Cố gắng tìm đơn hàng để lao động có việc
Là một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm bao bì thực phẩm thân thiện với môi trường như ly cốc giấy, hộp cơm giấy…, Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh cho biết hiện cần tuyển dụng số lượng lao động lớn ở tất cả các lĩnh vực ở như bán hàng, marketing, công nhân, kỹ thuật vận hành máy móc…
“Do công ty có nhu cầu mở rộng nhà xưởng nên sẽ tuyển lao động thường xuyên và liên tục trong suốt năm. Chúng tôi có nhiều chế độ phúc lợi ngoài lương thưởng, nghỉ phép năm, thưởng chuyên cần, ngày lễ Tết…”, ông Nguyễn Trọng Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh nói.
Theo các doanh nghiệp ngành thực phẩm, việc tìm kiếm nguồn nhân lực mới và đào tạo lại cũng gặp nhiều khó khăn do đặc thù. Đơn cử như Công ty Cổ phần Thực phẩm Cholimex đang cần tuyển dụng hơn 500 lao động phổ thông, lao động có chuyên môn. Tuy nhiên, ông Phạm Thành Hải, bộ phận tuyển dụng cho biết, việc tuyển dụng hiện gặp tương đối nhiều khó khăn, nhất là đối với lao động phổ thông do đa số không có tay nghề, khó đáp ứng được yêu cầu công việc.
Trong khi đó, đối với những lao động mới này, Công ty phải mất từ 1 - 2 năm để đào tạo nghề. “Đến khi đào tạo xong chưa chắc họ đã ở lại gắn bó với Công ty. Do đó, chúng tôi rất muốn tìm được các ứng viên có kinh nghiệm, có tay nghề”, ông Hải cho hay.
Là một trong những doanh nghiệp may mặc gia công cho hơn 20 đối tác, nhưng thời gian qua, Công ty TNHH May mặc Dony (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) cũng đối mặt với khó khăn do đơn hàng bị cắt giảm. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty cho biết, luôn tìm mọi cách để giữ việc cho lao động, kể cả việc tuyển dụng thêm lao động để có những kế hoạch cho chiến lược mới.
Doanh nghiệp này cho biết, sẽ tập trung vào nhóm khách hàng yêu cầu số lượng hàng lớn, giá cạnh tranh. Đặc biệt thời gian tới, Dony sẽ tập trung vào hai thị trường có số lượng đơn hàng lớn và đều như Mỹ và Trung Đông thay vì tập trung vào thị trường châu Âu và Nhật như trước đây.
“Chúng tôi linh động trong việc tìm kiếm khách hàng mới, đa dạng đơn hàng hơn, chấp nhận điều chỉnh máy móc, kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của khách, đôi khi chấp nhận làm hòa vốn, thậm chí chịu lỗ để có đơn hàng nhằm giúp công nhân được tăng ca. Thời gian tới, chúng tôi chuyển hướng kinh doanh, đổi thị trường trọng điểm dù lợi nhuận thấp nhưng đơn hàng nhiều hơn, sản lượng lớn hơn, do đó cần phải tăng lực lượng lao động”, ông Quang Anh nói.
Về việc tuyển dụng lao động, ông Quang Anh cho biết, Dony vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động sản xuất. Trong đó, Công ty cần tuyển thêm 20% lực lượng công nhân làm việc tại xưởng so với quý IV/2022. “Dù là lao động mới tuyển nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo các chế độ đầy đủ theo chính sách của Công ty, không có gì thay đổi", ông Anh thông tin thêm.
Trong nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới của năm 2023, Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (thuộc Khu công nghiệp Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) đã đàm phán thành công đơn hàng gia công, qua đó có thể đảm bảo việc làm cho toàn bộ 200 công nhân của Công ty đến quý II/2023.
Bà Phan Thị Minh Thu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong cho biết, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, do đó để có thể giữ được đơn hàng cũng như tìm kiếm đơn hàng mới, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần phải nắm bắt mọi cơ hội, cũng như có nhiều cách thức để tìm kiếm đơn hàng, đặc biệt là đáp ứng các yêu cầu của phía đối tác.
Chia sẻ về đơn hàng sắp tới, bà Thu cho biết, phía đối tác nước ngoài đã cử người sang Việt Nam để kiểm tra điều kiện nhà xưởng, môi trường làm việc, chế độ, chính sách đối với người lao động trước khi ký kết hợp đồng. “Đối tác nước ngoài rất quan tâm đến vấn đề chính sách cho người lao động, tuy nhiên do Công ty đã thực hiện khá tốt từ trước đến nay nên đáp ứng đủ các tiêu chí họ đưa ra”, bà Thu cho biết thêm.
Giải quyết trên 80.600 việc làm trong quý I/2023
Đánh giá về thị trường lao động sau Tết Nguyên đán đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cho biết, để phát triển nhu cầu sản xuất, kinh doanh năm 2023, các doanh nghiệp đang tập trung tuyển một lượng lớn lao động.
Đây là cơ hội cho người lao động, nhất là sinh viên, học viên tốt nghiệp tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu thay đổi việc làm phù hợp. Nhu cầu dịch chuyển lao động tập trung trong các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, thương mại, dịch vụ, phục vụ và lao động phổ thông trong các doanh nghiệp dệt may, da giày, nhà hàng, khách sạn, bảo vệ chuyên nghiệp, vệ sinh công nghiệp...
Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho biết, nhu cầu tuyển dụng ở lao động lành nghề có xu hướng tăng trong các ngành như công nghệ thông tin, điện – điện tử, chế biến thực phẩm, xây dựng, vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng, kinh doanh – bán hàng, marketing, tư vấn – chăm sóc khách hàng, du lịch, khách sạn…
Các nhóm công việc tiếp tục được tuyển dụng nhiều trong quý 1/2023, tập trung vào các nhóm lao động phổ thông, trong đó nhóm ngành tuyển bảo vệ đang có nhu cầu rất cao, phục vụ các tòa nhà làm việc, căn hộ… Nhóm kinh doanh và quản lý tập trung chủ yếu các ngành bán hàng, maketing và quản trị kinh doanh.
Ngoài ra, nhóm da giày, dệt may cũng là nhóm ngành thường xuyên thay đổi nhân sự và có nhu cầu tuyển nhiều. “Một số nguyên nhân thay đổi nhân sự là do từ các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, tình trạng dịch chuyển của lao động các tỉnh”, ông Thắng cho hay.
Để hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm được ứng cử viên phù hợp, 2 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã thực hiện tư vấn việc làm cho 61.924 lượt lao động, giới thiệu việc làm cho 18.095 lượt lao động thông qua việc tổ chức các phiên sàn giao dịch việc làm và thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp vào các ngày làm việc trong tuần tại Trung tâm và các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp thuộc Trung tâm.
Qua đó, đã có nhiều lao động nhận được việc làm thuộc các ngành nghề như lao động phổ thông, da giày - may mặc, chế tạo - chế biến, dịch vụ, kế toán – kiểm toán… với mức lương đa dạng tùy vào từng vị trí công việc và thỏa thuận giữa người lao động với doanh nghiệp tuyển dụng.
Cũng theo ông Hoàng Văn Thắng, Trung tâm còn phối hợp tổ chức các phiên sàn trực tuyến kết nối với các tỉnh/thành lân cận. Đơn cử như vừa qua, Trung tâm đã tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến phối hợp với các tỉnh khu vực ĐBSCL và các tỉnh, thành phố lân cận. Thông qua phiên giao dịch việc làm này, có 12 doanh nghiệp tham dự, Trung tâm đã tư vấn việc làm cho 268 lượt người lao động, giới thiệu việc làm cho 76 lượt lao động.
Đối với công tác kết nối việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp cắt giảm lao động, ngoài việc tư vấn, giới thiệu người lao động đến các doanh nghiệp có ngành nghề tương đồng trên địa bàn TP.HCM, Trung tâm đang tham mưu kế hoạch liên kết với các trung tâm dịch vụ việc làm ở các tỉnh lân cận để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại các tỉnh/thành và kết nối khi người lao động, đặc biệt là lao động bị cắt giảm việc làm có nhu cầu tìm việc làm ngoài địa bàn thành phố.
Hiện tại, Trung tâm không tổ chức các lớp đào tạo nghề mà chỉ tư vấn cho các lao động thuộc diện hưởng các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, khi có nhu cầu học nghề sẽ được tư vấn và học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM theo quy định.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, trong quý I/2023, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 80.654 lượt người (đạt gần 27% kế hoạch năm) và tạo ra 35.575 việc làm mới. So với cùng kỳ năm 2022, số lao động được giải quyết việc làm tăng 0,16%, số việc làm mới tăng 0,03%.