| Hotline: 0983.970.780

Đinh La Thăng thừa nhận do nóng vội, Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc nhận tiền

Thứ Ba 09/01/2018 , 19:41 (GMT+7)

Trong quá trình xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng, HĐXX tiếp tục cách ly bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Đáng chú ý là phần xét hỏi các bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh và một số bị cáo trong việc ra chủ trương, thực hiện ký hợp đồng EPC số 33, việc cho PVC tạm ứng, gây thiệt hại gần 120 tỉ đồng.

Bị cáo Đinh La Thăng

Đối với bị cáo Đinh La Thăng, theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện Dự án NMNĐ Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quỵ định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban QLDA căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và gần 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng gần 1.116 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào Dự án NMNĐ Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng.

Trong quá trình xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng, HĐXX tiếp tục cách ly bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Liên tục bị HĐXX truy trách nhiệm trong việc chỉ định thầu cho PVC, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận: Tháng 6/2010, với tư cách là Chủ tịch PVN, ông Thăng có ký nghị quyết đồng ý về chủ trương giao cho PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, sử dụng vốn của PVN tại PVPower và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện...

Qua thẩm vấn bị cáo khác cho thấy trong phạm vi trọng trách họ đều thấy khuyết khiếm, và nói có dấu ấn bị cáo. Với trách nhiệm người đứng đầu không thấy bị cáo nhận trách nhiệm? Đến thời điểm này, bị cáo nhận thấy quá trình chỉ đạo, triển khai dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có sai phạm gì?, HĐXX hỏi.

Bị cáo Đinh La Thăng đáp: Bị cáo đã nhận trách nhiệm trước cơ quan điều tra, VKS, với vai trò là người đứng đầu của PVN, bị cáo do sức ép của tiến độ, trong chỉ đạo của bị cáo có lúc nóng vội, quá quyết liệt dẫn đến có lúc vi phạm quy trình, thủ tục. Bị cáo luôn nhận trách nhiệm người đứng đầu. Còn theo pháp luật còn có trách nhiệm HĐTV, chủ tịch HĐTV theo quy định cũng như các chức danh khác, của tổng thầu, chủ đầu tư. Vì vậy, để chỉ định được PVC tổng thầu thì căn cứ đánh giá chủ đầu tư, của Tổng giám đốc trên cơ sở đánh giá của các ban và HĐTV đánh giá. Bị cáo thay mặt HĐTV ký. Quá trình điều tra chưa từ chối lần nào về trách nhiệm của bị cáo...

HĐXX đã gọi một số bị cáo trong vụ án lên đối chất để làm rõ vấn đề này. Bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng BQL Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Chương khai, tại cuộc họp ngày 31/3/2011, ông Thăng chỉ đạo ban quản lý dự án rà soát lại nội dung hợp đồng EPC để ký lại hợp đồng điều chỉnh chủ thể. Đến cuộc họp ngày 1/6/2011, ông Thăng yêu cầu hoàn thành sớm thiết kế tổng thể và sớm thực hiện việc tạm ứng 10% giá trị hợp đồng cho dự án.

“Bị cáo được anh Thăng gọi lên phòng hỏi tại sao không làm văn bản chuyển tiền tạm ứng cho PVC. Bị cáo bảo anh xem lại hợp đồng vì không phù hợp quy định, không đúng với nghị định 48 của Chính phủ, đề nghị Tập đoàn hướng dẫn ban quản lý thực hiện theo đúng quy định. Khi đó anh Thăng đã cho gọi anh Sơn, anh Khánh lên phòng. Lúc đó anh Thăng vội đi đâu và nói tôi không biết, các anh phải làm sao chuyển tiền tạm ứng cho PVC thực hiện dự án”, bị cáo Chương khai rõ.

Tòa hỏi bị cáo Thăng: “Bị cáo thấy thế nào về lời khai của bị cáo Chương?” – "Bị cáo tôn trọng ý kiến của bị cáo Chương" - ông Thăng trả lời.

Chưa hết, Thẩm phán phiên tòa cũng đọc bút phê của ông Thăng với nội dung “chuyển anh Khánh – Phó tổng giám đốc xử lý”. Nhờ vào đó ông Khánh đã chuyển Ban quản lý dự án tạm ứng 1.000 tỷ đồng cho PVC.

Đáng chú ý, trong phần xét hỏi sau đó, trả lời câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài, bị cáo Đinh La Thăng cho biết dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nằm trong chiến lược phát triển PVN và chiến lược ngành điện VN. Trong đó, chiến lược PVN đảm bảo cung ứng 30% sản lượng điện. Do tính chất dự án nên đã được Chính phủ cho hưởng nhiều cơ chế đặc thù như vừa thiết kế chi tiết vừa thực hiện chủ trương về đầu tư. Trong thiết kế thực hiện theo 2 giai đoạn vừa thiết kế vừa thì công, hạng mục nào không ảnh hưởng đến tổng thể dự án thì cho triển khai luôn.  

“Dự án bị ép tiến độ như thế nào? Liệu có phải là nguyên nhân phát sinh hệ lụy pháp lý?”, luật sư hỏi.

“Dự án này rất cấp bách, Chính phủ yêu cầu khởi công trong quý I năm 2009, Tập đoàn tổ chức triển khai theo yêu cầu, nên HDTV ép tiến độ các cơ quan các cấp của PVN bám sát tiến độ triển khai nhanh nhất. Bây giờ sau 10 năm nhìn lại dự án, sau khi làm việc với Công an và HĐXX, bị cáo mới có đầy đủ các thông tin mà khi triển khai không nắm được. Bị cáo đã chỉ đạo rất quyết liệt và có sự nóng vội. Bản thân bị cáo cũng thấy có những việc do ép tiến độ mà anh em cấp dưới không đủ điều kiện để làm đa dẫn đến vi phạm. Giữa quyết liệt, nănng động, sáng tạo và vi phạm khuyết điểm là hết sức mong manh. Rất mong HĐXX xem xét trong bối cảnh 10 năm về trước, mô hình Tập đoàn thí điểm giai đoạn đầu, tiến độ căng thẳng, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện”, bị cáo Thăng trả lời. 

Và hơn một lần, bị cáo Thăng nhận  trách nhiệm người đứng đầu khi nghẹn ngào nói: “ Đối với anh em  trong tập đoàn vì sự chỉ đạo quyết liệt của bị cáo đã dẫn đến anh em làm không đúng, vi phạm các quy trình, bị cáo xin nhận trách nhiệm cho các anh em”.
 

Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc nhận tiền

Cũng trong phần xét hỏi ngày 9/1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh thừa nhận trách nhiệm trong việc ký hợp đồng EPC nhưng phủ nhận một số cáo buộc tham ô.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh

Về hợp đồng EPC số 33, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho biết mình là người phê duyệt trên cơ sở Ban tổng giám đốc PVC trình, bị cáo biết hợp đồng còn thiếu nhiều thủ tục, quy trình những vẫn ký bởi PVN yêu cầu để cho kịp khởi công, thủ tục nào thiếu sẽ bổ sung sau. Đáng chú ý, bị cáo này thừa nhận đã không đọc hồ sơ nhưng vẫn ký duyệt, đồng thời cũng thừa nhận dùng tiền tạm ứng từ dự án Nhiệt điện để góp vốn vào 5 công ty con và đơn vị thành viên là sai. 

Tiền tạm ứng chi tiêu như thế nào? Ai là người quyết định việc chi tiêu? HĐXX hỏi. “Chủ trương là do HĐQT, việc chi tiêu là Ban tổng giám đốc xem xét, phê duyệt”, Trịnh Xuân Thanh trả lời.

Chuyển sang nhóm tội tham ô 13 tỷ đồng tại dự án Nhiệt điện Vũng Áng - Quảng Trạch, người đầu tiên bị thẩm vấn là bị cáo Vũ Đức Thuận. Ông Thuận khai ông Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo "xem đơn vị thành viên nào có lãi thì lấy tiền đi lễ, tết".  Tiếp đó, bị cáo Nguyễn Anh Minh cũng xác nhận có chủ trương của ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận về việc chuyển tiền lễ tết, đối ngoại. Tiền được rút từ Quỹ của Ban điều hành dự án và để hợp thức chứng từ phải lập hợp đồng khống hồ sơ thiết kế các hạng mục. 

Cụ thể, ngày 12/7/2011, bị cáo Minh nhận được chỉ đạo gặp Lương Văn Hòa (giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) để lấy 2 tỷ đồng. Hòa nhờ tài xế chuyển hai túi sang cho lái xe ông Trịnh Xuân Thanh, tên là Toàn gọi là "Anh Hòa gửi sếp". 

Thẩm phán đã cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh đối chất về những lời khai trên, nhưng Thanh phủ nhận. "Minh từng hỏi có cần tiền tiêu Tết không và bị cáo nói: Tao chẳng cho mày tiền thì thôi", Thanh nói.

Tòa tiếp tục gọi Nguyễn Anh Minh, bị cáo này khai một lần đến nhà Trịnh Xuân Thanh ăn tối, thấy ông này lấy túi tiền trong tủ ra đưa, nói đó là tiền bị cáo Hòa chuyển. Tuy nhiên, Thanh cho rằng lời khai của các bị cáo so với lúc ở cơ quan điều tra có mâu thuẫn. 

Xem thêm
Cặp vợ chồng tử vong trong khi đốt nương làm rẫy

Quá trình đốt nương để lấy đất canh tác, thấy lửa cháy lan 2 vợ chồng cố gắng dập lửa. Song không may, cả 2 đã tử vong trong đám cháy.