Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đã nhận được thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM về trường hợp tử vong vì bệnh dại. Nạn nhân là ông D.T.Đ (50 tuổi, nghề thợ xây), trú tại xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Theo người nhà, ông Đ là người thích chó, mèo và thường có thói quen cưng nựng, vuốt ve thú cưng. Khoảng đầu tháng 10/2023, gia đình ông Đ có nuôi 2 con chó và 1 con mèo (mèo hoang, tự đến nhà ở). Khoảng đầu tháng 11/2023, trong lúc 2 con chó và mèo nhà đang đùa giỡn và cắn nhau, ông Đ đưa tay ra ngăn cản thì bị con mèo cắn vào ngón tay. Ông Đ chỉ rửa vết thương bằng nước, được người nhà khuyên đi tiêm vacxin phòng bệnh dại nhưng bệnh nhân không đi tiêm.
Vợ ông Đ. đã để ý và theo dõi tình trạng các con chó, mèo trong nhà. Trong 3 tháng, con mèo vẫn còn sống, mang thai và đi mất, không thấy về. Hai con chó được nuôi xích nhốt, không thả rông.
Từ tháng 11/2023 đến ngày 10/10/2024, ông Đ đi xây công trình tại nhiều tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đăk Nông, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An... nhưng không ghi nhận bị chó, mèo cắn. Thậm chí, 2 con chó trong nhà ông Đ vẫn còn sống.
Tuy nhiên, đến ngày 11/10, ông Đ than tê nhiều ở cánh tay bên phải, sốt nhẹ, ớn lạnh, uống nước bị sặc, sợ gió... Ông Đ được người nhà đưa đi khám và nhập viện tại Trung tâm Y tế thành phố Tân An, tỉnh Long An. Tại đây, ông Đ được chẩn đoán nhiễm siêu vi.
Đến ngày hôm sau, tình trạng không được cải thiện nên ông Đ được chuyển viện lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM. Tại đây, bệnh nhân lên cơn co giật, sùi bọt mép, ngứa tay phải, có biểu hiện sợ nước, sợ gió.
Ngày 13/10, bệnh nhân được làm xét nghiệm và dương tính với virus dại. 18h10 ngày 14/10, bệnh nhân trở nặng và được gia đình xin đưa về nhà. 20h45 cùng ngày, bệnh nhân tử vong tại nhà.
BS.CK1 Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm, CDC tỉnh Đồng Nai cho biết, vẫn chưa thể xác định rõ được nguồn lây bệnh. Lý giải điều này, bác sĩ Phúc cho biết, từ khi bị mèo cắn từ 1 năm trước đến khi khởi phát bệnh, nạn nhân đi quá nhiều tỉnh.
“Qua khai thác thông tin của vợ bệnh nhân, cũng không thể khẳng định chắc chắn được việc ông Đ có từng bị chó, mèo cắn hoặc cào nữa hay không. Do đó, không thể xác định chắc chắn nguồn lây”, bác sĩ Phúc thông tin.
Trên địa bàn huyện Tân Phú, trong 10 năm trở lại đây, chưa ghi nhận ổ dịch dại trên chó, mèo và người. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Phú cũng điều tra sơ bộ 11 hộ dân sống xung quanh hộ gia đình ông Đ thì ghi nhận 19 con chó và 6 con mèo. Số vật nuôi này chưa được tiêm phòng vacxin dại và chưa ghi nhận bất thường trên vật nuôi như mất tích, ốm chết.
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. 2 trường hợp trước đó bị chó dại cắn nhưng không đi tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cũng đã thực hiện công tác điều tra dịch tễ, đánh giá tỷ lệ tiêm chủng ngẫu nhiên trên đàn chó mèo, rà soát các trường hợp bất thường. Riêng những người chăm sóc người đàn ông đã tử vong cũng đã được tiêm vacxin và huyết thanh kháng dại.
Ngành Y tế và NN-PTNT Đồng Nai cũng khuyến cáo, người dân cần nâng cao nhận thức, chủ động đi tiêm vacxin phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn hoặc cào, tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi. Người dân cũng cần chủ động khai báo với cơ quan chức năng khi phát hiện chó, mèo trong khu vực sinh sống có biểu hiện bất thường để lấy mẫu xét nghiệm và có hướng xử lý kịp thời.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận có 31 ổ dại trên chó ở 6/11 huyện, thành phố. Đây cũng là địa phương được ghi nhận có số xã ghi nhận xuất hiện bệnh dại đứng đầu trên cả nước. UBND thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh và các huyện cũng đang tăng cường các biện pháp để kiểm soát bệnh dại trên địa bàn như bắt chó thả rông, tiêm vacxin cho đàn vật nuôi.