| Hotline: 0983.970.780

Đổi thay Nghĩa Thắng

Thứ Năm 18/04/2019 , 13:10 (GMT+7)

Nhờ có chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, nhờ sự vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng đồng sức của nhân dân, nên đến nay Nghĩa Thắng đã xây dựng thành công các tiêu chí NTM.

Ngày trước mỗi khi vào xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), ai cũng ái ngại lắc đầu, bởi đường từ quốc lộ 48 đi vào tuy không xa, nhưng gập ghềnh toàn ổ gà, ổ voi. Mùa hạ bụi đỏ mù trời, mùa mưa thì bùn đất bê bết. Cuộc sống của người dân hầu như cô lập. Đói nghèo hiện hữu khắp nơi.

I.

Đến Nghĩa Thắng lần này, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Luận niềm nở bắt tay tôi rồi khoe: Anh thấy Nghĩa Thắng bây giờ đã đẹp chưa? Hoàn thành tiến độ xây dựng NTM rồi đấy, nhưng còn chờ cấp trên phê duyệt thời gian đón bằng công nhận. Ngưng một lát, bất chợt Luận bảo: Anh vào làng Vạn đi, làng Vạn bây giờ không còn cảnh xác xơ nghèo đói như cái hồi anh đã từng viết báo đâu.

15-08-37_lng_vn_ngy_xc_xo
Làng Vạn ngày xác xơ

Nhắc tới làng Vạn tôi nhớ ngay ngày ấy, khi đoàn cán bộ của tỉnh Nghệ An tới thăm làng Vạn, ông Giàng A Tuấn thay mặt Ủy ban MTTQ tỉnh đã phát biểu: Chúng tôi đã đi đến nhiều nơi thuộc vùng sâu, vùng xa của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong…nhưng chưa thấy có một làng bản nào lại nghèo như dân nơi đây!

Làng Vạn cách trung tâm xã trên 4km nằm chênh vênh bên sườn đồi đổ dốc về sông Hiếu. Xung quanh ba bề bốn bên là bạt ngàn đất đai màu mỡ cùng hoa trái trĩu cành của Nông trường Tây Hiếu 3. Ngày ấy đường xá đi từ xã vào làng nhỏ hẹp, tối om và trơn trượt, cây cối um tùm quanh năm không thấy ánh mặt trời.

15-08-37_lng_vn_ngy_ny
Làng Vạn ngày nay

Buổi chiều tôi đi hết cả làng, nhưng chỉ thấy đôi ba mái nhà được lợp bằng tấm fibrô xi măng, còn lại nhà nào cũng mái lá thông thống gió lùa. Làng có 34 hộ (180 nhân khẩu) toàn dân tộc Thái sống quần tụ bên nhau, không có bờ rào bờ dậu, đất đai nhìn không phân định được ranh giới từng nhà. Trời xâm xẩm tối, tôi đến nhà trưởng làng Lang Văn Bưởi. Ông Bưởi bảo: Cả làng bây giờ ai cũng đói như nhau, đến bữa nhà nào cũng phải ăn sắn và củ rừng cùng với con cua, con ốc bắt được từ khe suối.

Chuyện trò chưa bao lâu thì bà Loan, vợ ông Bưởi bê lên bàn một rá sắn luộc và một đĩa cua rang vàng óng, kèm với lá mơ lông. Cầm chai rượu, bà Loan giới thiệu: Đây là rượu sắn ta ủ cùng với men lá. Cua ăn với cái lá này thì tốn rượu lắm đấy nha. Bà lấy ra 3 cái bát Hải Dương rót đầy rượu vào rồi bảo: Ây dà, không mấy khi cán bộ từ tỉnh về cũng phải uống thăm ta cho thật cái bụng nhá.

15-08-37_thy_vi_mi_l_xc_xo_ngy_truoc_ny_ong_buoi_b_lon_d_co_ngoi_nh_be_the_khng_trng
Thay vì mái lá xác xơ ngày trước, nay ông Bưởi bà Loan đã có ngôi nhà bề thế

Bữa ấy tôi say, say ngả nghiêng chao đảo, nhưng bên tai lúc nào cũng văng vẳng tiếng ông Nguyễn Đức Huệ, khi đó là Bí thư Đảng ủy xã: Cuộc sống của dân làng Vạn chủ yếu là bắt cua, bắt ốc để bán, thu nhập bình quân mỗi người đạt 50 ngìn đồng/tháng. Mệt, ốm và say vì cua rượu, nhưng sáng hôm sau tôi cũng viết xong bài: “Xác xơ làng Vạn”.
 

