nhằm hỗ trợ nông dân, các đại lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tiếp cận và nắm rõ các nguyên tắc sử dụng thuốc và phòng trừ sinh vật gây hại nhằm phát huy hiệu quả của các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, giữ gìn môi trường xanh, sạch, bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng. Từ đó, hình thành nên vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao và phục vụ xuất khẩu.

Chương trình gồm các hoạt động: biên soạn tài liệu tập huấn, tổ chức tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả cho đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, nông dân và cán bộ tại địa phương.

Xây dựng các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm. Xây dựng các mô hình cùng nông dân bảo vệ môi trường (xây dựng các bể chứa, phát động ngày thu gom) và thanh tra, kiểm tra việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương.

Trọng tâm của Chương trình tập trung vào tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, gồm: đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng cách và đảm bảo thời gian cách ly. Cùng với đó, Chương trình cũng tập trung hướng đến 5 nguyên tắc vàng về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gồm: luôn tuân thủ các khuyến cáo về sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật; đọc và hiểu các thông tin, ký hiệu ghi trên nhãn thuốc; mặc đồ bảo hộ lao động phù hợp; cẩn thận khi phun thuốc - bảo quản tốt bình bơm - xử lý bao bì đúng cách; thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân.

Trong thời gian tới, Chủ tịch VIPA cho biết, Hội sẽ tiếp tục hoàn thiện và số hóa tài liệu tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm, IPM, IPHM và quản lý sinh vật gây hại trên một số cây trồng chính.

9 giờ 10 phút

Văn bản pháp luật về bảo vệ thực vật ở nước ta đã đầy đủ

ba nguyen thi mai hien

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT).

Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ thực vật (BVTV) ở nước ta hiện nay đã đầy đủ, thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVTV, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc BVTV.

Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, Danh mục thuốc BVTV thường xuyên được rà soát, bổ sung hay loại bỏ những loại thuốc không được phép sử dụng tại Việt Nam. Hằng năm, Bộ NN-PTNT đều ban hành Thông tư về danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam. Hiện nay, Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam thực hiện theo Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2023.

Theo bà Hiên, quản lý, sử dụng thuốc BVTV trong thời gian tới cần đảm bảo các mục tiêu như: Quản lý thuốc BVTV hiệu quả với tiêu chí rõ ràng, hướng tới nền nông nghiệp phát triển sạch và bền vững. Sử dụng thuốc BVTV phải bảo đảm sức khỏe của người dân và cộng đồng; bảo vệ môi trường sống của người dân cũng như môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm trồng trọt có sử dụng thuốc BVTV phải đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, đáp ứng mong mỏi của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Trên cơ sở đó, bà Hiên cũng đề xuất: Tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực thi các quy định về quản lý, sử dụng thuốc BVTV từ quy trình đăng ký, thực hiện khảo nghiệm đảm bảo quy định rõ ràng trong thành phần hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục hành chính thực hiện.

Cải tiến quy trình đăng ký thuốc BVTV như: Chuyển từ hình thức quản lý theo Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam sang hình thức quản lý theo giấy chứng nhận đăng ký. Xem xét bổ sung quy định với trường hợp xuất hiện sinh vật gây hại mới/đối tượng cây trồng nhưng chưa có thuốc BVTV được đăng ký sử dụng thì Bộ NN-PTNT sẽ cho phép sử dụng thuốc BVTV đã được đăng ký để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đánh giá thực tiễn việc quản lý, sử dụng thuốc BVTV sinh học trong thời gian qua; nghiên cứu, đề xuất chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển thuốc BVTV sinh học cũng như trình tự, thủ tục đăng ký công nhận thuốc BVTV sinh học.

9 giờ 00 phút

Thị trường thuốc BVTV sinh học toàn cầu sẽ đạt 13,9 tỷ USD năm 2028

Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Thuốc Bảo vệ Thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, xu hướng sử dụng thuốc BVTV sinh học ngày càng gia tăng, phổ biến ở các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Theo bà Hương, trên thị trường thế giới, dự báo năm 2023 - 2028, thị trường thuốc BVTV sinh học sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 15,9%, năm 2023 đạt 6,7 tỷ USD và dự kiến năm 2028 sẽ đạt 13,9 tỷ USD. Dự báo thị trường thuốc BVTV sinh học sẽ tương đương với thị phần thuốc BVTV hóa học trong năm 2040 - 2050.

Tại Việt Nam, bà Hương cho biết, từ năm 2020 - 2023, số lượng thuốc BVTV sinh học tăng từ 768 lên 810 tên thương phẩm được phép sử dụng.

drone

Máy bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật.

Về xuất khẩu, lượng thuốc BVTV sinh học xuất khẩu hàng năm của nước ta trung bình 600 tấn/năm, chiểm khoảng 5% so tổng lượng thuốc BVTV xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu là Đài Loan, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản...; trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia chiếm tỷ lệ 51,4% và Đài Loan 32,9%.

Lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu hằng năm của nước ta trung bình 18.000 - 20.000 tấn/năm, chiếm khoảng 15 - 20% so tổng lượng thuốc BVTV nhập khẩu. Nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, EU, ASEAN…

Hiện nay lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình giảm từ 3,81 kg/ha năm 2020 xuống 3,19 kg/ha năm 2022. Trong đó lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng tăng từ 16,67% năm 2021 lên 18,49% năm 2022. Các địa phương sử dụng thuốc BVTV sinh học nhiều: Đông Nam bộ (1,49 kg/ha), ĐBSCL (0,79 kg/ha).

Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã ban hành Đề án phát triển sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2023, tầm nhìn 2050. “Cục BVTV đã rất nỗ lực trong 2 năm vừa qua để hoàn thiện Đề án trình Bộ NN-PTNT, trong đó đã cụ thể hóa được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để làm sao trong thời gian tới chúng ta hướng tới được một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, đặc biệt thực hiện được các mục tiêu mà Đề án đã đề ra”, bà Hương nhấn mạnh.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.