Từ đầu năm tới nay, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đã tiêm gần 5.500 liều vacxin phòng dại cho đàn chó, mèo. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm ngừa vẫn mới chỉ đạt hơn 21,7%. Đáng chú ý, từ đầu năm, Cẩm Mỹ đã có tới 670 trường hợp người bị chó, mèo cắn cào phải tới bệnh viện tiêm vacxin huyết thanh kháng dại.
Nhiều ngày nay, ông Võ Hồng Hiệp, cán bộ thú y xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ tăng cường công tác tiêm vacxin phòng dại cho đàn chó, mèo cho những gia đình ở sâu trong rẫy xa. Địa bàn rộng, nhiều người dân sống trong các khu vực xa xôi, không thường xuyên có mặt ở nhà cũng khiến cho việc tiêm ngừa không mấy thuận lợi.
“Địa phương cũng tuyên truyền, vận động những người nuôi chó, mèo đăng ký với trưởng ấp để lực lượng thú y trực tiếp xuống tới nhà để tiêm phòng. Tuy nhiên, có khi chúng tôi phải đi về mà chưa thể tiêm được do chủ không có nhà hoặc không đồng tình với mức phí đóng”, ông Hiệp chia sẻ.
Tại thành phố Biên Hòa và các huyện cũng đang tăng cường triển khai tiêm vacxin cho đàn chó, mèo. Với số lượng đàn chó, mèo vào khoảng 300.000 con nhưng tỉ lệ tiêm vacxin mới chỉ đạt hơn 40%. Đây thật sự là lỗ hổng lớn của tỉnh trong việc phòng, chống bệnh dại.
Theo ông Thân Văn Cẩn, Trưởng phòng Chống dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, có nhiều lý do khiến tỉ lệ tiêm ngừa còn thấp, mặc dù lượng lượng thú y đã dốc sức.
“Từ cuối năm 2022, mầm bệnh dại xuất hiện trở lại nhưng do nhiều năm trước đó không ghi nhận bệnh dại nên nguồn kinh phí mua vacxin dại tiêm đại trà cho chó, mèo cũng bị hạn chế. Trước đây, nguồn kinh phí từ ngân sách nhưng hiện tại đang áp dụng xã hội hóa nên nhiều người còn ngần ngại”, ông Cẩn cho hay.
Tuy nhiên, đây cũng phải là khó khăn quá lớn. Hiện, đối với mỗi mũi chích vacxin ngừa dại, cả tiền thuốc và công đi tiêm của lực lượng thú y là khoảng 50.000 đồng. Đây là mức phí không quá cao, phù hợp với những hộ có thu nhập thấp.
“Nếu không tiêm ngừa dại cho vật nuôi, nếu chó hoặc mèo để xảy ra tình trạng cắn người mà ghi nhận dại chủ nuôi có thể bị xử phạt hành chính, hoặc truy tố hình sự nếu để xảy ra tình trạng nghiêm trọng”, ông Thân Trọng Cẩn trao đổi thêm.
Ngoài việc phủ vacxin dại cho vật nuôi, việc tăng cường đến từng nhà tiêm dại cho đàn chó, mèo còn giúp Sở NN-PTNT thống kê được chính xác được tổng số con. Chỉ khi nắm chính xác tổng đàn mới có được biện pháp phòng, chống dịch cách hiệu quả nhất.
BS.CK1 Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho rằng, chính việc tiêm vacxin còn quá thấp đang là lỗ hổng để dịch càng khó kiểm soát. Đàn vật nuôi không được bảo vệ trước virus dại thì nếu có mầm bệnh sẽ lây lan rất lớn.
“Thông qua điều tra dịch tễ mỗi khi có ổ dịch chó dại, chúng tôi nhận thấy rằng tỷ lệ chó, mèo đã được tiêm vacxin dại còn thấp nhiều so với yêu cầu. Trong khi đó, tỉ lệ chó hoang và chó thả rông rất lớn, rất khó kiểm soát dịch bệnh”, bác sĩ Phúc thông tin.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương thực hiện các đợt tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó mèo trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT cũng khẩn trương tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương hỗ trợ vacxin dại để tổ chức tiêm phòng cho đàn chó mèo trên địa bàn tỉnh trong 5 năm, từ 2024 - 2028.
“Chúng tôi phấn đấu đạt tỉ lệ tiêm vacxin ngừa dại cho đàn chó, mèo với 80%. Cùng với đó, Sở NN-PTNT cũng chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương thực hiện tổng hòa các biện pháp để chống dịch, trước mắt là hạ nhiệt tình hình dịch bệnh, sau đó là kiểm soát được số ổ dịch trên địa bàn”, ông Sinh trao đổi.