| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp cao su khốn đốn với thuế giá trị gia tăng

Thứ Ba 08/11/2022 , 15:37 (GMT+7)

Một số chính sách liên quan đến thuế, nhất là hoàn thuế giá trị gia tăng hiện đang là nỗi bức xúc của nhiều doanh nghiệp trong ngành cao su Việt Nam.

Thu hoạch mủ cao su ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Thanh Sơn.

Thu hoạch mủ cao su ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Thanh Sơn.

Có công ty chưa được hoàn thuế cả trăm tỷ đồng

Tại Hội thảo Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững, do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tổ chức tại TP.HCM ngày 8/11, đại diện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cao su đã chia sẻ nỗi bức xúc lớn nhất hiện nay của họ là việc hoàn thuế giá trị gia tăng.

Đại diện của Công ty Hoa Sen Vàng, cho biết, trong 17 năm qua, công ty luôn được Bộ Công Thương bình chọn là doanh nghiệp uy tín và nhiều năm nay thuộc diện được “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, từ tháng 10/2021 đến nay, Hoa Sen Vàng phải chờ được cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ thì mới được hoàn thuế giá trị gia tăng. Việc kiểm tra vẫn đang được kéo dài đến thời điểm này với số tiền hoàn thuế mà công ty chưa được nhận hiện vào khoảng 100 tỷ đồng. Số tiền chưa được hoàn thuế quá lớn, trong khi lãi suất ngân hàng đang tăng lên, khiến cho Hoa Sen Vàng đang lâm vào tình cảnh rất khó khăn.

Tương tự, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty Thương mại Hoàng Dũng, cho biết, 1 trong những vướng mắc lớn nhất của các công ty xuất khẩu cao su hiện nay là việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, các công ty xuất khẩu cao su chưa được các cơ quan thuế giải quyết về thuế giá trị gia tăng. Số tiền thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn thuế của các doanh nghiệp, nhiều nhất lên tới 70 tỷ đồng. Doanh nghiệp ít thì cũng 20-30 tỷ đồng.

Theo ông Vinh, ngày 12/6/2013, Bộ Tài chính đã ban hành công văn 7527/BTC-TCT về về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế. Theo đó, các cục thuế địa phương phải kiểm tra các khâu trung gian, tức là phải kiểm tra F1, F2, F3, F4 … Công văn này đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp vì trên thực tế không thể làm được.

Vì vậy, ngày 15/10/2013, Bộ Tài chính đã ban hành công văn 13706/BTC-TCT hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi công văn 7527/BTC-TCT. Theo đó, việc kiểm tra xác minh được thực hiện trong phạm vi 40 ngày và chỉ kiểm tra xác minh đối với người bán hàng trực tiếp doanh nghiệp xuất khẩu để xử lý hoàn thuế. Sau khi Bộ Tài chính ban hành văn bản sửa đổi này, vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng đã được giải quyết.

Tuy nhiên, ngày 7/4/2022, Tổng cục Thuế lại ban hành văn bản gửi các cục thuế địa phương yêu cầu việc kiểm tra các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải kiểm tra các khâu trung gian từ F1, F2 đến Fn. Điều này khiến cho việc hoàn thuế giá trị gia tăng lại bị ách tắc như trước đây.

Ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch VRA, cho biết, nếu khó khăn này không được tháo gỡ, xuất khẩu cao su sẽ không đáp ứng với tiềm năng sản lượng của hơn 265 ngàn hộ tiểu điền, hiện chiếm trên 60% sản lượng cả nước, trong bối cảnh giá thấp kéo dài và nhu cầu cao su sụt giảm.

Chính vì vậy, VRA và các doanh nghiệp xuất khẩu cao su đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho các công ty xuất khẩu cao su.

Thanh lý vườn cây cao su phải đóng thuế cao

Ngoài vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp trong ngành cao su đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc lớn.

Bên cạnh vướng mắc về thuế giá trị gia tăng, liên quan tới chính sách thuế, các doanh nghiệp cao su còn gặp vướng mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thanh lý vườn cây cao su. Theo các quy định hiện nay, thu nhập từ thanh lý các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, thu nhập từ việc bán phế liệu phế phẩm liên quan đến các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, được miễn thuế thu nhập. Nhưng thu nhập từ thanh lý vườn cây cao su lại phải chịu mức thuế thu nhập hiện hành là 20%.

Doanh nghiệp đang phải đóng thuế thu nhập với thu nhập từ thanh lý vườn cây cao su. Ảnh: Thanh Sơn.

Doanh nghiệp đang phải đóng thuế thu nhập với thu nhập từ thanh lý vườn cây cao su. Ảnh: Thanh Sơn.

Đây là một điều bất hợp lý, vì cũng như những mặt hàng nông sản khác, việc trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và thanh lý cây cao su được thực hiện theo một chu kỳ liên tục. Việc thanh lý cây cao su cũng giống như các loại cây trồng, vật nuôi khác. Khi thanh lý có giá trị thu hồi, nhưng trong khi các loại cây trồng, vật nuôi khác được hưởng chính sách miễn thuế thì cây cao su lại phải chịu mức thuế cao.

Do đó, VRA đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thu hoạch gỗ cây cao su thanh lý như các sản phẩm trồng trọt khác.

VRA cũng kiến nghị Bộ Tài chính về việc đề nghị xem xét áp dụng chính sách miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất trồng của vườn cây cao su tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản. Bởi cao su là cây trồng lâu năm, giai đoạn xây dựng cơ bản (từ trồng đến lúc bắt đầu thu hoạch mủ) kéo dài khoảng 6 - 8 năm, tùy theo vùng sinh thái và giống. Sau 20 - 25 năm thu hoạch mủ, cây cao su sẽ được khai thác gỗ để trồng lại và tiếp tục chu kỳ tiếp theo.

Để tái canh, các doanh nghiệp cao su cần tập trung vốn đầu tư cho công tác phục hoang, trồng mới, chăm sóc trong 6-8 năm. Dự án trồng cao su tái canh là dự án độc lập với dự án trồng trồng cao su chu kỳ trước đó.

Trong thời gian xây dựng cơ bản ở chu kỳ mới, diện tích cao su tái canh chưa có sản phẩm, nên chưa có doanh thu, lợi nhuận, không có nguồn để nộp tiền thuê đất. Để thực hiện nghĩa vụ tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản của diện tích cao su tái canh chưa có nguồn thu, doanh nghiệp buộc phải vay vốn, càng gây thêm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất