| Hotline: 0983.970.780

'Gieo chữ' ở vùng biên [Bài 3]: Lớp học đặc biệt giữa vườn cao su

Thứ Tư 22/11/2023 , 06:45 (GMT+7)

Điều đặc biệt của lớp học này là ở chỗ, nhiều cặp 'học sinh' là hai cha con, hai anh em, hai mẹ con, hoặc hai bà cháu, có khi chênh nhau đến hơn 50 tuổi.

Đó là lớp xóa mù chữ ở thôn 6, xã Long Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng. Đây là một trong số những lớp học xóa mù chữ ở nhiều địa phương của tỉnh Bình Phước, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xóa mù chữ.

Biết chữ để…nhắn tin cho vợ

Mới hơn 6 giờ chiều, màn đêm đã ập xuống, bao trùm vùng quê ở xã Long Tân. Con đường vào thôn 6 đang làm dở dang, chạy xuyên qua những vườn cao su tối đen như mực, thỉnh thoảng mới thấy ánh điện le lói từ một nhà dân.

Không chỉ thế, đoạn đường từ trung tâm huyện vào đến lớp học ở thôn 6 chỉ khoảng hơn 6km, nhưng rất nhiều đường ngang lối rẽ, nếu không có anh Phan Văn Thưởng, chuyên viên Phòng Giáo dục huyện Phú Riềng dẫn đường, không biết bao lâu chúng tôi mới đến nơi. “Lớp học 6 rưỡi mới bắt đầu, vì ban ngày bà con phải đi làm. Đường này ít nhà dân, lại chưa có đèn nên tôi phải đưa các anh đi chứ tự tìm thì lâu lắm”, anh Thưởng nói.

Cô Tạ Thị Hoan bên 2 bà cháu 'học sinh' lớn tuổi nhất lớp. Ảnh: Phúc Lập. 

Cô Tạ Thị Hoan bên 2 bà cháu "học sinh" lớn tuổi nhất lớp. Ảnh: Phúc Lập. 

Sau khoảng 15 chạy xe, chúng tôi đã có mặt ở Nhà văn hoá thôn 6, nơi tổ chức lớp học xóa mù. Ở đây, đèn điện sáng trưng. Mặc dù còn khoảng 10 phút nữa mới đến giờ học, nhưng trong lớp, ngoài cô giáo Đào Thị Yên có mặt từ sớm để đón học sinh, đã có gần 20 người đến. Già, trẻ, gái, trai có đủ. Những người lớn tuổi đều có khuôn mặt sạm nắng gió, mái tóc phong sương, còn những đứa trẻ thì đen nhẻm, nước da cháy nắng.

Tuy nhiên, trò chuyện với những “học sinh” trong lớp, tôi cảm nhận được họ rất háo hức, thích học, không ngại ngùng khi ngồi cùng con, cháu để tập viết, đánh vần. Thậm chí, những đứa trẻ nắm bắt nhanh hơn, còn chỉ dẫn lại cho người lớn.

Lại gần bàn của một người đàn ông trung niên ngồi một mình, tôi hỏi tên, anh cho biết tên Điểu Sen, 36 tuổi. Tham gia lớp học từ tháng 7 vừa qua. “Lớn tuổi rồi, học làm gì nữa?”, tôi cười, ghẹo anh. Điểu Sen cũng cười, đáp: “Vợ biết chữ rồi, đi làm công ty rồi. Nó nhắn tin điện thoại mà không đọc được, phải nhờ con trai, mà nhiều lúc con đi học ở trường, phải nhờ hàng xóm, xấu hổ lắm”.

Tôi hỏi tiếp: “Thế vợ hay nhắn gì?”, Điểu Sen lại cười: “Có gì đâu, toàn chuyện công việc, con cái thôi”. “Thế bây giờ còn phải nhờ người đọc tin nhắn của vợ nữa không?”, Điểu Sen đáp: “Biết rồi chứ, cũng dễ mà”. Nhìn vở tập viết của Điểu Sen, tôi thấy chữ viết nắn nót, khá đẹp.

Một buổi học do cô giáo Đào Thị Yên phụ trách. Ảnh: Phúc Lập.

Một buổi học do cô giáo Đào Thị Yên phụ trách. Ảnh: Phúc Lập.

Phía trước Điểu Sen vài bàn là bà Thị Long, đang ngồi học cùng cháu ngoại tên Điểu Trường, 11 tuổi. Khi tôi hỏi tuổi, có vẻ như bà Long không nhớ chính xác tuổi của mình: “Sáu mấy rồi, 65, 66 rồi”. Đứng ngay bên cạnh, cô giáo phụ trách lớp Đào Thị Yên cho biết, theo giấy tờ thì bà Thị Long năm nay 65 tuổi.

Bà Thị Long còn có người em gái tên Thị Vân, 56 tuổi, cũng đang cùng cháu ngoại học trong lớp này. Nghe tôi hỏi: “Sao lớn tuổi vậy mới đi học?”, bà Thị Long đáp: “Ngày xưa nhiều con, nhà nghèo lắm, phải đi làm kiếm cái ăn, có thời gian học đâu. Giờ con lớn có vợ có chồng hết rồi mới đi học được”. Tôi hỏi bà có bao nhiêu con, cháu, bà Long tiếp tục ngập ngừng, rồi trả lời chung chung “nhiều lắm”, kèm theo là nụ cười rất hồn nhiên.

“Đi học thế này tốn nhiều tiền không?”, tôi hỏi tiếp. “Không tốn tiền. Tập vở, bút này cũng không phải mua, cô giáo phát cho”, bà Long đáp. “Già thế rồi học làm gì nữa?”. “Học để biết cái chữ, để xem điện thoại, biết viết tên mình thôi”. “Vậy giờ biết đọc, biết viết chưa?”. “Biết rồi chứ. Nhưng chưa biết nhiều đâu”, bà Thị Long vừa nói vừa cười, để lộ hàm răng hút thuốc đã rụng vài chiếc.

2 mẹ con 'học sinh' Thị Hạnh và con trai Điểu Khắc. Ảnh: Phúc Lập.

2 mẹ con "học sinh" Thị Hạnh và con trai Điểu Khắc. Ảnh: Phúc Lập.

Khi lớp học được hơn 30 phút, thì một cặp mẹ con bước vào, tôi hỏi thăm mới biết chị tên Thị Hạnh, 38 tuổi, con trai là Điểu Khắc. “Nhà xa hay sao mà chị đi học muộn? Không sợ cô giáo phạt sao?”, tôi cười, hỏi. “Cô giáo không phạt đâu. Nhà gần đây thôi. Nhưng đi làm xa, về nhà còn nhiều việc lắm, phải nấu cơm nữa”, chị Hạnh đáp.

“Tham gia lớp học này, dù vất vả nhưng bù lại có nhiều niềm vui, đó là từ khi mở lớp đến giờ, đa số bà con rất hứng thú nên sĩ số tăng dần chứ không giảm. Vui hơn nữa là chứng kiến các anh chị, các em trong lớp từ chỗ không biết một chữ cái nào, nay đều biết đọc, biết viết, biết cả làm toán nữa”, cô giáo phụ trách lớp Đào Thị Yên kể.

Dạy lớp đặc biệt này vất vả nhưng vui

Phụ trách lớp học đặc biệt này, ngoài cô giáo Đào Thị Yên còn có cô Tạ Thị Hoan, cả 2 cùng sinh năm 1984, cùng là giáo viên trường Tiểu học Lê Hoàn, xã Long Tân, và đều có thâm niên gần 20 năm đứng trên bục giảng.

2 mẹ con chị Thị Hồng đang chăm chú tập đánh vần. Ảnh: Phúc Lập.

2 mẹ con chị Thị Hồng đang chăm chú tập đánh vần. Ảnh: Phúc Lập.

Cô Hoan cho biết, thôn 6, xã Long Tân có 290 hộ thì 232 hộ là người dân tộc thiểu số S’tiêng, hơn 100 người trong số này chưa biết chữ. Hầu đều khó khăn vì không có đất canh tác, nguồn thu nhập chính là đi làm thuê.

“Vì thế, cứ đến mùa thu hoạch các loại nông sản như tiêu, điều, gặt lúa là họ lại kéo nhau đi làm thuê. Đến khi hết vụ mới về. Họ đi là đưa cả gia đình đi. Cuộc sống du canh du cư như vậy ảnh hưởng rất lớn đến những đứa trẻ. Nhiều gia đình vì lo miếng cơm manh áo, không còn tâm trí lo chuyện học hành cho con cái. Và khó khăn không nhỏ cho địa phương khi muốn ổn định cuộc sống người dân, nhất là chuyện học hành cho trẻ em. Nên khi có chương trình xóa mù này, xã đề nghị tôi và cô Yên phụ trách lớp, tôi đồng ý ngay, tôi chỉ mong muốn tất cả người già, trẻ em đều biết chữ”, cô Hoan nói.

“Dạy lớp này chắc là gian nan?”, tôi hỏi 2 cô giáo. “Gian nan chứ. Để dạy hiệu quả, mình phải có phương pháp dạy đặc biệt, giúp họ dễ hiểu, dễ nhớ, cách nói năng, truyền đạt kiến thức cũng khác hoàn toàn ở trường. Luôn tạo không khí sôi nổi, vui tươi trong lớp. Nếu không có kinh nghiệm và sự kiên nhẫn, rộng lượng, bản thân mình rất dễ nản, cáu gắt. Ở đây, những đứa trẻ vốn đã thiệt thòi từ lúc mới sinh ra, còn người lớn cũng tương tự, lại thêm chậm tiếp thu hơn so với trẻ bình thường vì thế họ rất cần sự nhẹ nhàng, ân cần. Những ngày đầu, chúng tôi phải uốn nắn từng động tác từ cầm bút, tư thế ngồi. Nhưng khó nhất với lớp này là chỉnh cách phát âm, bởi ở nhà họ không nói tiếng Việt, ngay cả nói bình thường với mình đã khó nghe, huống gì đọc, đánh vần đúng theo sách”, cô Yên đáp.

Điểu Sen: 'Học để đọc tin nhắn và trả lời tin của vợ'. Ảnh: Phúc Lập.

Điểu Sen: "Học để đọc tin nhắn và trả lời tin của vợ". Ảnh: Phúc Lập.

“Dạy ở đây khác với ở trường chính quy thế nào?”, tôi hỏi. “Khác nhiều lắm. Ở trường mọi hoạt động đều theo nội quy, học sinh phải đến trường đầy đủ, nếu nghỉ phụ huynh phải xin phép. Học theo giáo án, giáo trình phải đúng tiến độ. Còn ở đây, cũng dạy theo giáo án của trường, nhưng không bắt buộc theo tiến độ. Vì bà con tiếp thu chậm hơn, đa số lại là lao động chính, ban ngày họ phải mưu sinh, nhiều lý do để nghỉ học mà không báo trước. Ví dụ như hôm nay, có hơn chục người nghỉ học, vì ở thôn có người mất, nên họ ở nhà chia buồn với gia đình.

Lợi thế là 2 giáo viên phụ trách lớp đều ở cùng thôn với bà con, biết nhau hết, nên ai nghỉ là hôm sau chúng tôi chạy đến nhà ngay để tìm hiểu, động viên họ. Đến khi họ đi học trở lại, mình phải dạy lại các bài hôm trước họ chưa học, vì dạy theo chương trình tiểu học, nếu bỏ 1-2 buổi mà không dạy lại là họ không thể theo kịp, nảy sinh tâm lý chán nản ngay. Mục tiêu của chúng tôi là tất cả mọi người cùng biết đọc, biết viết, chứ không phải chạy theo chương trình hay thành tích”, cô Hoan nói.

Cô Đào Thị Yên: 'Lớp học gian nan, nhưng bù lại chúng tôi hạnh phúc vì thành quả là nhiều người biết đọc, biết viết'. Ảnh: Phúc Lập.

Cô Đào Thị Yên: "Lớp học gian nan, nhưng bù lại chúng tôi hạnh phúc vì thành quả là nhiều người biết đọc, biết viết". Ảnh: Phúc Lập.

 “Người lớn tuổi ngoài việc tiếp thu chậm ra, họ còn ít hoặc không có thời gian ôn bài, học hôm nay có khi ngày mai quên hết. Hoặc cũng có những em nhỏ nhưng đầu óc không được nhanh nhẹn bằng các bạn. Vì thế, chúng tôi có sự quan tâm phù hợp với từng người. Nhưng không phải người lớn tuổi nào cũng tiếp thu chậm, ví dụ như chị Thị Long, rất chịu khó, đến giờ đã đọc, viết rất tốt, còn biết các phép tính trong phạm vi 100 nữa”, cô Tạ Thị Hoan tâm sự về những khó khăn khi đứng một lớp học đặc biệt với học sinh từ 12 đến 65 tuổi.

Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Lễ hội quế lớn nhất nước giới thiệu hơn 50 sản phẩm từ quế

Yên Bái Ngày 5/1, huyện Văn Yên tổ chức Lễ hội quế lần thứ 5 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm quảng bá, giới thiệu vùng quế lớn nhất cả nước.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%, vé phổ thông chặng TP.HCM - Hà Nội khoảng 2,9 triệu đồng.