| Hotline: 0983.970.780

Đội tàu sát thủ đại dương: Cuộc chạm mặt lúc 3h

Thứ Ba 12/10/2021 , 06:35 (GMT+7)

Giữa màn đêm đen kịt ngoài khơi quần đảo Galapagos của Ecuador, Nam Mỹ, hàng trăm tàu cá Trung Quốc tắt thiết bị định vị bắt buộc hoặc phát những tín hiệu giả.

Filippo Marini, một sĩ quan trên tàu Ocean Warrior, che mắt vì ánh sáng chiếu từ đội tàu Trung Quốc. Ảnh: AP.

Filippo Marini, một sĩ quan trên tàu Ocean Warrior, che mắt vì ánh sáng chiếu từ đội tàu Trung Quốc. Ảnh: AP.

Những năm gần đây, tàu cá Trung Quốc nhiều lần bị bắt gặp đánh bắt trái phép tại vùng cấm, hoặc vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. Vào năm 2019, trang Seafood Source đưa ra "điểm IUU" để xếp hạng khả năng tác động từ các quốc gia với hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (IUU). Theo đó, Trung Quốc đạt điểm 3,93/5 - cao nhất trong nhóm các nước khảo sát. Con số này cao hơn nhiều so với Bỉ (1,43), Mỹ (2,29) và nhiều nước khác.

Trong một nghiên cứu vào năm 2016, Viện Phát triển hải ngoại (ODI) cho biết lượng tàu cá đánh bắt hải sản đại dương của Trung Quốc có quy mô lớn nhất thế giới, với khoảng 17.000 tàu cá, cao gấp 5 - 8 lần so với các ước tính trước đó. Cũng theo tổ chức phi chính phủ này, khoảng 1.000 tàu Trung Quốc vào thời điểm ấy đã đăng ký cờ hiệu các nước khác khi khai thác hải sản. Một phần năm trong số này bị nghi ngờ tham gia vào các hoạt động đánh cá lậu.

Không chỉ là nhà xuất khẩu hải sản số một thế giới, Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ hơn một phần ba lượng hải sản toàn cầu. Sau khi đánh bắt hải sản đến cạn kiệt tại các vùng biển gần Trung Quốc, những năm gần đây, hạm đội tàu cá Trung Quốc đã vươn xa hơn, đặc biệt là tại vùng biển Tây Phi và Nam Mỹ. Đây là những khu vực có ít phương tiện kiểm soát vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế quốc gia.

Hoạt động đánh bắt hải sản trái phép của Trung Quốc được đồn đoán là có quy mô lớn hơn nhiều so với những gì đã biết. Tuy nhiên, phải đến tận tháng 9/2021 vừa rồi, trong một lần đi cùng các nhà khoa học của tàu nghiên cứu Ocean Warrior ngoài khơi quần đảo Galapagos của Ecuador, phóng viên AP mới được mục sở thị và ghi lại những câu chuyện, hình ảnh và thước phim chi tiết về đội tàu được xem là "sát thủ đại dương" tới từ Trung Quốc.

Lúc ấy là khoảng 3h sáng, xung quanh Ocean Warrior là những luồng ánh sáng chói lòa, xé toạc màn đêm của khoảng một hạm đội tàu. Filippo Marini, một chỉ huy trên tàu Ocean Warrior, vội vã viết nguệch ngoạc ID điện tử của chừng 37 tàu đánh cá, xuất hiện dưới dạng hình tam giác màu xanh trên màn hình radar, trước khi chúng biến mất. 

Những dấu hiệu bất thường được Marini ghi lại. Tín hiệu từ 2 trong số các con tàu đột ngột biến mất, điều này có nghĩa thiết bị định vị bắt buộc trên tàu đã bị tắt. Một số con tàu khác vẫn bật thiết bị định vị, nhưng chúng phát đi hai sóng radio khác nhau, đồng nghĩa đây là những tín hiệu giả mạo. Trong màn đêm, Marini chỉ kịp liếc thấy những lá cờ màu đỏ trên đội tàu vừa khuất dạng.

Tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng biển Nam Mỹ. Ảnh: AP.

Tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng biển Nam Mỹ. Ảnh: AP.

Chuyến đi kéo dài 18 ngày của Ocean Warrior không phải ngẫu nhiên. Nhiều nước trên thế giới muốn có những bằng chứng xác thực về hành vi khai thác hải sản của Trung Quốc tại Nam Mỹ, đặc biệt là khu vực quần đảo Galapagos. Đây là di sản thế giới được UNESCO công nhận, và đã truyền cảm hứng cho nhà tự nhiên học thế kỷ 19 Charles Darwin nghiên cứu ra "Thuyết tiến hóa", đồng thời là nơi nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng như rùa cạn khổng lồ, cá mập đầu búa sinh sống.

Hồi năm 2020, hàng trăm tàu cá Trung Quốc đã bị bắt gặp tại đây. Trong chuyến đi năm nay, Ocean Warrior áp sát 30 tàu. Trong đó, 24 chiếc từng bị cáo buộc lạm dụng lao động trên tàu, đánh cá trái phép, hoặc có dấu hiệu vi phạm các quy định về hàng hải. Đặc biệt, 16 tàu ra khơi với bộ truyền tín hiệu bắt buộc không hoạt động, hoặc bị tắt, hoặc phát đi nhiều tín hiệu ID điện tử. Có những chiếc truyền đi thông tin không chính xác về tên hoặc vị trí của tàu. 

Con tàu mà Ocean Warrior nhớ nhất có tên Chang Tai 802, nơi từng phát hiện ra một số thủy thủ Indonesia bị mắc kẹt trong nhiều năm. "Những dấu hiệu này thường đi kèm với hoạt động đánh cá trái phép", một chuyên gia nói với AP.

Để hỗ trợ một đội tàu đông đảo như vậy hoạt động ngoài đại dương là một tàu chở nhiên liệu khổng lồ, có tên Ocean Ruby, vận hành bởi một công ty bị nghi ngờ bán dầu cho Triều Tiên, và vi phạm lệnh cấm vận của Liên hợp quốc. Một chiếc khác, Fu Yuan Yu 7880, được vận hành bởi một chi nhánh của công ty thương mại Nasdaq, Pingtan Marine Enterprise, đơn vị có nhiều giám đốc điều hành bị hủy visa Mỹ vì nhiều cáo buộc liên quan đến tội buôn người.

"Bắc Kinh đang đánh cá quá mức ở Nam Mỹ. Họ là người phải chịu trách nhiệm cho tình trạng cạn kiệt cá mập và cá ngừ ở châu Á", thuyền trưởng Peter Hammarstedt, giám đốc chiến dịch của Sea Sherphard, nhóm bảo tồn đại dương sở hữu tàu Ocean Warrior nói. Ông cũng cảnh báo, rằng Trung Quốc từng vét sạch hải sản ở ven biển Tây Phi, và có thể làm điều tương tự ở ngư trường Nam Mỹ, nếu không có can thiệp từ cộng đồng quốc tế.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.