| Hotline: 0983.970.780

1 giấy phép nuôi biển vướng 6 bộ, ngành

[Bài 2] 'Cuộc cách mạng' giữa trùng khơi ở Vân Đồn

Thứ Ba 26/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

Phong trào thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản đang là trào lưu ở Quảng Ninh để đón nhận chính sách giao biển lâu dài, từ đó ổn định kế sách nuôi biển.

Anh Ngô Nam Trung, Giám đốc HTX Trung Nam, đơn vị đầu tiên được giao mặt nước nuôi biển ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Hoàng Anh.

Anh Ngô Nam Trung, Giám đốc HTX Trung Nam, đơn vị đầu tiên được giao mặt nước nuôi biển ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Hoàng Anh.

Hợp tác xã đầu tiên được giao mặt nước ở Quảng Ninh

Sáng sớm. Mặt trời lừng lững nhô lên khỏi mặt biển như chiếc chổi khổng lồ quét sạch những hơi nước, mây mù. Biển Vân Đồn trong giây lát sạch sẽ, phong quang như tấm gương khổng lồ. Những đảo lớn, đảo nhỏ trong quần thể vịnh Bái Tử Long, nhìn từ xa như những hàng người nắm tay nhau tạo nên một dải trường thành trên biển, che chắn tạo nên những vũng, vịnh kín sóng, kín gió.

Bài liên quan

Anh Ngô Nam Trung, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Trung Nam, nói như hét qua điện thoại để át đi tiếng sóng biển. Anh hẹn đón chúng tôi ở cảng Cái Rồng để ra khu nuôi hàu cách bờ khoảng 15 phút chạy xuồng máy.

Trung Nam là HTX đầu tiên ở Vân Đồn hoàn thành hồ sơ dự án, đồng thời cũng là HTX đầu tiên được Quảng Ninh cấp giấy phép sử dụng mặt nước để từ đó tạo tiền đề cho các xã viên có vùng nuôi ổn định, yên tâm đầu tư nuôi biển.

“Trung Nam, nghĩa là vùng nuôi biển trung tâm ở Việt Nam. Nó cũng có một chút ẩn ý khi tên tôi chỉ đảo ngược với tên của HTX, là Ngô Nam Trung", người đàn ông có gương mặt góc cạnh giải thích.

HTX Trung Nam có 20 xã viên, đều là những hộ có thâm niên nuôi biển ở Vân Đồn hơn chục năm qua. Đều là những người bản địa sinh ra và lớn lên ở Vân Đồn, hiểu từng con nước triều lúc lên lúc xuống, nói văn hoa, ấy là “nghe được cả nhịp biển thở”. Nhưng, thế hệ của các anh khác với thế hệ cha ông trước mình…

Trước đó ở Vân Đồn, cha ông thế hệ trước của anh Trung chủ yếu đóng thuyền đi khai thác, đánh bắt cá ngoài khơi. Sinh kế phụ thuộc vào tự nhiên, lấy đánh bắt làm nguồn thu chính. Đến thế hệ của anh, đánh bắt không phải là nghề, và càng ngày sẽ không được coi là nghề, bởi các anh ý thức được, đánh bắt là tận diệt, không cho biển thời gian, cơ hội tái sinh. “Nuôi biển” mới là mục tiêu chính, bền vững lâu dài.

“Biển Quảng Ninh, cụ thể là biển Vân Đồn có điều kiện tự nhiên thuận lợi, thích hợp cho nuôi biển, độ sâu, độ mặn phù hợp để nuôi trồng thủy sản. Chục năm trước, nuôi biển manh nha ở Vân Đồn nhưng khi đó chủ yếu là nuôi tu hài. Mặt biển rộng mênh mông chỉ có vài hộ nuôi, nhắm mắt cũng có thể chạy tàu chứ không như bây giờ”, Giám đốc HTX Trung Nam kể chuyện trên đường từ bờ ra bãi nuôi hàu của anh.

Điểm nuôi thả hàu trên biển tại xã đảo Bản Sen (huyện Vân Đồn) của HTX Trung Nam. Ảnh: Kiên Trung.

Điểm nuôi thả hàu trên biển tại xã đảo Bản Sen (huyện Vân Đồn) của HTX Trung Nam. Ảnh: Kiên Trung.

Thời kỳ nở rộ đánh bắt, khai thác cá tự nhiên, khai thác tận diệt đến mức có những buổi ra khơi, khi trở về không được con tôm, con cá; nhiều hộ phải bán tàu, bán thuyền để trả nợ, vì một chuyến đi biển không đủ tiền dầu…, thế là bỏ biển. Đến tao đoạn nuôi thủy sản tự phát, vật nuôi nào có giá là đổ xô chạy theo, không có định hướng, kế sách bền vững… Cuối cùng, bao nhiêu hộ đều thua biển.

Đầu tiên là nuôi con tu hài, sau đó đến nuôi ngao… Vụ trước được ăn, vụ sau vỡ, ngao chết hàng loạt không sao cứu vãn. Mà khi đó làm gì có vốn, người nuôi chủ yếu mang bìa đỏ trên bờ đi thế chấp ngân hàng vay tiền đổ xuống biển. Rồi đến con hàu. Thời gian đầu có lãi, cả huyện bảo nhau chuyển sang nuôi hàu vì không phải đầu tư thức ăn, cứ làm bè lồng nuôi thả, đến vụ đi thu hoạch, giá hàu làm một ăn ba, bốn. Đến giai đoạn đại dịch Covid-19, hàu không bán được, xuống tới mức giá 2.000 đồng/kg, thế là lại tiếp tục “vỡ”, anh Trung kể chuyện.

Câu chuyện của anh Trung hàm chứa một ý nghĩa sâu xa mà chúng tôi hiểu, đó là những người nuôi biển thời kỳ trước, ai có sức thì ra “cắm biển” tới đó, như người đi khai hoang, nhưng mọi việc đều mò mẫm, vừa làm vừa thử, chạy theo con nuôi được giá bán nhưng không lường trước những ẩn họa của thiên tai, dịch bệnh…

Câu chuyện của anh Trung tạm ngắt quãng khi chiếc xuồng máy cập đến khu bè nuôi hàu. Hơn 2ha nuôi hàu thả lưới của anh đang xuống con giống, nằm trong vùng nước kín ở xã đảo Bản Sen. Đây là một trong số những khu bè đang nuôi hàu dây, nằm trong khu vực 62ha mặt nước biển vừa hoàn tất thủ tục để được Quảng Ninh giao mặt nước lâu dài, thời hạn lên tới 30 năm, sau đó tiếp tục được gia hạn đến 50 năm.

“Người nông dân, tư liệu sản xuất là thứ bền vững nhất. Có vùng trồng ổn định, chúng tôi mới yên tâm đầu tư. Trải qua bao nhiêu con nuôi, nó “ngốn” biết bao nhiêu bìa đỏ trên bờ, mà bỏ dở dang, lưng chừng không được, vì thế mạnh nhất của chúng tôi đó là nuôi biển, hiểu về biển", anh Trung tâm sự.

Vị giám đốc hợp tác xã nuôi biển 51 tuổi trực tiếp kiểm tra từng dây hàu giống trước khi thả xuống biển. Ảnh: Hoàng Anh. 

Vị giám đốc hợp tác xã nuôi biển 51 tuổi trực tiếp kiểm tra từng dây hàu giống trước khi thả xuống biển. Ảnh: Hoàng Anh. 

Trỏ tay chỉ một mỏm núi nhô lên giữa vịnh Bái Tử Long - nơi đặt bè nuôi hàu, anh Trung bảo: “Thời gian gần đây, tôi quan sát thấy con hà, con vẹm xanh xuất hiện trở lại. Điều đó chứng tỏ, biển đang hồi sinh. Trước đó mấy năm, biển bị ô nhiễm nặng, vẹm, hà… chết hết. Đó là mặt trái của nuôi biển ồ ạt không có định hướng, mạnh ai nấy làm, sử dụng các vật liệu gây hại cho biển… khiến tầng nước nổi bị ô nhiễm.

Cấp giấy phép mặt nước: người nuôi biển lợi đủ đường

Đứng giữa khu vực biển rộng mênh mông, khu giàn nuôi hàu rộng 2ha của anh Trung nhìn qua flycame hệt như một mảnh trấu nhỏ tí xíu nổi trên mặt biển, nhưng nhìn thực tế, nó là một cơ ngơi bề thế mà phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới thành.

Tôi hỏi anh Trung: "Các anh có hào hứng trước cơ chế giao biển của tỉnh hay không, vì bao nhiêu năm không mất tiền thuê mặt nước, bây giờ sử dụng phải trả tiền thuê hằng năm?". Ngay lập tức, anh bảo: “Lợi đủ đường”.

Xã viên HTX Trung Nam kiểm tra dây hàu giống vừa thả dưới biển. Ảnh: Kiên Trung.

Xã viên HTX Trung Nam kiểm tra dây hàu giống vừa thả dưới biển. Ảnh: Kiên Trung.

Trước tiên, ấy là người đi nuôi biển được xác lập “chủ quyền mặt nước” trong hồ sơ pháp lý vững bền, thời gian 30 năm, sau đó tiếp tục được gia hạn thêm 20 năm. Thứ hai, khi cầm “bìa đỏ trên mặt nước”, sẽ tránh được những tranh chấp phát sinh, không bị chồng lấn các dự án; đảm bảo an toàn, an ninh trên biển. Điều quan trọng nhất, đó là có xuất xứ về nguồn gốc vật nuôi để khi bán hàng thương phẩm sẽ có mã số vùng trồng, từ đó trở thành một công đoạn trong mắt xích của chuỗi tuần hoàn nuôi biển, giá trị kinh tế của vật nuôi sẽ được nâng lên rất nhiều…

Quan trọng nhất, đó là tư tưởng, tâm lý của những người nuôi biển được giải phóng. Họ được giao tư liệu sản xuất một cách minh bạch, có hồ sơ pháp lý, sau này, nó là “hộ chiếu” để xác nhận tài sản trên biển để làm tài sản đảm bảo vay vốn ngân hàng, lấy tiền đầu tư nuôi biển thay vì mang bìa đỏ, sổ đỏ nhà đất trên đất liền “cắm” ngân hàng…

“Nếu như chính sách giao đất nông nghiệp trên bờ như thế nào, thì giao mặt nước trên biển cũng như vậy. Nó là một hành lang pháp lý mà tự chúng tôi nhận thấy, nếu như thực hiện được bài bản, đồng bộ…, nông dân canh tác trên biển được lợi rất nhiều", anh Trung tâm sự.

Ông Hà Văn Ninh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Vân Đồn, thông tin, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên biển của Vân Đồn là hơn 23,8 nghìn ha, trong đó, phạm vi trong khu vực 3 hải lý gần 12,4 nghìn ha, từ 3 - 6 hải lý là 8,3 nghìn ha, ngoài 6 hải lý trên 3 nghìn ha.

Diện tích theo đề án nuôi an toàn bền vững cho cá biển là hơn 1.000ha (tỷ lệ 6% so với quy hoạch tiềm năng), nuôi nhuyễn thể là 5.773,4 ha (tỷ lệ 25% so với diện tích tiềm năng quy hoạch). Vân Đồn có 9 xã, thị trấn đều có tiềm năng nuôi biển, đều đã có quy hoạch chi tiết các vùng nuôi cho từng đơn vị hành chính.

Theo chủ trương của tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện giao vùng nuôi trồng thủy sản bền vững cho các tổ chức, cá nhân, trong đó khuyến khích giao biển cho các pháp nhân là các doanh nghiệp, hợp tác xã… phong trào thành lập HTX nuôi biển ở Vân Đồn đang hừng hực khí thế, hộ dân nào cũng muốn vào HTX để được giao biển bền vững, lâu dài.

Toàn huyện Vân Đồn có 65 HTX với 840 thành viên; 2 doanh nghiệp tham gia nuôi biển. Ảnh: HA.

Toàn huyện Vân Đồn có 65 HTX với 840 thành viên; 2 doanh nghiệp tham gia nuôi biển. Ảnh: HA.

Hiện tại, toàn huyện Vân Đồn có 65 HTX với 840 thành viên; 2 doanh nghiệp tham gia nuôi biển. Số HTX và doanh nghiệp đã thuê tư vấn đo, trích lục mặt nước là 33 HTX…

Số HTX đã thành lập đến nay (chưa có thông tin đo trích lục sơ đồ khép góc) là 32 HTX với 367 thành viên; 29 HTX đã lập xong Dự án phát triển sản xuất với diện tích gần 4.000ha; diện tích đề xuất mới là 1.823ha.

Ngoài ra, nhiều HTX khác đang cơ bản hoàn thiện Dự án nộp về Sở NN-PTNT; đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đăng tải thông tin trên cổng thông tin lấy ý kiến tham vấn cộng đồng… để hoàn tất hồ sơ nuôi biển.

Ông Ninh cho hay, theo kế hoạch, đến quý 1/2024, Vân Đồn sẽ giao xong khu vực biển, để người nuôi biển yên tâm đầu tư lâu dài.

“HTX đi lên từ những người nông dân; ban giám đốc HTX cũng là những người nông dân trực tiếp tham gia sản xuất, nuôi trồng… nên năng lực nhận thức là hạn chế. Việc ra được một giấy phép đối với một HTX là cả một quy trình rất dài, từ vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, mời các xã viên tới tham dự. Huyện đã thành lập các tổ giúp việc, lập nhóm zalo với gần 100 thành viên để triển khai công việc, các nội dung văn bản; mời lên kê khai. Tại HTX Trung Nam, ngành chức năng của Quảng Ninh mất 5 tháng mới hoàn tất được các thủ tục để tỉnh cấp giấy phép giao mặt nước. 12 HTX khác đang  hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường để hoàn tất thủ tục trước khi được giao mặt nước", ông Ninh thông tin.

Ở huyện đảo Vân Đồn, khí thế thành lập HTX đang hừng hực để đón nhận những cơ chế, chính sách nuôi biển, giao mặt nước mà Quảng Ninh tiên phong trên cả nước triển khai bài bản, đồng bộ và lâu dài!

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Mưa lớn, nhiều nơi ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, chia cắt

Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước các con sông ở tỉnh Quảng Ngãi dâng cao, gây ngập lụt một số khu dân cư và chia cắt giao thông.