II.

Đến làng Vạn lần này tôi thực sự ngạc nhiên, bởi sự đổi thay đến không ngờ. Con đường từ UBND xã vào làng dài hơn 4 km, mới ngày nào còn nhỏ hẹp, trơn trượt tối om thì nay đã được bê tông hóa rộng đến 6m, đổ dày 20cm. Hai bên đường còn có rãnh thoát nước, xe máy, ô tô vào ra cứ bon bon êm ru.

15-08-37_mot_goc_lng_que_cu_x_nghi_thng
Một góc làng quê xã Nghĩa Thắng

Ngõ đầu tiên tôi bước vào là nhà bà Lang Thị Tuyết. Căn nhà mái ngói đỏ tươi nằm ngay đầu làng. Dưới cây mít sum xuê lúc lỉu quả, bọn trẻ đang cười vui đọc tin tức và lướt mạng. Chuyện trò một lúc thì xóm phó Lang Văn Mùi cũng đến nói: Làng Vạn bây giờ không còn cảnh đói nghèo đâu. Cả làng có 47 hộ đều nhà ngói tường xây cả. Ruộng nương tuy không nhiều nhưng lúa, ngô toàn giống cao sản nên đến vụ thu hoạch, hộ nào cũng dư dả. Nghề chăn nuôi ngoài trâu bò, lợn gà ra còn phát triển cả dê…

Đến nhà ông Bưởi, thấy tôi cứ ngắm mãi căn nhà xây mái Thái xinh tươi, bà Loan bảo: Ầy dà, lâu rồi không thấy cán bộ đến thăm, bây giờ làng Vạn đổi thay nhiều lắm. Đường xá đã đổ bê tông đến từng ngõ. Nhà nước cấp xi măng, còn dân thì chỉ góp công thôi. Về phát triển kinh tế, lãnh đạo xã xây dựng nhiều mô hình SX, chăn nuôi tiến bộ để cho bà con cùng học tập. Xã còn vận động bà con vay vốn của ngân hàng phát triển chăn nuôi.

Cuộc sống của dân làng Vạn bây giờ không còn cảnh đói nghèo xơ xác nữa. Thay vào đó nhà nào cũng có của ăn của để. Con cái từ nhỏ đến lớn đều được đến trường. Thanh niên, người già chiều nào cũng luyện tập thể thao, đánh bóng chuyền. Tối về thì tập hát văn nghệ, đóng kịch, hát chèo.

Rời làng Vạn hôm sau tôi còn đến cả làng U, làng Sình, làng Rải… đến đâu cũng thấy đường làng phong quang trên nền bê tông thoáng đãng. Làng trên xóm dưới mái ngói đỏ tươi. Cuộc sống vật chất và tinh thần nâng lên rõ rệt. Năm 2018 tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 31,1%, tăng 17,83% so với cùng kỳ. Tổng giá trị SX đạt 82 tỷ đồng. Thu nhập bình đạt 31,23 triệu đồng/người/năm

15-08-37_tre_em_lng_vn_ngy_nghi_hoc
Trẻ em làng Vạn vui chơi

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Luận còn cho biết: Trong xây dựng NTM, Nghĩa Thắng đã huy động được 68,212 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương cấp hơn 43 tỷ đồng, huyện 6 tỷ đồng, xã gần 3 tỷ đồng và nhân đóng góp 16 tỷ đồng. Riêng xây dựng đường giao thông hết gần 22 tỷ đồng. Đường trục xóm, liên xóm, nội xóm, ngõ hẻm đã bê tông hóa gần 20km. Tất cả những con đường đã làm đều đạt cấp kỹ thuật của Bộ GT-VT.

Giao thông nội đồng có 18 tuyến xã đã bê tông hóa được 14,6km và nâng cấp sửa chữa cứng hóa được 4,6km. Kinh phí do sức dân bỏ ra làm hết hơn 1 tỷ đồng. Nhờ vậy xã đã thực hiện tốt công tác chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng các mô hình SX tiến bộ và tập huấn khuyến nông để đưa nhanh KHKT vào SX.

Nghĩa Thắng là xã thuần nông, tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 53%. Xuất phát điểm của xã rất thấp. Nhờ có chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, nhờ sự vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng đồng sức của nhân dân, nên đến nay đã xây dựng thành công các tiêu chí NTM.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm