| Hotline: 0983.970.780

Ngành tôm vẫn còn 'cửa sáng'

Thứ Ba 14/09/2021 , 18:15 (GMT+7)

Nếu các doanh nghiệp có phương án tốt để khôi phục sản xuất, mục tiêu 3,8 đến 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm nay là điều không quá khó khăn.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta đánh giá, dù lượng cung tôm ra thị trường thế giới bị sụt giảm nhưng chúng ta không ngại mất khách hàng hay mất thị trường vì những đối thủ thực sự của chúng ta cũng đang gặp khó và thậm chí họ còn khó hơn chúng ta.

Không ngại mất thị trường

Theo Tổng cục Thủy sản, thời gian qua đã có khoảng 120 trong tổng số 449 nhà máy chế biến thủy sản dừng hoạt động, những nhà máy còn lại duy trì hoạt động “3 tại chỗ” thì công suất cũng chỉ đạt khoảng 30 - 40%. Ông đánh giá liệu xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt được những mục tiêu đề ra không?

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta. Ảnh: TL.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta. Ảnh: TL.

Thời gian qua, các cường quốc về tôm trên thế giới như Ấn độ, Indonesia… cũng bị Covid-19 hoành hoành. Chuỗi cung ứng tôm của các nước này ít nhiều bị gãy đổ khiến sức cung tôm trên thị trường thế giới bị sụt giảm.

Trong giai đoạn này, mặt hàng tôm rất dễ tiêu thụ, tuy nhiên để tranh thủ được cơ hội này không phải là việc dễ dàng đối với ngành tôm của nước ta hiện nay.

Trên thực tế, bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp tôm, cá, đã phải đóng cửa vì lí do khách quan hay chủ quan bởi dịch bệnh Covid-19, số doanh nghiệp còn hoạt động quy mô sản xuất cũng bị thu hẹp bởi vì khi hoạt đông theo phương thức “3 tại chỗ”, doanh nghiệp chỉ đủ sức chứa tối đa khoảng 40% lao động so với bình thường.

Vấn đề nữa khi duy trì sản xuất "3 tại chỗ", đó là số lao động này từ nhiều dây chuyền sản xuất với các sản phẩm khác nhau gom lại, nên dẫn đến tay nghề không đồng đều, khiến năng suất lao động không cao.

Người lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ” cũng luôn mang tâm trạng lo âu về dịch bệnh, sức khỏe, gia đình… Tất cả điều này khiến lỗi kỹ thuật trên sản phẩm tăng lên, dẫn đến hoạt động của các doanh nghiệp không hiệu quả.

Bên cạnh đó, các chi phí chăm lo sức khỏe cho người lao động, chi phí y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ cho những lao động ở lại công ty là không nhỏ… Tất cả vấn đề này, làm cho sản lượng chế biến tôm sụt giảm đáng kể. Dẫn đến hệ lụy là kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 8 bị sụt giảm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam thì điểm sáng của ngành tôm đó là qua 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam so với cùng kỳ năm trước vẫn có sự tăng trưởng trên 6%.

Trong bối cảnh này, dù lượng cung tôm ra thị trường thế giới bị sụt giảm nhưng chúng ta không ngại mất khách hàng hay mất thị trường vì đối thủ thực sự của chúng ta họ cũng đang gặp khó và thậm chí họ còn khó hơn chúng ta.

Ông Hồ Quốc Lực cho rằng, ngành tôm vẫn có thể có cơ hội các tháng cuối năm nếu các doanh nghiệp có kế sự chuẩn bị tốt khôi phục sản xuất trong thời gian tới. Ảnh: LHV.

Ông Hồ Quốc Lực cho rằng, ngành tôm vẫn có thể có cơ hội các tháng cuối năm nếu các doanh nghiệp có kế sự chuẩn bị tốt khôi phục sản xuất trong thời gian tới. Ảnh: LHV.

Nguy cơ thiếu nguồn cung nguyên liệu cuối năm

Thời gian qua, giá tôm xuống thấp khiến người nuôi nhiều nơi không mặn mà xuống giống vụ mới. Liệu có nguy cơ xẩy ra thiếu hụt nguyên liệu cho chế biến các tháng tới đây không, thưa ông?

Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với người nuôi là khó tiếp cận với các nguồn lực để tiếp tục thả nuôi. Khó khăn về việc di chuyển, giá cả bấp bênh khiến người nuôi chùn lòng, thậm chí có ý nghĩ tiêu cực khi thả nuôi ở vụ tiếp theo. Theo khảo sát hiện nay, tại các cơ sở cung ứng giống phải đưa ra khuyến mãi lên tới 50% để thu hút người mua, điều này chứng tỏ nhu cầu con giống xuống rất thấp.

Tuy nhiên, khi việc nuôi tôm trở thành nguồn thu nhập, duy trì cuộc sống thì người nuôi tôm họ biết phải làm gì để cuộc sống không thể để rơi vào bế tắc quá lớn. Thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh được khống chế, người dân sẽ tiến hành một vụ nuôi tôm, có thể gọi là vụ “nghịch”. Mặc dù có thể có rủi ro lớn cho các ao nuôi. Nhưng hiện nay kỹ thuật nuôi của người dân đã được nâng cao, nên vấn đề này không đáng lo ngại.

Về phía các doanh nghiệp, dựa trên thực tế sản xuất của người dân thì theo đánh giá sẽ thiếu nguồn cung nguyên liệu trong qúy IV. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận nguồn cung nguyên liệu không bị đứt gãy hoàn toàn, mà có sự sụt giảm. Đa phần các doanh nghiệp lớn về tôm đều có nguồn tôm dự trữ từ những tháng cao điểm là tháng 5 đến tháng 7.

Bên cạnh đó, trong hơn một tháng vừa qua, các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức “3 tại chỗ” không hiệu quả do năng suất chế biến không tăng mà lỗi trên sản phẩm tăng. Vì vậy, các doanh nghiệp đã chuyển nguyên liệu sang chế biến bán thành phẩm.

Chính vì vậy, ngoài việc chúng ta lo lắng, xử lý kịp thời những khó khăn trong giai đoạn tới, cần nhìn nhận một số điểm sáng để các mối âu lo bớt căng thẳng đi.

Ngoài đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, duy trì trở lại lực lượng lao động hoạt động cần sớm có chính sách để tháo gỡ. Ảnh: TL.

Ngoài đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, duy trì trở lại lực lượng lao động hoạt động cần sớm có chính sách để tháo gỡ. Ảnh: TL.

Sự chủ động của doanh nghiệp là yếu tố then chốt

Thiếu lao động là vấn đề lớn mà các doanh nghiệp chế biến thủy sản gặp phải thời gian qua. Công ty ông đã có những tính toán nào để huy động trở lại lực lượng lao động nhằm đảm bảo sản xuất, chế biến trong thời gian tới, đặc biệt là khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế và các doanh nghiệp sẽ trở lại hoạt động bình thường?

Về phía lực lượng lao động, chúng ta có thể thấy rằng tất cả mọi người đều cần có công việc để có thu nhập ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, một bộ phận lực lượng lao động trước đây mưu sinh xa xứ trên các thành phố lớn. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại, đã có những tác động đến suy nghĩ của họ, thay vì đi xa, họ sẽ trở về địa phương tìm những việc làm ở gần cho an toàn hơn.

Vì vậy, khi địa phương khống chế được dịch bệnh, các doanh nghiệp ở ĐBSCL không khó để thu hút lại lao động, bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp nhanh nhất trở lại bình thường.  

Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp cần quan tâm là xây dựng phương án kiểm soát y tế, vì rủi ro của việc này còn rất lớn. Vì thế, cần căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định có đưa lao động trở lại làm việc ồ ạt hay không, hay chọn phương án làm kiểu “cuốn chiếu”, từng bước đưa lao động vào làm việc trong khả năng mà mình có thể kiểm soát được.

Ngoài ra, bên cạnh kế hoạch về nhân công, cũng cần xây dựng kế hoạch về vật tư đầu vào, nguyên liệu, sự thay đổi của thị trường... Vì vậy, để có thể quay lại hoạt động mạnh mẽ, các doanh nghiệp cần có nhiều bước chuẩn bị chu đáo, chi tiết. Nếu doanh nghiệp nào cũng trong tâm thế đó thì việc đạt được mục tiêu 3,8 đến 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm nay là điều không quá khó khăn.

Nếu tình hình dịch bệnh được khống chế, người dân sẽ tiến hành một vụ nuôi tôm 'nghịch vụ' trong thời gian tới để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy. Ảnh: TL.

Nếu tình hình dịch bệnh được khống chế, người dân sẽ tiến hành một vụ nuôi tôm "nghịch vụ" trong thời gian tới để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy. Ảnh: TL.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp cho rằng cần có những chính sách nhằm tạo điều kiện để thể khôi phục trở lại hoạt động sau dịch bệnh, như là khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vốn vay… Quan điểm của ông về những chính sách cần thiết của nhà nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp thời gian tới như thế nào?

Theo tôi, để các doanh nghiệp có thể quay trở lại trạng thái sản xuất bình thường, trước tiên cần có chính sách vacxin. Vì chỉ có an toàn mới đảm bảo sản xuất. Vì vậy, chính phủ phải cần sớm có chính sách để đảm bảo cung cấp đủ lượng vacxin cho lực lượng lao động trong các nhà máy (tối thiểu 1 mũi tiêm) thì cả người lao động và doanh nghiệp đều an tâm sản xuất.

Về chính sách hỗ trợ nâng đỡ doanh nghiệp, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Hiện, tiền điện phục vụ sản xuất đã được giảm giá 10% trong 3 tháng, bắt đầu từ tháng 9.

Theo quan điểm của tôi, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Chính phủ phải tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho hàng nghìn doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, chúng ta không thể đòi hỏi quá nhiều hay trông chờ vào Chính phủ.

Sự chủ động của các doanh nghiệp là yếu tố then chốt. Bên cạnh đó, có sự đồng hành của Chính phủ, bộ, ngành, hiệp hội thì những khó khăn trước mắt đối với các doanh nghiệp có thể sẽ sớm được tháo gỡ.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.