| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo chuyện học trên đảo Hòn Chuối

Thứ Hai 04/03/2024 , 06:54 (GMT+7)

Ngày mới tập làm quen với con chữ, học sinh của 'lớp học tình thương’ trên đảo Hòn Chuối được người thầy mặc áo lính tập trung dạy làm người, hình thành nhân cách…

Thầy giáo bất đắc dĩ

Cách đây 15 năm, thiếu tá Trần Bình Phục (sinh năm 1976), Phó đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nhận công tác tại đảo Hòn Chuối. Đảo Hòn Chuối nằm cách cửa Sông Đốc 17 hải lý về hướng tây nam, có diện tích khoảng 7km2, địa hình, đồi núi rất hiểm trở, vách đá cheo leo. Hiện trên đảo Hòn Chuối có 68 hộ dân sinh sống với 202 nhân khẩu. Kế sinh nhai của người dân ở đây chủ yếu làm nghề nuôi cá lồng bè và mua bán tạp hóa nhỏ lẻ, đời sống còn nhiều khó khăn.

Những ngày đầu đặt chân Hòn Chuối, hình ảnh những cháu nhỏ là con em của cư dân trên đảo mặt mũi lấm lem, lếch thếch suốt ngày trên những con đường đất đỏ đã làm nhói lòng thiếu tá Trần Bình Phục. Trẻ con trên đảo Hòn Chuối lang thang suốt ngày ngoài đường cũng phải, bởi, cha mẹ chúng cả ngày bám trụ ngoài biển với những lồng cá, trên đảo lại không có trường học, khu vui chơi nào. Có lẽ cũng do thế mà cư dân trên đảo có gia đình cả 3 thế hệ không biết chữ.

Thầy giáo mặc áo lính Trần Bình Phục gắn bó với 'lớp học tình thương' suốt 15 năm qua. Ảnh: Ngọc Khanh.

Thầy giáo mặc áo lính Trần Bình Phục gắn bó với “lớp học tình thương” suốt 15 năm qua. Ảnh: Ngọc Khanh.

Cám cảnh, thiếu tá Phục đã xin cấp trên cho phép mình mở lớp dạy các cháu biết đọc biết viết, thế là “lớp học tình thương” trên đảo Hòn Chuối hình thành. Ban đầu, “lớp học tình thương” được dựng tạm bợ bằng cây lá. Năm 2016, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Cà Mau cùng sự góp sức của lực lượng thanh niên tình nguyện, học sinh trên đảo Hòn Chuối đã có lớp học khang trang trị giá 500 triệu đồng để thầy trò ổn định việc dạy học. Niên khóa 2022-2023, “lớp học tình thương” của thầy giáo Phục này có 18 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 7, trong đó có nhiều cháu là con em của đồng bào Khmer.

Là dân “ngoại đạo” với nghề sư phạm, để đứng lớp, thiếu tá Phục phải tự trang bị cho mình những kiến thức cần có của người thầy. Thế là hàng đêm, thầy Phục “trắng đêm” tự học. Thầy Phục kể, có những đêm thức rất khuya để “tập đứng lớp”, 1 mình cầm phấn luyện chữ viết trên bảng, rồi “lẩm bẩm” một mình với những kiến thức  anh tự trau dồi. Đến nỗi sách giáo khoa từng lớp thầy Phục thuộc làu làu.

Thầy giáo Trần Bình Phục cùng các học trò thân yêu của mình. Ảnh: Ngọc Khanh.

Thầy giáo Trần Bình Phục cùng các học trò thân yêu của mình. Ảnh: Ngọc Khanh.

“Với điều kiện chỉ 1 người thầy phụ trách đến 7 lớp, từ lớp 1 đến lớp 7, tôi khắc phục bằng cách xây dựng mô hình lớp ghép. Nhưng mô hình lớp ghép có đến 7 lớp cùng học là thách thức lớn cho người thầy, nhất là trong lớp ghép có cả chương trình cấp 2, những em học lớp 7 phải dạy đến 10 môn, giáo án phải chạy hết công suất. Đặc biệt là phải bố trí thời gian, thời lượng học hợp lý để đảm bảo truyền đạt đủ kiến thức cho các em”, người thầy Trần Bình Phục chia sẻ.

Ghé thăm lớp học của thầy giáo mặc áo lính Trần Bình Phục, chúng tôi không thể không lạ lẫm khi thấy 3 chiếc bảng dài được gắn vào 3 bức tường, mỗi chiếc bảng chia thành 2-3 phần, mỗi phần một nội dung học khác nhau. Học trò trong lớp nhóm ngồi xuôi, nhóm ngồi ngược, nhóm ngồi ngang. Thầy giáo Trần Bình Phục trong buổi giảng dạy đi vòng tròn để giảng bài cho học trò theo từng nhóm lớp.

“Với mô hình lớp ghép, muốn việc học của các em đạt chất lượng tôi áp dụng phương pháp lấy lớp lớn hướng dẫn lớp nhỏ. Trước khi tan buổi học, tôi cho bài các em lớp nhỏ rồi giao nhiệm vụ các em lớp lớn về nhà hướng dẫn cho các em lớp nhỏ, nhiệm vụ của tôi là trực tiếp theo dõi việc học của các em, bởi không thể khoán trắng cho các em lớp lớn. Đồng thời, tôi dạy xen kẽ dung lượng giữa các môn để các em có thời gian chuẩn bị. Ví như em nào học yếu môn toán tôi dạy giờ đầu để trò ấy có thời gian làm bài tập, còn những em học khá  môn toán thì tôi dạy các môn khác. Có như thế lớp học “đa ghép” của tôi mới vận hành suôn sẻ”, thầy giáo Trần Bình Phục chia sẻ.

Trong 'lớp học tình thương' 3 chiếc bảng dài được gắn vào 3 bức tường, mỗi chiếc bảng chia thành 2-3 phần, mỗi phần một nội dung học khác nhau. Ảnh: Ngọc Khanh.

Trong “lớp học tình thương” 3 chiếc bảng dài được gắn vào 3 bức tường, mỗi chiếc bảng chia thành 2-3 phần, mỗi phần một nội dung học khác nhau. Ảnh: Ngọc Khanh.

Cây ngọt sinh quả ngọt

Quả như thầy Trần Bình Phục tâm sự: “Thầy có kỹ năng thì trò cũng có kỹ năng. Thầy có kỹ năng giảng dạy thì trò sẽ có kỹ năng nghe và chắt lọc”.

Quan sát, chúng tôi thấy học sinh “lớp học tình thương” của thầy Phục học rất chăm chỉ, cần mẫn. Trong lúc thầy Phục giảng bài cho lớp này, các cháu lớp khác dù cũng ngồi kế cận nhưng hầu như không bị tác động bởi ngoại cảnh, phần mình mình học. “Muốn các em không bị phân tâm, tôi bố trí dạy các lớp không trùng môn. Ví như lớp 5 hôm nay học toán thì các em lớp 6 học văn hoặc các em lớp 4 học lịch sử, để bài giảng của lớp này không ảnh hưởng đến lớp kia. Ban đầu, không khí học tập của lớp ghép nhiều lớp có bị loãng, nhưng lâu thành quen dần”, thầy giáo Trần Bình Phục cho hay.

Bước sang năm học mới 2023-2024, thầy giáo Trần Bình Phục nhận được sách giáo khoa cấp 1 mới từ đất liền gửi ra vào thời gian cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nên anh chưa thể áp dụng chương trình mới cho các cháu. Tuy nhiên, những cuốn sách giáo khoa mới này lại khiến thầy giáo Phục “trắng đêm không ngủ”. Sau tiếng còi báo ngủ, anh em trong đơn vị đều tắt đèn, lên giường, nhưng phòng Thiếu tá Phục vẫn sáng đèn. Ấy là thầy giáo Phục đang nghiên cứu chương trình trong sách giáo khoa mới xem có gì khách với sách giáo khoa cũ.

Các cháu học sinh của 'lớp học tình thương' học hành rất chăm chỉ. Ảnh: Ngọc Khanh.

Các cháu học sinh của “lớp học tình thương” học hành rất chăm chỉ. Ảnh: Ngọc Khanh.

“Tôi nhận thấy về nội dung, sách giáo khoa cũ với sách giáo khoa mới giống nhau đến 90%, khi dạy sách giáo khoa mới giáo án chỉ cần chỉnh sửa một ít, sẽ có những kiến thức bổ sung vào giáo án, cũng có một chút kiến thức bớt đi. Tuy nhiên, sách giáo khoa mới có nhiều hướng dẫn hơn, dùng trực quan sinh động hướng dẫn các em tiếp cận với kiến thức chứ không phải là dạy học. Đó cũng là phương pháp dạy học của tôi trước đó, bài giảng của tôi luôn liên hệ với thực tế chứ không đi theo lối mòn, bài giảng của tôi xoáy vào cốt lõi chứ không lan man. Sau khi nghiên cứu kỹ, năm tới tôi sẽ bắt đầu dạy chương trình của sách giáo khoa mới”, thầy giáo Trần Bình Phục chia sẻ.

Đã 15 năm thiếu tá Trần Bình Phục gắn bó với “lớp học tình thương” trên đảo Hòn Chuối. “Người đưa đò” Trần Bình Phục đã đưa qua sông biết bao nhiêu lứa học trò, có những cháu đã sang đất liền theo đuổi việc học đến nơi đến chốn, tốt nghiệp đại học, có việc làm tốt. Có cháu sau khi nắm bắt kiến thức cơ bản đã theo học nghề, cũng đã có việc làm ổn định. Lớp trẻ thơ trên đảo không còn cả ngày lang thang lêu lỏng ngoài đường, mà cháu nào cũng quần áo tinh tươm đến lớp mỗi ngày.

“Sau 15 năm, đã có 45 học sinh đi qua “lớp học tình thương” trên đảo Hòn Chuối. Có em đeo đuổi đến nơi đến chốn việc học, có em theo học nghề để kiếm kế sinh nhai, điều đặc biệt là từ trước đến nay không học sinh nào của “lớp học tình thương” dính đến tệ nạn xã hội”, thầy giáo Trần Bình Phục cho hay.

Thầy giáo Trần Bình Phục cần mẫn đưa con chữ đến với các 'cư dân nhí' trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: Ngọc Khanh.

Thầy giáo Trần Bình Phục cần mẫn đưa con chữ đến với các “cư dân nhí” trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: Ngọc Khanh.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn trong đơn vị, những người lính biên phòng trên đảo Hòn Chuối còn tự phân cho mình “nhiệm vụ” đi vận động những gia đình có các cháu tới tuổi đi học tham gia “lớp học tình thương”. Không chỉ vậy, do địa hình hiểm trở, nhất là vào mùa gió bão, những gia đình cư trú cư trú bên gành Nam không an tâm cho con em đi qua những đoạn dốc để đến lớp. Nên mỗi sáng tầm 6 giờ rưỡi là học trò tập trung dưới chân đảo, để các chú bộ đội xuống dắt lên lớp học. Cháu nào nhỏ quá sẽ được những người lính cõng trên vai đưa đến lớp. Cứ thế hàng ngày, đưa trẻ đến lớp xong, thầy giáo quân hàm xanh lại đưa các cháu về với gia đình.

“Tôi mặc áo lính đã 28 năm, có 15 năm công tác trên đảo Hòn Chuối và đã có 15 lần ăn Tết trên đảo. Đơn vị có nhiều anh em quê ở miền Trung hoặc miền Bắc, trong năm không thể tranh thủ về thăm nhà được, chỉ có dịp Tết. Còn tôi quê ở thành phố Cà Mau nên trong năm có nhiều dịp tranh thủ về thăm nhà, nên dịp Tết tôi trực đảo để chia sẻ với anh em, ăn Tết với các em học sinh trên đảo cũng vui, ăn Tết muộn với gia đình nhiều năm thành quen rồi”, thiếu tá Trần Bình Phục bộc bạch.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

  • Trên đường và dưới cánh bay…
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:45

    Từ trên đường hay là trên cánh bay ngắm xuống, Tây Bắc hiện ra bóng dáng một miền cây trái mới, một vùng du lịch văn hóa, lịch sử gắn với sinh thái, thiên nhiên.

  • Phía ấy, biên thùy...
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:10

    Đầu tháng 9/2024, tôi được mời đến dự Triển lãm 'Non nước biên thùy'. Ngắm các tác phẩm của Đỗ Đức, tôi như được trở lại với những vùng đất đã từng qua. 

  • Cây mang quần áo, sách vở đến miền đất khó
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:00

    Mỗi lần ngắt từng hạt đỏ đỏ, xinh xinh xuống, vị trưởng bản huyện Sốp Cộp lại như chạm vào kỷ niệm của một ngày chưa xa.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Xóm chài Xuân Lam tìm đường đến khu tái định cư

Sống giữa vùng đất thấp trũng, quanh năm vật lộn với thiên tai là nỗi lo chung của người dân Xuân Lam, riêng 8 hộ xóm chài cơ cực hơn cả.