| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp nuôi tôm xả thải thẳng ra môi trường, cả vùng nước đổi màu

Chủ Nhật 20/06/2021 , 11:52 (GMT+7)

Nước thải từ vùng nuôi tôm rộng đến 10ha của doanh nghiệp Ngọc Châu xả thẳng ra biển khiến cả vùng biển chuyển màu đen và bốc mùi hôi tanh nồng nặc.

Nhiều ngày qua, người dân thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát,Bình Định) phải chịu đựng mùi hôi tanh nồng nặc, do nước thải từ vùng nuôi tôm của một doanh nghiệp xả ra từ đường cống được đấu nối trực tiếp chảy ra biển. Mùi hôi tanh của nước thải từ vùng nuôi tôm đã “hành hạ” lỗ mũi người dân ở đây một suốt thời gian dài.

Theo phản ánh của người dân thôn An Quang Đông, nước thải bắt nguồn từ một doanh nghiệp nuôi tôm nằm phía bên trong cách biển không xa. Nước thải chảy ra từ đường ống cống đã làm ô nhiễm cả một vùng biển, người dân ở đây phải hít thở không khí đậm đặc mùi tanh tưởi.

“Vùng biển bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải từ vùng tôm khiến người dân không dám tắm ở đoạn biển này. Trong nước thải có đầy thức ăn thừa của lũ tôm và phân tôm nên bốc mùi hôi tanh khó chịu vô cùng”, một người dân địa phương ca thán.

Nước thải chảy ra từ ống công có màu đen ngòm. Ảnh: Đăng Lâm.

Nước thải chảy ra từ ống công có màu đen ngòm. Ảnh: Đăng Lâm.

Một người dân ở thôn An Quang Đông, cho hay: “Tôi  làm nghề lặn. Mỗi khi lặn biển bắt cá, khi lặn ở ngoài xa thì không sao, bởi nước biển ngoài ấy trong, không hề có mùi gì, nhưng khi vào đến vùng biển bị ảnh hưởng nước thải xả ra từ ống cống là tôi không chịu nổi, mùi nước tanh hôi khiến tôi kiệt sức ngay. Buổi tối trời nóng, người dân ở đây cũng không dám ra ngồi trên bờ biển hóng gió như trước đây, bởi không thể chịu nổi mùi tanh tưởi xộc lên từ nước biển bị ô nhiễm”.

Theo những người dân thôn An Quang Đông, lâu lâu doanh nghiệp nuôi tôm cũng có xả thải ra ngoài. Nếu thời điểm tôm bị chết non thì doanh nghiệp xả hồ, nhưng xả theo nước thủy triều. Gặp lúc thủy triều xuống thì nước thải sẽ theo nước biển cuốn ra xa, lúc ấy thì không ảnh hưởng gì. Thế nhưng nếu vùng tôm xả thải không đúng thời gian nước thủy triều xuống thì nước thải sẽ chảy ngược trở lại.

“Người dân ở đây đã từng phàn nàn về hiện tượng này. Doanh nghiệp nuôi tôm cũng có hệ thống xử lý nước thải, nhưng xử lý như thế nào thì mình đâu vô xem được mà biết. Nước thải nuôi tôm có mùi hôi khó chịu lắm, bởi thức ăn thừa của tôm tồn đọng trong nguồn nước nuôi mỗi ngày một ít, trước khi xả nước thải ra môi trường mà chưa được xử lý hóa chất thì nó hôi là phải thôi”, Trưởng thôn An Quang Đông cho hay.

Đường cống được đấu nối từ vùng nuôi tôm trực tiếp chảy ra biển. Ảnh: Đăng Lâm.

Đường cống được đấu nối từ vùng nuôi tôm trực tiếp chảy ra biển. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh cho biết, ống cống được đấu nối ra biển là của doanh nghiệp Ngọc Châu, đơn vị này nuôi tôm với diện tích 10ha. Doanh nghiệp này nuôi tôm với quy trình khép kín và có hệ thống xử lý nước thải hẳn hoi. Cống nước thải nói trên từ khi doanh nghiệp bắt đầu vô nuôi đã có rồi.

“Hằng năm, Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Phù Cát và Sở Tài nguyên-Môi trường Bình Định kiểm tra định kỳ về môi trường của doanh nghiệp nuôi tôm này. Qua kiểm tra, ngành chức năng thấy nước thải qua hệ thống lọc nhiều bể sau đó mới thải ra môi trường. Tiếp nhận thông tin phản ánh, chúng tôi đã thành lập tổ công tác để tiến hành kiểm tra cụ thể để báo cáo lên cấp trên. Tùy theo chức năng và quyền hạn, xã sẽ có ý kiến đến các cơ quan liên quan.

Muốn xác định việc xả thải của doanh nghệp có những vi phạm gì thì xã không làm được, phải có sự phối hợp của các cơ quan chức năng để kiểm tra, khi ấy mới đánh giá được nước thải nuôi tôm mà doanh nghiệp xả ra môi trường có độc hại hay không”, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh Nguyễn Trung Hiếu nói.

Nước thải từ đường cống chảy ra làm đổi màu cả 1 vùng biển. Ảnh: Đăng Lâm.

Nước thải từ đường cống chảy ra làm đổi màu cả 1 vùng biển. Ảnh: Đăng Lâm.

Theo ông Tạ Công Thượng, Trưởng Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Phù Cát, ngay sau khi UBND xã Cát Khánh báo cáo tình hình trên, Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện lập tức báo cáo lên Sở Tài nguyên-Môi trường Bình Định. Ngày 16/6 Chi cục Bảo vệ môi trường đã về lấy mẫu để kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu của mẫu nước thải.

“Doanh nghiệp Ngọc Châu đã có đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt. Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh cũng có kế hoạch kiểm tra định kỳ hằng năm. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay do dịch Covid-19 nên Sở chưa đi kiểm tra.

Nhưng khi chính quyền địa phương hoặc người dân phản ánh lên thì chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra ngay. Ở các đợt kiểm tra trước đây, nước thải qua xử lý của doanh nghiệp Ngọc Châu đều đạt tiêu chuẩn. Lần này Chi cục Bảo vệ môi trường đã lấy mẫu nước để phân tích và sẽ sớm có kết luận”, bà Hà Thanh Hương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Bình Định cho biết.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất