| Hotline: 0983.970.780

Vùng rau chuyên canh lớn nhất Hà Tĩnh tất bật vào vụ Tết

Thứ Tư 03/01/2024 , 18:22 (GMT+7)

Vụ đông năm nay thời tiết thuận lợi, ít mưa, tạo điều kiện tốt cho việc sản xuất rau phục vụ thị trường dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Bên cạnh các giải pháp luân canh gối vụ, nông dân tại vùng rau chuyên canh lớn nhất Hà Tĩnh cũng đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau rau an toàn theo hướng hữu cơ để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.

Những ngày này, nông dân tại các vùng chuyên canh rau của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang tích cực chăm sóc rau màu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nhờ thời tiết thuận lợi nên các loại rau vụ đông tại Hà Tĩnh năm nay phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nhờ thời tiết thuận lợi nên các loại rau vụ đông tại Hà Tĩnh năm nay phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Gia đình bà Phan Thị Đào tại thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà) có hơn 4 sào đất trồng màu, chủ yếu trồng các loại rau như cà rốt, bí đỏ, dưa chuột, cải củ, hành lá... Quá trình trồng và chăm sóc chủ yếu sử dụng phân chuồng, các loại thuốc bảo vệ sinh học nên rất an toàn và được thị trường rất ưa chuộng.

Để rau màu cho năng suất cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thời gian này, bên cạnh việc thu hoạch một số loại rau màu ngắn ngày, gia đình bà Đào đang tập trung bón phân, làm cỏ và tưới nước để rau sinh trưởng, phát triển tốt.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Định cũng đang tập trung chăm sóc khoảng 8 sào rau của gia đình để kịp thu hoạch bán vào dịp Tết, chủ yếu là cà rốt, khoai lang, bí đỏ và cải củ. Do rau được trồng đúng kỹ thuật, an toàn nên thương lái tìm đến tận nơi để mua. Theo ông Định, lượng rau bán ra vào dịp Tết hàng năm thường cao gấp 3 - 4 lần ngày thường, giá cả cũng cao hơn. Mỗi năm gia đình ông trồng từ 2 - 3 vụ rau, mỗi vụ thu hoạch khoảng 30 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập chính và ổn định của gia đình.

Thời gian này, các thành viên của HTX rau, củ, quả Hằng Bảy ở xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà) cũng đang tích cực bám đồng. Không chỉ tập trung thu hoạch, bà con nông dân còn kịp thời xuống giống cho lứa tiếp theo để kịp lịch đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm. Theo bà con, vụ đông năm nay thời tiết rất thuận lợi, ít mưa bão nên các loại cây vụ đông đều phát triển tốt.

Nông dân tại các vùng chuyên canh rau huyện Thạch Hà trồng rải vụ giúp giảm áp lực trong tiêu thụ và tranh thủ được thị trường dịp Tết. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nông dân tại các vùng chuyên canh rau huyện Thạch Hà trồng rải vụ giúp giảm áp lực trong tiêu thụ và tranh thủ được thị trường dịp Tết. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hiện nay, nông dân trong HTX đã đầu tư hệ thống tưới tự động, tạo thuận lợi cho việc tưới rau, thường xuyên giữ ẩm cho đất nên cây trồng phát triển đồng đều. Nhờ trồng rau có thu nhập quanh năm nên kinh tế bà con trong HTX khá hơn trước. Riêng dịp Tết, sản lượng rau bán ra của HTX tăng cao nên thu nhập tăng từ 4 - 5 lần. 

Vụ đông năm nay, xã Thạch Văn sản xuất hơn 13ha rau màu các loại. Toàn xã có 2 HTX và 3 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn được đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, mạng lưới điện đảm bảo phục vụ sản xuất ngày một tốt hơn.

"Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho diện tích trồng rau, đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, xã Thạch Văn đã mở rộng diện tích vùng trồng rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Hội Nông dân xã Thạch Văn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên đã tạo được thương hiệu rau an toàn trên địa bàn và những vùng phụ cận với giá trị kinh tế cao", ông Lê Thành Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Văn cho biết.

Bà con nông dân trồng xen canh nhiều loại rau trên cùng diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Bà con nông dân trồng xen canh nhiều loại rau trên cùng diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Để đảm bảo cung ứng rau cho thị trường dịp Tết Giáp Thìn, bà Ngô Thị Minh tại thôn Khang (xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà) đã thực hiện các biện pháp luân canh, xen canh, gối vụ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho hơn 4 sào bắp cải và súp lơ của gia đình. Với 4 sào trồng rau, mỗi năm gia đình bà Minh sản xuất từ 2 - 3 vụ, mỗi vụ cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng, đem lại thu nhập ổn định.

Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Khang hiện có 35 hộ dân tham gia sản xuất trên diện tích hơn 2ha. Với phương châm không cho đất nghỉ, bà con sản xuất theo hình thức luân canh, xen kẽ giữa cây ngắn ngày và dài ngày. Vì vậy từ tháng 10, bà con đã có sản phẩm rau vụ thu đông, vụ đông sớm xuất bán thường xuyên và kéo dài đến cận Tết. Thị trường tiêu thụ chính tại các chợ ở thị xã Hồng Lĩnh, huyện Thạch Hà, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). 

Ông Nguyễn Danh Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Liên cho biết, toàn xã có gần 25ha sản xuất rau tập trung tại các vùng chuyên canh truyền thống ở thôn Thọ, thôn Khang…. và trồng xen canh, gối vụ trên diện tích hơn 10ha tại vườn nhà. Năm nay, xã tiếp tục định hướng bà con gieo trồng các loại cây vụ đông truyền thống của địa phương như su hào, bắp cải, cà chua, dưa chuột, đậu cove.

Vụ đông, nhất là trà rau phục vụ thị trường Tết mang nhập chính cho nông dân chuyên canh rau tại huyện Thạch Hà. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Vụ đông, nhất là trà rau phục vụ thị trường Tết mang nhập chính cho nông dân chuyên canh rau tại huyện Thạch Hà. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Đặc biệt, xã có 8ha áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với trên 150 hộ tham gia, từng bước chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Hiện người dân xã Thạch Liên không chỉ chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn mà còn biết lựa chọn các mùa trong năm để trồng các loại rau được thị trường ưa chuộng.

Tại vùng chuyên canh trồng rau xã Thạch Liên (huyện Thạch Hà), thời điểm này người sản xuất rau an toàn trên địa bàn xã cũng đang tất bật chuẩn bị rau phục vụ thị trường cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán. Một số loại rau đã sẵn sàng thu hoạch như cải củ, bắp cải, súp lơ. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, mỗi sào rau (500m2) ở đây có thể cho thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng/năm. Với diện tích rau VietGAP, thu nhập còn có thể cao hơn (ở mức 70 - 80 triệu đồng/sào/năm). Nhờ thời tiết thuận lợi nên vụ đông năm nay vùng sản xuất rau ở Thạch Liên đã phủ kín diện tích.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.