| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp thủy sản vẫn 'sáng cửa' để khôi phục sản xuất

Thứ Hai 18/10/2021 , 13:36 (GMT+7)

Khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp không khó để thu hút lại lao động, các trang trại sản xuất giống vẫn đủ khả năng cung cấp cho các tháng nuôi tiếp theo.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), ngành thủy sản đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu trong các tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 trong nước đang khiến việc cung ứng vật tư đầu vào cũng như hoạt động nuôi trồng, thu mua, chế biến của nông dân và các doanh nghiệp thời gian qua bị đình đốn.

Để doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường sau dịch bệnh Covid-19 và các tháng cuối năm 2021, hai vấn đề lớn mà các doanh nghiệp phải ưu tiên giải quyết là đảm bảo nguồn cung nguyên liệu và nhân công lao động.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Khi các địa phương khống chế được dịch bệnh, các doanh nghiệp ở ĐBSCL không khó để thu hút lại lao động. Ảnh: TL.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Khi các địa phương khống chế được dịch bệnh, các doanh nghiệp ở ĐBSCL không khó để thu hút lại lao động. Ảnh: TL.

Không khó để thu hút lao động trở lại làm việc

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết: Về phía lực lượng lao động, chúng ta có thể thấy rằng tất cả mọi người đều cần có công việc để có thu nhập ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, một bộ phận lực lượng lao động trước đây mưu sinh xa xứ trên các thành phố lớn. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại, đã có những tác động đến suy nghĩ, thay vì đi xa họ sẽ trở về địa phương tìm những việc làm ở gần để đảm bảo an toàn hơn.

Vì vậy, khi các địa phương khống chế được dịch bệnh, các doanh nghiệp ở ĐBSCL không khó để thu hút lại lao động, bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp nhanh nhất trở lại bình thường.  

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp có thể quay trở lại trạng thái sản xuất bình thường, trước tiên cần có chính sách vacxin, vì chỉ có an toàn mới đảm bảo sản xuất. Vì vậy, Chính phủ phải cần sớm có chính sách để đảm bảo cung cấp đủ lượng vacxin cho lực lượng lao động trong các nhà máy (tối thiểu 1 mũi tiêm) thì cả người lao động và doanh nghiệp đều an tâm sản xuất.

Bên cạnh đó, một vấn đề mà các doanh nghiệp cũng cần quan tâm là xây dựng phương án kiểm soát y tế, vì rủi ro do dịch bệnh còn rất lớn. Vì thế, cần căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định có đưa lao động trở lại làm việc ồ ạt hay không, hay chọn phương án làm kiểu “cuốn chiếu”, từng bước đưa lao động vào làm việc trong khả năng mà doanh nghiệp có thể kiểm soát được.

Ngoài ra, bên cạnh kế hoạch về nhân công, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng kế hoạch về vật tư đầu vào, nguyên liệu, sự thay đổi của thị trường... Từ đó có thể thấy, để có thể quay lại hoạt động mạnh mẽ, các doanh nghiệp cần có nhiều bước chuẩn bị chu đáo, chi tiết.

“Nếu doanh nghiệp nào cũng trong tâm thế chủ động chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố, thì việc đạt được mục tiêu 3,8-4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm nay là điều không quá khó khăn”,ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.

Giống, thức ăn vẫn đảm bảo tái sản xuất

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, từ tháng 7, tháng 8/2021, hệ thống sản xuất giống đã giảm công suất từ 30 - 40%. Ở một số địa phương trong tháng 8, lượng xuống giống cũng giảm 30 - 40%.

Tuy nhiên, theo thống kê, tại các trang trại sản xuất giống vẫn duy trì trên 55.000 con tôm bố mẹ, đủ khả năng cung cấp giống cho các tháng nuôi tiếp theo.

Về sản xuất thức ăn, ông Luân cho biết: Hiện nay, cả nước có 15 nhà máy sản xuất thức ăn đang tạm dừng do có các ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, với công suất hiện tại thì trong các tháng cuối năm, doanh nghiệp vẫn có thể sản xuất trên 2 triệu tấn thức ăn để phục vụ chăn nuôi, nên vấn đề này không đáng ngại.

Vấn đề cần tháo gỡ hiện nay là việc lưu thông giữa các địa phương vẫn chưa có sự thống nhất về quy định, chính sách. Dẫn tới tình trạng người dân, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiến hành thu hoạch và vận chuyển nguyên liệu về nhà máy chế biến.

Các trang trại sản xuất giống vẫn duy trì trên 55.000 con tôm bố mẹ, đủ khả năng cung cấp giống cho các tháng nuôi tiếp theo. Ảnh: TL.

Các trang trại sản xuất giống vẫn duy trì trên 55.000 con tôm bố mẹ, đủ khả năng cung cấp giống cho các tháng nuôi tiếp theo. Ảnh: TL.

Thời gian qua, Tổng cục Thủy sản cũng đã đưa ra khuyến cáo cho bà con xuống giống trong tháng 8/2021, nên xuống với mật độ thưa, kéo dài thời gian nuôi để đạt kích cỡ lớn. Mặc dù, hiện nay tôm kích cỡ lớn giá giảm xuống thấp, tuy nhiên những giải pháp kỹ thuật bà con vẫn phải duy trì, để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho nhà máy chế biến hoạt đông liên tục.

"Bên cạnh những sản phẩm sơ chế, chúng ta có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng có vị thế trên thị trường. Vì vậy, nguồn cung nguyên liệu tôm tươi để làm ra các sản phẩm đó cũng cần phải duy trì và phục hồi", ông Luân nhấn mạnh. 

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ: Khi việc nuôi tôm trở thành nguồn thu nhập, duy trì cuộc sống thì người nuôi tôm họ biết phải làm gì để cuộc sống không rơi vào bế tắc quá lớn. Thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh được khống chế, người dân sẽ tiến hành một vụ nuôi tôm, có thể gọi là vụ “nghịch”. Mặc dù có thể có rủi ro lớn cho các ao nuôi, nhưng hiện nay kỹ thuật nuôi của người dân đã được nâng cao, nên vấn đề này không đáng lo ngại.

Về phía các doanh nghiệp, dựa trên thực tế sản xuất của người dân thì theo đánh giá sẽ thiếu nguồn cung nguyên liệu trong qúy IV. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận nguồn cung nguyên liệu không bị đứt gãy hoàn toàn, mà có sự sụt giảm. Đa phần các doanh nghiệp lớn về tôm đều có nguồn tôm dự trữ từ những tháng cao điểm là tháng 5 đến tháng 7.

Bên cạnh đó, trong hơn một tháng vừa qua, các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức "3 tại chỗ” không hiệu quả do năng suất chế biến không tăng mà lỗi trên sản phẩm tăng. Vì vậy, các doanh nghiệp đã chuyển nguyên liệu sang chế biến bán thành phẩm.

Xem thêm
Hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững: [Bài 3] Sắp xếp lại lồng bè

Các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sẽ bố trí, sắp xếp lại lồng bè, lập đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản để người dân yên tâm sản xuất.

Cảng cá sửa chữa kéo dài, ngư dân Quảng Bình đôn đáo tìm nơi cập bến

QUẢNG BÌNH Hiện chỉ còn cảng cá Nhật Lệ phục vụ nên tàu của cá ngư dân Quảng Bình phải ‘tăng bo’ đến các cảng cá tỉnh bạn để bốc dỡ hàng…

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển