| Hotline: 0983.970.780

Đội xe ôm... săn bắt cướp

Thứ Bảy 30/08/2008 , 08:15 (GMT+7)

Một cú điện thoại reo vang, ngoài đường có tiếng tri hô “cướp! cướp!”, lập tức anh em trong đội xe ôm xuất hiện như “sao xẹt”...

Một cú điện thoại reo vang, ngoài đường có tiếng tri hô “cướp! cướp!..”, lập tức anh em trong đội xe ôm khu vực thị trấn Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) xuất hiện như “sao xẹt” trấn áp ngay đối tượng phạm tội…

Bắt cướp như trong... phim

“Cướp! Cướp! Có cướp giật dây chuyền…!”, tiếng kêu thảng thốt của một phụ nữ trên QL 1A (khu vực xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) giữa trưa hè nắng đổ lửa, khiến anh Nhân – thành viên đội xe ôm giật mình. Không chần chừ, anh khoát tay ra hiệu cho 5 đồng đội của mình là Công, Tâm, Thiện, Hạnh, Hưng đang đứng chờ khách gần đó nhảy lên xe lao theo truy bắt. Cuộc rượt đuổi diễn ra ngoạn mục như trong phim hành động.

Tên cướp rồ ga lao như điên dại trên đường, đằng sau 6 anh xe ôm cũng lao vun vút như những cảnh sát săn bắt cướp chuyên nghiệp. Sau khi dàn trận lao theo, đến khu vực khu phố 2 (chợ Cũ), đội xe ôm đã ép được đối tượng chui vào trong một con hẻm. Thấy chạy xe khó thoát, tên cướp liền vứt xe và chạy biến vào bên trong. Lập tức, đội xe chia nhỏ làm nhiều ngả và nhanh chóng truy bắt được tên cướp nguy hiểm cùng tang vật gồm một sợi dây chuyền vàng và một xe máy đeo biển số giả. Sau chiến công này, toàn đội đã được lãnh đạo công an thị trấn tặng giấy khen.

Đội xe ôm săn bắt cướp tập hợp đầy đủ ngay khi có "lệnh" của đội trưởng

Anh Nguyễn Văn Hoàng - Đội trưởng đội xe ôm nhớ lại cú va chạm khủng khiếp giữa chiếc xe Daihatsu chở 22 học sinh với một xe tải (năm 2003) đã làm cả thị trấn Trảng Bom bàng hoàng. Xe cảnh sát, xe cứu thương chạy rầm rầm, hú coi inh ỏi tìm cách cứu những nạn nhân xấu số, còn các anh trong đội xe ôm tự phân công ngay cho mình nhiệm vụ điều tiết giao thông khu vực tai nạn và Ngã ba Cây Gáo, giúp nhanh chóng giải tỏa dòng xe đang ứ nghẹt trên đường. “Anh em điều tiết giao thông, cả ngày không chạy cuốc xe nào, cũng chỉ vì không cầm lòng được trước những hình ảnh tang thương của các em!” – anh Hoàng nói.

Vừa chạy xe ôm, nhiều anh còn kiêm thêm “chức” dân phòng. Anh Trần Văn Có, một thành viên đội dân phòng cho biết: “Cứ hai đêm ngủ ở nhà thì một đêm chúng tôi phải thức canh phòng ở ngoài đường. Cùng với công an địa phương, mấy anh em dân phòng… xe ôm chúng tôi thay phiên nhau tuần tra trên các con đường, khu phố, hễ có đánh nhau, nhậu xỉn phá phách hay trộm cửa, leo rào là ra tay xử lý liền!”. Chiến công tiêu biểu nhất của đội là đã từng trấn áp băng mã tấu do tên Cường chỉ huy. Băng này thuê nguyên một chiếc xe 12 chỗ ngồi lên thị trấn Trảng Bom phá phách ở một quán cà phê đã bị đội dân phòng xe ôm ập tới bắt giữ, tịch thu vũ khí và giao cho công an xử lý.

Với con mắt “nhà nghề”, nhiều thành viên trong đội dân phòng đã bắt giữ được nhiều tên trộm rất ngoạn mục. Một phụ nữ thuê anh Tâm chở xe ôm đến nhà ông Sáu Thơ (KP 5, thị trấn Trảng Bom) chở tivi, đầu máy, quạt điện xuống ngã ba Vũng Tàu với giá cao bất thường. Nghi ngờ có vấn đề, anh Tâm đã chạy thẳng xe tới công an thị trấn và phát hiện ra đây là một kẻ gian chuyên nghiệp, lợi dụng quen biết ông Sáu Thơ và biết gia đình ông vắng nhà nên vào cuỗm đồ đem bán. Nhiều vụ khác như trộm bò, heo, dẫn dắt gái mại dâm trên địa bàn… cũng liên tục bị đội dân phòng đặc biệt này phá vỡ.

Cũng có lúc đối mặt với các đối tượng phạm pháp, tính mạng của các anh đã ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong một lần trấn áp nhóm thanh niên ăn nhậu, phá phách giữa đêm khuya, các anh đã bị bọn chúng tấn công lại bằng bàn ghế, gạch đá. Sau khi đội rút về công an thị trấn, một đối tượng trong nhóm người này còn kêu thêm đồng bọn vác dao xông thẳng vào đồn, tấn công đồng chí trưởng công an thị trấn và đội dân phòng. Rất may không có án mạng xảy ra, kẻ manh động bị bắt giữ cùng tang vật.

34 người vì 1 người

Anh Hoàng - Đội trưởng đội xe tự hào khoe với chúng tôi về sự đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái của anh em trong nhóm: “Mỗi ngày anh em chỉ kiếm được 50.000 – 60.000 đồng, nhưng ai cũng vui và an tâm vì luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của tất cả thành viên khi không may gặp phải khó khăn. Chúng tôi có hẳn một quỹ riêng (đóng góp 20.000 đồng/người/tháng) để lo cho anh em khi gia đình có ma chay, cưới hỏi, bố mẹ, con cái hay bản thân ốm đau. Chạy xe ôm nhưng cứ như đang làm ở… Cty hẳn hoi đấy anh ạ!”.

Tháng 8/1996, người dân ở thị trấn Trảng Bom bỗng dưng thấy các bãi đỗ xe ôm quanh đó xuất hiện hình ảnh các bác tài mặc đồng phục, ngực đeo biển tên “Đội vận tải hành khách công cộng bằng xe máy thị trấn Trảng Bom”. Người "khai sinh" ra đội xe đặc biệt này là anh Ngô Quang Tuấn - Trưởng công an thị trấn. Trước tình hình an ninh trật tự tại địa phương có nhiều bất ổn, nạn trộm cắp, cướp giật, mại dâm, hút sách gia tăng đã khiến vị trưởng công an này nghĩ ra một phương án hợp tác với đội xe ôm ở các vị trí nhạy cảm như ngã ba Cây Gáo, ngã ba Bờ Hồ, ngã tư Bưu Điện và cổng Văn hóa huyện.

Cứ vào ngày 25 hàng tháng, đội tập trung về đồn công an thị trấn họp giao ban, đánh giá tình hình hoạt động trong một tháng và lên kế hoạch cho tháng hành động tiếp theo cùng lực lượng công an chính quy. Cũng từ thời điểm này, người đi xe ôm không còn thấy cảnh tranh giành, ép giá khách của cánh xe ôm như trước đây. Tất cả đều vào quy củ, có luật rõ ràng. Lấy đúng giá quy định, thái độ hòa nhã, không uống bia rượu khi làm việc, không môi giới mại dâm, ma túy, cờ bạc… Ai vi phạm đều bị xử phạt nghiêm khắc, từ việc cảnh cáo, chuyển ra vùng xa, đến việc kỷ luật cho ra khỏi đội tùy theo vi phạm.

“Nhưng ít khi anh em vi phạm lắm! 34 người trong đội, họ thương yêu, đùm bọc và nhận thấy cả trách nhiệm của mình với những thành viên khác trong nhóm nên đều cố gắng sửa mình để cư xử cho đúng mực!” – anh Hoàng nói. Buồn nhất là trường hợp anh Cảm bị tai nạn giao thông chết, bỏ lại người vợ và năm con thơ đã khiến cả đội không sao cầm lòng được. Dù nghèo, anh em trong đội đã quyên góp được 2 triệu đồng phúng điếu, những ngày sau đó anh em vẫn thay nhau vào thăm hỏi, giúp đỡ vợ con anh Cảm vượt qua nỗi đau. Những người khác, khi thì được anh em giúp đỡ công lao động cất nhà, sửa chuồng heo, khi thì biếu ít thịt cá dịp lễ tết hay một số tiền nhỏ cho mấy đứa con mua sách vở chuẩn bị cho năm học mới…

Ông Bùi Phi Long – Cán bộ Công an phụ trách quản lý đội dân phòng xe ôm:

Ông Bùi Phi Long

Hình ảnh các bác tài xe ôm mặc đồng phục, săn bắt cướp đã rất gần gũi và tạo được niềm tin với người dân thị trấn Trảng Bom. Vui nhất là năm 2007, anh Tăng Kỳ Hưng, thành viên trong đội đã được ra trường quay S9 của VTV tại Hà Nội để phỏng vấn. Ngoài ra, với những chiến công ngoạn mục của mình, đội đã vinh dự được Thứ trưởng Bộ Công an và UBND tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen trong công tác bảo vệ an ninh tổ quốc. Mô hình “đội dân phòng xe ôm” quả thực rất hiệu quả và được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo mở rộng ra các địa phương trên toàn tỉnh!

 

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm