| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu 400 ngàn tấn gạo tháng 4:

Doanh nghiệp gạo than oải, thiếu minh bạch

Thứ Ba 14/04/2020 , 07:01 (GMT+7)

Xuất khẩu gạo chỉ cần sai một ly, đi một dặm. Nhiều doanh nghiệp than “oải” khi hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4 chậm chân đã hết.

Nhiều DN ở ĐBSCL than 'oải' khi hạn ngạch XK 400.000 tấn trong tháng 4 chậm chân đã hết. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều DN ở ĐBSCL than “oải” khi hạn ngạch XK 400.000 tấn trong tháng 4 chậm chân đã hết. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thiếu minh bạch

Sau thời gian dừng xuất khẩu để cơ quan chuyên ngành kiểm tra lại sản lượng nhằm đảm bảo an ninh lương thực, ngày 10/4/2020 vừa qua Văn phòng Chính phủ ký công văn hỏa tốc số 2827/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc cho xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn với hạn ngạch trong tháng 4/2020 là 400.000 tấn.

Tuy nhiên, khi “lệnh” cho xuất số lượng gạo như trên và thời gian không đủ cho các DN đăng ký, vì vậy lượng gạo còn tồn đọng ngoài cảng khá nhiều.

Ông Lê Minh Đức, GĐ Sở Công Thương Long An cho biết: Ngày 12/4/2020, khoảng từ 1 giờ đến 3 giờ sáng, Tổng cục Hải quan đã cho khai hải quan (thông tin này không được thông tin rộng rãi chính thức trước đó), vì tổng lượng khai đã lên đến 399.989 tấn gạo (hạn ngạch 400.000 tấn, chỉ còn 11 tấn) nên không khai báo hải quan được nữa.

Hầu hết, các DN xuất khẩu gạo không biết thông tin này nên không kịp khai tờ khai. Theo thông tin thì có 7/24 DN xuất khẩu gạo của tỉnh đã khai báo hải quan được, tuy nhiên sản lượng khai báo chỉ được khoảng 8.500 tấn gạo (trung bình xuất 50 ngàn tấn/tháng). Số lượng gạo xuất khẩu đã khai chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng hợp đồng dự tính xuất trong tháng 4.

Đặc biệt, các DN đã đóng container tại cảng nhưng vẫn không khai báo hải quan được do không biết thời gian mở cho khai hải quan.

Sở Công Thương Long An nhận thấy việc triển khai thời gian khai hải quan trên là thiếu tính minh bạch, không công bằng giữa các DN.

Ông Đức đề xuất, để tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới kiến nghị Bộ Công Thương cần trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính về công khai minh bạch trong thời gian khai hải quan, có văn bản triển khai thực hiện cụ thể để các DN nắm bắt thực hiện. Khả năng ký kết hợp đồng giữa các DN là khác nhau.

Do đó ngành Công Thương Long An đề xuất trong tổng hạn ngạch của cả nước, Bộ Công Thương xem xét phân bổ tỷ lệ hạn ngạch cho DN theo thành tích xuất khẩu 6 tháng trước đó của DN để mỗi DN đều có cơ hội xuất khẩu trong tháng 5/2020 khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Đồng thời, rất mong Bộ Công Thương xem xét việc đề xuất của UBND tỉnh Long An về việc kiến nghị cho cơ chế xuất khẩu lại gạo nếp mã HS 1006.30 không giới hạn sản lượng vì hiện nay nếp tiêu dùng trong nước rất ít, tồn kho khoảng 56 ngàn tấn.

Chế biến gạo tại Công ty Trung An. Ảnh: Hữu Đức.

Chế biến gạo tại Công ty Trung An. Ảnh: Hữu Đức.

Theo thống kê sản lượng cả năm của Long An ước đạt 2,7 triệu tấn lúa, đã thu hoạch đạt 1,47 triệu tấn. Hiện tỉnh có 24 DN xuất khẩu gạo (1 DN FDI xuất khẩu theo giấy chứng nhận đầu tư), 2 tháng đầu năm 2020 đã xuất khẩu được 89.640 tấn gạo, giá trị 40 triệu USD, tăng 59% về sản lượng và tăng 58% về giá trị.

Nhưng đến thời điểm này lượng tồn kho trong các DN kinh doanh xuất khẩu gạo khoảng 302.387 tấn quy gạo.

Trong đó: Lúa 105.736 tấn, gạo là 127.861 tấn, nếp là 55.937 tấn, tấm là 65.721 tấn.Các hợp đồng đã ký kết chưa giao hàng đến cuối năm 2020 khoảng 204.571 tấn gạo, trong đó chủ yếu thị trường Trung Quốc (44.303 tấn, chủ yếu nếp), Malaysia (35.044 tấn), châu Phi (34.382 tấn), Philippine (34.353 tấn), Indonesia (17.350 tấn); Ghana (12.229 tấn)...

Hợp đồng xuất khẩu chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2020, trong đó tháng 4 là xuất khẩu nhiều nhất. Thời gian qua UBND tỉnh Long An đã đưa ra 3 kiến nghị gửi đến Chính phủ.

Thứ nhất, là cho tiếp tục xuất khẩu đối với các hợp đồng đã ký trước ngày 24/3/2020.

Thứ hai, là không hạn chế xuất khẩu nếp vì nhu cầu tiêu dùng nếp trong nước không nhiều, xuất khẩu nếp đạt hiệu quả cao và Long An có 30-32% diện tích canh tác nếp, tồn kho nếp của các doanh nghiệp trong tỉnh còn trên 57 nghìn tấn.

Thứ ba, là trong tình hình đặc biệt, có thể tăng mức dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực, còn lại cân đối cho các DN xuất khẩu.

Ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện có hai đơn vị được phép xuất khẩu gạo trực tiếp gồm Cty Lương thực và Cty Vĩnh Lộc của Tập đoàn Lộc Trời.

Nhưng hai đơn vị này không xuất khẩu gạo trực tiếp, trong đó, Cty Lương thực thông qua Tổng Cty Lương thực Miền Nam còn Cty Vĩnh Lộc ủy thác qua Tập đoàn Lộc Trời.

“Đến thời điểm hiện tại thì cả hai Cty này vẫn chưa xuất khẩu được lô hàng nào. Trong đó, Tổng Cty Lương thực Miền Nam phân bổ cho Cty Lương thực xuất khẩu 2.500 tấn, đến nay đã mua được 1.500 tấn dự trữ trong kho, đang chuẩn bị mua thêm 1.000 tấn nữa.

Còn riêng Cty Vĩnh Lộc không mua gạo mà dự trữ lúa, hiện trong kho còn dự trữ hơn 700 tấn lúa. Tháng 4 vừa qua Cty Vĩnh Lộc đã đăng ký với Tập Đoàn Lộc Trời xin xuất 120 tấn lúa nhưng không được, đến nay vẫn còn kho 700 tấn lúa”, ông Sáu cho biết.

Không kịp trở tay

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long) cho rằng: Do lệnh dừng xuất khẩu gạo đột ngột, từ ngày 23/3 đến nay DN Phước Thành IV chỉ kịp làm thủ tục thông quan được 30 container thì Hải quan đã đóng cửa vì cho rằng đã hết hạn ngạch xuất trong tháng 4.

Tuy nhiên, khi 'lệnh' cho xuất số lượng gạo như trên và thời gian không đủ cho các DN đăng ký. Vì vậy lượng gạo còn tồn đọng ngoài cảng khá nhiều. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên, khi “lệnh” cho xuất số lượng gạo như trên và thời gian không đủ cho các DN đăng ký. Vì vậy lượng gạo còn tồn đọng ngoài cảng khá nhiều. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong khi đó từ ngày 23/4 đến nay công ty đóng khoảng 40 container gạo tương đương 1.000 tấn nằm chờ tại cảng. Chi phí kho bãi và các chi phí khác phát sinh mỗi ngày khiến DN rất lo âu.

Một số DN cùng tình cảnh bức bách vì lượng gạo đã đóng container nằm chờ tại cảng vì không cách nào đăng ký khai Hải quan kịp. (Liền sau khi Hải Quan báo đã có DN đăng ký đủ số lượng 400.000 tấn).

Ngày 13/4, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã có đơn đề nghị giải quyết khẩn cấp kính gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương về việc “Hải quan mở hệ thống phần mềm khai hải quan điện tử không minh bạch!”.

Theo ông Bình, vào lúc 14 giờ 46 phút, thứ bảy ngày 11/4 Công ty Trung An nhận được quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4 và công văn số 0361/XNK-NS ngày 10/4/2020 để thực hiện theo công văn số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/04/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Ngay sau đó công ty đã túc trực trên máy tính để mở tờ khai cho những lô hàng khai dang dở từ ngày 24/3 (công ty cho nhân viên trực khai HQ đến 21 giờ đêm ngày 11/4), nhưng hệ thống phần mềm Hải quan điện tử không mở.

Công ty cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn có liên quan về việc mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai và thông quan hàng gạo của Hải quan. Công ty lên hệ thống phần mềm Hải quan điện tử VNACCS để lấy thông tin tờ khai thì chỉ nhận được hệ thống báo như sau: “Thực hiện không thành công, kết thúc bất thường được phát hiện ở Trung Tâm”.

Đến sáng chủ nhật ngày 12/4/2020, công ty tiếp tục lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai thì hệ thống công bố là đủ chỉ tiêu. Quá bức xúc công ty đã liên hệ một số DN có nghiệp vụ về mạng và được biết: Hải quan mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai vào lúc từ 0 giờ ngày 11/4 đến 3 giờ sáng ngày 12/4 là đóng lại vì đủ hạn ngạch 400.000 tấn!

Các tỉnh như Long An và An Giang đã kiến nghị đến Chính phủ cho cơ chế XK lại gạo nếp không giới hạn sản lượng vì hiện nay nếp tiêu dùng trong nước rất ít, tồn kho khá nhiều ở các DN. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các tỉnh như Long An và An Giang đã kiến nghị đến Chính phủ cho cơ chế XK lại gạo nếp không giới hạn sản lượng vì hiện nay nếp tiêu dùng trong nước rất ít, tồn kho khá nhiều ở các DN. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo đơn đề nghị của Công ty Trung An, từ trước ngày 24/3 đến nay, Công ty Trung An đã phải tạm dừng đăng ký và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu đã và đang trên đường lên cảng.

Hiện tại đang có mấy trăm ngàn tấn gạo đã nằm tại các cảng chờ thông quan (danh sách, số container các DN nhận về để đóng gạo hãng tàu, cảng, Bộ Công Thương đều nắm rất rõ).

Nếu Hải quan cho mở tờ khai thì việc đầu tiên phải cho các lô gạo của các DN đã và đang khai dở dang xuất khẩu, sau đó mới cho khai mới.

Việc rất đơn giản vậy mà Hải quan không thực hiện, mà chỉ trong 3 giờ đồng hồ lúc đêm khuya đã cho khai hết 400.000 tấn! Việc làm của Hải quan như vậy có đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay không? (Chỉ đạo của Thủ tướng rất rõ ràng cụ thể: “…đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách”).

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.