| Hotline: 0983.970.780

1 giấy phép nuôi biển vướng 6 bộ, ngành

[Bài 4] Những chiếc lồng nuôi biển khổng lồ nằm chờ... chính sách

Thứ Năm 28/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

Nguyễn Bá Ngọc vừa hạ thủy lồng nuôi lớn nhất Việt Nam. Khát vọng xây dựng khu công nghiệp nuôi biển đang thành hiện thực... Nhưng, nó đang thiếu 'chìa khóa' mang tên chính sách.

Lồng nuôi nổi bằng vật liệu HDPE có đường kính trên 61,5m lớn nhất Việt Nam do công ty Mực nhảy Biển Đông của Nguyễn Bá Ngọc tự thiết kế, thi công. Ảnh: Phương Chi.

Lồng nuôi nổi bằng vật liệu HDPE có đường kính trên 61,5m lớn nhất Việt Nam do công ty Mực nhảy Biển Đông của Nguyễn Bá Ngọc tự thiết kế, thi công. Ảnh: Phương Chi.

Công ty Mực nhảy Biển Đông vừa hạ thủy lồng nuôi xa khơi có kích thước khổng lồ: đường kính 61,5 mét; chu vi 193 mét; diện tích gần 3.000m2 với dung tích chứa 30.000m3 nước. Đây là lồng nuôi lớn nhất do người Việt Nam tự thiết kế, thi công, nó là chìa khóa để mở cánh cửa thực hiện giấc mơ nuôi biển trên những vùng biển hở.

Mở biển vùng biển hở

Bài liên quan

Là một trong 28 địa phương có biển nhưng biển của Ninh Thuận có sự khác biệt. Đó hoàn toàn là vùng biển hở, không có núi che chắn, không có các vũng, vịnh... như một số địa phương khác.

Đặc điểm tự nhiên này đã hình thành nên nét riêng trong nghề cá ở Ninh Thuận: những làng nghề đánh bắt thủy sản sẽ là những đội tàu vươn khơi xa; những làng nghề nuôi biển, nếu chỉ “mon men” gần bờ thì sẽ là những khu vực nuôi trồng manh mún, nhỏ lẻ, còn khi đã vươn ra vùng biển xa cả chục hải lý, đó sẽ là những khu vực quy mô, được đầu tư bài bản. Và những người đi nuôi biển hở, họ sẽ là những bản lĩnh dám đương đầu với sóng gió.

Nguyễn Bá Ngọc - ông chủ của Mực nhảy Biển Đông là một trong số những kẻ bản lĩnh ấy.

“Tôi thích nuôi biển ngoài khơi xa. Ngoài khơi, dư địa rộng lớn, ổn định vùng nuôi trồng, không bị chồng lấn các dự án khác, không ảnh hưởng tới giao thông đường thủy... Ngoài ra, nuôi hải sản xa bờ, môi trường tốt hơn giúp các giống nuôi đạt chất lượng cao hơn”, Ngọc nói.

Nói là làm. Năm 2019, dời vùng quê Hà Tĩnh, Nguyễn Bá Ngọc mang theo thương hiệu con mực nhảy Vũng Áng quê mình làm tài sản, hành trang khởi nghiệp. Anh chọn Ninh Thuận để dừng chân, chọn biển Ninh Hải làm “mảnh đất cắm sào” cho hành trình mở biển.

Vùng biển anh chọn, đó là vùng biển rộng mênh mông, thứ nhiều nhất ngoài đó là nắng, gió và sóng. Vùng nước có độ sâu hơn 100m cho phép anh thỏa sức vẫy vùng, thỏa chí thực hiện các dự án, ấp ủ: làm giống mực, nuôi mực, tôm hùm…, nhưng phải là xa bờ, ngoài khơi xa…

Nguyễn Bá Ngọc - người tiên phong 'mở biển' ở Ninh Thuận. Ảnh: Kiên Trung.

Nguyễn Bá Ngọc - người tiên phong "mở biển" ở Ninh Thuận. Ảnh: Kiên Trung.

Qua hai lần “tăng-bo”, lần thứ nhất là đi trên chiếc thuyền thúng từ bờ để ra khu neo tàu. Hiên, công nhân công ty Mực nhảy Biển Đông thành thục điều khiển mái chèo, hai tay nắm chặt đốc gỗ cứ thế ngoáy tròn. Chiếc thuyền thúng như có người đủn dưới đáy, cứ thế xê đít mà đi, không có cảm giác lướt sóng. Chừng chục phút khéo léo lách qua những khu thả dây lưới của ngư dân, luồn lách qua những khe hẹp của những chiếc tàu gỗ đang neo thả xa bờ non cây số, chiếc thuyền thúng “chạy bằng cơm” cập vào một chiếc tàu gỗ đã đợi sẵn.

Nguyễn Bá Ngọc kiểm tra trứng mực sắp nở tại khu vực lồng nuôi ngoài khơi xa...

Nguyễn Bá Ngọc kiểm tra trứng mực sắp nở tại khu vực lồng nuôi ngoài khơi xa...

Theo Ngọc, nuôi biển ở vùng nước sâu, xa bờ... chất lượng vật nuôi cao hơn nhiều so với nuôi gần bờ. Ảnh: Kiên Trung.

Theo Ngọc, nuôi biển ở vùng nước sâu, xa bờ... chất lượng vật nuôi cao hơn nhiều so với nuôi gần bờ. Ảnh: Kiên Trung.

Chuyển qua chiếc tàu gỗ, tiếp tục một hành trình chừng 30 phút, chúng tôi đặt chân tới khu bè nổi nuôi mực của Nguyễn Bá Ngọc. Nó vững chãi, đồ sộ giữa biển mênh mông.

Trên biển, nếu một con tàu nhỏ bé như một mảnh vỏ trấu thì chiếc lồng nuôi mực của Nguyễn Bá Ngọc, nó là một hạt lạc - to hơn rất nhiều lần con tàu.

“Đến ba ngàn mét vuông diện tích mặt nước mà cho hết vào một cái lồng nuôi, ở Việt Nam chưa có chiếc lồng nào có kích cỡ lớn cỡ này. Nuôi biển xa bờ đòi hỏi kích cỡ lồng nuôi phải lớn, như vậy mới chịu được sóng to gió lớn, đảm bảo an toàn cho lồng bè và cho cả vật nuôi” – Ngọc lý giải rồi cho tôi xem video ghi lại cảnh tượng công kênh một tảng đá nặng hơn 5 tấn từ bờ ra ngoài khu vực đặt lồng nổi, khoảng cách chừng 6km - để làm mỏ neo buộc dây cột giữ chiếc lồng nuôi khổng lồ.

Trong video, tảng đá lớn được “treo” trên một chiếc bè nổi là những thùng nhựa bịt kín miệng, bơm đầy không khí vào bên trong tạo thành quả bóng nổi, từ đó mượn sức nước để kéo. Chiếc tàu gỗ mà chúng tôi đang đi, khi ấy làm nhiệm vụ kéo chiếc “bè nhựa”, bên dưới là viên đá tảng nặng 5 tấn này ra khơi.

Bè nuôi lớn nhất Việt Nam bằng vật liệu HPDE do Nguyễn Bá Ngọc tự thiết kế, thi công.

Bè nuôi lớn nhất Việt Nam bằng vật liệu HPDE do Nguyễn Bá Ngọc tự thiết kế, thi công.

Đây sẽ là mô hình để Ngọc xây dựng các khu công nghiệp nuôi biển xa bờ. Ảnh: Hoàng Anh.

Đây sẽ là mô hình để Ngọc xây dựng các khu công nghiệp nuôi biển xa bờ. Ảnh: Hoàng Anh.

“Cái khó nó phải ló cái khôn” – Ngọc nói. Cũng như chiếc lồng nuôi khổng lồ, kích thước vào hàng “khủng” nhất thế giới bằng vật liệu HDPE do chính công ty Mực nhảy Biển Đông tự thiết kế, thi công, nó xứng đáng là một công trình nuôi biển.

Ngày 27/2 vừa qua, Mực nhảy Biển Đông hạ thủy lồng nuôi biển lớn nhất Việt Nam. Lồng có đường kính 61,5 mét; chu vi 193 mét; diện tích 3.000m2; dung tích chứa 30.000m3 nước, công trình do chính Nguyễn Bá Ngọc thiết kế, thi công trong thời gian liên tục gần 2 tháng.

“Trên thế giới, đi đầu về công nghệ nuôi biển phải kể tới Na Uy. Quốc gia này có những lồng nuôi với kích cỡ đường kính đạt 55 - 56 mét, chi phí sản xuất lên tới vài trăm ngàn USD/lồng. Chỉ những lồng nuôi kích cỡ lớn như vậy mới có thể nuôi xa bờ. Lồng nuôi của Mực nhảy Biển Đông trực tiếp thiết kế, thi công, chi phí chỉ bằng phân nửa so với những lồng nuôi do nước ngoài sản xuất”, Nguyễn Bá Ngọc chia sẻ.

Trên chiếc lồng này, Ngọc đã đón rất nhiều đoàn khách quốc tế ra thăm, học hỏi mô hình. “Họ rất thán phục. Họ không thể ngờ chúng tôi có thể thiết kế và tự tay làm được những lồng nuôi lớn như vậy. Và, tôi cũng rất sẵn lòng chia sẻ với họ", Ngọc nói.

Giấc mơ “khu công nghiệp” trên biển thiếu chìa khóa chính sách

Chàng trai sinh năm 1988 Nguyễn Bá Ngọc là một người trẻ tuổi đầy hoài bão, khát vọng. Người đối diện dễ dàng nhận thấy những khát vọng ấy qua ánh mắt anh nhìn về biển, qua những công trình mà anh đã hoàn thành, đang thực hiện. Đó là việc hiện thực hóa ước mơ chứ không chỉ là ý tưởng.

Những lồng nuôi kích thước lớn đang được Nguyễn Bá Ngọc hoàn thành, nhưng vẫn phải nằm bờ vì chờ được giao cấp mặt nước. Ảnh: Hoàng Anh.

Những lồng nuôi kích thước lớn đang được Nguyễn Bá Ngọc hoàn thành, nhưng vẫn phải nằm bờ vì chờ được giao cấp mặt nước. Ảnh: Hoàng Anh.

“Hiện tại, Mực nhảy Biển Đông (tên công ty do Nguyễn Bá Ngọc làm chủ) đã hoàn thiện 4 lồng nuôi kích cỡ lớn, trong đó một lồng nổi đã hạ thủy đầu năm 2024, 3 lồng đã hoàn thiện đang cập trên bờ, sẽ hạ thủy khi được giao mặt nước. Tháng 8 tới đây, chúng tôi sẽ thi công một lồng nổi HPDE đường kính 150 mét, sẽ là lồng nuôi nổi lớn nhất thế giới do người Việt Nam sản xuất”, Ngọc nói về những kế hoạch sắp tới, trong tương lai không xa.

Suốt 4 năm qua, Nguyễn Bá Ngọc miệt mài chuẩn bị cho kế hoạch mở biển, trước tiên bằng việc xây dựng, lắp đặt các lồng nuôi. Toàn bộ thời gian, tâm huyết, tiền bạc, và cả tuổi trẻ, Ngọc đều dồn cho giấc mơ mở biển của mình.

“Tôi muốn xây dựng một không gian nuôi biển trên vùng biển hở, và sẽ “mở cửa” đúng nghĩa: mình làm hạ tầng, lồng nuôi, ai có nhu cầu nuôi biển, chúng tôi sẽ cho thuê lồng nuôi, nhận thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra, hỗ trợ kinh nghiệm, con giống, vật nuôi, đảm bảo an toàn lồng nuôi chịu được gió bão… mà giá thuê chỉ rất nhỏ so với khoản đầu tư để tự làm lồng bè”.

Vướng mắc lớn nhất của những người đi nuôi biển như Nguyễn Bá Ngọc, đó là cơ chế chính sách giao mặt nước....

Vướng mắc lớn nhất của những người đi nuôi biển như Nguyễn Bá Ngọc, đó là cơ chế chính sách giao mặt nước....

Ngoài ra, những lồng nuôi chưa có cơ quan chức năng đăng ký, đăng kiểm... để trở thành tài sản có thể thế chấp để vay vốn đầu tư nuôi biển...

Ngoài ra, những lồng nuôi chưa có cơ quan chức năng đăng ký, đăng kiểm... để trở thành tài sản có thể thế chấp để vay vốn đầu tư nuôi biển...

Trong tình thế đó, những người 'đi khai hoang mở biển' sẽ bị mắc kẹt vào chiếc vòng kim cô mang tên chính sách. Ảnh: Hoàng Anh.

Trong tình thế đó, những người "đi khai hoang mở biển" sẽ bị mắc kẹt vào chiếc vòng kim cô mang tên chính sách. Ảnh: Hoàng Anh.

Tư duy “làm việc lớn” của Nguyễn Bá Ngọc cũng phù hợp với định hướng phát triển ngành thủy sản của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050. Trong Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương này và Quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Thuận hướng tới xây dựng các “khu công nghiệp nuôi biển” trên biển với đa mục tiêu: đảm bảo quy hoạch, vùng nuôi ổn định; đảm bảo phát triển bền vững bảo vệ môi trường; khai thác hiệu quả diện tích mặt nước, định hướng con nuôi có giá trị kinh tế; ứng dụng nuôi biển công nghệ cao; xây dựng Ninh Thuận là vùng trọng điểm con giống thủy sản số 1 của cả nước, xóa bỏ tình trạng nuôi thả tự phát, manh mún, không theo quy hoạch…

Nhắc tới cái tên Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam không giấu cảm xúc thán phục: “Ngọc là người có hoài bão lớn, có khát vọng lớn và nói thật, làm thật. Ninh Thuận cần những người tiên phong như Nguyễn Bá Ngọc cũng như cần những nhà đầu tư lớn đủ tiềm lực, năng lực, khát vọng, trí tuệ… để phát triển nền kinh tế nuôi biển trên vùng biển hở”.

Tuy nhiên, như nhiều địa phương khác trên cả nước, Ninh Thuận cũng đang chờ đợi những thay đổi, hướng dẫn về chủ trương, pháp lý trong chính sách giao mặt nước cho các pháp nhân nuôi biển, bởi theo quy định hiện hành, một giấy phép nuôi biển phải xin ý kiến của rất nhiều bộ ngành liên quan. Ngoài ra, có sự chồng chéo, xung đột với các lĩnh vực khác như du lịch, giao thông biển; đánh bắt, khai thác thủy sản và nuôi trồng…

Nuôi biển công nghệ cao như Nguyễn Bá Ngọc sẽ xóa bỏ những vùng nuôi tự phát, manh mún...

Nuôi biển công nghệ cao như Nguyễn Bá Ngọc sẽ xóa bỏ những vùng nuôi tự phát, manh mún...

Một mô hình khai thác, nuôi trồng thủy sản gần bờ ở Ninh Thuận như thế này rõ ràng không phù hợp với xu thế nuôi biển trong tình hình mới. Ảnh: Hoàng Anh.

Một mô hình khai thác, nuôi trồng thủy sản gần bờ ở Ninh Thuận như thế này rõ ràng không phù hợp với xu thế nuôi biển trong tình hình mới. Ảnh: Hoàng Anh.

“Lồng đã đóng xong nhưng vẫn nằm bờ vì chưa được giao mặt nước. Chúng tôi xin chủ trương giao cấp 100ha mặt biển tại khu vực huyện Ninh Hải từ đó sẽ triển khai đồng bộ hệ thống lồng nuôi. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại vẫn đang chờ đợi”, Nguyễn Bá Ngọc cho hay.

“Nuôi biển ở ngoài khơi, biển mở sẽ đối đầu với sóng to, gió lớn, đó là những nguy cơ về thiên tai. Cái khó này mình có thể chế ngự được khi có hạ tầng tốt. Tuy nhiên, những khó khăn, rào cản lớn nhất lại nằm ở trên bờ. Đó là những cơ chế, pháp lý chưa đồng bộ, chưa có cơ chế giao mặt nước, thẩm quyền giao biển cần xin ý kiến của nhiều bộ ngành khiến thời gian, thủ tục kéo dài rất nhiều”.

Cận cảnh lồng HDPE nuôi mực thương phẩm lớn nhất Việt Nam.

Nguyễn Bá Ngọc phân tích: Vướng mắc lớn nhất đối với chủ trương nuôi biển đó là rào cản pháp lý cấp quỹ diện tích mặt nước. Theo quy mô, diện tích và theo khu vực biển sẽ phân cấp thẩm quyền giao biển thuộc Trung ương hay địa phương. Cái khó thứ hai, đó là hạ tầng nuôi biển chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra thẩm định, đăng ký đăng kiểm. Một lồng nuôi kích cỡ lớn đầu tư sản xuất, chi phí lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng chưa có quy định được coi là tài sản đảm bảo để có thể vay vốn, từ đó có tiền đầu tư sản xuất. Đối với đầu tư nuôi biển, đó là những khoản đầu tư khổng lồ, không biết như nào cho đủ và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ.

“Những người tiên phong nuôi biển mong muốn được nhà nước quan tâm hỗ trợ về cơ chế, chính sách, có các ưu đãi khuyến khích, động viên. Trên bờ, chủ trương đưa người dân đi khai hoang, đi phát triển kinh tế mới được hưởng rất nhiều ưu đãi, được nhà nước cấp tiền, cấp tư liệu sản xuất, cấp chỗ ăn ở ban đầu… cho những người đi khai hoang. Chúng tôi cũng giống như những người đi khai hoang mở biển, Nhà nước, chính quyền nên có những ưu đãi đối với những người “đi khai hoang biển”, để chúng tôi có tiềm lực để tiếp tục đầu tư nuôi biển”, ông chủ của Mực nhảy Biển Đông Nguyễn Bá Ngọc chia sẻ.

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sóc Trăng ‘vướng’ phân định ranh giới quản lý khu vực biển

Việc phân định ranh giới quản lý khu vực biển đang ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng vật liệu cát phục vụ thi công cao tốc của Sóc Trăng.