| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp chọn lối đi riêng để giúp sầu riêng Việt Nam phát triển

Thứ Năm 01/06/2023 , 15:16 (GMT+7)

Một doanh nghiệp tại Đắk Lắk chọn lối đi riêng đó là tách ra khỏi cấu trúc mua bán sầu riêng lâu nay để giúp sầu riêng có chỗ đứng tại thị trường tỷ dân.

Sầu riêng bốc múi cũng cần được đầu tư

Theo thống kê của cơ quan chức năng, Tây Nguyên có sản lượng sầu riêng 130.000 tấn trong năm 2022, dự báo trong 2 năm tiếp theo sản lượng sẽ tăng thêm 50%. Hiện các tỉnh Tây Nguyên đang tăng mạnh diện tích trồng sầu riêng. Khi tăng diện tích sẽ cung cấp một sản lượng quả lớn, vượt xa nhu cầu của thị trường. Việc tăng mạnh diện tích sẽ tạo áp lực rất lớn về đầu ra. Đây là những vấn đề mà sầu riêng sẽ gặp phải trong 3 - 5 năm tới.

Theo ông Vũ Phi Hổ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần sầu riêng Tây Nguyên (SARITA) khi sản lượng lớn thì thị trường sẽ không còn ổn định về giá. Từ đó, bài toán được mùa mất giá sẽ quay trở lại trên cây sầu riêng.

“Khi áp lực bán cao, trong khi thời gian bán sầu riêng chỉ trong vòng 15 ngày kể từ ngày quả sầu riêng được cắt xuống. Nếu sầu riêng không được cắt đúng thời điểm để quả rụng thì bất cứ giá nào người dân cũng phải bán để thu hồi vốn”, ông Hổ nói.

Ngoài bán quả tươi, sản phẩm bốc múi sầu riêng hiện nay vẫn còn tiềm năng rất lớn. Ảnh: Tâm An.

Ngoài bán quả tươi, sản phẩm bốc múi sầu riêng hiện nay vẫn còn tiềm năng rất lớn. Ảnh: Tâm An.

Theo ông Hổ khi quả sầu riêng rụng thì các doanh nghiệp chuyển sang bóc múi, lúc này áp lực tài chính sẽ gia tăng. Nếu bán quả tươi, các doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn nhanh, nhưng khi bóc múi thì phải cấp đông số lượng lớn.

Đặc biệt, loại bóc múi thì người dân sau khi ăn xong quả tươi họ mới quay đến sản phẩm cấp đông. Như vậy sản phẩm cấp đông phải để trong vòng một năm mới đưa ra thị trường.

“Sản lượng bóc múi vào khoảng 60.000 tấn quả với 20.000 tấn sản phẩm. Nếu quy ra tiền thì sẽ rơi vào khoảng 1.800 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ. Đi kèm với sản lượng bóc múi này thì hệ thống kho lạnh đi kèm cũng phải lớn. Tuy nhiên hiện nay năng lực chứa tại Tây Nguyên thì không đến 2.000 tấn.

Do đó, để có nơi chứa, các doanh nghiệp phải đưa sản phẩm xuống TP.HCM để thuê kho cấp đông. Nhìn từ dữ liệu này thì địa phương phải tìm ra những nhà logictic phù hợp những đặc tính của ngành sầu riêng bóc múi, để từ đó nâng được giá trị, tạo ra được lợi ích của sản phầm này”, ông Hổ thông tin.

Ông Hổ nói thêm, hiện nay sản phẩm cấp đông của Việt Nam xuất qua Trung Quốc ở phân khúc nguyên liệu, tầm trung. “Loại sản phẩm này ngay từ đầu không định dạng được thương hiệu nên phải bán ở các chợ, phân khúc trung bình. Do đó, để sản phẩm này có chỗ đứng, bán được giá cao thì cần thay đổi về nhận thức của doanh nghiệp cũng như cả người dân vì tiềm năng của dòng sản phẩm này rất lớn”, ông Hổ nói.

Xây dựng lối đi riêng cho doanh nghiệp

Theo ông Vũ Phi Hổ, không phải sầu riêng Việt Nam không ngon mà do lựa chọn phân khúc, công nghệ và cách tham gia thị trường không đúng.

Cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần sầu riêng Tây Nguyên lấy mẫu đất kiểm tra đối với những vườn liên kết. Ảnh: Tâm An.

Cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần sầu riêng Tây Nguyên lấy mẫu đất kiểm tra đối với những vườn liên kết. Ảnh: Tâm An.

Cụ thể, ở Thái Lan người ta bảo vệ sầu riêng bằng luật pháp. Đặc biệt toàn bộ phân bón, thuốc trừ sâu phải được cơ quan chức năng quản lý. Người dân không được sử dụng những sản phẩm chưa được chính quyền khảo nghiệm.

“Ở Thái Lan, sầu riêng là thương hiệu quốc gia, do đó họ dùng luật để quản lý. Đây là cách người Thái họ quản lý ngành sầu riêng. Đối với nước ta, việc nâng cao chất lượng sầu riêng của Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung hiện nay là vô cùng phức tạp”, ông Hổ so sánh.

Cụ thể, từ trước đến nay sầu riêng đi theo quy trình từ nhà vườn đến thương lái, vựa (công ty) và cuối cùng là thương lái Trung Quốc. Trong đó, thương lái Trung Quốc là người quyết định thị trường.

Hiện giá sầu riêng của Thái Lan bán tại Trung Quốc hơn 1.000 tệ/thùng (18kg) trong khi sầu riêng Việt Nam chỉ bán được 900 tệ/thùng. Từ đó người tiêu dùng đánh giá hàng Việt Nam thuộc hàng chợ, thấp nhất trên thị trường. Đặc biệt, sầu riêng hiện nay chưa được xem là sản phẩm thương hiệu quốc gia. Do đó, chúng ta chưa có đầu tư xứng đáng cho ngành hàng này. Từ những vấn đề trên, Công ty SARITA thành lập với chủ trương sử dụng thương hiệu Việt Nam, của người Việt đứng chân tại thị trường Trung Quốc.

Công ty Cổ phần sầu riêng Tây Nguyên đầu tư công nghệ cấp đông nitơ để nâng cao chất lượng quả sầu riêng bốc múi. Ảnh: Tâm An.

Công ty Cổ phần sầu riêng Tây Nguyên đầu tư công nghệ cấp đông nitơ để nâng cao chất lượng quả sầu riêng bốc múi. Ảnh: Tâm An.

Cụ thể, công ty ký hợp đồng với một đối tác phía Trung Quốc đang phân phối sữa chua Vinamilk và các loại sữa đặc tại thị trường tỷ dân này. Theo đó, đối tác Trung Quốc sẽ là đại lý bán hàng và hưởng hoa hồng trên từng sản phẩm.

“SARITA đi trên một con đường độc lập, tách ra khỏi cấu trúc thông qua các thương lái. Chính vì thế SARITA xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cao cho quả sầu riêng Việt Nam. Đặc biệt quả bóc múi được xây dựng chuẩn theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Cụ thể, SARITA chủ trương sử dụng công nghệ nitơ cấp đông cho sầu riêng bốc múi. Theo đó, mỗi mẻ thời gian cấp múi chỉ trong vòng 11 phút với nhiệt độ âm 250 độ. Việc đẩy nhanh tốc độ đông cứng sẽ giúp múi sầu riêng không bị mất nước, cấu trúc của quả sầu riêng vẫn còn nguyên. Đây là một trong những công nghệ hữu ích giúp nâng giá trị của sầu riêng cấp đông.

Đặc biệt, để nâng tầm sầu riêng, SARITA đưa ra chủ trương phải bắt đầu từ người trồng. Doanh nghiệp có đầu tư nhà máy, cơ sở vật chất bao nhiêu nhưng quả sầu riêng đưa vào không ngon thì không còn giá trị.

“Công nghệ không thể làm cho quả sầu riêng ngon lên được. Sầu riêng có ngon hay không phải là do người trồng. Người trồng muốn có quả sầu riêng ngon thì phải có kỹ thuật canh tác, dinh dưỡng cây trồng và quá trình phun thuốc, vệ sinh môi trường đồng ruộng”, ông Hổ thông tin.

Để giúp người dân, hiện nay Công ty SARITA đang xây dựng quy trình chuẩn cho việc canh tác sầu riêng. Những vườn nào hợp tác với SARITA thì đều được đội ngũ kỹ thuật của đơn vị hỗ trợ.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ xây dựng quy trình canh tác chuẩn, lộ trình dinh dưỡng cây trồng vì hiện này vẫn còn nhiều trường hợp không nắm được kỹ thuật canh tác. Công ty cũng sẽ kiểm sát phân bón, thuốc trừ sâu đối với các vườn liên kết.

Công ty SARITA hỗ trợ vốn cho nông dân trồng sầu riêng. Ảnh: Tâm An.

Công ty SARITA hỗ trợ vốn cho nông dân trồng sầu riêng. Ảnh: Tâm An.

“Đơn vị cũng xây dựng đội ngũ 10 nhân viên công nghệ thông tin để số hóa vùng trồng. Toàn bộ dữ liệu vùng trồng từ canh tác, thu hoạch sầu riêng sẽ được số hóa.

Số hóa vườn vựa là bước đi quan trọng hàng đầu cho tất cả những nền nông nghiệp. Nếu việc này triển khai thuận lợi sẽ giúp cho ngành sầu riêng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung nâng cao được chất lượng, chuyên nghiệp”, ông Hổ nói thêm.

Theo ông Vũ Phi Hổ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần sầu riêng Tây Nguyên, khi đã có đủ thông tin để cung cấp cho việc số hóa thì sẽ có những dự báo chính xác từng loại bệnh, khi nào thu hoạch. Đây là một trong những đột phá của doanh nghiệp mà trước giờ những đơn vị kinh doanh sầu riêng chưa triển khai. Trong vòng 3 năm khi đủ dữ liệu thì tất cả dữ liệu về sầu riêng từ quy trình canh tác, thời điểm thu hoạch được thu thập. Lúc này những thông tin này được trí tệ nhân tạo xử lý để đưa ra thông tin chính xác những yêu cầu cho từng giai đoạn của cây sầu riêng.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm