| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp, địa phương than phiền nhiều điểm nghẽn trong nuôi biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói 'không'

Thứ Ba 02/04/2024 , 10:30 (GMT+7)

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng 'không có điểm nghẽn trong giao khu vực biển'.

Liên quan đến câu chuyện “1 giấy phép nuôi biển vướng 6 bộ, ngành”, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để hiểu rõ hơn “điểm nghẽn” nằm ở đâu trong việc giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản trên biển.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 11 thời gian vừa qua, cơ bản chưa thấy cũng như chưa nhận được các đề xuất, kiến nghị, phản ánh những vướng mắc có liên quan trực tiếp đến các quy định của Nghị định 11 đối với việc giao khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 11 thời gian vừa qua, cơ bản chưa thấy cũng như chưa nhận được các đề xuất, kiến nghị, phản ánh những vướng mắc có liên quan trực tiếp đến các quy định của Nghị định 11 đối với việc giao khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Hồng Thắm.

Chưa nhận thấy có vướng mắc

Thưa ông, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 quy định về việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Tuy nhiên đến nay nhiều ý kiến phản ánh rằng, một số quy định trong Nghị định này vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

Căn cứ Luật Biển Việt Nam, ngày 21/5/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Qua hơn 5 năm thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng khu vực biển đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

“Từ khi Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển có hiệu lực đến nay, chúng tôi chưa nhận được hồ sơ nào đề nghị giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản thuộc thẩm quyền giao của Bộ Tài nguyên và Môi trường”, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.

Tuy nhiên, Nghị định số 51/2014/NĐ-CP cũng còn một số tồn tại, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển, thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP.

Nghị định số 11/2021/NĐ-CP đã khắc phục các tồn tại, hạn chế trong Nghị định số 51/2014/NĐ-CP, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan như pháp luật về thủy sản, đầu tư, quy hoạch; thực hiện cải cách hành chính.

Liên quan đến nuôi trồng thủy sản trên biển, Nghị định 11 cơ bản quy định chi tiết các điều, khoản của Luật Thủy sản; theo Nghị định 11 thì hồ sơ, thủ tục còn đơn giản hơn so với việc giao khu vực biển nói chung và về mặt thẩm quyền đã có phân cấp rất mạnh cho địa phương.

Ví dụ, đối với nuôi trồng thủy sản trên biển thì cấp huyện cũng có thẩm quyền giao khu vực biển trong trường hợp không thu tiền theo quy định tại Điều 44 của Luật Thủy sản, mở rộng thẩm quyền của UBND cấp tỉnh ra đến 6 hải lý.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 11 thời gian vừa qua, cơ bản chúng tôi chưa thấy cũng như chưa nhận được các đề xuất, kiến nghị, phản ánh những vướng mắc có liên quan trực tiếp đến các quy định của Nghị định 11 đối với việc giao khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản trên biển.

Qua thông tin và các kiến nghị, phản ánh mà chúng tôi nắm được, cơ bản thấy rằng, các vấn đề vướng mắc liên quan đến nuôi trồng thủy sản trên biển hiện nay có thể là liên quan đến quy hoạch, sắp xếp lại các vùng nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp, hiện đại; liên quan đến việc cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho các hộ gia đình, cá nhân…

Nếu nhận được các phản ánh, kiến nghị liên quan trực tiếp đến các điều, khoản của Nghị định 11, chúng tôi sẽ có nghiên cứu để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng.

Như ông chia sẻ thì “vướng” ở đây liên quan đến việc cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển. Được biết, hiện ngành nông nghiệp cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển, sau đó chuyển qua ngành tài nguyên và môi trường cấp thủ tục giao khu vực biển, điều này liệu có chồng chéo gì không, thưa ông?

Tôi nghĩ ở đây không có sự chồng chéo, mỗi hoạt động đều phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu và thực hiện các quy định trong hệ thống pháp luật của chúng ta nói chung, các quy định của pháp luật chuyên ngành nói riêng, bảo đảm quyền, lợi ích của mỗi chủ thể nhưng phải hài hòa, không ảnh hưởng, xung đột đến các chủ thể khác, vì mục tiêu phát triển chung của đất nước.

Đối với các hoạt động sử dụng biển, yêu cầu điều kiện đầu vào là trong hồ sơ phải có một thành phần rất quan trọng là văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Với nuôi trồng thủy sản trên biển đó chính là giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển, thuộc thẩm quyền cấp phép của cơ quan quản lý chuyên ngành về thủy sản.

Sau khi tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản sẽ nộp hồ sơ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét việc giao khu vực biển. Ví dụ tương tự trên đất, với hoạt động khai thác khoáng sản, phải được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, rồi mới đến câu chuyện giao đất, cho thuê đất.

Việc giao khu vực biển và thẩm quyền giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản đã được quy định tại Luật Thủy sản và Nghị định 11; theo đó, UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản tùy thuộc dự án, vị trí thực hiện theo thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển và một số yếu tố khác. Trong Luật Thủy sản đã quy định rất rõ và cụ thể về thẩm quyền cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản, thẩm quyền giao khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản trên biển rồi.

Với đặc thù trên biển là không gian liên thông, có nhiều hoạt động và có sự giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau, việc giao khu vực biển cần phải được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp với quy luật tự nhiên và chức năng sử dụng của khu vực biển theo phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái; đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học biển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, lợi ích, chủ quyền quốc gia.

Vướng mắc không phải do chưa có Quy hoạch không gian biển quốc gia

Luật Thủy sản quy định thời gian giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản tới 30 năm, có thể gia hạn đến 20 năm. Vùng được giao phải nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay Quy hoạch không gian biển quốc gia vẫn chưa được ban hành, nhiều địa phương cho rằng, đây là một trong “điểm nghẽn”, quan điểm của ông ra sao?

Trước đây, khi nói về quy hoạch thì có rất nhiều loại quy hoạch khác nhau, sau khi Luật Quy hoạch năm 2017 được Quốc hội ban hành, chúng ta đã sắp xếp lại hệ thống các quy hoạch, trong đó trên biển có hai quy hoạch chung là: Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Để triển khai thực hiện, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã cho phép, các quy hoạch được triển khai lập, phê duyệt đồng thời; quy hoạch cấp dưới không phải chờ quy hoạch cấp trên nhưng phải sửa đổi, điều chỉnh phù hợp với quy hoạch cấp trên.

Là đơn vị được giao chủ trì, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã hoàn thành công tác lập các quy hoạch trên biển, tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường trình các cấp có thẩm quyền; trong đó, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt và theo dự kiến; Quy hoạch không gian biển quốc gia sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định trong kỳ họp Quốc hội tới đây.

Các vấn đề vướng mắc liên quan đến nuôi trồng thủy sản trên biển hiện nay có thể là liên quan đến quy hoạch, sắp xếp lại các vùng nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp, hiện đại; liên quan đến việc cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho các hộ gia đình, cá nhân… Ảnh: Duy Học.

Các vấn đề vướng mắc liên quan đến nuôi trồng thủy sản trên biển hiện nay có thể là liên quan đến quy hoạch, sắp xếp lại các vùng nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp, hiện đại; liên quan đến việc cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho các hộ gia đình, cá nhân… Ảnh: Duy Học.

Như tôi biết, hiện nay cơ bản các quy hoạch của các tỉnh có biển đã được lập và nhiều quy hoạch đã được phê duyệt. Bộ NN-PTNT cũng đã xây dựng, trình phê duyệt các quy hoạch có nội dung liên quan đến nuôi trồng thủy sản trên biển.

Đối với giao khu vực biển, trong quy định của Nghị định 11 đã quy định rõ, trong trường hợp quy hoạch về biển chưa có hoặc đã được phê duyệt nhưng không thể hiện khu vực biển đề nghị giao thì việc giao khu vực biển căn cứ vào Quy hoạch ngành quốc gia; Quy hoạch vùng; Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Nghị định 11 cũng đã quy định, trường hợp chưa có các quy hoạch nêu trên thì cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển sẽ gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan để xem xét, xác định vị trí, ranh giới, diện tích đối với khu vực biển mà tổ chức, cá nhân đề nghị giao.

Như vậy, tôi cho rằng, về vấn đề quy hoạch để giao khu vực biển hoàn toàn không có “điểm nghẽn”. Nghị định 11 đã dự liệu, thiết kế đầy đủ các quy định, bảo đảm trong mọi trường hợp dù có hay chưa có các quy hoạch đều có thể xem xét, quyết định giao khu vực biển được, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi chúng ta đang triển khai lập các quy hoạch.

Như vậy theo ông nghĩa là việc Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được ban hành không gây khó khăn gì trong việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trên biển?

Tôi có thể khẳng định là như vậy, vướng mắc không phải do chưa có Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Bên cạnh đó, như chúng ta biết, diện tích biển của Việt Nam rất rộng, cả triệu km2, ngoài ra các thông tin, dữ liệu cũng chưa thực sự đầy đủ để phục vụ cho lập các quy hoạch chi tiết cho từng vùng, từng khu vực biển được nên Quy hoạch không gian biển quốc gia nội dung chính là các định hướng sắp xếp, phân bổ không gian cho các ngành mang tính tổng thể nhằm phát huy tối đa tiềm năng vị thế, lợi ích so sánh, lợi thế cạnh tranh của từng ngành, lĩnh vực và vùng biển Việt Nam; giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển, bảo đảm phát triển bền vững, chứ không chỉ ra cụ thể chỗ này thì sử dụng vào mục đích cụ thể gì, ngoại trừ các vùng cấm khai thác, vùng khai thác có điều kiện, khu vực cần bảo vệ đặc biệt.

Còn về vấn đề liên quan đến đường triều kiệt thì sao, thưa ông? Địa phương phản ánh, việc chưa xác định được đường triều kiệt gây khó trong việc phân định rõ cấp thẩm quyền quản lý của việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản cho các tổ chức, cá nhân?

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật xác định đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm, đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm tại Quyết định số 487/QĐ-BTNMT ngày 10/3/2016; đã công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm tại Quyết định số 1790/QĐ-BTNMT ngày 6/6/2018; đã công bố đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý của đất liền tại Quyết định 853/QĐ-BTNMT ngày 25/4/2022.

Hiện nay, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tập trung xác định để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường ranh giới ngoài vùng biển 3 hải lý, 6 hải lý của các đảo lớn nhất thuộc các huyện đảo. Tuy nhiên, do nguồn lực còn có hạn, để xác định được các đường đó cũng mất nhiều thời gian, đặc biệt liên quan đến kỹ thuật và việc kiểm tra trên thực địa. Chúng tôi đã và đang nỗ lực cố gắng để trong năm nay sẽ trình công bố được.

Trong thời gian này, trong quá trình thực hiện đối với những trường hợp cụ thể, chúng ta sẽ có hồ sơ thể hiện chi tiết vị trí, phạm vi, ranh giới của khu vực biển đề nghị giao và các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ phối hợp xem xét, xác định khu vực biển đề nghị giao đó nằm ở vùng biển nào, từ đó xác định thẩm quyền giao khu vực biển theo quy định.

Cần rà soát các hoạt động nuôi trồng thủy sản hiện có trên biển

Vậy theo ông đâu là trở ngại lớn nhất hiện nay trong việc giao khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản?

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của chúng tôi, nhìn chung, chúng tôi chưa thấy có vấn đề vướng mắc phát sinh lớn trong các quy định, thủ tục giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.

Và như tôi đã nói, có thể vấn đề nằm ở chỗ một số thành phần trong hồ sơ đề nghị giao khu vực biển mà nó thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của các cơ quan khác.

Chúng ta cũng có thể thấy thêm, ở khía cạnh lịch sử, trước đây dân gian có câu “điền tư, ngư chung” theo tư duy biển là của chung. Người dân ven biển sinh sống gắn liền với hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên biển, trong đó có những hoạt động còn mang tính tự phát.

Với sự phát triển trong bối cảnh mới, chúng ta cần quy hoạch, sắp xếp các hoạt động trên biển để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển theo các định hướng chiến lược, cùng đó là các yêu cầu về quản lý; trong đó có phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển; thực hiện việc cấp phép nuôi trồng thủy sản, giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, chuyển đổi và việc cần thực hiện các thủ tục theo quy định có thể khiến một số người dân nghĩ đó là “trở ngại”.

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cần tìm hiểu những chính sách, quy định của pháp luật để thực hiện; có thể liên kết hợp tác để hình thành các tổ chức đủ mạnh, đủ lớn để có tiềm lực nuôi trồng thủy sản trên biển với quy mô lớn hơn, xa bờ hơn. Ảnh: HT.

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cần tìm hiểu những chính sách, quy định của pháp luật để thực hiện; có thể liên kết hợp tác để hình thành các tổ chức đủ mạnh, đủ lớn để có tiềm lực nuôi trồng thủy sản trên biển với quy mô lớn hơn, xa bờ hơn. Ảnh: HT.

Do đó, tôi cho rằng, cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thay đổi tư duy cách nghĩ, cách làm. Điều này chính là giúp vừa bảo đảm các quyền, lợi ích, phân định rõ phạm vi của các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng biển, vừa tránh phát sinh các tranh chấp, mâu thuẫn có thể xảy ra; đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trên biển.

Mong mỏi của các tổ chức, cá nhân thời gian vừa qua là sẽ được giao khu vực biển để có thể gắn bó lâu dài với biển, thúc đẩy nuôi trồng thủy sản trên biển tiến xa hơn, ông có lời khuyên nào dành cho họ?

Để đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tôi cho rằng một trong những yếu tố quan trọng là cần và phải áp dụng thành công phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, quản lý biển theo không gian, khai thác, sử dụng không gian biển hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học biển; trong đó có việc quy hoạch, sắp xếp không gian biển cho các ngành kinh tế biển và giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng.

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ quan điểm phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước; giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Nuôi trồng và khai thác hải sản là 1 trong 6 ngành kinh tế biển được ưu tiên, phát triển đột phá trong Chiến lược.

Thực hiện các quan điểm, chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tôi cho rằng nguyện vọng của các tổ chức, cá nhân muốn được giao khu vực biển để gắn bó lâu dài với biển, thúc đẩy nuôi trồng thủy sản trên biển là hoàn toàn chính đáng. Các cơ quan Nhà nước cần dành sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để giúp các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển nuôi biển.

Hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản của người dân trải khắp các vùng biển, đảo và suốt dọc dải ven biển nước ta lâu nay với những đặc trưng truyền thống mà có lẽ không có ngành kinh tế biển nào khác ở nước ta có được.

Các cơ quan Nhà nước, trong đó có UBND cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan chuyên môn cần rà soát các hoạt động nuôi trồng thủy sản hiện có trên biển; điều tra, đánh giá, định hướng, sắp xếp các vùng nuôi phù hợp, có điều kiện tốt cho nuôi biển; mở rộng vùng nuôi, tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản ở các vùng xâm nhập mặn không thể tiếp tục trồng cây nông nghiệp và khuyến khích nuôi biển xa bờ; có chính sách và hỗ trợ đưa công nghệ hiện đại vào nuôi trồng thủy sản trên biển, vừa bảo đảm môi trường, vừa phát triển bền vững kinh tế biển.

Bên cạnh đó, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cũng cần tìm hiểu những chính sách, quy định của pháp luật để thực hiện; phát huy tối đa tri thức, kinh nghiệm của ông cha ta từ bao đời nay, cộng với việc áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, có thể liên kết hợp tác để hình thành các tổ chức đủ mạnh, đủ lớn để có tiềm lực nuôi trồng thủy sản trên biển với quy mô lớn hơn, xa bờ hơn, góp phần phát triển kinh tế thủy sản theo hướng xanh, tuần hoàn, gắn với bảo tồn biển và văn hóa biển, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Qua thông tin và các kiến nghị, phản ánh mà chúng tôi nắm được, cơ bản thấy rằng, các vấn đề vướng mắc liên quan đến nuôi trồng thủy sản trên biển hiện nay có thể là liên quan đến quy hoạch, sắp xếp lại các vùng nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp, hiện đại; liên quan đến việc cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho các hộ gia đình, cá nhân…”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết.

Thực hiện

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.