| Hotline: 0983.970.780

Đón Tết giữa rừng với... 200 ngàn đồng

Thứ Năm 14/01/2010 , 14:30 (GMT+7)

Tôi đến trạm Thuỷ văn Gia Vòng vào những ngày cuối năm để tìm hiểu chuyện thưởng Tết ở đơn vị này. Cán bộ trạm cho biết, Truyền thống" của trạm là năm nào cũng chỉ thưởng 200 ngàn đồng- có lẽ kéo dài đã chục năm rồi.

Tôi đến trạm Thuỷ văn Gia Vòng vào những ngày cuối năm để tìm hiểu chuyện thưởng Tết ở đơn vị này. Cán bộ trạm cho biết, truyền thống thưởng Tết ở đây năm nào cũng chỉ... 200 ngàn đồng.

Anh Phạm Quốc Thắng- Trưởng trạm Thuỷ văn Gia Vòng cho biết: “Công việc hàng ngày của trạm là đo mực nước sông Bến Hải vốn rất nguy hiểm. Sơ suất là mất mạng như chơi”. Gian lao vất vả là thế nhưng xem ra năm hết Tết sắp đến rồi mà các cán bộ trạm vẫn chưa biết gì thông tin thưởng Tết. Người có thời gian sống hơn mười năm ở trạm là anh Nguyễn Hồng Hãnh. Hãnh trai gốc Hà Nội. Vào công tác ở trạm Thuỷ văn Gia Vòng được vài năm thì chàng trai Hà thành bén duyên cô gái người dân tộc Vân Kiều.

Anh Nguyễn Hồng Hãnh nói chỉ mong đứa con tật nguyền được khoẻ mạnh, sớm hoà nhập cộng đồng, chứ không nghĩ đến cái Tết sắp đến

Hơn mười năm sống giữa rừng, vợ chồng Hãnh có với nhau được hai mặt con. Cháu trai đầu lòng năm nay lên 10 tuổi vẫn không nói được, chân tay bị queo lại. Gia đình đưa cháu chữa trị khắp nơi từ Hà Nội đến TPHCM, các bác sĩ cho biết cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam. Cháu thứ hai tròn 3 tuổi. Mặt buồn buồn, Hãnh cho biết cả gia đình 4 người sống nhờ vào đồng lương tháng của anh tròm trèm triệu bạc.

Hãnh kể đón Tết giữa rừng buồn nhức xương và chưa có cái Tết nào anh chị có đủ tiền sắm tết. "Truyền thống" của trạm là năm nào cũng chỉ thưởng 200 ngàn đồng- có lẽ kéo dài đã chục năm rồi. Số tiền ít ỏi này anh đưa cho vợ mua thêm một ít dầu hoả phòng khi mất điện, ít muối mắm, còn lại mua gạo nếp về gói bánh chưng cho có hơi Tết, hai đứa con đỡ tủi.

Các con anh chưa bao giờ được sắm quần áo Tết. Thương con, bố mẹ anh ở Hà Nội hàng tháng, hay Tết đến đều phải tất tả gửi mứt, bánh kẹo và ít tiền từ Hà Nội vào. Anh Hãnh chùng giọng: “Tôi hiểu bố mẹ cũng buồn lắm khi biết đứa con đã đi làm  chục năm rồi mà không lo nổi một cái Tết nhỏ mọn. Mình cũng là cán bộ Nhà nước, lại làm việc nơi rừng sâu xa vắng nhưng do cơ quan khó khăn nên đồng tiền thưởng Tết chẳng thấm vào đâu. Trong lúc đó sự lao động, cống hiến của nghề khí tượng có thua ai. Đọc báo thấy có người được thưởng Tết hàng chục, hàng trăm triệu đồng mình tủi quá chừng”. Tôi nhìn Hãnh mắt ầng ậng nước mà không biết động viên anh thế nào.

Trạm thuỷ văn Gia Vòng ở giữa đại ngàn Trường Sơn, nơi đầu nguồn của con sông Bến Hải- vĩ tuyến 17 (thuộc huyện Gio Linh, Quảng Trị). Mấy chục năm nay cán bộ trạm sống và làm việc giữa rừng xanh hết sức vất vả. Đã thế, cái công việc "đo trời" này ngày nào chả vậy, lặp đi lặp lại buồn tẻ đến đần người đi. Tiền ít, công việc lại tẻ nhạt hỏi ai gắn bó được mãi? 

Đa số những cán bộ ở trạm Thuỷ văn Gia Vòng quê ngoài Bắc. Họ đến Trường Sơn làm việc từ mấy chục năm trước. Bây giờ đều có gia đình, con cái. Anh Nguyễn Văn Phương là người có mặt tại trạm Gia Vòng từ sau năm 1975 tâm sự: “Được thưởng Tết ít nhiều gì thì chúng tôi vẫn làm việc tốt. Khổ nhiều quen rồi mà. Trước đây có nhiều cái Tết tôi chẳng có tiền mua hạt dưa, đa phần nhờ vợ làm nông ở quê lo Tết”. Nghe nói mấy cán bộ quê ngoài Bắc cứ Tết đến lại gọi điện cho anh em, bố mẹ xin từ tấm lá dong, ít nấm hương, mộc nhĩ...gửi vào mà thấy xót xa.

Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt lại khi trong bản làng gần đó, chiếc radio của một gia đình người Vân Kiều vang lên câu hát: “Em ơi mùa xuân đến rồi đó. Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời...”. Nghe xong câu hát, nét buồn thấp thoáng trên gương mặt nhiều người. Hình như ai cũng đang nghĩ về một cái Tết cổ truyền sắp đến. Và cũng như mọi cái Tết trước, các cán bộ ở đây lại đón Tết giữa núi rừng âm u, cô quạnh.

Trưởng trạm Phạm Quốc Thắng thông báo thêm một tin không vui nữa: “Năm nay chúng tôi đã cố lắm nhưng thưởng Tết cho anh em vẫn xoay quanh mức 200 ngàn đồng. Đơn vị hành chính- sự nghiệp nghèo lắm, thương anh em quá mà không biết làm sao anh ạ. Với 200 ngàn đồng thì không đủ mua chiếc áo mới cho các cháu chứ đừng nói đến chuyện lo Tết cho gia đình. Dù con cháu có hiếu đễ chăng nữa thì với số tiền ấy cũng không đủ mua cái lễ về quê thắp hương cho ông bà, tổ tiên”.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.