| Hotline: 0983.970.780

Dòng họ có đội tàu bám biển lớn nhất miền Trung

Thứ Tư 19/07/2017 , 14:30 (GMT+7)

Ngày anh Bùi Đình Huệ hạ thủy chiếc tàu vỏ thép trị giá 20 tỷ đồng, cả dòng họ Bùi ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, mừng không kể xiết.

Kể từ đây đội tàu của dòng họ Bùi đã có thêm một chiếc tàu lớn nhất vùng để xứng danh với dòng họ có đội tàu đi biển lớn nhất miền Trung.
 

Lớp cha trước, lớp con sau

Tiếp tôi ngay trên boong tàu vỏ thép mang tên “Đình Huệ 07”, anh Huệ kể về những ngày tháng hào hùng của cha ông mình trên biển Đông. Theo gia phả để lại, dòng họ Bùi có mặt ở vùng cửa biển Cửa Việt từ rất lâu, phải gần 10 thế kỷ nay. Sau sự kiện Lý Thường Kiệt thân chinh vào vùng đất này và đổi tên cửa Việt Yên thành tên gọi mới Cửa Việt (cửa biển này, từ nay là của người Việt) thì dòng họ Bùi cũng có mặt ở đây.

08-58-01_dong_ho_2
Anh Bùi Đình Huệ, người con cháu đầu tiên của họ Bùi đóng mới được tàu vỏ thép 67 mang tên Đình Huệ 07

Trong hành trình lịch sử oai hùng đó, con cháu của họ Bùi luôn trở thành những “cây phong ba” trên biển Đông, luôn có mặt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dù thời đó tàu thuyền của họ bé tí tẹo.

Anh Huệ so sánh vùng cửa biển này bây giờ có rất nhiều nghề khiến các thanh niên trong làng sẵn sàng bỏ nghề truyền thống đi biển của cha ông để theo ngã rẽ khác. Nhưng con cháu của họ Bùi thì không nghĩ như vậy, vẫn miệt mài bám biển. Cha của anh Huệ là ông Bùi Đình Chính năm nay gần 80 tuổi nhưng ngày đêm luôn động viên các con bám biển phát triển kinh tế. Ông Chính quan niệm “nhất nghệ tinh”, chỉ cần có nghề đi biển tốt là làm giàu không khó. Nghe ông nói ai cũng tin vì các con cháu ông đều có tàu to, xây dựng được nhà hai, ba tầng từ thu nhập đi biển. Cả khu phố con cháu dòng họ Bùi sinh sống còn có tên gọi phố “tỷ phú”.

Tuổi già, không đi biển được nữa, ông Chính luôn nhớ biển quay quắt. Biển như đã gắn vào máu thịt của ông và con cháu dòng họ này. Ông Chính sinh được 3 người con trai, tất cả đều theo cha ra biển từ tuổi 14, 15. Bây giờ ba người con trai của ông là chủ của ba chiếc tàu, tạo thành đội tàu gia đình, mỗi tàu có công suất trên 500VC, trong đó có tàu vỏ thép của anh Huệ. Có tàu to thì làm ăn thuận lợi nên mỗi chuyến đi biển các con của ông Chính đều kiếm được khoản tiền cả trăm triệu đồng.

08-58-01_dong_ho_1
Ông Bùi Đình Chình

Riêng tàu vỏ thép của anh Huệ có sức chứa 300 tấn cá cấp đông. Mỗi lần đi biển kéo dài 10 đến 15 ngày, song ra biển gặp cá nhiều đánh bắt nhanh đầy tàu thì chừng một tuần tàu của anh quay đầu về bến bán sản phẩm. Những lúc ấy chỉ cần gọi điện báo các tư thương từ Hà Nội, Đà Nẵng TP. Hồ Chí Minh… là họ chạy cả đoàn xe đông lạnh đến thu mua hết sản phẩm cho anh. Anh Huệ thừa nhận đi biển bây giờ sướng, tàu cá hiện đại, sản phẩm thu về có người đợi thu mua nên chẳng cần đi bán lẻ từng ký như ngày trước. Nếu làm ăn thuận lợi thì chỉ cần 5 năm anh Huệ sẽ trả hết số tiền nợ đã vay ngân hàng để đóng mới tàu vỏ thép.

Nối nghiệp cha ông, cháu nội của ông Chính là hai người con trai anh Huệ vừa học xong trung học cũng theo cha ra biển đánh cá. Anh Huệ tự hào nếu không có hai người con trai yêu nghề biển thì một mình anh cũng không dám nghĩ đến chuyện đóng tàu vỏ thép đến 20 tỷ đồng. Bởi vì ngoài việc được ngân hàng cho vay vốn đóng tàu thì gia đình cần phải có lao động rành nghề đi biển mới quyết định được thành công về mặt kinh tế của mỗi chiếc tàu.

Anh Huệ vui mừng vì gia đình anh chủ động được công nghệ máy móc hiện đại của tàu nên trước mỗi chuyến đi biển anh mất rất ít thời gian để tuyển dụng lao động. Ngoài lực lượng chủ lực là 3 cha con anh, thêm con cháu của dòng họ Bùi nữa thì anh có đủ số lao động cần thiết cho mỗi chuyến ra khơi.

Dòng họ Bùi có một gia đình có đội tàu đông hơn đội tàu ông Bùi Đình Chính, đó là gia đình ông Bùi Đình Chình, đội tàu này đến 6 chiếc. Ông Chình là chú của ông Chính. Tuổi già, không còn đi biển nữa, ông Chình ở nhà làm công việc vá lưới cho từng người con trai vì các con ông bận đi biển, không làm kịp. Nếu ông vá lưới cho các tàu khác sẽ được trả công 400 ngàn đồng mỗi ngày. Ông không thiếu tiền nhưng lao động với ông Chình đã thành thói quen nên ông làm việc liên tục. Mỗi ngày ông ngồi đan lưới dõi mắt ra phía biển, mong ngóng 5 chiếc tàu cá của 6 người con trai đánh bắt khơi xa trở về. Ông Chình nghỉ đi biển nhưng đã có các con trai và hàng chục cháu nội đã nối nghiệp nên ông rất yên tâm.

Bây giờ 5 người con trai đầu của ông Chình đã gầy dựng được 5 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, vươn xa ra những ngư trường rộng lớn như Hoàng Sa, Trường Sa. Người con trai thứ 6 của ông cũng đang đóng một chiếc thuyền có công suất lớn để ra làm ăn riêng. Những người con trai của ông Chình đều giàu lên từ những chiếc tàu công suất lớn từ 500 đến 800 CV của mình. Nhìn cuộc sống sung túc, con cháu được sinh sống trong những ngôi nhà bề thế được xây nên từ những chuyến biển của các con nên ông Chình luôn mãn nguyện.
 

Ầm ầm ra khơi

Ông Trân Đình Cam, Chủ tịch thị trấn Cửa Việt ví von vùng miền Trung này ít có dòng họ nào có truyền thống bám biển và có đội tàu lớn như dòng họ Bùi. Đội tàu của dòng họ Bùi đã chiếm đến khoảng 2/3 tổng số tàu thuyền đánh bắt hải sản của toàn thị trấn. Trong đó, khoảng 30/90 tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn chuyên đánh bắt ở các ngư trường như Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc bộ, Tây Nam bộ. Mỗi lần vào vụ cá Nam, nhìn đội tàu của dòng họ Bùi ầm ầm xuất bến ra khơi khiến ai cũng hết sức thán phục. Với đội tàu thuyền này, dòng họ Bùi đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động là anh em trong dòng tộc và ngư dân trong vùng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội địa phương và tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

08-58-01_dong_ho_3
Nối nghiệp cha ông, con trai anh Huệ trở thành thợ máy chính trên tàu Đình Huệ 07 vươn đến Trường Sa, Hoàng Sa

Tôi tìm gặp ông Bùi Đình Diệp, trưởng tộc họ Bùi để biết thêm về dòng họ nổi tiếng này. Ngôi nhà thờ họ Bùi bề thế, uy nghi, cổ kính được xây dựng từ sự chung tay đóng góp của con dân trong dòng họ, nằm ở thôn 4, xã Gio Hải.

Tại đây, các văn, sớ của dòng họ đã ghi lại rõ ràng: Nhờ công đức tổ tiên phù hộ và đức tính cần cù, lanh lợi của bao đời ngư dân mà cuộc sống của con cháu họ Bùi mới được sung túc như hôm nay. Gìn giữ truyền thống bám biển, giữ đất của dòng tộc, mỗi người con của dòng họ Bùi dù làm gì đi nữa cũng luôn ghi nhớ công đức của tổ tiên mà nỗ lực vượt sóng vươn xa để xây dựng tương lai. Đọc những dòng dạy dỗ truyền thống của cha ông, con cháu họ Bùi rất tự hào.

Ông Diệp kể rằng, họ Bùi có rất nhiều gia đình có hàng chục thế hệ bám biển. Nhiều gia đình bám biển không chỉ vì mưu sinh mà vì chủ quyền thiêng liêng, vì trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam khi được góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình vào việc giữ vững chủ quyền biển đảo.

Với vai trò là trưởng tộc, ông Diệp luôn truyền dạy kinh nghiệm đánh bắt hải sản, thường xuyên khuyên bảo con cháu trong gia đình, dòng tộc phải vững lòng, vững chí, gắn kết hơn với nghề biển để phát triển kinh tế. Ông luôn vận động anh em trong dòng họ tìm cách đóng mới thuyền công suất lớn và mua sắm ngư lưới cụ vươn khơi. Đã bao đời bám biển mưu sinh nên con cháu trong dòng họ Bùi luôn ý thức được giá trị và niềm tự hào mà biển khơi mang lại.

Từ việc làm của dòng họ Bùi đã tác động đến ngư dân ở địa phương. Nhiều ngư dân ở đây đã làm theo dòng họ Bùi và trở thành tỷ phú nghề biển nhờ vươn ra đánh bắt xa bờ.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.