| Hotline: 0983.970.780

Đối mặt khan hiếm thực phẩm sau bão lũ

Thứ Hai 13/11/2017 , 10:15 (GMT+7)

Thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, nhất là rau màu, thủy sản có thể khiến các tỉnh Nam Trung Bộ đối mặt với tình trạng khan hiếm thực phẩm trong thời gian tới.

Đối với trồng trọt, công tác khôi phục SX đối với cây ngắn ngày đang là yêu cầu cấp thiết.

14-43-41_nh_1
Nam Trung Bộ sẽ khan hiếm thực phẩm trong thời gian tới

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), bão lũ do cơn bão số 12 đã gây thiệt hại trên diện rộng cả Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổng diện tích cây trồng các loại bị thiệt hại từ 30% trở lên khoảng 53.600ha. Trong đó, mía là cây trồng bị thiệt hại nặng nhất với khoảng 18.000ha; cây ăn quả khoảng 3.000ha và cây công nghiệp khoảng 4.000ha (chủ yếu là cao su với khoảng 2.000ha)...

Đối với cây lúa, chỉ có khoảng 9.500ha bị thiệt hại do diện tích lúa mùa ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã cơ bản thu hoạch xong trước khi bão số 12 đổ bộ, nhất là Bình Định có diện tích lúa khá lớn (khoảng 14.000ha) đã thu hoạch xong, chỉ còn lại diện tích rất ít khi gặp mưa bão. Khánh Hòa là tỉnh có diện tích lúa bị thiệt hại nặng nhất với khoảng 7.000ha...

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, năm 2017, do cả 2 vụ ĐX và HT ở các tỉnh Nam Trung Bộ đều được mùa, với sản lượng lúa tăng khoảng 400 nghìn tấn so với mọi năm nên vấn đề về lương thực sau mưa lũ ở khu vực này sẽ không có nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên đối với cây thực phẩm, rau màu các loại, có thể xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ trong thời gian ngắn, khoảng 2 - 3 tuần nữa. Theo thống kê sơ bộ của các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tổng diện tích rau màu các loại bị thiệt hại do mưa lũ vào khoảng 7.000ha.

Ông Sơn cho biết, thời vụ gieo trồng rau màu của các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thường chỉ tập trung sau ngày 23 tháng 10 âm lịch hàng năm (hiện mới chỉ cuối tháng 9 âm lịch) để phục vụ cho nhu cầu thực phẩm của dịp cuối năm. Vì vậy khi bão vào, diện tích cây thực phẩm ngắn ngày đã xuống giống ở 2 vùng này vẫn còn khá ít. Bên cạnh đó, vựa rau Đà Lạt có vai trò rất lớn đối với khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhưng may mắn là trong đợt mưa lũ vừa qua diện tích thiệt hại của vựa rau này không quá lớn, chỉ khoảng 240ha, vì vậy nguồn cung để bổ sung cho các tỉnh bị thiệt hại vẫn sẽ khá tốt. “Năm 2016, lũ ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên muộn hơn năm nay rất nhiều, phải tới đầu tháng 11/2016 mới rút hẳn, nhiều vùng rau phải gieo đi gieo lại 2 - 3 lần. Tuy nhiên năm nay, lũ rút sớm hơn nên thời vụ gieo trồng cây rau màu các loại của vùng này vẫn còn rất thoải mái. Vấn đề lo ngại nhất là sẽ có thêm mưa lũ ở vùng này”, ông Sơn đánh giá.

Cũng theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, sau thiệt hại nặng nề đối với các diện tích cây vụ đông ưa ấm với tổng diện tích lên tới 30.000ha, hiện tình hình SX vụ đông tại các tỉnh phía Bắc, nhất là ĐBSH đang được đẩy rất nhanh. Đến thời điểm này, tổng diện tích cây vụ đông phía Bắc đã đạt khoảng 250.000ha, trong đó chủ yếu là cây rau các loại. Tuy nhiên, có thể phải 2 - 3 tuần nữa, rau vụ đông ở phía Bắc mới thu hoạch được. Vì vậy, tình hình khan hiếm rau vẫn có thể diễn ra tại các tỉnh bị thiệt hại của bão lũ, nhất là các tỉnh Nam Trung Bộ trong thời gian tới.

"Sau mưa lũ, nguy cơ bệnh hại đối với các loại cây trồng là rất cao. Nhất là bệnh lở thối rễ, chết yểu rất hay xảy ra và tàn phá hàng loạt đối với cây trồng. Đối với các vùng có thể khôi phục được SX, xới đất phá váng xong có thể tưới phân đạm nhẹ, bổ sung thêm lân để cây ra rễ mới, kết hợp với thuốc đặc hiệu bón gốc để xử lí nấm trên đất gây chết cây con. Các diện tích trồng lại phải có biện pháp khử trùng đất."

Ông Nguyễn Hồng Sơn

 

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.