| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai cứng rắn với vấn đề môi trường trong chăn nuôi

Thứ Sáu 06/10/2023 , 14:39 (GMT+7)

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai về công tác kiểm tra, đánh giá các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Môi trường Đồng Nai đang bị đe dọa do nhiều cơ sở chăn nuôi không đảm bảo yêu cầu về xử lý chất thải hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Môi trường Đồng Nai đang bị đe dọa do nhiều cơ sở chăn nuôi không đảm bảo yêu cầu về xử lý chất thải hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Sáng 6/10, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện về việc triển khai tổng kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì hội nghị.

Một lần nữa, Đồng Nai thể hiện quan điểm cứng rắn không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Ngành chăn nuôi Đồng Nai phải phát triển đồng bộ và gắn với môi trường xanh.

Môi trường đang bị bức hại do chăn nuôi

Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với 1.457 cơ sở chăn nuôi tập trung và gần 22.300 cơ sở chăn nuôi nông hộ với hai vật nuôi chủ lực là heo và gà. Tổng đàn heo là khoảng 2,5 triệu con và 26 triệu con gà.

Ngành chăn nuôi nói riêng đang đóng góp lớn vào phát triển kinh tế chung của Đồng Nai. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần phải giải quyết.

Trong đó, có cả những hộ chăn nuôi nằm giữa khu dân cư đang có hiện tượng gây ô nhiễm nước mặt nước, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Thông qua đường dây nóng của UBND tỉnh, số lượng tiếp nhận đơn thư phản ánh khiếu nại tố cáo việc ô nhiễm môi trường chăn nuôi gia súc, gia cầm gia tăng trong thời gian qua.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đi tới đâu thì vấn đề được người dân phản ánh nhiều nhất là môi trường đang bị bức tử do chăn nuôi.

Mùi hôi thối từ chăn nuôi không chỉ tấn công không gian sống mà nước thải chăn nuôi còn tràn ra sông, suối, ao hồ…

Thậm chí, nước thải chưa được xử lý còn ngấm vào lòng đất, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm tại nhiều khi vực.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu khai mạc hội nghị tổng kết kiểm tra các cơ sở chăn nuôi. Ảnh: Lê Bình.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu khai mạc hội nghị tổng kết kiểm tra các cơ sở chăn nuôi. Ảnh: Lê Bình.

Do đó, từ ngày 13/4/2023, UBND Đồng Nai đã ban hành kế hoạch để kiểm tra các cơ sở chăn nuôi nhằm đảm bảo môi trường. “Chủ trương nhất quán của Đồng Nai là sẽ không phải phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường. Cần uốn nắn các hoạt động sản xuất kinh doanh đi vào nề nếp để đời sống bà con được nâng lên”, ông Võ Văn Phi bày tỏ.

Trong 5 tháng kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, Đồng Nai tổ chức nhiều đoàn kiểm tra với 2 cấp: tỉnh và huyện. Với đoàn kiểm tra cấp tỉnh sẽ do các Sở, ngành và công an tỉnh Đồng Nai thực hiện. Tại huyện sẽ do UBND huyện và các phòng, ban thực hiện.

“Kết quả, các đoàn đã triển khai kiểm tra hơn 9.000 trang trại chăn nuôi trên toàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương khẩn trương kiểm tra, có giải pháp xử lý đối với các cơ sở vi phạm. Các cơ quan thẩm quyền đã ban hành quyết định xử phạt 164 cơ sở, tổng số tiền phạt là hơn 6,1 tỷ đồng, kèm theo đình chỉ 14 cơ sở có thời hạn”, ông Trần Trọng Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai báo cáo.

Đồng thời, có 328 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi lớn. Các trang trại nằm hầu hết tại TP Long Khánh và các huyện, trừ TP Biên Hòa.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cũng đề nghị UBND các huyện và TP Long Khánh khẩn trương kiểm tra, có giải pháp xử lý đối với các cơ sở chăn nuôi nêu trên mà không có thủ tục môi trường. Đến hiện tại, các chỉ số về môi trường tại các cơ sở đang có sự cải thiện rõ rệt.

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ, việc Đồng Nai triển khai mạnh mẽ kiểm tra môi trường đã tạo ra cú sốc với người chăn nuôi, doanh nghiệp. Điều này một phần là từ trước nay do các cơ quan quản lý có phần buông lỏng.

“Thời gian qua, Đồng Nai chưa thực hiện chặt về môi trường nên xảy ra tình trạng sốc này. Thế nhưng từ nay trở về sau, việc quản lý chặt này sẽ được thực hiện đồng bộ hơn, quyết liệt hơn. Các cơ sở chăn nuôi và doanh nghiệp phải phối hợp với UBND tỉnh, phải thích nghi với những cú sốc này để mọi công tác được uốn nắn”, ông Võ Văn Phi bày tỏ.

Nhiều hộ chăn nuôi Đồng Nai đang đầu tư hệ thống máy ép phân thô và xử lý chất thải theo quy chuẩn mới nhất. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều hộ chăn nuôi Đồng Nai đang đầu tư hệ thống máy ép phân thô và xử lý chất thải theo quy chuẩn mới nhất. Ảnh: Lê Bình.

Đồng Nai là địa phương đang thực hiện quyết liệt mục tiêu nông thôn mới nâng cao nên việc bảo vệ môi trường là tiêu chí quan trọng để đạt được mục tiêu trọng tâm của tỉnh. Đồng thời, Đồng Nai định hướng sẽ phát triển du lịch nông thôn và thu hút kinh tế toàn diện nên không để môi trường ô nhiễm là trở ngại để phát triển kinh tế tổng hòa.

Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển môi trường, đảm bảo không gian sống cho tất cả mọi người. Môi trường có ổn định, trong lành thì mới thu hút đầu tư, phát triển. Đây là bài học mà các nước phát triển đã chứng minh.

Hiện, mật độ chăn nuôi quá lớn, với 2,5 triệu con heo và 26 triệu con gà. Trong khi đó, dân số Đồng Nai là 3,2 triệu người. “Như vậy chúng ta đang sống giữa đàn heo gà còn gì nữa?! Đúng ra chúng ta cần phải tính đến bài toán này từ lâu rồi chứ bây giờ không phải đi giải quyết hậu quả. Hệ lụy từ chất thải chăn nuôi không kiểm soát thì rất kinh khủng. Doanh nghiệp chăn nuôi phải thích ứng để phát triển, nếu không cần phải chọn lựa lại hướng đi”, ông Phi nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, các cơ sở có quy mô lớn đều có tìm hiểu, đáp ứng và đầu tư công nghệ ngay từ đầu. Tuy nhiên, đối với những cơ sở có quy mô vừa và nhỏ thì do vấn đề đầu tư trước đây chưa được đồng bộ, không còn phù hợp với những tiêu chuẩn hiện hành về đảm bảo môi trường.

Ông Trần Trọng Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai: 'Các cơ sở chăn nuôi phải đầu tư và hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải mới được phép chăn nuôi trở lại'. Ảnh: Lê Bình.

Ông Trần Trọng Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai: "Các cơ sở chăn nuôi phải đầu tư và hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải mới được phép chăn nuôi trở lại". Ảnh: Lê Bình.

“Một phần nguyên nhân là do hệ quả từ lịch sử chăn nuôi từ trước. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ liên tục mở rộng diện tích chăn nuôi và cũng xử lý hệ thống nước thải theo dạng tự phát, bất khoa học. Tuy nhiên, để tiếp tục chăn nuôi thì các chủ cơ sở buộc phải đầu tư công nghệ, quy trình xử lý nước thải theo đúng quy định hiện hành”, ông Trần Trọng Toàn nêu.

Để hiện thực hóa quy định này, Đồng Nai có hàng trăm cơ sở đang bị tạm đình chỉ chăn nuôi để xây dựng các hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo tiêu chí bảo vệ môi trường.

Đừng để người dân đứng giữa ngã ba đường

Long Thành và Thống Nhất là hai thủ phủ chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai. Tại hai địa phương này có một số trang trại trước đây nằm trong quy hoạch chăn nuôi nhưng hiện nay không còn nằm trong quy hoạch chăn nuôi. Nhiều hộ đã bị yêu cầu tạm ngưng kinh doanh để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Theo quy định, quy trình xử lý nước thải sẽ bao gồm: Chất thải được hệ thống máy móc ép thô, tách chất thải rắn để ủ hoặc bán cho những công ty phân bón. Đối với nước thải sẽ được xử lý qua hệ thống hồ lắng biogas, sau đó tiếp tục sẽ được xử lý qua bể xử lý sinh khí. Đến đây, nước thải mới có thể được sử dụng cho mục đích khác, như tưới cho cây trồng.

Hiện, có đến hàng trăm trang trại tại Đồng Nai đang bỏ trống chuồng do vướng quy định về đảm bảo môi trường, có nguy cơ không kịp tái đàn cho dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Lê Bình.

Hiện, có đến hàng trăm trang trại tại Đồng Nai đang bỏ trống chuồng do vướng quy định về đảm bảo môi trường, có nguy cơ không kịp tái đàn cho dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Lê Bình.

Tuy nhiên, người nông dân cũng đang "kêu trời" bởi quy định này. Bởi, họ vừa phải đầu tư số tiền lớn cho hệ thống xử lý này, lại buộc phải ngưng chăn nuôi trong thời gian dài. Hầu hết số vốn họ đầu tư đến từ vay ngăn hàng nhưng nếu không được chăn nuôi thì lãi mẹ đẻ lãi con, không có tiền chi trả.

“Tôi đã phải ngưng chăn nuôi suốt gần 5 tháng nay và đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo yêu cầu. Tuy nhiên, cũng chưa biết khi nào mới có thể chăn nuôi trở lại. Chủ trương mình đã chấp hành và đầu tư hệ thống xử lý để bảo vệ môi trường nhưng cũng mong chính quyền sớm cho bà con chăn nuôi trở lại để có tiền trả nợ ngân hàng, ổn định cuộc sống”, anh Phan Tú, ngụ tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất bày tỏ.

Đây cũng là kiến nghị của ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai. Ông Công cũng mong mỏi các Sở, ngành cũng có sự hỗ trợ người dân trong việc thiết kế và đánh giá các hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi. Sự chuẩn chỉ trong thiết kế, thi công cũng rất quan trọng bởi tránh việc mỗi người làm một kiểu, tránh “đập đi xây lại”.

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.