| Hotline: 0983.970.780

Độ ẩm đất thích hợp cho cây hành vụ đông

Thứ Ba 09/01/2024 , 17:59 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Việc duy trì độ ẩm đất thích hợp là hết sức quan trọng nhằm nâng cao sức khoẻ cây hành, tăng năng suất.

Hành là cây trồng quan trọng trong vụ đông của nông dân huyện Nam Sách (Hải Dương). Việc duy trì độ ẩm đất thích hợp là hết sức quan trọng nhằm nâng cao sức khoẻ cây hành, giúp tăng năng suất.

Độ ẩm đất thích hợp với cây hành vụ đông là khoảng 80%. Theo kinh nghiệm, trên diện tích khoảng 1 đến 2 sào (sào 360m2) cần lấy ngẫu nhiên 5 đến 7 điểm, mỗi điểm 1 dúm đất rồi ve vào lòng bàn tay, thấy đều ra hình con giun là ruộng đó có độ ẩm đất đạt 80%.

Nông dân đội 4 thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (huyện Nam Sách, Hải Dương) phấn khởi chăm sóc hành vụ đông.

Nông dân đội 4 thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (huyện Nam Sách, Hải Dương) phấn khởi chăm sóc hành vụ đông.

Dù cho thời tiết ở hình thái rét nhẹ, độ ẩm không khí luôn cao trên 70% hoặc hình thái thời tiết có nhiều nắng hanh và độ ẩm không khí thấp thì bức xạ từ mặt trời vẫn luôn lớn hơn bức xạ từ mặt đất, quá trình quang hợp vẫn diễn ra ở cây hành. Nước ở vùng rễ được cây hút phản ứng với khí cacbonic (CO­2) từ trong không khí, dưới tác động của năng lượng ánh sáng mặt trời, được tổng hợp thành chất hữu cơ.

Ông Lê Đình Bách ở đội 8 thôn An Đông, xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) vẫn nhớ và nhắc lại kiến thức đã được tập huấn khuyến nông từ hơn 20 năm trở lại đây về sự kỳ diệu trong hút nước và dinh dưỡng của cây hành. “Bộ rễ chùm của cây hành ăn sâu và thẳng, có rất nhiều lông hút; bộ dọc lá cây hành vươn cao bao nhiêu thì bộ rễ ăn sâu bằng đó. Nếu duy trì tưới rãnh thường xuyên và cho tự ngấm thì đất trên mặt luống hành bao giờ cũng đảm bảo 80%, cây hành có điều kiện hút dinh dưỡng tốt hơn”, ông Bách chia sẻ kinh nghiệm.

Vụ đông năm nay cây hành phát triển rất tốt nhờ thời tiết thuận lợi. Ảnh: Hữu Vân.

Vụ đông năm nay cây hành phát triển rất tốt nhờ thời tiết thuận lợi. Ảnh: Hữu Vân.

Khi thời tiết ở hình thái có nhiều sương mù về đêm và sáng sớm, bào tử nấm sương mai có điều kiện sinh sôi, nảy nở và bay phát tán theo chiều gió, dễ dàng đậu bám trên dọc hành và nảy mầm gây hại phần thịt dọc. Nếu diện tích bị nhiễm nhiều và nặng thì đứng ngay bờ ruộng cũng ngửi thấy mùi đặc trưng, bà con nông dân gọi là “mùi hành lang”. Bệnh này thường phun trừ bằng một trong các loại thuốc đặc trị như: RidomilGold 68WG, Daconil 500SC, Antracol 70WG… Ngoài ra còn có biện pháp hạn chế bệnh sương mai bằng kỹ thuật nâng cao sức khoẻ cây hành như duy trì và điều tiết độ ẩm mặt luống sao cho ở mức 80%.

Vụ đông năm nay, các diện tích hành của bà con nông dân trong huyện Nam Sách sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài được sống trong điều kiện thời tiết có biên độ nhiệt ngày đêm lớn, cây hành còn được sống trong thời tiết có ánh sáng ngày ngắn “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”, dáng thế cây hành mỗi ngày một khác, như báo hiệu sẽ có một vụ bội thu.

Bà con nông dân rất phấn khởi và đều thừa nhận thời tiết quyết định cây hành. Tuy nhiên, một số ruộng hành ở khắp các xã, thị trấn trong toàn huyện Nam Sách vẫn còn tình trạng để đất khô trắng mặt luống hàng tuần liền, khiến cho cây hành có dọc ngắn, củ nhỏ và khóm bé, bộ rễ bị co rụi, năng suất sau này chắc chắn sẽ sụt giảm. Nguyên nhân sâu xa và chủ yếu vẫn là yếu tố con người, chưa chủ động được nước tưới, khi có nguồn nước về thì lại cho to đẫy, khiến sụt lún mặt luống, làm hành bị tụt dọc và co rễ.

Nông dân huyện Nam Sách chủ động lấy nước đảm bảo độ ẩm cho ruộng hành.

Nông dân huyện Nam Sách chủ động lấy nước đảm bảo độ ẩm cho ruộng hành.

Từ cơ sở lý luận và thực tế nêu trên, xin khẳng định: Thời tiết là nền tảng mang tính quyết định; còn yếu tố con người là trung tâm, đóng vai trò rất quan trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây hành. Từ đó, các xã, thị trấn, các HTX dịch vụ nông nghiệp cần phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn và thảo luận khuyến nông trên lớp cũng như thực địa ngoài đồng, thực hiện phương châm "người biết bảo dùm người chưa biết" trong canh tác cây hành vụ đông.

Chủ đề tập huấn và thảo luận cần tập trung vào: Triệu chứng bệnh sương mai và biện pháp kỹ thuật phòng trừ; so sánh diện tích luôn đảm bảo độ ẩm 80% độ ẩm đồng ruộng với diện tích không chủ động nước tưới; kỹ thuật chăm sóc hành vụ đông cuối vụ...

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.