| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai lo ngại bệnh dại tăng bất thường

Chủ Nhật 24/03/2024 , 19:04 (GMT+7)

Những ngày qua, nhiều địa phương của tỉnh Đồng Nai khẩn trương rà soát việc tiêm vacxin trên đàn chó mèo nhằm ngăn chặn và phòng, chống nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại.

Thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch bệnh dại. Ảnh: Minh Sáng.

Thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch bệnh dại. Ảnh: Minh Sáng.

Liên tục xảy ra nhiều vụ chó hoang cắn người

Ngày 18/3, UBND xã Lộ 25, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, địa phương đang khẩn trương cho rà soát việc tiêm vacxin phòng dại cho động vật nuôi là chó, mèo sau khi xảy ra vụ chó hoang cắn người bị trọng thương.

Theo lời kể của chị Đặng Thị Đào, ấp 4, xã Lộ 25 huyện Thống Nhất, vào khoảng 15 giờ ngày 18/3 khi cháu bé của chị đang ngồi chơi trong nhà thì có một con chó màu đen nhìn có vẻ như đang hoảng loạn bất ngờ nhào vào cắn cháu bé. Nghe tiếng khóc thét ba cháu bé chạy ra ôm con thì cũng bị con chó ngoặm vào chân.

Sau đó, con chó tiếp tục chạy sang cắn đàn chó của nhà ông Nguyễn Sỹ Dũng ở kế bên. Hôm sau, con chó bị cắn của gia đình ông Dũng đã chết. Sự việc xảy ra khiến tâm lý của người dân trong khu vực những ngày qua rất hoang mang.

Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã lấy mẫu đi xét nghiệm và cho kết quả con chó tấn công người, vật nuôi dương tính với virus dại. Đồng thời, hai nạn nhân bị chó dại cắn sau đó cũng đã được tiêm huyết thanh kháng dại.

Chính quyền địa phương cho biết, đã triển khai các hoạt động để tiêu hủy động vật mắc bệnh và tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho người dân phòng chó dại cắn.

“Ngay sau khi xảy ra sự việc, xã đã chỉ đạo cho ấp, phối hợp với cán bộ thú y thống kê đàn chó, mèo có trên địa bàn, rà soát xem con nào đã tiêm phòng và còn hiệu lực, con nào chưa để kiến nghị huyện hỗ trợ tiêm phòng cho các đàn chó trên địa bàn”, ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch UBND xã Lộ 25 cho biết.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ chó dại cắn người khiến tâm lý của người dân trong khu vực rất hoang mang. Ảnh: Minh Sáng.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ chó dại cắn người khiến tâm lý của người dân trong khu vực rất hoang mang. Ảnh: Minh Sáng.

Tương tự, trên địa bàn huyện Trảng Bom cũng ghi nhận thêm một ổ dại trên chó tại địa bàn xã Sông Trầu. Cụ thể, hộ ông D.V.N. (ngụ tổ 10, ấp 3, xã Sông Trầu) nuôi chó lai chưa được tiêm phòng bệnh dại, nhưng hàng ngày chó được xích trong vườn mà không rọ mõm.

Mấy ngày qua, con chó có biểu hiện ủ rũ, chán ăn, chảy nước dãi, chính ông N đã bị cắn vào cánh tay trái khi đang chăm sóc chó và cho chó ăn, đồng thời bà S.L.M (vợ ông N) khi đi làm rẫy cũng bị chó cắn vào chân trái gây ra vết thương sâu, chảy máu nhiều.

Vợ chồng ông N đã báo với Trạm chăn nuôi và thú y huyện Trảng Bom để tiến hành lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm con chó bị dương tính với virus dại. Các hộ gia đình cho biết, trong khu vực này hiện đang nuôi gần chục con chó, đa số chưa tiêm vacxin phòng dại.

Theo Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu, cách nay mấy ngày, trên địa bàn huyện ghi nhận một người bị chó dại cắn. Đó là trường hợp của bà L.T.T. (ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) bị chó hoang cắn vào gót chân khi đang làm công quả trong chùa Viên Quang (xã Vĩnh Tân).

Sau đó, con chó hoang tiếp tục đuổi cắn đàn chó nuôi trong chùa (hiện chùa này đang nuôi tổng cộng 5 con chó, thả rông hàng ngày). Ngay trong ngày hôm đó, bà T. đã được tiêm vacxin phòng bệnh dại. Mọi người đã vây bắt và nhốt con chó, nhưng khoảng hai ngày sau con chó hoang đã chết. Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Vĩnh Cửu đã đến lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy, con chó dương tính với virus dại.

Sau khi xác định ổ dịch chó dại, Trung tâm Y tế huyện và UBND xã, Trạm Y tế xã Vĩnh Tân đã phun khử trùng, tiêu độc khu vực xung quanh chùa Viên Quang và toàn bộ khu vực công cộng trên địa bàn tổ 12, ấp 1, xã Vĩnh Tân.

Hiện bệnh dại đang có diễn biến phức tạp. Người dân thường chỉ đi tiêm phòng khi bị chó dại cắn. Ảnh: MV.

Hiện bệnh dại đang có diễn biến phức tạp. Người dân thường chỉ đi tiêm phòng khi bị chó dại cắn. Ảnh: MV.

Bác sĩ chuyên khoa Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu, cho biết: “Hiện bệnh dại đang có diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện 5 ổ dịch chó dại (tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái) và khoảng 10 người bị chó dại cắn trọng thương phải tiêm phòng và nhập viện điều trị. Đặc biệt, trong năm qua, toàn tỉnh ghi nhận 20 ổ dịch chó dại tại 7 huyện, thành phố và đến nay ghi nhận có 3 ca tử vong do bệnh dại”.

Theo bác sĩ Hoài, có nhiều người bị chó, mèo hoang, dại cắn rất nguy hiểm, nếu không khẩn trương tiêm huyết thanh kháng dại và vacxin phòng bệnh dại kịp thời sẽ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng.

Dịch bệnh dại đang có xu hướng tăng đột biến

Tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã có 22 trường hợp tử vong do dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp). Đặc biệt, có nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời; nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vacxin phòng dại còn thấp, chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn, dẫn đến gia tăng số ca bệnh dại trên động vật.

Tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vacxin phòng dại còn thấp, chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn, dẫn đến gia tăng số ca bệnh dại trên động vật. Ảnh: Minh Sáng.

Tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vacxin phòng dại còn thấp, chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn, dẫn đến gia tăng số ca bệnh dại trên động vật. Ảnh: Minh Sáng.

Ngày 15/3, Bộ Y tế đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dại vì theo nhận định, dịch bệnh dại đang có xu hướng tăng đột biến.

Thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỉ lệ tiêm vacxin phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố có bệnh dại lưu hành trong nhiều năm và số ca tử vong do dại cao. Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vacxin phòng dại huyết thanh kháng giải đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao.

Hiện nay, tình trạng chó thả rông ngoài đường khá phổ biến từ nông thôn đến thành thị, không chỉ tiềm ẩn tình trạng tai nạn giao thông mà tình trạng này thực sự là nỗi lo trong cộng đồng.

Do đó, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thành lập các đoàn công tác phối hợp với các đơn vị chuyên môn như thú y, y tế đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại tại các địa phương có nguy cơ cao. Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành việc tiêm vacxin phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, công tác phòng, chống bệnh dại gặp nhiều khó khăn do việc thống kê đàn chưa sát với thực tế, có thể thấp hơn rất nhiều lần, dẫn đến nhận định sai trong công tác đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Hơn nữa, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người nuôi chó, mèo không chấp hành các quy định về quản lý chó, mèo và tiêm phòng vacxin dại cho vật nuôi vẫn chưa triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết: “Việc xuất hiện các ca bệnh dại trong thời gian qua là bất thường, các biện pháp phòng, chống bệnh dại thời gian qua chưa hiệu quả, dịch bệnh có xu hướng ngày càng tăng”.

Theo ông Giang, nguyên nhân bắt nguồn từ người nuôi chó, mèo còn rất chủ quan, chưa chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh; chó, mèo đa phần thả rông, người nuôi dắt chó đi dạo không rọ mõm, khi một con bị chó dại cắn sẽ lây lan nhanh mầm bệnh dại trong cộng đồng.

Hiện nay, tình trạng chó thả rông ngoài đường khá phổ biến từ nông thôn đến thành thị, không chỉ tiềm ẩn tình trạng tai nạn giao thông mà còn là nỗi lo trong cộng đồng. Ảnh: MV.

Hiện nay, tình trạng chó thả rông ngoài đường khá phổ biến từ nông thôn đến thành thị, không chỉ tiềm ẩn tình trạng tai nạn giao thông mà còn là nỗi lo trong cộng đồng. Ảnh: MV.

Thời tiết nắng nóng như hiện nay là điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch bệnh dại. Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác phòng bệnh bằng cách không trêu đùa, nghịch chó, mèo. Những gia đình nuôi chó, mèo cần tiêm ngừa vacxin phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo, không được thả rông ra đường. Hoặc khi cho chó, mèo ra đường cần phải rọ mõm và có biện pháp bảo vệ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bộ NN-PTNT vừa có chỉ thị đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn. Đồng thời, triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại trên động vật. Các địa phương cần chỉ đạo rà soát, điều chỉnh chương trình, kế hoạch phòng, chống bệnh dại của địa phương trong năm 2024 để bảo đảm phù hợp. Trong đó, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả cao các biện pháp phòng, chống bệnh dại tại địa phương.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm