| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo nghề xoi xỉa trầm

Thứ Sáu 22/07/2022 , 08:07 (GMT+7)

Có chứng kiến người thợ dùng những cái dủm đủ kích cỡ để phá, gạn, tỉa khúc dó bầu để tách ra miếng trầm mới thấy hết sự tinh tế của nghề…

Đi đến tận cùng của sự tỉ mẩn

Một lần được tận mắt nhìn anh Trần Văn Lộc (49 tuổi) ở khu phố Trung Lương, phường Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) ngồi bệt dưới nền nhà, đầu cắm xuống, mắt đăm đăm nhìn vào miếng cây dó bầu cầm trên tay trái, tay phải cầm chiếc dủm (đục) nhỏ thận trọng từng nhát xỉa vào miếng cây dó, bóc tách dần dần những phần gỗ màu trắng để chỉ còn lại phần dầu màu đen được gọi là trầm, tôi mới thấy hết sự tỉ mẩn của nghề xoi xỉa trầm.

Xoi xỉa trầm là nghề đi đến tận cùng của sự tỉ mẩn. Ảnh: V.Đ.T.

Xoi xỉa trầm là nghề đi đến tận cùng của sự tỉ mẩn. Ảnh: V.Đ.T.

Vừa xỉa trầm, anh Lộc vừa trò chuyện. Theo anh, xoi xỉa trầm là nghề không nặng nhọc gì, nhưng không phải ai làm cũng được. Bởi, cái nghề này đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, để nhận biết mạch trầm chạy trong thân gỗ. Có vậy chiếc dủm trên tay người thợ mới xỉa chính xác để bóc tách những phần gỗ không có trầm mang màu trắng, để miếng cây dó dần dần lộ ra những thớ thịt màu đen, ấy là trầm. Trầm hương là mặt hàng cao cấp có giá trị cao, được thu mua để xuất khẩu. Trầm được xuất khẩu nhiều nhất sang các nước Trung Đông như Ảrập Xêút, Kuwait, Quatar và các nước, vùng lãnh thổ châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiện nay thị trường châu Âu cũng đang "ăn" rất mạnh mặt hàng này.

“Công đoạn đầu tiên của việc xoi xỉa trầm là dùng dao vạt phần gỗ bên ngoài khúc dó bầu không có trầm, sau đó sử dụng chiếc dủm có kích cỡ to nhất thực hiện công đoạn “phá”. “Phá”, là phần việc người thợ bắt đầu bóc tách phần thịt cây dó bầu bên ngoài để lộ dần ra những mạch trầm màu đen bên trong. Xong công đoạn “phá”, người thợ sử dụng chiếc dủm có kích cỡ nhỏ hơn để thực hiện phần việc tiếp theo là “gạn”. Càng về sau, sự tỉ mỉ của người thợ càng tăng dần. Trong công đoạn “gạn”, chiếc dủm của người thợ có trách nhiệm xoi bỏ những phần thân cây màu trắng nằm gần sát với mạch trầm. Hoàn thành công đoạn “gạn”, sự tỉ mỉ của người thợ bắt đầu đạt đỉnh khi bước vào công đoạn “tỉa” bằng chiếc dủm có kích cỡ nhỏ nhất để có thể len lỏi vào từng thớ trầm. “Tỉa” là người thợ dùng chiếc dủm xoi, xỉa những phần thịt màu trắng nằm dính sát vào mạch trầm để miếng trầm chỉ còn tinh màu đen, nếu miếng trầm dầu nhiều sẽ bóng loáng trông rất bắt mắt”, anh Lộc chia sẻ.

Những người thợ xoi xỉa trầm đang làm việc tại cơ sở chế tác trầm hương của anh Trần Văn Lộc. Ảnh: V.Đ.T.

Những người thợ xoi xỉa trầm đang làm việc tại cơ sở chế tác trầm hương của anh Trần Văn Lộc. Ảnh: V.Đ.T.

Nghe anh Lộc miêu tả thêm cách hình thành mạch trầm trong cây dó bầu, tôi càng thấy thách thức trong nghề xoi xỉa trầm lớn đến chừng nào. Đối với cây dó bầu trồng trong vườn được khoan lỗ để tạo vết thương, sau đó cấy chế phẩm sinh học vào để tạo trầm thì mạch trầm đi khá đơn giản, dễ nhận biết, không làm khó mấy người thợ xoi xỉa trầm. Thế nhưng đối với những cây trầm bị con lậy, con kiến ăn tạo vết thương sẽ cho trầm chất lượng cao hơn, nhưng mạch trầm đi phức tạp, ngoằn ngoèo, chiếc dủm của người thợ phải luồn lách liên tục mới có thể cho ra miếng trầm nguyên vẹn, không bị hao hụt.

“Những người tay ngang đến cơ sở học nghề xoi xỉa trầm không phải trả tiền công, mà còn được nhận lương. Năm đầu, người học thợ sẽ được cơ sở chế tác trầm hương trả công 50.000 đồng/ngày, năm thứ 2 được trả 100.000 đồng/ngày, đến năm thứ 3 thì được trả công 200.000 đồng/ngày. Học việc qua năm thứ 3 người thợ đã khá lành nghề. Người học nghề này đòi hỏi cao về năng khiếu, sự nhẫn nại và sự tỉ mẩn. Người thợ giỏi 1 ngày có thể xoi xỉa được từ 1,5 - 2 lạng trầm, thợ kém chỉ 1 lạng. Miếng trầm do thợ giỏi xỉa trông bóng loáng, sạch sẽ, có giá bán rất cao nhờ bắt mắt khách hàng; miếng trầm do thợ có tay nghề thấp xỉa trông thô thiển, sắc trầm chìm, bán được giá thấp hơn. Do đó, giá bán trầm lệ thuộc rất lớn vào tay nghề của người thợ xoi xỉa”, anh Trần Văn Lộc chia sẻ.

Anh Trần Văn Truyền với bộ sản phẩm trầm cảnh mới chế tác. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Trần Văn Truyền với bộ sản phẩm trầm cảnh mới chế tác. Ảnh: V.Đ.T.

Nhìn cây đoán trữ lượng

Do thợ xoi xỉa trầm quan trọng là vậy, nên càng về sau, khi những người thợ cao niên đã già yếu, mắt đã mờ, tay đã run, không còn đáp ứng được yêu cầu của việc xoi xỉa trầm đã dần chia tay với nghề; trong khi lớp thợ hậu duệ kế thừa không có là mấy, dẫn tới các cơ sở chế tác trần hương đói thợ. Ở các làng nghề chế tác trầm hương một thời nức tiếng ở khu phố Trung Lương, phường Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) trước đây có đến 20 cơ sở, nhưng hiện chỉ còn 6 hộ bám trụ với nghề, hầu hết là những hộ có sẵn thợ xoi xỉa trầm nối nghiệp từ ông cha.

Người thợ xoi xỉa trầm ngồi bệt dưới nền nhà, mắt đăm đăm vào miếng cây dó cả ngày. Ảnh: V.Đ.T.

Người thợ xoi xỉa trầm ngồi bệt dưới nền nhà, mắt đăm đăm vào miếng cây dó cả ngày. Ảnh: V.Đ.T.

Nguyên liệu phục vụ cho nghề chế tác trầm hương ở Trung Lương hầu hết được chủ các cơ sở đi rong mua cây dó tại nhiều địa phương, chủ yếu là ở ở huyện Hoài Ân (Bình Định), địa phương một thời phát triển mạnh trồng cây dó bầu. Người thì mua cây dó đã được cấy trầm, người thì mua cây đứng rồi cấy trầm vào để sau đó khai thác.

Người mua tìm đến những vườn cây dó có ít nhất trên 12 tuổi để mua, bởi ở độ tuổi này cây dó mới có khả năng tạo trầm. Dó bầu mua cây đứng được gửi lại nhà vườn, sau đó tạo trầm. Nếu vườn cây dó thâm niên, cây to, cao, chủ nhà vườn cho gửi lại 7 năm thì người mua trả giá cao, nếu cho gửi 5 năm thì trả giá thấp hơn, nếu cho gửi chỉ 3 năm thì giá mua còn thấp hơn nữa. Bởi, càng kéo dài thời gian cấy trầm thì trầm mới đạt chất lượng, có giá trị cao; còn trầm cấy thời gian ngắn thì chất lượng thấp, khi thu hoạch chỉ để làm nhang trầm hoặc chế tác đồ mỹ nghệ chứ chẳng thể xỉa ra trầm miếng.

Anh Trần Văn Truyền cùng những người thợ đang thực hiện phần việc đầu tiên là công đoạn 'phá' những khúc cây dó. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Trần Văn Truyền cùng những người thợ đang thực hiện phần việc đầu tiên là công đoạn “phá” những khúc cây dó. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Trần Văn Truyền ở tổ 2 (khu phố Trung Lương) năm nay mới 50 tuổi mà đã có 35 năm trong nghề xoi xỉa trầm và 20 năm làm chủ 1 cơ sở chế tác trầm hương. Anh Truyền chuyên mua những vườn dó đã được cấy trầm. Theo kinh nghiệm của anh Truyền, trông cây dó to, dài, trồng trên đất bằng phẳng chưa chắc sẽ cho trầm nhiều và đạt chất lượng. Nhưng cây dó trồng trên đất cằn cỗi, nhỏ, ngắn nhưng tiềm năng sẽ cho trầm nhiều và có chất lượng rất cao.

“Nhìn cây dó, tôi định lượng được trữ lượng trầm trong cây nên mua không bao giờ bị thua. Cây dó bị con lậy, con kiến ăn tạo vết thương sẽ cho lượng trầm nhiều và chất lượng cao nên tôi sẵn sàng mua giá cao. Cây dó trồng trong vườn được tạo trầm bằng cách khoan lỗ tạo vết thương, cấy chế phẩm sinh học chất lượng trầm sẽ thấp hơn tôi mua giá thấp hơn. Dó trồng nếu trầm ăn nguyên cây mua giá khác, trầm ăn nửa cây mua giá khác. Mua xong tôi thuê người cưa cây, cắt ra từng khúc dài khoảng 20cm chở về làm. Khoảng hơn 10 năm sau, tôi quay lại những vườn dó đó để mua lát mặt cắt trên những cây cũ, lúc này những mặt cắt ấy cũng đã tạo trầm. Lát mặt cắt cho trầm nhiều thì mua 2 triệu, lát mặt cắt có trầm ít mua 1 triệu”, anh Truyền chia sẻ.

Anh Trần Văn Lộc với những sản phẩm trầm hương sắp được đưa đi tiêu thụ. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Trần Văn Lộc với những sản phẩm trầm hương sắp được đưa đi tiêu thụ. Ảnh: V.Đ.T.

Đầu ra của sản phẩm trầm hương được chế tác tại khu phố Trung Lương chủ yếu tiêu thụ tại các thị trường Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Nam với các mặt hàng trầm thô, trầm miếng, bột trầm; riêng thị trường thành phố Hồ Chí Minh chỉ thu mua trầm cốt và các sản phẩm mỹ nghệ từ trầm. Tùy chất lượng, trầm hương ở làng nghề Trung Lương có nhiều giá, từ 2 triệu đồng/kg, 5 triệu đồng/kg, 10 triệu đồng/kg, thậm chí đến 20 triệu đồng/kg.

Chỉ tay vào 7 sản phẩm được xếp cạnh nhau đã được khách hàng đặt mua 60 triệu đồng, anh Trần Văn Truyền nói: “7 sản phẩm này được làm ra từ 3 cây dó tôi mua ở huyện Hoài Ân với giá trên 15 triệu đồng, chi phí tiền công thợ gần 10 triệu đồng. Trong nghề chế tác trầm hương, 1 cây trầm cho lãi hàng chục triệu là chuyện… bình thường. Đó là chưa kể khoản thu nhập thêm từ cây dó sau khi đã lấy trầm, phần thừa thẹo của cây còn được chế tác các sản phẩm vòng chuỗi, nhẫn, bút, đồ trang sức, cây bon sai, nhang trầm được làm từ bột xay ra từ những rẻo cây dó thợ xoi xỉa thải ra”.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.