| Hotline: 0983.970.780

Đôi điều về sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà màng ở Nghệ An

Thứ Sáu 20/10/2023 , 09:34 (GMT+7)

Phát triển nông nghiệp bằng nhà lưới, nhà màng cần được xem xét cả về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và sức khoẻ của cộng đồng, không nên chạy theo phong trào.

Vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng ở Nghệ An bàn nhiều về chủ đề "Sản xuất nông nghiệp nhà lưới, nhà màng: Được và chưa được”. Có ý kiến còn cho rằng, với tiềm năng về đất canh tác lên đến hàng trăm ngàn ha, nhưng đến nay Nghệ An chỉ có 50ha nhà lưới, nhà kính là chưa tương xứng…, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp nhà lưới công nghệ cao?

Xin nêu một vài quan điểm về vấn đề này.

Nhà lưới, nhà màng "teo tóp" dần

Trước hết cần hiểu nông nghiệp công nghệ cao là nông nghiệp được ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Không nên nhầm tưởng nông nghiệp công nghệ cao là cứ phải sản xuất trong nhà lưới, nhà màng. Ảnh: Xuân Hoàng.

Không nên nhầm tưởng nông nghiệp công nghệ cao là cứ phải sản xuất trong nhà lưới, nhà màng. Ảnh: Xuân Hoàng.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện nay chủ yếu được tập trung đầu tư nhiều vào công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây, con mới cho năng suất và chất lượng cao bằng nhiều phương pháp như nhân cấy mô tế bào, gây đột biến gene…, tiếp đến là công nghiệp hoá nông nghiệp để đưa cơ giới hoá vào các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, bảo quản… và ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh…, trong đó có sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà màng (hay còn gọi là nhà kính).

Vậy với Nghệ An, có nên tập trung đầu tư nhiều vào phát triển nông nghiệp trong nhà lưới hay nhà màng không?

Việc sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà màng được và chưa được ở Nghệ An cần được đánh giá lại thật sự khách quan, khoa học để không gây ra lãng phí không cần thiết. Bởi từ thực tế kết quả sản xuất trên nhiều diện tích nhà lưới, nhà màng vừa qua ở Nghệ An hầu như chưa thật sự đem lại hiệu quả như mong muốn, chủ yếu đang dừng lại ở mô hình nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước. Nếu tình trạng này kéo dài thì sớm muộn sẽ không còn sản xuất trong nhà lưới, nhà màng đúng nghĩa nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình như ở huyện Diễn Châu, địa phương này có nhiều mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng nhất tỉnh.

Phải cân nhắc tùy từng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây trồng, khả năng đầu tư, công nghệ... để quyết định có nên đầu tư làm nhà lưới, nhà màng hay không. Ảnh: Trung Thành.

Phải cân nhắc tùy từng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây trồng, khả năng đầu tư, công nghệ... để quyết định có nên đầu tư làm nhà lưới, nhà màng hay không. Ảnh: Trung Thành.

Theo ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Toàn huyện hiện có 42 mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà màng, bình quân mỗi mô hình khoảng 1.000m2. Cá biệt mô hình nhà lưới của ông Hoàng Văn Hướng ở xã Diễn Thành được đầu tư quy mô rất đồ sộ với diện tích lên tới 3ha, nhưng nay chỉ còn lại 2.000m2.

Theo giải thích của ông Hướng, do chi phí đầu tư làm nhà lưới cao nên khi sản xuất đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Nếu sản phẩm bán với giá cao thì khó bán, bán với giá thấp thì lỗ, do đó phải thu hẹp diện tích lại.

Hiện trên địa bàn huyện Diễn Châu còn có nhiều diện tích nhà lưới ở các xã Diễn Phong, Diễn Mỹ… từ chỗ trồng các loại rau củ quả nay đã phải chuyển sang trồng ổi Đài Loan, mít Thái…, vừa không đúng với các đối tượng cây trồng trồng trong nhà lưới, nhà màng, mà còn cho hiệu quả kinh tế không hơn gì trồng ngoài tự nhiên.

"Lò nung" vào mùa hè, "làm mồi" cho bão lũ

Sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà màng ở Nghệ An hiệu quả chưa cao và có thể nói rất khó để mở rộng mô hình sản xuất này, vì sao?

Chúng ta cần biết rằng, không phải nơi nào đưa cây trồng (chủ yếu là rau, củ, quả và hoa cây cảnh) vào trồng trong nhà lưới, nhà màng cũng đều cho kết quả tốt, hiệu quả kinh tế cao. Lựa chọn hệ thống canh tác trong nhà lưới, nhà màng hay sản xuất ngoài trời phụ thuộc vào đối tượng cây trồng, điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu ở từng vùng miền, mục đích của sản xuất và khả năng đầu tư của người dân.

Nghệ An là tỉnh nhiều thiên tai, nắng nóng, bão lũ. Vì vậy việc đầu tư sản xuất nông nghiệp bằng nhà lưới, nhà màng không thực sự hiệu quả. Ảnh: Quang An.

Nghệ An là tỉnh nhiều thiên tai, nắng nóng, bão lũ. Vì vậy việc đầu tư sản xuất nông nghiệp bằng nhà lưới, nhà màng không thực sự hiệu quả. Ảnh: Quang An.

Đừng nghĩ rằng nông nghiệp công nghệ cao là phải trong nhà lưới, nhà màng. Nhà lưới, nhà màng chỉ có tác dụng che mưa và ngăn côn trùng vào phá hoại. Sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà màng chủ yếu giúp chúng ta kiểm soát được các yếu tố nhiệt độ, ẩm độ, gió, nồng độ khí CO2, phân bón… để tự động điều chỉnh theo yêu cầu cây trồng như: Tưới nước theo phương pháp phun sương, quạt gió, bón phân kết hợp tưới nước theo phương pháp tưới nhỏ giọt hoặc tưới ngầm vào gốc cây, phun khí CO2…, tất cả phải được áp dụng thì mới đem lại hiệu quả cao cho phương pháp canh tác này.

Nếu không thực hiện được như vậy thì không nhất thiết phải có nhà lưới, nhà màng, mà chỉ nên trồng ngoài trời để không gây ra lãng phí tiền của.

Nghệ An là tỉnh đất rộng người đông, khí hậu có 2 mùa rõ rệt: Mùa nắng nóng, khô hạn và gió Tây Nam thổi mạnh; tiếp đến là mùa mưa to, ngập úng và gió bão nhiều, rất khó tránh khỏi ảnh hưởng của thời tiết bất lợi. Với đặc thù đó, vào mùa hè, nhà màng không khác gì "lò nung", không thuận lợi cho cây trồng phát triển, việc lao động trong nhà màng vào mùa hè cũng rất ngột ngạt, vất vả. Trong khi đó vào mùa mưa bão, nhà màng, nhà lưới rất dễ "làm mồi" cho bão lũ. Đó là chưa kể đến các mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng của ta chủ yếu chỉ để che mưa, ngăn ngừa côn trùng vào phá hoại. Vì vậy hiệu quả sản xuất chưa cao, chưa nói đến đối tượng cây trồng được trồng trong nhà lưới, nhà màng không phù hợp như ổi Đài Loan, mít Thái…

Nhìn từ hệ lụy của Đà Lạt

Ở nước ta, địa phương có diện tích nhà lưới, nhà màng nhiều nhất cả nước là tỉnh Lâm Đồng với khoảng hơn 4.400ha, trong đó riêng TP Đà Lạt có tới 2.550ha, chiếm 57% diện tích nhà lưới, nhà màng toàn tỉnh.

Một nhà màng ở xã Nghi Liên (TP Vinh, Nghệ An) bị đổ sập do mưa to, gió lốc hồi đầu tháng 5/2021. Ảnh: Quang An.

Một nhà màng ở xã Nghi Liên (TP Vinh, Nghệ An) bị đổ sập do mưa to, gió lốc hồi đầu tháng 5/2021. Ảnh: Quang An.

UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đều đánh giá hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà màng đem lại cao hơn hẳn phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống. Nhưng thời tiết, khí hậu ở Đà Lạt hoàn toàn khác Nghệ An. Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà màng hiện nay ở Đà Lạt cũng đã để lại rất nhiều hệ lụy về môi trường và cảnh quan, gây tăng hiệu ứng nhà kính cục bộ, hạn chế tính đa dạng sinh học, làm giảm khả năng thẩm thấu nước dẫn đến nguy cơ giảm mạch nước ngầm, tạo dòng chảy cục bộ gây nguy cơ lũ quét khi có mưa to, sạt lở đất đá, ngập úng cục bộ như đã xẩy ra nhiều lần tại TP Đà Lạt.

Được biết vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở NN-PTNT tỉnh này xây dựng đề án hạn chế, dỡ bỏ dần nhà lưới, nhà kính, nhà màng, trước hết tập trung xóa bỏ ở khu vực TP Đà Lạt. Toàn tỉnh chuyển dần sang phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường...

Theo TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, nhìn lại 15 năm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Đà Lạt, thấy rằng nông dân và cả nhiều nhà quản lý hiểu nhầm nông nghiệp công nghệ cao là nông nghiệp… dùng nhà kính! Chính sự hiểu nhầm này đã khiến nông dân ồ ạt làm nhà kính, lại có thêm chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên càng được phát triển mạnh.

Việc phát triển nhà kính, nhà lưới, nhà màng ở Đà Lạt đã để lại những hệ lụy mà các địa phương khác cần nhìn ra để cân nhắc có nên khuyến khích hình thức sản xuất này hay không. Ảnh: Quân Bảo.

Việc phát triển nhà kính, nhà lưới, nhà màng ở Đà Lạt đã để lại những hệ lụy mà các địa phương khác cần nhìn ra để cân nhắc có nên khuyến khích hình thức sản xuất này hay không. Ảnh: Quân Bảo.

Thực tế hôm nay ở Đà Lạt cho thấy, nhà kính, nhà lưới đã và đang phá huỷ cảnh quan mộng mơ và sức khoẻ hệ sinh thái nơi đây, dẫu cho phương pháp canh tác này mang lại lợi ích kinh tế rất lớn nhờ năng suất cao. Cũng theo TS Vũ Ngọc Long, nước Pháp xinh đẹp cũng từng mắc phải sai lầm dùng nhà kính khi phát triển nông nghiệp và họ phải mất tới 40 năm để giải quyết hậu quả để làm lại vùng nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Vấn đề khuyến khích đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao bằng việc sản xuất trong nhà lưới, nhà màng (nhà kính) cần được xem xét lại hiệu quả cả về kinh tế, xã hội, môi trường và sức khoẻ của cộng đồng, không nên chạy theo phong trào. Nếu xét thấy phương pháp sản xuất này không phù hợp với đặc điểm địa hình, đất đai, khí hậu, cây trồng… ở Nghệ An thì không nên ứng dụng.

Nên chăng Nghệ An cần tập trung trước hết cho những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn… trên quy mô lớn để có sản phẩm sạch, bảo vệ tốt môi trường sinh thái và đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.