Quy mô chăn nuôi top đầu cả nước
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Chi Cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk là tỉnh có quy mô chăn nuôi nằm trong top đầu cả nước.
Cụ thể, đàn trâu, bò đứng trong top 9, đàn gia cầm khoảng 13,6 triệu con, đứng trong top 7 và đàn lợn hiện khoảng 960.000 con, nằm top 5 trên 63 tỉnh, thành.
Đắk Lắk đã và đang xác định sẽ là tỉnh tiên phong trong phát triển sản xuất chăn nuôi hướng tới xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết về chương trình phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, định hướng đến 2045.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành Kế hoạch 1199 để phát triển chăn nuôi theo Chương trình phát triển chăn nuôi của Chính phủ.
“Hiện nay Đắk Lắk đã xây dựng được hơn 40 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và đang triển khai xây dựng 1 vùng an toàn tại huyện Cư Mgar. Chúng tôi xác định rằng, việc xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là hướng đi tất yếu trước mắt cũng như lâu dài trong để ngành chăn nuôi Đắk Lắk đảm bảo hiệu quả và bền vững trong xu thế ngày càng hội nhập sâu với thế giới", ông Sơn nói thêm.
Để chăn nuôi nhỏ nhưng không lẻ
Ông Trần Ngọc Sơn bày tỏ băn khoăn, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã chọn được hướng đi rất đúng đắn, nhưng phải làm gì để trở thành “thủ phủ” chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh của cả nước?.
Theo ông Sơn, cần phải có sự đồng bộ bộ máy theo Luật Thú y, các văn bản quy phạm pháp luật và theo chỉ đạo của Chính phủ. Và để thực hiện tốt theo Luật Thú y, vấn đề biên chế công chức, viên chức phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, hiện nay các doanh nghiệp chăn nuôi đầu tư vào Đắk Lắk đã và đang được hưởng những chính sách tương đối ưu đãi, đặc biệt là chính sách miễn giảm tiền thuê đất. Tuy nhiên quỹ đất để phát triển chăn nuôi đang gặp khó khăn.
Đất ở Đắk Lắk, đặc biệt là các xã vùng sâu đa số là đất có nguồn gốc nông nghiệp. Theo quy hoạch 2007 của UBND tỉnh Đắk Lắk, những diện tích có nguồn gốc đất rừng rất khó chuyển đổi. Vấn đề này đang còn nhiều vướng mắc, cần có quy hoạch lại và được Trung ương phê duyệt.
Ngoài ra, đối với việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, các doanh nghiệp cơ bản đã đáp ứng, tuy nhiên đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ vẫn còn nhiều khó khăn, dù Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có Chương trình số 13 để phát triển kinh tế tập thể. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 98 về hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất chăn nuôi…
“Đắk Lắk là tỉnh mà đa số là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, dù vậy hình thức chăn nuôi này vẫn góp phần đảm bảo thu nhập cho người dân và an sinh xã hội. Do đó, chúng ta phải xác định, đây là vấn đề lịch sử.
Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển từ đất nước có mức thu nhập trung bình thấp lên trung bình cao thì chúng ta phải đồng bộ, có những chính sách hỗ trợ chăn nuôi nhỏ lẻ, phải đưa họ vào hợp tác xã, tổ hợp tác để chăn nuôi nhỏ nhưng không lẻ, đứng vào tổ chức thì hiệu quả mới tốt hơn”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk cho biết, ngành chăn nuôi Đắk Lắk vẫn còn một số bất cập cần phải giải quyết để phát triển hiệu quả, bền vững, an toàn và đảm bảo tính kinh tế tuần hoàn; trong đó vấn đề trọng tâm là cơ chế, chính sách.