| Hotline: 0983.970.780

Nơi làm vụ đông sôi động bậc nhất Đồng bằng sông Hồng

Thứ Năm 04/01/2024 , 14:01 (GMT+7)

THÁI BÌNH Những ngày cuối năm 2023, rảo quanh địa bàn tỉnh Thái Bình, không khó để bắt gặp những cánh đồng rau, màu, dược liệu… đang đua nhau vươn mình trong giá rét.

Vụ "ăn nên làm ra" của nông dân

Nét rạng ngời, hồ hởi, vui tươi trên gương mặt của các “nông dân thế hệ mới” làm cho hoạt động sản xuất vụ đông vốn đã khí thế lại càng trở nên sôi động hơn.

“Sản xuất vụ đông bây giờ đã khác, bớt cực nhọc, lam lũ hơn trước do có máy móc hỗ trợ. Cũng chẳng còn cảnh người người lóc cóc đạp xe đi chở từng bao giống về trồng, bao phân về bón. Các bà, các mẹ không còn phải tay bưng, vai gánh từng thúng khoai tây, dưa bí, rau màu đi bán từ sớm tinh mơ đến tận chiều tà mà vẫn không hết do vắng bóng người mua. Những công việc đó bây giờ đã có hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp đứng ra chăm lo”, ông Hoàng Đình Tâm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Quỳnh Nguyên (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) hào hứng chia sẻ khi đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng sản xuất cây vụ đông với diện tích gần 200ha của các thành viên HTX.

Theo ông Hoàng Đình Tâm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ), sản xuất vụ đông bây giờ đã khác. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Hoàng Đình Tâm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ), sản xuất vụ đông bây giờ đã khác. Ảnh: Trung Quân.

Chỉ tay về phía ông Khiêm (kiểm soát HTX) đang cùng các thành viên trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm chăm sóc khoai tây trực tiếp trên ruộng không khác gì những chuyên gia thực thụ, ông Tâm vui vẻ: “Mặc dù không có bằng kỹ sư nông nghiệp nhưng người ít nhất cũng hơn 10 năm, người nhiều thì 30 - 40 năm kinh nghiệm trồng cây vụ đông nên các bác ấy hiểu cây trồng như con đẻ của mình. Thậm chí nhiều bác còn phát hiện ra những mẹo chăm cây, diệt sâu bệnh vừa hiệu quả vừa tiết kiệm, an toàn. Cứ bác nào có kết quả sản xuất tốt chúng tớ đều gọi là chuyên gia”.

Cũng theo ông Tâm, mặc dù mỗi hộ có diện tích sản xuất không lớn nhưng hoạt động sản xuất vụ đông của HTX rất thống nhất, quy củ theo từng vùng trồng tập trung với các loại cây như khoai tây, bắp cải, ớt, ngô ngọt… Không còn tình trạng mạnh ai người ấy làm như trước đây.

Sở dĩ có sự thay đổi lớn như vậy là do các hộ đều nhận ra rằng, giá trị kinh tế thu được từ sản xuất vụ đông lớn hơn nhiều lần so với các vụ khác trong năm. Đặc biệt, với cách thức vận hành hoạt động theo chuỗi liên kết, người trồng không phải lo vấn đề đầu vào (phân, thuốc, giống, dịch vụ cơ giới hóa…) vì đã có HTX đứng ra làm đầu mối cung cấp, nếu có nhu cầu sẽ được đầu tư, cuối vụ mới phải hoàn tiền.

Sản phẩm làm ra nếu không chủ động tiêu thụ được HTX sẽ thu mua, kết nối với thương lái, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp tiêu thụ hoặc đưa vào kho lạnh của HTX với sức chứa gần 100 tấn để bảo quản, đợi tín hiệu của thị trường.

Với người dân Quỳnh Nguyên, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm, thậm chí là vụ giúp người dân làm giàu. Ảnh: Trung Quân.

Với người dân Quỳnh Nguyên, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm, thậm chí là vụ giúp người dân làm giàu. Ảnh: Trung Quân.

Khi đầu vào, đầu ra của sản xuất không còn là nỗi bận tâm thì các hộ chỉ chuyên tâm chăm sóc ruộng trồng, bảo nhau cùng sản xuất. Nhờ đó, diện tích, năng suất, chất lượng sản phẩm cây vụ đông cứ thế tăng lên. Đồng thời, tiếng lành đồn xa, từ chỗ phải đỏ mắt đi tìm thương lái, giờ đây thương lái đã chủ động tìm đến tận ruộng để “ăn hàng”.

Đơn cử như cây khoai tây, các giống cũ được thay thế bằng bộ giống mới nên năng suất tăng lên 6 - 8 tạ/sào (360m2), với giá bán trung bình từ 10.000 - 15.000 đồng/kg (tùy từng vụ), các hộ thu về 160 - 250 triệu đồng/ha (chưa trừ chi phí). Đặc biệt, ngoài diện tích đất chuyên màu, chân đất 2 lúa ở đâu thuận lợi đều được tận dụng, cải tạo để trồng cây vụ đông.

Với người dân Quỳnh Nguyên, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm, thậm chí là vụ giúp người dân làm giàu. Vậy nên, tuy vất vả nhưng chẳng ai bỏ bê ruộng đồng. Quan trọng hơn, nông dân đã chuyển biến trong nhận thức, sản xuất theo tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường; biết chăm chút cho sản phẩm của mình để khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị.

Trong ánh chiều tà, ngắm nhìn cánh đồng trải dài một màu xanh tít tắp, hứa hẹn một vụ sản xuất bội thu đang đến gần, ông Tâm bất giác ngâm nga câu ca dao “Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang. Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”.

Không chạy theo phong trào để tạo sự khác biệt

Xã Thống Nhất, huyện Đông Hưng (Thái Bình) có truyền thống sản xuất cây vụ đông. Tuy nhiên, không giống các địa phương khác theo đuổi những loại cây truyền thống như su hào, bắp cải, khoai tây..., người dân nơi đây bảo nhau trồng cây ngưu tất (một loại cây dược liệu) để tạo hướng đi riêng biệt.

Theo ông Phạm Văn Thuyến, Giám đốc HTX Cây ngưu tất, xã Thống Nhất (huyện Hưng Hà), sau mỗi vụ trồng ngưu tất, các hộ đều có một khoản thu nhập không hề nhỏ. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Phạm Văn Thuyến, Giám đốc HTX Cây ngưu tất, xã Thống Nhất (huyện Hưng Hà), sau mỗi vụ trồng ngưu tất, các hộ đều có một khoản thu nhập không hề nhỏ. Ảnh: Trung Quân.

Ông Phạm Văn Thuyến, Giám đốc HTX Cây ngưu tất cho biết, cây trồng này có mặt ở đồng đất xã Thống Nhất từ hàng chục năm nay, khởi xướng từ một số hộ làm nghề buôn bán cây dược liệu mang giống về trồng thử. Ban đầu, ai cũng cho rằng cây dược liệu này sớm muộn cũng sẽ “chết yểu” vì kinh nghiệm không có, đất trồng toàn là chân ruộng 2 vụ lúa.

Vậy mà những mầm non ngưu tất cứ âm thầm lớn lên trong tiếng xì xào khắp làng trên xóm dưới. Để rồi khi thu hoạch, năng suất, giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng truyền thống, tiếng xì xào được thay thế bằng những lời tán dương, trầm trồ. Thế rồi “một truyền mười, mười truyền trăm”, cây ngưu tuất bắt đầu phủ khắp các cánh đồng thôn An Mai, An Khoái, An Đình…

Tuy nhiên, như một quy luật tất yếu, trồng theo phong trào nên chẳng ai có thông tin về thị trường, không biết giá bán đích thực là bao nhiêu, phụ thuộc hoàn toàn vào một vài thương lái địa phương. Nhiều hộ công sức bỏ ra nhiều nhưng giá bán lại chẳng được bao nhiêu, thậm chí khi những thương lái không mua thì chẳng biết bán cho ai, đành cắt về cho lợn ăn hoặc kéo nhau mang đi đổ bỏ. Vậy là, sau một thời gian thắng lợi, cây ngưu tất chính thức bước vào giai đoạn trầm lắng.

Khi mọi thông tin được phổ rộng, nhu cầu về nguyên liệu dược liệu của thị trường tăng cao, trong khi nguồn cung hạn chế, cây ngưu tất lại một lần nữa được người dân Thống Nhất đánh thức sau giấc ngủ dài.

Nhiều gia đình đã khéo léo quay vòng 2 vụ màu, 1 vụ ngưu tất hoặc 1 vụ ngưu tất, 1 vụ màu (ngô, dưa lê), 1 vụ lúa mùa. Nhờ đó, diện tích ngưu tất không ngừng được mở rộng, đến hiện tại toàn xã đã có gần 80ha. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm chăm sóc lâu năm, năng suất ngưu tất luôn được duy trì trung bình ở mức 7 - 8 tạ/sào (360m2). Với giá bán trung bình từ 15.000 - 16.000 đồng/kg củ tươi (có năm chỉ 10.000 - 11.000 đồng/kg, có năm lên tới 19.000 - 21.000 đồng/kg), củ khô 60.000 - 70.000 đồng/kg, sau mỗi vụ, người trồng đều có một khoản thu nhập không hề nhỏ.

Tuy nhiên, để có thu nhập cao, người trồng ngưu tất cũng phải “trầy vi, tróc vảy”. Bởi lẽ cây trồng này tốn rất nhiều công chăm sóc và đòi hỏi kỹ thuật tương đối cao. Đây là loại cây ưa lạnh, nếu gặp thời tiết rét đan xen ấm nhẹ thì cây phát triển thuận lợi, nhưng nếu nhiệt độ quá cao thì cây không có củ. Do đó, thông thường thời gian xuống giống phải đảm bảo từ khoảng 15 - 20/9, sau 4,5 - 5 tháng là có thể thu hoạch.  

Trước khi gieo hạt, ruộng trồng phải được cày bừa, đập đất thật kỹ, lên luống cao, bón lót phân chuồng. Gieo hạt xong, hàng ngày phải tưới nước cho hạt nhanh nảy mầm. Khi cây mọc lên hạn chế tưới mặt, nên bơm nước vào rãnh để cây lấy nước nuôi củ thẳng, dài. Khi cây sinh trưởng mạnh, phải cắt ngọn để dinh dưỡng tập trung nuôi củ. Đến khi cây có nhiều lá vàng, lá gốc rụng dần, củ dài từ 20 - 30cm thì tiến hành thu hoạch…

Nhiều gia đình đã khéo léo quay vòng 2 vụ màu, 1 vụ ngưu tất hoặc 1 vụ ngưu tất, 1 vụ màu (ngô, dưa lê), 1 vụ lúa mùa để tăng thu nhập. Ảnh: Trung Quân.

Nhiều gia đình đã khéo léo quay vòng 2 vụ màu, 1 vụ ngưu tất hoặc 1 vụ ngưu tất, 1 vụ màu (ngô, dưa lê), 1 vụ lúa mùa để tăng thu nhập. Ảnh: Trung Quân.

Không những vậy, nếu trồng 2 vụ lúa và 1 vụ ngưu tất thì liên tục phải chạy đuổi. Nghĩa là đất không có thời gian nghỉ, liên tục quay vòng. Chính vì phải chạy theo thời vụ nên người sản xuất sẽ rất vất vả. Trước kia chưa có máy làm đất, máy đánh luống nên nhiều gia đình phải tranh thủ đánh luống cả đêm vì nghe dự báo ngày mai sẽ có mưa, nếu hôm nay không lên được luống, không rắc được hạt, để đất ngấm mưa thì về sau còn vất vả và mất nhiều công hơn. Thậm chí có gia đình đã cày bừa, bón phân xong gặp mưa đành phải làm lại, vừa mất chi phí tiền cày bừa, vừa chậm thời vụ.

Hiện nay, với sự trợ giúp của các loại máy móc, hoạt động sản xuất của người dân rất chủ động, có hộ còn xuống giống sớm hơn, áp dụng kỹ thuật kiểm soát sinh trưởng để đón lõng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, một số khâu như làm cỏ, tỉa cây, thu hoạch… phải làm bằng tay, trong khi lao động trẻ ngày càng khan hiếm do đã chuyển dịch sang công nghiệp và dịch vụ.

Yêu cầu khi trồng cây ngưu tất là phải đảm bảo chất lượng, độ an toàn của nguồn nguyên liệu dược liệu ngày càng tăng cao, trong khi đó, ở một số giai đoạn phát triển của cây, người dân vẫn sử dụng thuốc BVTV, mặc dù không ảnh hưởng đến chất lượng và tồn dư trong nguyên liệu nhưng về cảm quan thì chưa thật ưng ý. Đồng thời, một số hộ vẫn giữ tư tưởng kinh nghiệm, nhận thấy một vụ làm được là các vụ sau bê nguyên cách thức sản xuất đó, mặc dù HTX đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, so sánh thiệt hơn giữa các cách làm nhưng vẫn chưa thay đổi.

 

Xem thêm
Trang trại chim trĩ, gà kỳ lân độc lạ ở miền Tây

CẦN THƠ Tại trang trại rộng 500m2 nuôi gần 500 con chim trĩ và 20 con gà kỳ lân, anh Nguyễn Bửu Thanh là người đầu tiên nuôi giống gà lạ này ở Cần Thơ.

Nguy cơ cao dịch tả lợn Châu Phi từ tận dụng thức ăn thừa

KHÁNH HÒA Một hộ chăn nuôi ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang vừa tiêu hủy toàn bộ đàn lợn do vài con bị chết với kết quả xét nghiệm dương tính dịch tả lợn Châu Phi.

Thí điểm công nghệ đo lường, báo cáo và xác nhận giảm phát thải trong sản xuất lúa

THÁI BÌNH Viện Môi trường Nông nghiệp hợp tác với Công ty Thanks Carbon áp dụng công nghệ đo giảm phát thải trong mô hình sản xuất lúa tưới ngập - khô xen kẽ tại Thái Bình.

Bình luận mới nhất