| Hotline: 0983.970.780

Đồng bằng sông Cửu Long, tôm nuôi kiểu gì cũng chết, vì sao?

Thứ Hai 06/06/2016 , 09:01 (GMT+7)

Hạn, mặn lịch sử vừa qua đã làm thiệt hại hàng loạt diện tích tôm nuôi ở ĐBSCL. Không chỉ tôm nuôi thâm canh, quảng canh, hay truyền thống, đều chết, ngay cả mô hình tôm – lúa được xem là bền vững, ít rủi ro, cũng chết.

Không hiểu vì sao

Tôi ghé nhiều vùng chuyên canh tôm của các tỉnh ĐBSCL đều ghi nhận một thực trạng chung não nề, tôm chết hoặc thất thu. Những hộ dân chia sẻ với chúng tôi đều thừa nhận rằng, năm nay nuôi tôm rất khó khăn, nguồn thu của gia đình họ từ đầu năm đến nay không đáng kể, nhiều hộ trắng tay.

Đã thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm từ năm 2000 theo quy hoạch chung, ông Nguyễn Văn Nghiêm (ấp 18, xã Phong Thạnh A, TX.Giá Rai, Bạc Liêu), nói: Chưa năm nào tôi thấy khó nuôi như năm nay, vụ lúa năm rồi trồng chỉ để lấy rạ làm mồi cho tôm, nhưng nó cũng không chịu sống.

Từ đầu năm đến nay, trên diện tích đất 2 ha của gia đình, ông Nghiêm đã thả 3 đợt giống. Ông thả gối đầu vào khoảng tháng 2 (âm lịch), nhưng tôm rất chậm lớn, hao hụt dần đã đành, đến khi được khoảng 1,5 tháng tuổi đồng loạt phơi lên chết.

Dẫu biết nuôi nữa tôm có thể bị thiệt hại tiếp, nhưng cái tính cần cù, để đất trống khó chịu nên ông vẫn tiến hành xổ sạch nước, phơi đầm, cải tạo lại, thả đại vài ngàn con giống xuống. Nhưng những con giống đó vẫn “bặt vô âm tín”.

“Mình làm quen rồi ngồi không đâu chịu được, nhiều người nuôi tôm ở đây cũng vậy thôi. Gia đình chú từ đầu năm đến nay may mà còn kiếm được hơn 20 triệu, so với năm rồi chỉ bằng 30% thôi. Nhưng vẫn còn may mắn hơn so với nhiều người đã trắng tay”, ông Nghiêm rầu rĩ.

Đến huyện Thới Bình nơi có diện tích lúa - tôm lớn nhất tỉnh Cà Mau, đổ về vùng miệt thứ Kiên Giang, chúng tôi cảm nhận không khí những ngày này đã dịu mát hơn sau những cơn mưa đầu mùa. Ông Út Hà, ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ (Cà Mau), thở dài nói: “Đang tưới phân gây màu nước, có mưa rồi thả nuôi thử xem sao, cứ như đợt rồi thì nông dân chết chắc”.

Hỏi ra mới biết, từ đầu năm đến nay trên diện tích hơn 3 ha đất lúa - tôm, gia đình chưa thu nổi 10 triệu đồng. Tính riêng 2 đợt thả giống với số lượng lớn, đã cuốn của gia đình số tiền nhiều hơn nguồn thu trên.

Cá chết trong vuông tôm không ươn

Ông Mã Huy, PGĐ Trung tâm KN-KN Cà Mau nhận xét: Hạn mặn năm nay nhìn vào là thấy khủng khiếp. Tận mắt tôi chứng kiến con cá rô phi chết, nằm trong nước mặn nhưng không thể rữa được thịt, vì chúng chết trong môi trường gần như ướp muối, không ươn.

Thông thường, cứ vào khoảng cuối năm âm lịch, sau vụ lúa, bà con cải tạo vuông lấy nước mặn vào thả tôm sú, đây là vụ chính ăn chắc nhất trong năm. Khổ nỗi, năm nay vụ chính này cũng thất thu, những lần thả giống sau đó còn thê thảm hơn.

Tại trời?

Chúng tôi tiếp tục xuôi theo hướng đường về Kiên Giang, dọc hai bên đường vẫn còn đó những bãi bồn bồn, năn, cỏ khô cháy cặp kè bờ vuông sau một mùa khô khốc liệt. Vùng đất này vốn trù phú, nhưng nay sao hắt hiu khác thường.

Tiếp xúc với anh Nguyễn Văn Thanh (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, Cà Mau) khi anh đang thả lưới trong vuông, hoàn cảnh của anh cũng không khá hơn. Trong gần 1,5 ha vuông của gia đình, vụ lúa anh thu được vài bao lép không đủ ăn, vụ tôm thì như bao người khác, giống cứ thả, nhưng tôm chẳng thấy đâu.

“Thời gian vừa qua nắng hạn dữ quá, trong vuông bây giờ chỉ còn mớ cá rô phi thôi. Mưa mấy trận rồi mà độ mặn còn tới 37 phần ngàn, tôm tép nào sống được mà thu”, anh Thanh nói.

14-50-50_3-c-phi-chet-trong-moi-truong-nuoc-mn-nhu-uop-muoi
Cá rô phi chết cũng khó phân hủy trong môi trường nước mặn như ướp muối

 

Tôi hỏi, vậy độ mặn lúc cao nhất bao nhiêu? Anh Thanh nói: “Không biết, cây đo có tới 40 phần ngàn thôi, đưa vô nó chạy lên tới nóc biết đường nào mà đo. Ước chừng chắc cỡ trên dưới 50 phần ngàn gì đó, cá rô phi còn không lớn nổi đây nè!”.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thới Bình cho biết: Chúng tôi đang rà soát để báo cáo, tình hình chung là rất nghiêm trọng.

Toàn huyện có khoảng 47.000 ha đất nuôi tôm, chủ yếu là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và lúa tôm. Gần như toàn bộ diện tích trên đều bị thiệt hại, đa số ở mức từ 30 – 70%. Trong đó, có 26.000 ha luân canh lúa – tôm nhiều năm trước thành công năm nay thiệt hại. Nguyên nhân của thiệt hại nặng nề trên được ông Lâm khẳng định do hạn hán kéo dài, mặn xâm nhập sâu dẫn đến nhiệt độ, độ mặn trong vuông tôm tăng quá cao.

Từ những thiệt hại nặng nề trên, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước đã phải công bố thiên tai trên thủy sản. Sở NN-PTNT Cà Mau đang thống kê, rà soát lại số liệu cụ thể để có những mức hỗ trợ phù hợp cho người dân.

Theo số liệu sơ bộ khi công bố thiên tai của tỉnh, diện tích thiệt hại khoảng 53.000 ha, hơn 17.000 ha thiệt hại trên 70%. Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, diện tích thiệt hại có thể tăng thêm.

Tại Bạc Liêu, có hơn 124.000 ha đất làm các mô hình nuôi tôm. Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu, đến nay toàn tỉnh có gần 15.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Trong đó, mức thiệt hại từ 30 – 70% chiếm gần 14.000 ha.

Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu cho biết: Diện tích thiệt hại năm nay tăng khá mạnh so với gần 10.000 ha bị thiệt hại của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân làm tôm thiệt hại được ông Giang khẳng định do nắng hạn, xâm nhập mặn.

“Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn, không phải không có hạn thì tôm không thiệt hại. Nhưng nắng hạn gay gắt năm nay đã làm diện tích tôm nuôi thiệt hại nặng nề hơn”.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất