Đáng chú ý, lời khai của Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) về cú bắt tay với Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch PVN) và số phận của 800 tỷ đồng vì sao lại mất…
Hà Văn Thắm khai Thủ tướng từng chỉ đạo bán cổ phần PVN
Cũng liên quan đến vụ án xảy ra tại Oceanbank, Hà Văn Thắm có mặt tại phiên tòa với tư cách người làm chứng sau khi bị tuyên án chung thân về các tội Tham ô tài sản, Cố ý làm trái, Lạm dụng chức vụ và Vi phạm quy định về cho vay.
Cựu Chủ tịch HĐQT Occeanbank Hà Văn Thắm đối chất lời khai. |
Cựu Chủ tịch Oceanbank cho rằng bản chất của việc PVN góp vốn vào Oceanbank là cả hai phía đều cần nhau nên nhiệt tình một cách hơi thái quá. Thỏa thuận góp vốn có lợi cho cả 2 bên nên việc ký kết diễn ra nhanh chóng.
Về cuộc gỡ với ông Đinh La Thăng, Hà Văn Thắm khẳng định, ngay từ ban đầu, Chủ tịch PVN đã nói rõ 2 vấn đề: "Anh Thăng nói giá dứt điểm là 1, kể cả giá thị trường là 2, nếu muốn kiếm lời thì phải kiếm lời từ sự hợp tác với PVN chứ không thể đi bán cổ phiếu giá cao hơn một nửa. Vấn đề thứ hai, Oceanbank phải tiếp nhận cán bộ công nhân viên và cơ sở vật chất của ban trù bị Hồng Việt”.
Về nội dung được cho là mấu chốt của vụ án, thỏa thuận ký kết giữa PVN và Oceanbank, Hà Văn Thắm khai ông Thăng nói phải ký văn bản đó để làm căn cứ báo cáo HĐQT và trình Thủ tướng Chính phủ. “Nếu cậu đồng ý mà tớ báo cáo HĐQT và Thủ tướng xong cậu lại thôi sẽ thành trò đùa, phải ký”, cựu Chủ tịch Oceanbank nhắc lại câu nói của ông Thăng thời điểm ký thỏa thuận. Và hợp đồng hoàn thành vào thời điểm sau khi PVN rót vốn vào Oceanbank.
Với tư cách là người làm chứng tại phiên tòa, Hà Văn Thắm một lần nữa khẳng định, việc Ngân hàng nhà nước (NHNN) mua lại Oceanbank với giá 0 đồng cần phải được xem xét lại bởi đây cũng là điểm mấu chốt khiến 800 tỷ đồng của PVN góp vốn bị mất.
"Theo tôi, việc mua 0 đồng hay không, cần phải xem bản chất ngân hàng Oceanbank có yếu kém hay không. Năm 2014, thanh tra NHNN kết luận Oceanbank nợ xấu, nhưng trong số này có 8.000 tỷ đồng được thu hồi ngay sau thời điểm công bố kết luận thanh tra. Cơ quan thanh tra cứ thấy vướng là trích lập bằng 0 hết nhưng nếu có tài sản thế chấp thì không thể bằng 0 được”.
Hà Văn Thắm nói thêm, về Oceanbank, chắc chắn không ai hiểu rõ ngân hàng này hơn ông ta, tuy nhiên, “thời điểm bị bắt, tôi từng nói với cán bộ điều tra cho em liên hệ với ngân hàng để đi thu nợ thì cán bộ điều tra nói ngân hàng của ông bị mua mất rồi còn đâu”.
Cựu Chủ tịch Oceanbank cũng khai thêm, trước khi Oceanbank được mua với giá 0 đồng, PVN từng có cơ hội không mất 800 tỷ đồng khi có đối tác muốn mua lại 20% vốn góp của DN này tại Oceanbank, nhưng điều đó đã không xảy ra. “Thủ tướng Chính phủ từng nói trực tiếp với tôi là em tìm đối tác bán đi cổ phần của PVN, sau đó có đối tác phát văn bản cho PVN mua lại 20% với giá đúng 800 tỷ. Tôi cũng nắm thông tin PVN báo cáo Thủ tướng việc thoái vốn nhưng NHNN cho rằng nên giao lại cổ phần cho NHNN, để bên ngoài mua sẽ thiệt và sau đó Oceanbank được NHNN mua giá 0 đồng”.
Đối chất về thông tin này, ông Phùng Đình Thực (cựu Tổng giám đốc PVN) khai có đối tác muốn mua lại 20% cổ phần của PVN ở Oceanbank, tuy nhiên, PVN chưa bán được thì Oceanbank bị mua giá 0 đồng vì thế 800 tỷ đồng coi như khoản thiệt hại của PVN khi đầu tư.
Bị cáo Đinh La Thăng xin nhận tội cho cấp dưới
Trả lời các câu hỏi của luật sư, bị cáo Đinh La Thăng một lần nữa khẳng định: “Quá trình góp vốn vào Oceanbank, PVN làm theo trình tự, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Bị cáo Đinh La Thăng trả lời luật sư chiều 20/3 |
Cụ thể ông Thăng khai, thời điểm đó, PVN đứng trước thách thức lớn làm sao tìm được ngân hàng để vừa đầu tư có lãi, vừa tiếp nhận nhân sự, bộ máy của Hồng Việt. Lãnh đạo của PVN đã làm việc, bàn bạc với nhiều ngân hàng nhưng không đi đến thống nhất. Khi biết Oceanbank chấp nhận những điều kiện PVN đề ra, bị cáo Thăng đã chỉ đạo Ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt xem xét các cơ sở góp vốn, mua cổ phần... Sau khi mời Hà Văn Thắm đến trụ sở bàn bạc, hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ phối hợp, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn trình tự, thủ tục…
“Tất cả các đợt quyết định đầu tư, góp vốn vào Oceanbank đều được thực hiện sau khi có văn bản của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Nếu có vấn đề gì thì cơ quan nhà nước đã có văn bản "thổi còi" nhưng tất cả đều đồng ý việc này. Các cơ quan kiểm tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước cũng không có bất cứ khuyến cáo nào và đã đồng ý, cấp phép việc tăng vốn diễn ra bình thường”, cựu Chủ tịch PVN khai.
HĐXX cũng tập trung làm rõ vai trò của bị cáo Đinh La Thăng và Hà Văn Thắm trong lần góp 100 tỷ đồng (lần 3) của PVN vào Oceanbank.
Theo cáo buộc, sau khi Hà Văn Thắm có văn bản gửi PVN báo cáo về tình hình đăng ký tăng vốn điều lệ, dự kiến điều chỉnh kế hoạch, đề nghị PVN tăng vốn điều lệ ở mức tối đa 20% vào Oceanbank. Tại thời điểm này, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”. Như vậy, phần vốn của PVN tại Oceanbank đã vượt quá 5% so với quy định. Lẽ ra Đinh La Thăng với trách nhiệm là Chủ tịch HĐTV phải chỉ đạo việc thoái vốn tại Oceanbank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là 15%. Tuy nhiên, ngày 10/5/2011, Đinh La Thăng lại ký Quyết định giao cho Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện phần vốn của PVN tại Oceanbank với tỷ lệ 20% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Cũng giống như phiên xử ngày hôm qua, bị cáo Thăng cho biết, trong lần góp vốn này, ông đang đi công tác dài ngày và có ủy quyền điều hành cho Nguyễn Xuân Thắng và Hoàng Xuân Hùng. Cựu Chủ tịch HĐQT PVN khẳng định, bị cáo ủy quyền điều hành chứ không ủy quyền biểu quyết thay một nghị quyết của HĐQT nào cụ thể.
“Bản thân bị cáo không biết gì về Nghị quyết số 4266 về việc góp thêm vốn vào Oceanbank. Bị cáo không ký, không tham gia biểu quyết, thống nhất Nghị quyết, khi đi công tác về cũng không biết. Bị cáo rất tôn trọng báo cáo của anh Xuân Thắng, tuy nhiên bị cáo không được nghe trực tiếp anh Thắng báo cáo. Bị cáo hoàn toàn không biết nghị quyết đó. Nếu biết, bị cáo đã có chỉ đạo dừng thực hiện...”, bị cáo Thăng khẳng định.
Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu và người ủy quyền điều hành: "Dù không tham gia biểu quyết, dù nghị quyết đó không phù hợp quy định mới của pháp luật nhưng bị cáo nhận trách nhiệm người đứng đầu, người đã ủy quyền. Trước phiên tòa này, bị cáo sẵn sàng nhận trách nhiệm thay cho anh Thắng, anh Sơn, anh Quỳnh, anh Liêm, anh Trường, anh Đức. Ra xử có vấn đề gì mà không đúng, bị cáo xin nhận hoàn toàn trách nhiệm thay các anh đó”.
Trả lời HĐXX về các nội dung liên quan, ông Thăng thừa nhận mình phải chịu trách nhiệm về việc bảo toàn và phát triển vốn trên cương vị người đứng đầu tập đoàn, tuy nhiên, khi đại diện Viện KS hỏi về khả năng thu hồi 800 tỷ đồng và trách nhiệm người đứng đầu, ông Thăng cho rằng: Trách nhiệm này thuộc HĐTV PVN vì sau đó ông Thăng đã chuyển công tác từ năm 2011. Ông Thăng cũng một mực khẳng định năng lực và hiệu quả của Oceanbank nhưng đại diện Viện KS cho rằng không có căn cứ. |
[clip] Ông Đinh La Thăng trả lời đại diện VKS sáng 20/3.