| Hotline: 0983.970.780

Đói việc làm

Thứ Ba 26/03/2013 , 09:56 (GMT+7)

Hàng trăm hộ dân ở xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn, Bình Định) đang vụt tắt giấc mơ "ly nông" để kiếm việc làm tại các nhà máy trong KKT Nhơn Hội.

Khi giao đất để xây dựng khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội, hàng trăm hộ dân ở xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn, Bình Định) ôm kỳ vọng “ly nông” sẽ kiếm được việc làm tại các nhà máy. Nhưng giấc mơ đã vụt tắt và họ đang thất nghiệp dài dài.

Theo ông Trần Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội, gần 300 hộ nằm trong diện giải tỏa để nhường đất xây dựng KKT Nhơn Hội phải di dời về khu tái định cư, có khoảng 250 hộ thuần nông. Sau khi giao đất SX, đồng nghĩa là mất kế sinh nhai. Về nơi ở mới, địa phương đã hết quỹ đất nên không còn đất để canh tác, chăn nuôi. Những hộ bị giải tỏa chỉ được cấp 200b m2 đất xây nhà mới. Những hộ bị thu hồi ruộng thì được cấp thêm 50 m2 gọi là đất dịch vụ gắn liền với đất ở để tổ chức mua bán nhỏ.

Để tạo điều kiện cho người dân tái định cư ổn định cuộc sống, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ 250 hộ chuyển đổi nghề. Mức hỗ trợ này liên tục tăng cao. Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội, Trần Văn Khiêm cho biết thêm: “Từ năm 2008 trở về trước, mức hỗ trợ được tính theo diện tích đất SXNN bị thu hồi. Thế nhưng thấy mức này thấp quá, từ đầu năm 2009 trở đi, UBND tỉnh nâng mức hỗ trợ lên 40% trong diện tích đất SX bị thu hồi.


Công việc phụ thợ hồ ở Nhơn Hội lúc có lúc không

Đến ngày 8/3/2010, thực hiện theo tinh thần của NĐ 69 của Chính phủ, UBND tỉnh tiếp tục ban hành QĐ 04, áp dụng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề lên gấp 3 lần tiền bồi thường diện tích đất”.

Đơn cử như trường hợp nhóm hộ ông Phan Công Sáu ở xóm Hội Giáo (thôn Hội Bình) và 2 hộ Phan Công Dũng, Nguyễn Văn Nghiệp bị thu hồi 8.275 m2 diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong 2 năm (2007, 2008), nhóm hộ nói trên được bồi thường 2 đợt với số tiền trên 311 triệu đồng.

Đến năm 2012, nhóm hộ này được nhận thêm tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề hơn 99 triệu nữa. Và nhận thêm gần 650 triệu tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề bổ sung. Rõ ràng việc chuyển đổi nghề cho nông dân mất tư liệu SX ở xã Nhơn Hội rất được chính quyền tỉnh Bình Định quan tâm. Nhưng những đồng tiền hỗ trợ không được bà con sử dụng đúng mục đích.

Qua khảo sát của PV NNVN, khu tái định cư là vùng đất biệt lập, giao thông không thuận lợi không có điều kiện để phát triển SX tiểu thủ công nghiệp hoặc làm thương mại dịch vụ. Chị Hai Tâm, người dân tái định cư ở đây tâm sự: “Cả đời tui chỉ biết gắn với mảnh ruộng để kiếm sống qua ngày nên đâu có nghề gì trong tay. Bây giờ ruộng không còn, nghề phụ cũng không có, trong khi đó ở đây thì chẳng biết mua bán gì. Thằng con trai đi phụ thợ hồ kiếm tiền mua gạo nhưng công việc nay có mai không. Cả gia đình thất nghiệp, không biết làm gì để sống”.

Cũng theo ông Khiêm, từ năm 2006 đến nay, KKT Nhơn Hội vẫn còn vắng teo. Đất rộng mênh mông mà chỉ mới xuất hiện 3 Cty: 1 chế biến thức ăn gia súc, 1 SX hóa ga và 1 nhà máy trộn bê tông. Do đó, khoảng 200 người trong độ tuổi lao động ở địa phương chờ “mỏi mắt” vẫn chưa có được việc làm.

“Vào cuối năm 2012, UBND xã đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH TP Quy Nhơn, Trung tâm GTVL tỉnh mở 1 lớp đào tạo nghề tại địa phương với 40 lao động học các nghề điện dân dụng, hàn điện. Sau học nghề, ai cũng có việc làm ổn định. Hy vọng đây là bước khởi đầu tốt nhằm động viên lao động địa phương ngày càng tham gia học nghề nhiều hơn”, ông Trần Văn Khiêm.

“Hồi mới hình thành KKT, nhà máy đóng tàu Vinashin Quy Nhơn có về tuyển 10 lao động ra Quy Nhơn và Hải Phòng học nghề đóng tàu. Thế nhưng học xong không được tuyển dụng, đành phải về lại quê... ngồi ngóng việc. Thanh niên địa phương thấy vậy ớn quá, đâm ra nhát học nghề”.

Không năm nào xã Nhơn Hội không dồn nỗ lực tìm kiếm việc làm cho người lao động. Khi các Trung tâm Giới thiệu việc làm có thông báo, chính quyền liền tổ chức họp dân, truyền đạt lại ngay. Hoặc xã cử cán bộ liên tục tiếp cận với các phiên giao dịch việc làm trong tỉnh để giúp lao động kiếm được việc làm. Thế nhưng kết quả chỉ là con số không, vì hầu hết lao động yếu trình độ văn hóa nên không thể tham gia.

Không có việc làm, không tạo được thu nhập, vậy là những người dân tái định cư cứ dùng tiền được bồi thường đất và hỗ trợ thất nghiệp mang ra xoay sở cuộc sống hằng ngày. Tiền tiêu lâu dần cũng cạn, hầu hết các hộ dân tại khu tái định cư đang lâm cảnh khó khăn.

“Trong số gần 300 hộ tái định cư, chỉ có vài hộ căn bản, dùng tiền được bồi thường và hỗ trợ thất nghiệp gửi vào ngân hàng lấy lãi tiêu dần, hoặc mua lại hồ tôm để nuôi trồng thủy sản kiếm thu nhập là có cuộc sống ổn định. Số còn lại hầu hết đang gặp khó khăn, có 2 hộ đã phải bán nhà vì hết tiền mua gạo”, ông Khiêm nói.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.